Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?

Giá lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cao bất thường từ hơn một tháng qua. Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng này và ai là người được hưởng lợi ở giai đoạn cuối vụ hè thu hiện nay.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.09.12
000_Hkg3834094-3005.jpg Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở tỉnh Tiền Giang hôm 06 tháng 7 năm 2010.
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Tăng trái thông lệ

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trung bình 50 USD/tấn trong vài tuần qua, gạo trắng cùng loại của láng giềng Thái Lan cũng tăng tương tự. Sự kiện này góp phần ảnh hưởng tới tình trạng giá lúa gạo tăng ở đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những nguyên nhân khác như hợp đồng xuất khẩu giao hàng dồn cục trong hai tháng 8-9, cũng như chuyện người Trung Quốc có mặt tại chỗ đặt hàng thương lái mua gạo chở qua biên giới phía Bắc theo đường xuất tiểu ngạch.

Mọi năm lúa hè thu là vụ lúa ế giá thấp, năm nay điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Lúa ế giá thấp xảy ra từ đầu vụ đến cuối tháng 7, có thể nói hơn 80% nông dân làm lúa hè thu đã bán với giá huề vốn hoặc lời rất ít. Chỉ những ai có khả năng trữ lúa hoặc làm hè thu muộn thì mới được lợi, thậm chí lời tới 50%. 

Nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện giá lúa gạo ở vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long tăng trái với thông lệ, có sự ảnh hưởng bởi đầu ra thông thoáng doanh nghiệp được khuyến khích ký hợp đồng thương mại theo thời giá và mãi đến tháng 8 Hiệp Hội Lương Thực VFA mới liên tiếp tăng giá sàn xuất khẩu.

TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định là giá lúa gạo sẽ trồi sụt nhưng duy trì ở mức cao:

“Hiện nay lúa khô loại trung bình 50404 khoảng 4.900đ-5.000đ/kg, lúa Jasmine lúa hạt dài khoảng 5.600đ/kg. Theo tôi giá lúa này có thể duy trì ở mức cao từ nay tới hết năm bởi vì lúa hàng hóa hết, trong khi chính phủ thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu thoải mái không có định mức, thay vì bốn triệu hay sáu triệu tấn nếu có thu họach thu mua được thì có quyền xuất khẩu không hạn mức. Thứ hai lúa hàng hóa trong dân đang gần hết, thứ ba nữa vụ thu đông phải ba tháng nữa mới có thành ra trong thời gian này giá lúa khó mà sụt được.”      

Theo tôi giá lúa này có thể duy trì ở mức cao từ nay tới hết năm bởi vì lúa hàng hóa hết, trong khi chính phủ thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu thoải mái không có định mức.

TS Lê Văn Bảnh


Về tổng thể, nông dân đồng bằng sông Cửu Long hầu như không còn lúa để bán khi giá tăng cao. Tuy vậy nông dân ở những vùng làm lúa hè thu muộn như Kiên Giang, Sóc Trăng đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay:

“Tôi bán cách đây ba ngày được 5.500đ/kg, hôm nay giá xuống còn 5.200đ/kg, theo tôi được biết người dân trong xã tôi có thể lời từ 50% trở lên.”

Theo thống kê của Bộ Công Thương lượng gạo xuất khẩu đến hết tháng 8 đạt mức trên 5 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD. Con số này cao hơn một ít so với thông báo cùng thời gian của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam. Với lượng hợp đồng đã ký đạt 6,5 triệu tấn gạo, từ giờ đến hết năm 2010 còn khoảng 1,5 triệu tấn gạo sẽ được xuất khẩu.

Ai hưởng lợi?

lua-ipsard.gov.vn-250.jpg
Lúa trĩu hạt. Photo courtesy of ipsard.gov.vn
Lúa trĩu hạt. Photo courtesy of ipsard.gov.vn
Người nông dân làm lúa miền Tây trong ý nghĩ của mình cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi từ chênh lệch giá rất nhiều, khi lúa hè thu thu họach rộ doanh nghiệp không mua để lúa rớt giá, chính phủ can thiệp bằng cách cho mua tạm trữ và trợ cấp vốn lãi suất 0% cho doanh nghiệp mua gạo. Nông dân làm lúa phát biểu:

“Tôi có điều bức xúc chưa nói ra, khi giá gạo tăng doanh nghiệp chắc có lãi cao, trước đây họ mua rẻ bây giờ giá cao lãi nhiều cộng thêm nhà nước hỗ trợ lãi suất 0% cho doanh nghiệp mua lúa của dân. Cuối cùng doanh nghiệp có lợi nông dân chẳng được gì, tại sao nhà nước không trực tiếp hỗ trợ lãi suất 0% cho người nông dân.”

Được yêu cầu nhận định về tình trạng gọi là bất công giữa người làm ra hạt lúa và doanh nghiệp xuất khẩu bán gạo ra thị trường thế giới. TS Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long phát biểu:

“Bà con nông dân sau khi thu hoạch xong phải trả nợ ngân hàng, trả nợ và chi phí các khoản, trong khi đầu vụ doanh nghiệp chưa thu mua. Giá xuống quá thấp nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng kế họach tạm trữ, sau khi tạm trữ xong hết thì giá lúa lại lên mà bà con nông dân thì không còn. Cuối cùng phần lợi các doanh nghiệp nắm hết, mà không chỉ luá gạo, cà phê cũng vậy sau khi một số doanh nghiệp mua tạm trữ thì giá lại lên khi giá lên doanh nghiệp hưởng chứ nông dân không hưởng.”           

... khi giá gạo tăng doanh nghiệp chắc có lãi cao, trước đây họ mua rẻ bây giờ giá cao lãi nhiều cộng thêm nhà nước hỗ trợ lãi suất 0% cho doanh nghiệp mua lúa của dân. Cuối cùng doanh nghiệp có lợi nông dân chẳng được gì ...

Một nông dân miền Tây

Một số nhà phân tích thị trường cho rằng, Việt Nam bỏ lỡ cơ hội khi giá gạo thị trường Thế Giới tăng nhanh. Trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam không có đủ kho để trữ gạo dài ngày, tình trạng này phải nhiều năm nữa mới cải thiện được. Cho đến cuối năm 2010 này, nói chung doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải xoay vòng kho mới có chỗ chứa gạo. Doanh nghiệp ký hợp đồng xong mới đi mua gạo, cho nên khi giá thế giới tăng phải nhường sân chơi cho Thái Lan là chuyện khó tránh. 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
08/06/2013 02:44

DÂN LỖ BỞI VÌ DOANH NGHIỆP LÀ TAY CHÂN BÈ ÐÃNG CỦA ÐÃNG.CÒN ÐÃNG THÌ CÒN BÓC LỘT

Anonymous
16/09/2010 02:32

neu gia xuong tien vao tui ai