Mở trường hay mở công ty?

Tại các phiên họp quốc hội Việt Nam mới đây, nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành giáo dục đã được một số đại biểu đưa ra trước diễn đàn.

0:00 / 0:00

Những hiện tượng tồn tại được các dân cử đề cập tới là việc cấp phép cho mở trường quá dễ dãi, thực chất đào tạo sinh viên còn thấp, xử lý chậm các trường đại học sai phạm.

Về phía một số quan chức thì cho rằng, từ 30 năm qua, chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam bị bỏ ngỏ. Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết về thực tế này.

Thiếu chất lượng

Đối với các phương hướng đổi mới ngành giáo dục đại học, cải tiến công việc giảng dạy, thực nghiệm, nhiều đại biểu quốc hội nhấn mạnh rằng, chánh phủ cần tập trung đánh giá chất lượng dạy và học tại các trường, bên cạnh đó cũng cần nâng cao công tác quản lý, chú trọng đến phần thực hành, để sau này khi ra trường, sinh viên có thể tìm được việc làm thích hợp, mà không bị rơi vào cảnh thất nghiệp lâu năm.

Giải pháp cải cách chế độ tiền lương cũng được nói đến để các giảng viên chú tâm vào chuyện nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn và nghiên cứu khoa học.

Một số hiện tượng tiêu cực khác được các đại biểu đưa ra mổ xẻ là việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, căn bệnh chạy theo thành tích còn khá phổ biến, đặt người phụ trách chưa đúng chỗ, dù không đủ điều kiện các trường đại học vẫn được phép thành lập và hoạt động.

Ngay cả hội nghị của trung ương vừa rồi cũng đã xác định là giáo dục phát triển chậm.

GS Võ Thế Lực

Đối với nội dung các chương trình giảng dạy hiện thời, một số đại biểu cho rằng công tác đào tạo vẫn nặng về phần lý thuyết, thiếu thực tế, nếu không muốn nói là lạc hậu, chậm tiến, vì nhiều trường vẫn còn sử dụng giáo trình của những năm 1960, 1970.

Khi được hỏi ý kiến và nhận định về nền giáo dục đại học Việt Nam, Giáo sư Võ Thế Lực, Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập cho biết:

“Đất nước Việt Nam luôn luôn thay đổi, người Việt Nam rất thông minh, họ có thể làm cái gì cho phù hợp với môi trường phát triển giáo dục để đưa nền giáo dục Việt Nam thoát khỏi khó khăn hiện nay. Ngay cả hội nghị của trung ương vừa rồi cũng đã xác định là giáo dục phát triển chậm.

Sắp đến, tôi nghĩ là Việt Nam sẽ đưa được nền giáo dục của mình vượt qua khó khăn, phải cố gắng đưa chất lượng giáo dục hội nhập với khu vực và với thế giới trong thời gian sắp đến.”

Khoan tính tới đại học đẳng cấp quốc tế

Vẫn theo Giáo sư Võ Thế Lực thì công việc cải tiến phải bắt tay thực hiện trước mắt là những bước cụ thể, chứ đừng vội tính tới chương trình xây dựng đại học có đẳng cấp quốc tế:

“Tốt nhất là phải dựa vào cái hiện có của ta, có thể không phải là áp dụng cho toàn trường, mà cải tiến từng khoa, từng bộ môn, nâng cao những gì có sẵn thì dễ hơn là chuyện thành lập trường, bỏ ra một lượng đầu tư rất lớn, nhưng cần khả năng con người để mà quản lý, vì không những xây dựng trường mà cần con người, thì tôi nghĩ là chưa chắc đã chuẩn bị kịp, để quản lý cơ sở như vậy, tôi thấy đó là chuyện xa vời.”

Qua câu chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thì ông cũng cho rằng dự án thành lập đại học đẳng cấp quốc tế có thể được xúc tiến, nhưng chưa phải vào lúc này:

Trước hết, mình phải làm sao nâng cao chất lượng giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, tức là yêu cầu của thị trường lao động hiện nay, cái này mình chưa đạt được, lại mong xếp hàng thứ bao nhiêu của thế giới, tôi cho là việc ấy vội vã.

TS Nguyễn Minh Thuyết<br/>

“Hy vọng của mình sẽ có lúc thành tựu, chứ không phải là chuyện xa quá, rồi đây các đại học của Việt Nam sẽ có tên trong số các đại học hàng đầu của quốc tế.

Nhưng ngay trước mắt chưa nên đặt ra vấn đề đó, hiện nay trong nước có một số anh chị em sốt ruột, rồi các nhà quản lý cũng muốn thực hiện kế hoạch đó, đặt ra những cái mốc, đến năm nào thì Việt Nam có bao nhiêu trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, đứng vào top 200 hay 300.

Nếu không khéo thì đó lại là một bệnh chạy theo thành tích mới.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết thì chánh phủ nên nhìn kỹ vào thực tế:

“Trước hết, mình phải làm sao nâng cao chất lượng giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, tức là yêu cầu của thị trường lao động hiện nay, cái này mình chưa đạt được, lại mong xếp hàng thứ bao nhiêu của thế giới, tôi cho là việc ấy vội vã, nhưng trong tương lai, chắc chắn mình sẽ phấn đấu như thế.”

Chạy theo thành tích, lợi nhuận

Về căn bệnh chạy theo thành tích trong ngành giáo dục tại Việt Nam, mà tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết có nhắc lại vừa rồi, Giáo sư Võ Thế Lực cũng mong là rồi đây hiện tượng này phải có ngày chấm dứt:

“Tôi hy vọng việc này sẽ khắc phục được nhưng cần phải có thời gian, vì hàm số này còn lệ thuộc vào nhiều đáp số khác của xã hội, của nhân dân, của đời sống và nhiều vấn đề nữa, chứ không thể nói ngày một, ngày hai được.”

Vẫn theo nhận định từ các đại biểu quốc hội thì nhiều trường đại học ngoài công lập được thành lập chỉ vì mục đích kiếm lợi nhuận, điều đó có nghĩa là đầu tư, mở trường không khác nào đứng ra thành lập công ty doanh nghiệp để thu lợi chứ không phải hướng đến việc đầu tư kiến thức, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Qua nhận định đó, nhiều đại biểu nêu ý kiến là chánh phủ phải giải thể các trường đại học thiếu tiêu chuẩn, không đáp ứng đúng nhu cầu giáo dục, đào tạo vì từ tình trạng yếu kém đó, các sinh viên sẽ là người trực tiếp bị ảnh hưởng và phải gánh chịu mọi hậu quả.

Học giả bằng thật

dai-hoc-van-hoa-classroom-250.jpg
Một lớp học tại trường Đại học Văn Hóa Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.

Ngoài ra, tình trạng học giả, đào tạo tại chức, nhưng được cấp bằng thật trở nên phổ biến, khiến nhân lực thuộc diện này không đáp ứng nhu cầu thực tế hoặc không cáng đáng nổi trách nhiệm được phân công.

Trước thực trạng không mấy hứa hẹn, khó vươn lên, chậm cải tiến của giáo dục đại học Việt Nam, vậy những hiện tượng tiêu cực ấy có thể được giải tỏa hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh:

“Trước hết là phải ngưng ngay hoạt động của các trường không đủ điều kiện đào tạo, cụ thể như thế nào, báo cáo giám sát của quốc hội cũng đã chỉ ra.

Đối với các trường hiện nay thì cần phải xử lý nghiêm những trường có sai phạm, hoặc những trường chưa đảm bảo điều kiện đào tạo những ngành nhất định, thì cần phải có tuyển sinh ở những ngành đó.

Phải sớm thành lập các cơ quan kiểm định của bộ giáo dục, cũng như các tổ chức kiểm định độc lập hoạt động theo pháp luật. Phải thực hiện ngay, phổ biến sớm công khai kết quả kiểm định các trường đại học trong nước.

Kế đó là việc lành mạnh hóa thị trường lao động, vì nếu thị trường này phát triển không mạnh hay không lành mạnh đối với những tiêu chí tuyển dụng không được minh bạch, công khai, công bằng thì việc đào tạo cũng không đạt kết quả.”

Trước hết là phải ngưng ngay hoạt động của các trường không đủ điều kiện đào tạo, cụ thể như thế nào, báo cáo giám sát của quốc hội cũng đã chỉ ra.

TS Nguyễn Minh Thuyết

Giáo sư Võ Thế Lực cũng trình bày những suy nghĩ của ông về một nền giáo dục đại học, trong tương lai:

“Hy vọng nền giáo dục đại học sẽ sớm phát triển và đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ cao, để đuổi kịp sự phát triển khoa học của thế giới.

Kế đó là có nguồn nhân lực để thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa để Việt Nam xây dựng thành công đất nước dân chủ, công bằng và văn minh.”

Theo phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trước đây kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng giáo dục và đào tạo thì, nhìn vào thực tế, trong vòng 30 năm qua, nhà nước Việt Nam chưa thật sự quản lý được chất lượng giáo dục bậc đại học vì chưa có cơ quan chuyên trách quản lý về nhân lực, chương trình, cơ sở vật chất, hàng năm chưa có đánh giá thực tế, báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Về phía dư luận và báo giới thì cho rằng, công việc quản lý giáo dục đại học hiện vẫn còn nhiều trì trệ, không có bước cải tiến nào đáng kể, thiếu giải pháp kiên quyết, vì thế chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn bị tụt hậu trước những đòi hỏi cấp bách của nhu cầu phát triển đất nước và xã hội.

Theo dòng thời sự: