Người VN chi gần 360 triệu đôla mỗi năm cho ăn nhậu

Gần 360 triệu Mỹ kim dân số Việt Nam dành riêng cho khoản ăn nhậu hàng năm - số tiền bằng tổng doanh thu công nghiệp phần mềm và dịch vụ mà ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam thu được từ 2006 đến 2007.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008.08.14
Nhau-305.jpg Quang cảnh một cuộc nhậu.
Photo courtesy of TrungHieuTran's blog

Đâu quả là một con số khổng lồ đối với quốc gia đang còn nằm trong danh sách các nước nghèo nhất trên thế giới như Việt Nam, nơi mà đại đa số dân chúng thu nhập không tới 2 đô la mỗi ngày. Đó là chưa kể những tiêu tốn cho gia đình và xã hội do hậu quả của rượu bia gây nên.

Nhậu mọi nơi, mọi lúc

Tất cả các giai tầng trong xã hội, từ nghèo đến giàu, từ giới bình dân cho tới tầng lớp thượng lưu rủng rỉnh tiền bạc, từ thanh niên cho đến cao niên, và ngay cả nữ giới đều… nhậu.

Anh Lê, một cư dân ở phía Nam, do công việc yêu cầu giao tiếp nhiều nên hàng tháng cũng phải lai rai vài lần, cho biết:

Nhậu vui, nhậu “giải mỏi” cuối ngày đó mà, tan sở đi làm vài ve. Mà giờ cái nguy là không chỉ đàn ông nhậu, mà đàn bà con gái cũng bắt đầu nhậu, rồi thêm giới trẻ, giới học sinh, con gái cũng đi nhậu nữa. Nó đã thành một lề thói sinh hoạt của xã hội rồi.

Không chỉ đàn ông nhậu, mà đàn bà con gái cũng bắt đầu nhậu, rồi thêm giới trẻ, giới học sinh, con gái cũng đi nhậu nữa. Nó đã thành một lề thói sinh hoạt của xã hội rồi.

Anh Lê

Riêng cá nhân mình một tháng ít nhất cũng phải ngồi nhậu 3 lần để giao tiếp. Mỗi lần ít nhất phải chi khoảng 3 trăm ngàn, 3 lần/tháng cũng mất gần cả triệu một tháng.

Đó là nhậu bình dân, chứ còn sang trọng thì ít nhất một buổi nhậu cũng phải 1,5 triệu ở một nhà hàng trung bình, đó là chỉ uống bia chứ không uống rượu. Một chai rượu 3-4 triệu rồi, không dám uống rượu đâu.”

Anh Hùng, giáo viên ở vùng cao, nhận xét:

“Cái việc nhậu nhẹt thì người Việt mình hầu hết cũng uống nhiều ít gì đó. Đó là chuyện rất phổ biến, rất bình thường đối với đồng bào mình từ xưa tới giờ. Thanh niên choai choai học đòi nhậu nhẹt cũng có. Tình trạng nhậu nhẹt ở các cơ quan, công sở cũng có.

Nói chung là ở đâu cũng có quán nhậu, vùng nào cũng có. Cái chuyện uống rượu là một nét phong tục tạp quán của các dân tộc trên thế giới không riêng gì Việt Nam, chứ còn ở mình thì sử dụng thái quá nó trở nên có hại và là điều không tốt.”

Cả nước… nhậu?

Đối với phần đông Việt Nam, thói quen nhậu nhẹt đã trở nên một nhu cầu không thể thiếu, một nếp sinh hoạt hàng ngày, mà bằng chứng cụ thể là quán nhậu trong nước đua nhau nở rộ như nấm, đủ kiểu, đủ đẳng cấp từ bình dân đến sang trọng, đến nỗi có người đã ví von rằng ở Việt Nam có nhiều nơi kiếm bệnh xá, trường học rất khó, nhưng đi tìm quán nhậu thì chẳng phải nhọc công.

Nói cách khác, tại Việt Nam những cơ sở thiết yếu cho đời sống con người như trường học có thể thiếu, bệnh viện có thể chưa đủ, nhưng không hề thiếu… quán nhậu.

Người khách hàng “bất đắc dĩ” phải “đóng góp” cho các quán nhậu vì nhu cầu công việc, tiếp lời:

Toàn bộ đất nước này, chỗ nào quán nhậu cũng nhiều hết. Bất cứ chỗ nào nhậu cũng được. Tỉnh nào, thành phố nào cũng đầy dẫy quán nhậu. Tôi thấy chiều nào cỡ chừng 4-5 giờ là các quán nhậu đầy nghẹt người.

Người lao động thì nhậu bình dân, có thể chỉ cần 1 xị rượu 2,3 ngàn là nhậu được rồi. Còn công nhân viên chức thì nhậu sang hơn gồm bia hơi, bia chai. Thì bữa nhậu như tụi tui là thành phần thu nhập trung bình thôi thì phải mất vài chục đô rồi.

Toàn bộ đất nước này, chỗ nào quán nhậu cũng nhiều hết. Bất cứ chỗ nào nhậu cũng được. Tỉnh nào, thành phố nào cũng đầy dẫy quán nhậu. Tôi thấy chiều nào cỡ chừng 4-5 giờ là các quán nhậu đầy nghẹt người.

Chứ còn giám đốc trở lên họ nhậu kiểu khác, họ nhậu thường xuyên luôn, rút rỉa của công hoặc kiếm mánh mung, đại khái cũng do tiền tham nhũng, ăn chặn, ăn bớt gì đó.”

Tác hại của bia, rượu

Lạm dụng bia rượu sẽ dễ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình và xã hội như tình trạng bạo hành, đe doạ tính mạng cả người nghiện và những người xung quanh mà cụ thể là tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam năm nào cũng ở mức cảnh báo đáng quan ngại.

Ngoài ra, uống bia rượu quá đà cũng là nguyên nhân của vô số bệnh tật tàn phá sức khoẻ, như lời bác sĩ Hùng, chuyên nội khoa, thuộc Trung tâm y tế Bolsa ở Nam California:

Uống nhiều rượu bia quá sẽ bị viêm, chảy máu bao tử, bị chai gan, viêm gan, tỷ lệ bị đột quỵ và bán thân bất toại nhiều hơn, tim bị giản nở không co bóp nhiều, dây thần kinh chân tay không hoạt động tốt nữa, về sau tay chân sẽ bị run rẩy, và làm cho người ta hay quên.

Tệ nạn bia rượu không những hại cho chính mình mà cho gia đình mình nữa. Nhiều gia đình không được yên ấm vì bố hay mẹ nghiện rượu, con cái về sau cũng bị nghiện theo.”

Giới nghiện rượu hiểu biết về tác hại của ma men như thế nào? Chúng tôi tình cờ hỏi thăm một dân nhậu tại Biên Hoà, anh trả lời ngay: “Uống bia rượu nhiều thì ảnh hưởng đến gan và thần kinh.”

Giáo chức ở miền cao tiếp lời:  Mình cũng thường nghe các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo là uống rượu nhiều sẽ gây ra nhiều thứ bệnh như bệnh gan hay tâm thần, hoặc xảy ra nhiều vấn đề về đạo đức hay về ứng xử..v..v..nói chung rất nhiều. Báo chí họ cũng nói nhưng mọi người ít để tâm lắm!”

Thay đổi Văn hóa…. nhậu

Giới chuyên môn vẫn không ngừng cảnh báo, các phương tiện đại chúng vẫn ra rả tuyên truyền, giáo dục, thế nhưng, số người làm bạn với ma men cũng như số quán nhậu vẫn gia tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ thương vong, bệnh tật vì bia rượu.

Tệ nạn bia rượu không những hại cho chính mình mà cho gia đình mình nữa. Nhiều gia đình không được yên ấm vì bố hay mẹ nghiện rượu, con cái về sau cũng bị nghiện theo.

BS Hùng, California

Làm thế nào để thay đổi “văn hoá nhậu nhẹt” vốn đã ăn mòn trong cách sống, nếp nghĩ, và thói quen của số đông dân chúng tại Việt Nam?

Giới chuyên gia đề nghị: “Tôi nghĩ phải dạy các em nhỏ ngay từ trong trường, bậc tiểu học, giúp các em hiểu được cái hại của rượu và nghiện rượu như thế nào. Từ đó cái văn hoá nhậu nhẹt sẽ bớt đi. Ta phải thay đổi ngay từ gốc rễ.”

Và làm cách nào để giúp những người trót đã nghiện rượu nói không với chất uống độc hại này?

Vẫn theo lời bác sĩ Hùng: “Cần nhiều sự giúp đỡ của cán sự xã hội, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, bạn bè và gia đình cùng họp lại giúp đỡ người nghiện rượu, nhất là bản thân người đó phải có lòng quýêt chí từ bỏ. Chính phủ có lẽ phải phạt tù những người say rượu lái xe, đụng xe thì may ra người ta sợ, thì tỷ lệ nghiện rượu có thể bớt đi.”

Mức thuế nhà nước Việt Nam áp dụng cho các sản phẩm rượu bia nhập khẩu hiện từ 20-75% chưa được đánh giá là một biện pháp giúp giảm bớt tệ nạn nhậu nhẹt khi mà vô số các chủng loại nước uống có cồn vẫn thi nhau chen chân vào thị trường tiêu thụ hấp dẫn tại Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.