Hàng trăm gia đình khánh kiệt, quân đội vô can? (phần 1)

Hôm 4 tháng 3, hàng trăm người dân ngụ tại các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đổ về thành phố Vinh, biểu tình trước Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Vì sao, mời quý vị theo dõi Trân Văn tường trình...
Trân Văn, phóng viên RFA
2010.03.05
Hôm 4-3-2010 hơn 100 người xuống đường biểu tình ở thành phố Vinh, tố cáo lãnh đạo Quân Khu 4 lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hôm 4-3-2010 hơn 100 người xuống đường biểu tình ở thành phố Vinh, tố cáo lãnh đạo Quân Khu 4 lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình do thính giả gửi đến RFA

Chết vì uất

Các biểu ngữ được những người biểu tình trương ra trước cổng Bộ Tư lệnh Quân khu 4, hôm 4 tháng 3, cho thấy, một đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu này là Sư đoàn 324, có Bộ Chỉ huy đặt tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm quân nhân trong sư đoàn, cũng như thân nhân của họ.

Theo những người biểu tình, suốt từ đầu năm 2006 đến đầu năm 2009, một thượng tá tên là Đặng Đình Tiến, Tham mưu phó Sư đoàn 324 đã cùng bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Công ty giới thiệu việc làm Bắc Miền Trung, có trụ sở đặt tại thành phố Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An, đến các trung đoàn, tiểu đoàn của Sư đoàn 324 để phổ biến chủ trương mới của Bộ Quốc phòng. Đó là, quân đội sẽ đưa những quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi lao động tại Hàn Quốc.

Khi được nghe tư vấn tại đơn vị, tôi điện thoại về cho ba và ba đã đi vay tiền. Vừa vay ngân hàng, vừa vay lãi suất cao của những người trong làng.

Anh Hoàng Văn Thiện

Ông Tiến và bà Hoa đã tổ chức nhiều buổi tư vấn cho cả quân nhân, lẫn thân nhân của các quân nhân về việc thực hiện chủ trương đó. Theo kế hoạch phối hợp giữa Sư đoàn 324 và Công ty giới thiệu việc làm Bắc Miền Trung, nếu muốn đi lao động tại Hàn Quốc, mỗi quân nhân sẽ phải đóng khoảng 120 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, các quân nhân sẽ được rời đơn vị để đi học nghề, học Hàn ngữ rồi sẽ được cho xuất ngũ để lên đường.

 Đến nay, có ít nhất 104 gia đình quân nhân ở bốn tỉnh: Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã dốc hết vốn liếng, rồi thế chấp nhà đất, vay mượn thêm giấy tờ nhà, đất của người khác, thậm chí vay nóng, chấp nhận trả lãi cao để con, em của mình được sang Hàn Quốc làm thuê. Một vài nạn nhân cho biết, có gia đình mượn tới 11 bộ giấy tờ nhà, đất của gia tộc, của hàng xóm để thế chấp, gom cho đủ 120 triệu đồng.

Tuy nhiên sau khi đã học nghề, học Hàn ngữ, không quân nhân nào trong số này được xuất ngoại, đi làm thuê ở nước ngoài. Các gia đình ngập trong nợ, chưa kể lãi chồng lãi.

Hôm 4-3-2010 hơn 100 người xuống đường biểu tình ở thành phố Vinh. Hình do thính giả gửi đến RFA.
Hôm 4-3-2010 hơn 100 người xuống đường biểu tình ở thành phố Vinh. Hình do thính giả gửi đến RFA.
Giờ chót, kế hoạch đưa những quân nhân của Sư đoàn 324 đi lao động tại Hàn Quốc theo chủ trương của Bộ Quốc phòng mang đầy đủ dấu hiệu của một vụ lừa đảo.

Tuyệt vọng, có người như ông Hoàng Văn Ngôn, ngụ ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đột tử. Con trai ông Ngôn là anh Hoàng Văn Thiện, 23 tuổi, cựu quân nhân của Sư đoàn 324, kể: “Khi được nghe tư vấn tại đơn vị, tôi điện thoại về cho ba và ba đã đi vay tiền. Vừa vay ngân hàng, vừa vay lãi suất cao của những người trong làng...

Ngày 6 tháng 5 năm 2009, tôi từ ngoài Vinh vào thông báo lại cho ba biết sự việc thì ba không nói gì cả... Sau đó khoảng 9, 10 giờ, tôi đang ngủ thì nghe mẹ gọi là xuống mà... qua với bố mà... tôi qua thì... một lúc sau bố đi...”  

Ai chịu trách nhiệm?

Sau khi bà Nguyễn Thị Kim Hoa và Thượng tá Đặng Đình Tiến không thực hiện điều họ từng hứa, các nạn nhân đã yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An can thiệp, song công an từ chối điều tra vì không có thẩm quyền can dự vào những vụ việc liên quan đến quân đội.

Những quân nhân từng đóng tiền để được đi làm thuê ở Hàn Quốc và thân nhân của họ, yêu cầu Sư đoàn 324 giải quyết nhưng Bộ Chỉ huy sư đoàn này làm ngơ.

Chúng tôi yêu cầu dứt khoát các anh phải cho chúng tôi gặp tư lệnh. Nó không cho thì chúng tôi bực, cho nên biểu tình.

Ô. Nguyễn Văn Triều

Đơn kêu cứu liên tục được gửi tới Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Thậm chí gửi cả tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đề nghị giúp đỡ trước khi hàng trăm gia đình mất sạch nhà cửa, đất đai,... song tất cả đều im lặng.

Biểu tình đã từng nổ ra vài lần ở huyện Triệu Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi Sư đoàn 324 đặt Bộ Chỉ huy và đến ngày 4 tháng 3, biểu tình bùng phát trước Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Ông Nguyễn Văn Triều, ngụ tại xã Tây Thành, huyện Diên Thành, tỉnh Nghệ An, cha của một quân nhân từng đóng tiền với hy vọng được đi làm thuê ở Hàn Quốc kể về cuộc biểu tình mới xảy ra:

Hôm nay, đoàn chúng tôi vào 8 người, của 4 tỉnh, đòi cho gặp được Tư lệnh. Chúng tôi có ba vấn đề. Một là đề nghị Quân khu 4 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ lừa đảo này. Hai là phải giải quyết trả tiền lại cho dân trên tổng số là 104 hộ. Thứ ba là phê bình thái độ vô trách nhiệm, đối xử với dân oan tiếp đón không nồng nhiệt nhưng hắn thoái thác.

Dân oan Thanh Hóa xuống đường biểu tình ở thành phố Vinh. Hình do thính giả gửi đến RFA.
Dân oan Thanh Hóa xuống đường biểu tình ở thành phố Vinh. Hình do thính giả gửi đến RFA.
Chiều nay, chúng tôi yêu cầu dứt khoát các anh phải cho chúng tôi gặp tư lệnh. Nó không cho thì chúng tôi bực, cho nên biểu tình. Cuối cùng là gặp được tư lệnh, tham mưu trưởng và thanh tra, rồi giám đốc công an.

 Hắn có lập biên bản và trả lời với dân là hắn có sai và dân cũng có cái sai nhưng mà cái sai của dân là thông cảm. Hắn nói là nói qua loa, đại khái thế thôi nhưng mà hắn vẫn có biên bản, chữ ký và bảy, tám ý kiến của dân đề xuất. Hắn ký và hắn đã đóng dấu, gửi cho bốn tỉnh là bốn bản.”

Tại sao một câu chuyện, có vẻ như chỉ liên quan đến một vài sĩ quan quân đội, hoặc xa hơn là liên quan đến bộ chỉ huy một sư đoàn lại trở thành vấn đề mà bộ tư lệnh một quân khu phải chịu trách nhiệm? Các nạn nhân dựa vào đâu để đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ như vậy? Đó sẽ là nội dung bài kế tiếp. Mời quý vị đón xem.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.