Hiện tình người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan

Theo thông tin của các tổ chức ngoài chính phủ, số người tỵ nạn từ Việt Nam sang ẩn lánh ở Thái Lan hiện đã lên đến một vài trăm.
Nhã Trân, phóng viên RFA
2009.02.20

Mới đây Nhã Trân có dịp trao đổi với một số người gốc Việt và được biết tình cảnh của họ hiện nay.

Bị từ chối quy chế tị nạn

Những người gốc Việt tỵ nạn tại Thái mà Nhã Trân hỏi thăm thuộc nhiều thành phần xã hội và lứa tuổi khác nhau, nhưng có chung một lý do rời quê hương, mà theo lời họ là vì bị chính quyền ngược đãi, áp chế như bắt giam, đánh đập, thường xuyên sách nhiễu. 

Bị từ chối quy chế tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn LHQ sau khi từ Việt Nam chạy qua  Thái Lan, những ngưòi này đang phải nương náu tại đây  bất đắc dĩ.  Trong số đó có những người đã rời Việt Nam từ cả chục năm, có người mới đi khoảng hơn 1, 2 năm. 

Trao đổi với một số người cho thấy dù thời gian sống ở đất Thái nhiều hay ít tất cả đều không có sự lựa chọn nào khác là phải sống trong tình trạng trốn lánh vì có thể bị phía Thái Lan cũng như phía Việt Nam bắt bất cứ lúc nào. 

Không giấy tờ cư trú hợp pháp tại Thái và không được một trợ giúp nào của chính quyền xứ này, cuộc sống của họ gian truân, bấp bênh.

Vì sao phải rời bỏ VN?

Một trong những người này, đến Thái từ hơn 6 năm nay, chia sẻ: 

Bà Trần Kim Tiên: Tôi tên là Trần Kim Tiên.  Tôi sang Thái Lan hồi năm 2002.

Nhã Trân:  Xin chị cho biết sơ qua, nhắc lại lý do chị phải chạy khỏi Việt Nam?

Bà Trần Kim Tiên:  Tôi chạy khỏi Việt Nam vì đã đứng ra tổ chức biểu tình ở 6 tỉnh miền Tây đòi dân chủ nhân quyền, đòi nhà đất.

Nhã Trân:  Nhà đất của chị bị cưỡng chiếm hay sao thưa chị?

Bà Trần Kim Tiên:  Dạ đất bị cưỡng chiếm.  Nhà nước ra quyết định tịch thu nguyên khu đất của tôi cũng như của 44 hộ khác. 

Nhã Trân:  Chị có thể tóm tắt trưòng hợp của chị, về việc đã xin hưởng quy chế tị nạn, nhưng không được chấp nhận ra sao?

Bà Trần Kim Tiên:  Từ lúc sang Thái Lan tôi đã gửi đơn xin tỵ nạn lên LHQ.  Họ đã từ chối đơn của tôi, và không nói rõ lý do.  Họ chỉ phát cho cái đơn từ chối y như đơn của những ngưòi bị từ chối khác, mà không cho biết lý do tại sao. 

Nhã Trân:  Hình như chị bị từ chối đến 2 lần?

Bà Trần Kim Tiên:   Dạ đúng.  Tôi bị từ 2 lần lận.  Lần thứ nhất là hồi giữa năm 2002 khi tôi xin tỵ nạn.  Lần kế đó là khi tôi nộp đơn hồi cuối năm 2003. 

Nhã Trân:  Và từ lúc bị từ chối quy chế tỵ nạn chị đã lưu lại ở Thái Lan.  Chị đã sinh sống như thế nào, và có được một cơ quan, tổ chức nào của Thái giúp đỡ không?

Bà Trần Kim Tiên:  Sau khi bị từ chối thì cuộc sống của tôi rất là vất vả tại vì mình là người sống bất hợp pháp mà.  Lúc nào coi như là cũng bị khủng hoảng tinh thần.  Lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi.

Nhã Trân:  Như thế là hiện giờ chị vẫn sống trong tình trạng lẩn tránh ở Thái, và không biết có cách nào để thoát khỏi cảnh hiện nay?

Bà Trần Kim Tiên:  Dạ tôi từng làm đơn xin LHQ mở hồ sơ để cứu xét  trường hợp dân oan của tôi, nhưng tôi chưa thấy hồi đáp. 

Nhã Trân:  Và chị có thể bị bắt lại, bị trục xuất khỏi Thái Lan  bất cứ lúc nào?

Bà Trần Kim Tiên:  Dạ.  Nếu như bắt được chúng tôi thì họ sẽ giam và trục xuất chúng tôi về Việt Nam.   Bây giờ chính quyền Việt Nam đang truy bắt chúng tôi, nói là tôi hoạt động chính trị, là tôi phản động, chống lại chế độ cộng sản. 

Đi về đâu?

Một người Việt khác cũng trong cảnh ngộ tương tự, cho biết trưòng hợp của ông: 

Ông Trần Văn Tràng:  Tôi tên là Trần Văn Tràng, ra đi từ quê nhà của tôi là Hậu Giang, đến Campuchia và sau cùng là đến Thái Lan.  Hiện giờ tôi đang ở Thái Lan. 

Nhã Trân:  Và anh đã từng nộp đơn lên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ để xin tỵ nạn nhưng đã bị bác đơn?

Ông Trần Văn Tràng:  Dạ vào năm 2003 tôi đã có nộp đơn xin Cao Ủy Tị Nạn LHQ ở Thái Lan, và sau 2 lần phỏng vấn tôi đã bị từ chối.

Nhã Trân:  Anh có thể tóm tắt lý do bị từ chối quy chế tỵ nạn?

Ông Trần Văn Tràng:  Họ nói là tôi không đưa ra những bằng chứng là tôi bị nguy hiểm đến tính mạng.  Thật ra sau khi miền Nam thất thủ gia đình tôi là người Công Giáo và anh em tôi là lính Việt Nam Cộng Hòa cho nên bị kỳ thị, bị cưỡng bức lao động và không có nhân quyền. 

Tất cả mọi sự, làm ăn, đi lại nói chung là bị đàn áp. Chánh quyền quy cho gia đình tôi và tôi là chống lại chế độ.  Họ luôn luôn răn đe và kềm kẹp [chúng tôi] trong một khuôn khổ rất là khó thở. 

Nhã Trân: Thưa, anh đang sống ở Thái Lan.  Xin anh cho biết tình cảnh sống của anh hiện nay ra sao?

Ông Trần Văn Tràng:  Dạ rất là khó khăn.  Nói chung là sau khi bị từ chối [quy chế] tỵ nạn thì gia đình tôi cũng như các anh em khác rất là khó khăn.  Cái thứ nhất là không có giấy tờ hợp pháp.  Cái thứ hai không có điều kiện để mưu tìm cho cuộc sống. 

Ngoài xã hội thì bị phân biệt đối xử và bị kỳ thị về nhiều mặt, chẳng hạn như về nhân quyền, về vấn đề giáo dục, về vấn đề y tế, và an sinh xã hội. 

Nói chung chúng tôi bị đẩy vào một góc tường, rất là khổ sở.  Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự chịu đựng, và không có gì gọi là thoải mái hay gọi là mang tính cách một con người trọn vẹn. 

Nhã Trân:  Như vậy là trong thời gian này xem như anh không có một triển vọng định cư nào vì đã bị từ chối 2 lần, và anh có thể bị truy lùng, bị bắt bất cứ lúc nào?

Ông Trần Văn Tràng: Họ không nhìn nhận là mình được Cao Ủy công nhận, chứ họ không biểu mình phải về Việt Nam hay phải đi đâu.  Có nghĩa là họ không có trách nhiệm sau khi họ đã bác đơn mình.

Nhã Trân:  Vâng và anh tiếp tục ở lại trong tình trạng trốn lánh như thế này, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào?

Ông Trần Văn Tràng:  Dạ thì tôi đâu có cách nào lựa chọn, mà phải sống.  Sống cuộc sống mà mình không chấp nhận cũng phải sống.  Sống với cái tính chất là nửa là người, nửa không phải là người.

Nhã Trân:  Xin hỏi anh một câu cuối, lý do nào anh không muốn trở về Việt Nam, không muốn hồi hương?

Ông Trần Văn Tràng:  Là vì, thứ nhất, chúng tôi là những người mà chế độ cộng sản không chấp nhận.  Thứ hai, chúng tôi đã mang cái hồ sơ tỵ nạn.  Đó là những cái bằng chứng.  Chính quyền Việt Nam sẽ đàn áp chúng tôi rất là dã man. 

----------------------

Trên đây là cảnh ngộ của hai trong số hàng trăm người tỵ nạn Việt Nam đang phải ẩn náu ở Thái Lan.  Những người trao đổi với Nhã Trân bày tỏ rằng họ đang mòn mỏi hy vọng sớm có ngày thoát khỏi hoàn cảnh sống hiện thời.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.