Thu hồi đất làm dự án dưới mắt một nạn nhân

Dù đã được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn nạn xã hội như: gia tăng đói nghèo, đe dọa an ninh lương thực, phát sinh bất công, dẫn tới bất ổn xã hội, song tại Việt Nam, việc thu hồi đất để thực hiện những dự án xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi giải trí,… vẫn không giảm, bất kể hiệu quả hoạt động của chúng rất thấp.
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009.05.31
Dân Tiền Giang đòi hỏi nhà nước VN phải giải quyết  đất đai cho họ Dân Tiền Giang đòi hỏi nhà nước VN phải giải quyết dứt điểm những bồi hoàn liên quan đến đất đai cho họ
Photo RFA file

Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do đã từng đề cập rất nhiều đến những vấn đề có liên quan tới nội dung vừa kể và lần này, chúng tôi chọn vụ cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện Dự Án Khu Công Nghệ Cao ở Quận 9, TP.HCM, hôm 20 và 21 tháng 5 vừa qua như một trường hợp minh họa cho vấn đề đang càng ngày càng nhức nhối này. Mời quý vị cùng nghe Trân Văn tường thuật.

Dự án xây dựng Khu Công Nghệ Cao Sài Gòn

Sau khi dự án xây dựng Khu Công Nghệ Cao Sài Gòn được phê duyệt vào khoảng đầu năm 2000, trên 3.000 gia đình có nhà, đất thuộc phạm vi tác động của dự án này ở khu vực Quận 9, TP.HCM, đã bị buộc di dời.

Chả có giấy tờ nào thông báo, chỉ có nói miệng thôi, anh ơi. Nói chung là đến bây giờ chả có văn bản nào nói đất nhà tôi nằm trong quy hoạch. Bây giờ họ cũng không trưng được bản đồ tổng thể và chi tiết của Khu Công Nghệ Cao.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ

Từ đó đến nay, việc định giá bồi thường - thu hồi – cưỡng chế giải tỏa nhà - đất của dân chúng để giao cho Ban Quản Lý Dự Án Khu Công Nghệ Cao đã trở thành nguyên nhân chính, dẫn tới nhiều vụ khiếu nại, tố cáo và một số vụ án hình sự.

Tháng 7 năm ngoái, chín nông dân từng khiếu nại chính quyền cưỡng đoạt nhà đất của họ trái với các qui định hiện hành để xây dựng Khu Công Nghệ Cao đã bị Tòa Án Quận 9 kết án tù vì “gây rối trật tự công cộng”.

Dù dự án xây dựng Khu Công Nghệ Cao Sài Gòn khiến khu vực quanh địa điểm triển khai dự án này rất nóng, thế nhưng, đến nay, việc cưỡng chế thu hồi đất vẫn được tiến hành.

Vụ cưỡng chế thu hồi đất gần nhất mới xảy ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 5. Lần này, một trong hai nạn nhân mới của dự án xây dựng Khu Công Nghệ Cao là ông Nguyễn Xuân Ngữ, cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Năm 1997, nghe theo lời kêu gọi phát triển kinh tế của Đảng, ông Ngữ bán hết tài sản, mượn thêm vốn của cả bạn bè lẫn ngân hàng để về Quận 9, mua 3.600 mét vuông đất hoang, nhiễm phèn, xây dựng trang trại… Cuối cùng, kết quả được ông Nguyễn Xuân Ngữ kể lại:

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Tôi đầu tư khoảng 500 lượng vàng SJC, xây tường bao chung quanh, ở giữa xây đồi, có nhà thủy tạ, có tiểu đảo. Cái hồ của tôi do hai vợ chồng tôi xếp hết. Tiểu đảo thì rộng một nghìn mét vuông. Nói chung là chúng tôi xây dựng vườn sinh thái và du lịch, có các cây quý như chôm chôm Thái Lan, dâu Thái Lan, vải Thái Lan, rồi nhãn, bưởi, ổi, không thiếu cái gì. Còn một khu nuôi gà tây, ngỗng, vịt xiêm, vịt ta. Thế rồi khi cưỡng chế thì tôi vẫn còn rùa và ba ba với cá.

Việt Nam làm gì có luật

Trần Văn: Thưa ông, khi mua đất vào năm 1997 thì giấy tờ về quyền sử dụng đất của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Trước khi mua tôi có tìm hiểu rồi, trong cái đó không có quy hoạch về công nghiệp mà chỉ quy hoạch khu về sinh thái. Giấy tờ tôi đều hợp pháp, nghiêm chỉnh, chứ không có vấn đề gì. Tôi có quyền sử dụng đất.

Trần Văn: Đến lúc nào thì vấn đề thu hồi đất để xây dựng khu công nghệ cao được chính quyền thông báo cho ông cũng như những người hàng xóm của ông?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Chả có giấy tờ nào thông báo, chỉ có nói miệng thôi, anh ơi. Nói chung là đến bây giờ chả có văn bản nào nói đất nhà tôi nằm trong quy hoạch. Bây giờ họ cũng không trưng được bản đồ tổng thể và chi tiết của Khu Công Nghệ Cao.

Trần Văn: Thưa ông, nếu không có thông báo quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất, thì dựa trên cơ sở nào mà chính quyền thi hành cưỡng chế vậy ông?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Bây giờ Việt Nam làm gì có luật. Họ thích là họ làm. Họ có quyền có chức là họ làm. Tôi đã nói rồi là đất nhà tôi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có bồi thường, chưa có đất tái định cư. Theo luật, thu hồi đất phải thông báo cho dân biết mục đích thu hồi để làm gì, sau đó mới đưa quyết định thu hồi đất. Các bước tiếp theo là đền bù, hỗ trợ, cấp đất tái định cư, mà tôi thì chưa có cái gì, anh ạ.

Bây giờ Việt Nam làm gì có luật. Họ thích là họ làm. Họ có quyền có chức là họ làm. Tôi đã nói rồi là đất nhà tôi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có bồi thường, chưa có đất tái định cư.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ

Trần Văn: Như vậy ông cũng không biết ông sẽ được bồi thường bao nhiêu?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Vâng.

Trần Văn: Và đến nay người ta đã san ủi, đã phá hết rồi?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Đã phá hết rồi. Vâng.

Trần Văn: Đã phá bao nhiêu mét? Đã phá bao nhiêu trong số 3.600 mét vuông đó?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Nói chung là cây của tôi thì họ cưa hết rồi, họ hạ hết. Đất thì họ chưa lấy được. Họ đốn cây và cào nhà thôi. Đất thì chúng tôi đâu có giao. Có chết chúng tôi cũng chả giao.

Trần Văn: Cào cả nhà nữa phải không?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Cào hết. Cha con tôi nay treo tấm bạt ny lông, kê vào cánh cổng sắt họ ủi đổ, làm chỗ nằm thôi. Nước không có mà tắm. Điện không có. Trước khi cưỡng chế thì họ cắt điện.

Trần Văn: Thưa ông, nếu không có chuyện cưỡng chế, thửa đất và những gì ông đã kiến tạo trị giá khoảng chừng bao nhiêu?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Nếu bây giờ mà tính tiền thì chắc khoảng trên 30 tỷ (đồng).

Có công với cách mạng

Trần Văn: Thưa ông, tôi được biết trước đây ông có tham gia Quân Đội Nhân Dân Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Vâng. Tôi cũng vinh dự được làm anh bộ đội cụ Hồ, rồi làm anh giải phóng quân, vào Miền Nam từ năm 1966.

Trần Văn: Ông phục vụ quân đội bao nhiêu lâu?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Tôi phục vụ quân đội từ năm 1965 đến năm 1976 thì tôi chuyển ngành. Nhưng mà 10 năm đó thì tôi ở trong Trường Sơn vất vả lắm, gian khổ lắm.

Trần Văn: Ông có phải là đảng viên không?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Tôi ra rồi, anh. Hồi năm 1982-1983 tôi ra rồi. Tôi thấy ở cũng không được thành ra tôi phải ra.

Trần Văn: Khi chính quyền địa phương thực hiện những chuyện như thế đối với gia đình ông và yếu tố ông đã từng phục vụ quân đội thì có được họ xét đến không?

Ông Nguyễn Xuân Ngữ: Bây giờ ai mà nghĩ đến chuyện đó nữa! Thỉnh thoảng người ta đăng lên báo, ngày lễ ngày liếc người ta làm để cho ra vẻ ơn nghĩa. Bây giờ những người càng có công với cách mạng bao nhiêu thì họ lại tìm cách họ chiếm đoạt tài sản, họ đàn áp bấy nhiêu. Các anh không biết đã đọc bài báo "Trên đồng bưng sáu xã" chưa?

Bây giờ ai mà nghĩ đến chuyện đó nữa! Thỉnh thoảng người ta đăng lên báo, ngày lễ ngày liếc người ta làm để cho ra vẻ ơn nghĩa. Bây giờ những người càng có công với cách mạng bao nhiêu thì họ lại tìm cách họ chiếm đoạt tài sản, họ đàn áp bấy nhiêu.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ

 “Trên đồng bưng sáu xã” mà ông Nguyễn Xuân Ngữ đề cập khi trả lời Đài chúng tôi là tên một bút ký của nhà báo Võ Đắc Danh, đã đăng trên tờ Văn Nghệ, số ra ngày 21 tháng 6 năm 2008, kể về cuộc sống và tâm trạng của những người nông dân ở Quận 9, bị chính quyền cưỡng chế, giải tỏa nhà - đất để xây dựng Khu Công Nghệ Cao hồi năm ngoái. Rất nhiều gia đình tan nát vì mất sạch nhà cửa, đất đai, người thân bị bắt, bị kết án tù do khiếu nại đòi công lý. Thậm chí một số người đã phát điên, trong đó có ông Tư Hảo, cựu đặc công rừng Sác, gia đình ba đời mặc áo lính… nay, sau khi mất sạch nhà cửa, đất đai, vợ và con cùng vào tù vì “gây rối trật tự công cộng”, suốt ngày tới lui, lẩm bẩm: “Ba mươi năm trước, tao về đây giải phóng Sài Gòn. Bây giờ, người ta không cần tao nữa, nhưng người ta cần đất của tao. Ðất của tao có giá hơn tao...”

Hôm 8 tháng 5, tại hội thảo có tên “Chính sách pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, diễn ra ở Hà Nội, Hội Khoa Học Đất công bố một thống kê, theo đó, chỉ dựa vào báo cáo của 49/63 tỉnh thành thì từ năm 2004 đến nay, đã có 750.000 héc ta đất bị thu hồi để thực hiện 29.000 dự án đầu tư. Tại hội thảo, một giáo sư tên Tôn Gia Huyên cho biết: Việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm từ 2003-2008 đã tác động đến đời sống của 627.000 gia đình với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu nông dân. Trong đó có từ 25%-30% tổng số lao động mất việc làm hoặc không còn việc làm ổn định, thu nhập của 53% gia đình bị thu hồi đất giảm hẳn so với trước.

Trước nữa, vào giữa năm ngoái, Bộ Tài Nguyên - Môi Trường của Việt Nam công bố kết quả một cuộc khảo sát về hiệu quả hoạt động của 12 khu công nghiệp, khu chế xuất, theo đó, tỉ lệ sử dụng đất của các nơi này đều dưới 50%, thậm chí nhiều nơi dưới 10%. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả tất nhiên của việc thiếu quy hoạch tổng thể, do vậy, chính quyền nhiều địa phương có thể “tự tung, tự tác”, tước ruộng trên tay nông dân để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển du lịch... bất kể hiệu quả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.