Hộ chiếu "lưỡi bò": Tham vọng rõ ràng của Bắc Kinh

Thế là Trung Quốc vừa mới tiến thêm một bước đáng ngại nữa trong tham vọng bành trướng bá quyền Đại Hán.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012.12.03
000_Hkg8060574-305.jpg Người dân Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 29/11/2012 phản đối hộ chiếu có hình "lưỡi bò" của Trung Quốc.
AFP photo

Trung Quốc ngày càng lấn tới

Qua việc cho in hình bản đồ “lưỡi bò” vào hộ chiếu cấp cho hàng chục triệu công dân TQ – dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh bằng mọi giá, mọi cách – hay nói cách khác là không từ thủ đoạn nào – nhằm tạo điều kiện cho tham vọng “lưỡi bò” ấy “liếm” gần trọn biển Đông, dù bị hầu như toàn thế giới – chứ không riêng những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Hoa Lục – phản đối.

Và tiếp theo sau đó, Tân Hoa Xã lại đưa tin tỉnh Hải Nam của TQ đã thông qua biện pháp gọi là “quản lý trị an biên phòng duyên hải” để kiểm tra, ngăn chận, bắt giữ, trục xuất các tàu nước ngoài nào mà Bắc Kinh gọi “xâm nhập trái phép trong lãnh hải” của họ.

Kể từ khi Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch lần đầu tiên đề ra “đường lưỡi bò” hồi năm 1947 và Hoa Lục chính thức đệ nạp bản đồ “lưỡi bò” này tại LHQ hồi năm 2009 tới nay, thì biết bao cảnh tang thương do phương Bắc gây ra cho biển đảo của VN – từ Hoàng Sa cho tới Trường Sa, và cho ngư dân Việt qua sự kiện những “tàu lạ” bắn giết, đánh đập, cướp bóc, trấn lột, tịch thu phương tiện đánh bắt của ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí VN. Đó là chưa kể Bắc Kinh rao bán 9 lô dầu nằm sâu trong vùng nội thuỷ VN cũng như tung hàng chục ngàn “tàu lạ” hoạt động tại vùng biển của tổ quốc...

Qua bài “Đâu là cái gốc để ‘hoá giải’ đường lưỡi bò?”, tác giả Đào Tiến Thi cho biết vấn đề “hộ chiếu lưỡi bò” của TQ “có thể chỉ là động tác của con mèo vờn con chuột”, với động tác thật giả lẫn lộn, trước khi mèo phương Bắc “thịt” chuột phương Nam. Tác giả phân tích:

Biết đâu nó tung chưởng này chỉ để làm ta cuống lên (vì rõ ràng nếu để hộ chiếu in hình lưỡi bò của người Tàu ra vào Việt Nam thì cả 90 triệu người Việt Nam chỉ còn cách đeo mặt mo, chứ chưa nói đến sự nguy hiểm về chủ quyền), còn mục tiêu thực sự nó biết đâu lại nhằm vào việc khác? Chính phủ ta cuống lên, và thế là muốn Trung Quốc bỏ cái hình lưỡi bò này, biết đâu lại phải đánh đổi một cái gì đấy nguy hiểm hơn về sau? Cho nên muốn có giải pháp triệt để thì phải duyệt lại tất cả mối quan hệ với Trung Quốc từ khi “bình thường hoá” (hồi năm 1991), đặc biệt là từ 2009 đến nay, chứ không phải đối phó từng việc, để ngày càng lạc vào trận đồ bát quái, không biết đâu mà lần.

Như vậy, VN đã và đang đối phó với phương Bắc ra sao? Tác giả Đào Tiến Thi “điểm qua tình hình” và nhận thấy:

Một là:. …Phản ứng ấy (của VN) không tương xứng với sự gia tăng các hành động xâm lược của Trung Quốc, do đó không có tác dụng ngăn cản hoặc tác dụng không đáng kể. Cho nên phần được luôn thuộc về Trung Cộng. Có người đã nhận xét, Trung Quốc gặm dần nước ta theo kiểu “ba bước tiến, hai bước lùi”, cứ mỗi lần gây hấn họ lại tiến thêm được một bước trên bước đường thôn tính hoàn toàn nước ta.

Thứ hai là: Sự phản ứng của ta luôn luôn là muộn màng… Hành động biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vẫn bị siết chặt…

Thứ ba: Những sự đối phó của Chính phủ với Trung Quốc thường tách rời ý chí của nhân dân. Ví dụ khi Chính phủ ra tuyên bố phản đối một hành động xâm phạm của Trung Quốc, nhưng ngay sau đó người dân biểu tình hay có bất cứ hành động nào để ủng hộ chủ trương đó của Chính phủ thì Chính phủ lại thẳng tay đàn áp!

Và thứ tư: Mỗi khi có hành động gây hấn của Trung Quốc, Chính phủ ít nhất cũng có một động tác nào đó để phản đối nhưng kèm theo đó, vẫn thường nêu một lập trường mang tính kiên định là “tiếp tục quan hệ hợp tác, hữu nghị” với nhà nước Trung Quốc.

Việt Nam phản ứng nước đôi

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. AFP photo
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. AFP photo
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. AFP photo
Trước thủ đoạn mới này của Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cảnh báo rằng “Nếu TQ quyết định in bản đồ lưỡi bò bao gồm 80% diện tích Biển Đông thì đó là hành động cuối cùng làm thức tỉnh những ai còn ảo tưởng về sự phát triển hoà bình của TQ”, và “Một khi Trung Quốc xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi, và một khi Việt Nam xem tình hữu nghị Việt-Trung là lợi ích cốt lõi, thì Việt Nam sẽ mất tất cả”.

Qua bản tuyên bố phản đối Bắc Kinh in hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu công dân họ, nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước lưu ý rằng “Bước đi mới này bóc trần sự giả dối của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi nói tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7 mới đây, về hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước ven Biển Đông”.

Qua cuộc trao đổi mới đây với GS Nguyễn Huệ Chi từ Hà Nội, luật gia Lê Hiếu Đằng nhận xét:

Chúng ta biết rằng việc này rộ lên sau Đại hội 18 của ĐCS TQ. Có thể nói đây là một “món quà” mà Tập Cận Bình và ê-kíp của ông ta tặng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN, những người luôn luôn muốn giữ “4 tốt” và “16 chữ vàng” mặc cho Bắc Kinh đã từ lâu dẫm đạp không thương tiếc những điều giả dối này bằng những hành động lấn chiếm Biển Đông một cách trắng trợn mà đỉnh điểm là việc cho in trên hộ chiếu hình lưỡi bò phi pháp với âm mưu thâm độc là nếu VN và các nước đang tranh chấp không có phản ứng gì thích đáng thì xem như mặc nhiên công nhận đường lưỡi bò của chúng…Tại saocác vị lãnh đạo hiện nay lại làm ngơ không thấy. Nhân dân có quyền nghi ngờ thái độ khó hiểu này vì nó đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Từ Đà Lạt, nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh báo động rằng TQ lâu nay luôn làm những việc “đặt trong tình trạng đã rồi”, tức lấn từng bước, một cách có hệ thống, mà VN lại đối phó theo kiểu tạm thời, không có biện pháp nhanh chóng, hiệu quả. Theo học giả Mai Thái Lĩnh thì người dân trong nước có ý muốn đấu tranh cho quê hương bây giờ cũng không biết cách gì để thể hiện chuyện phản đối những chính sách đối với TQ. Họ không được phép biểu tình, hội họp cũng không được…Cùng lắm thì một số trí thức ký kiến nghị mà thôi.

Có thể nói đây là một “món quà” mà Tập Cận Bình và ê-kíp của ông ta tặng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN, những người luôn luôn muốn giữ “4 tốt” và “16 chữ vàng”...
GS Nguyễn Huệ Chi

Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh nhận thấy cách làm của nhà nước như thế khiến ngày càng có nhiều người nghi ngờ, không biết đảng và nhà nước VN này có thực tâm muốn bảo vệ chủ quyền dân tộc, muốn đấu tranh chống lại hành động của Bắc Kinh hay không. Nhất là gần đây, rất nhiều người yêu nước lại bị nhà cầm quyền bắt bớ, xử án rất nặng – hành động mà ông Mai Thái Lĩnh cho là “cực kỳ vô lý”, như ông phân tích sau đây:

Hiện nay, chúng tôi thấy người dân trong nước, nhìn chung, họ rất bất mãn hành động về phía TQ. Nhưng về phía chính quyền trong nước, chúng tôi nhận thấy có những cách ứng phó nhiều khi mang tính chất nước đôi. Thí dụ như VN có hành động thì phản đối – mà phản đối cũng không hiệu quả bao nhiêu, nhưng mặt khác lại có những hành động tiếp tục hợp tác giữa 2 bên, làm cho người dân bây giờ hết sức hoang mang. Họ nghĩ rằng không biết nhà nước này có thực sự ra sức bảo vệ chủ quyền của dân tộc hay không !

Qua bài “Con tin của sự im lặng”, tác giả André Menras Hồ Cương Quyết cũng báo động rằng Hoa Lục hiện đang đẩy mạnh chiến lược xâm lấn lãnh hải, hải đảo, mà nạn nhân chính là VN, sau khi VN bị mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa vào tay phương Bắc.Vẫn theo người Pháp có quốc tịch VN này và rất yêu quê hương VN, thì “Trước mọi sự xâm lấn của Trung Quốc, trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhà cầm quyền Hà Nội, mặc dầu công bố rộng rãi sự phản đối, vẫn không có phản ứng tự vệ cụ thể. Thay vào đó, công luận quốc tế chứng kiến một điệu nhảy chính trị-ngoại giao bất thường … giữa hai thủ đô: sau mỗi trò xấu mới của Trung Quốc, công dân Sài Gòn và Hà Nội phản đối trên các đường phố bất chấp sự ngăn cấm. Thế là dùi cui, bắt bớ, bỏ tù”.

Nhà nước có đứng về phía dân?

Công an canh chừng những người dân biểu tình chống Trung Quốc hôm 22/7/2012 tại Hà Nội. AFP photo
Công an canh chừng những người dân biểu tình chống Trung Quốc hôm 22/7/2012 tại Hà Nội. AFP photo
Công an canh chừng những người dân biểu tình chống Trung Quốc hôm 22/7/2012 tại Hà Nội. AFP photo
Từ Đà Nẵng, GS Nguyễn Thế Hùng cũng bày tỏ mối âu lo cho quê hương:

Tôi thấy có những chuyện thuộc về chủ quyền của đất nước, dân tộc, nên người dân VN bày tỏ thái độ yêu nước bất bạo động, thì đối với một nhà nuớc chính danh, điều đó phải được trân trọng, ủng hộ. Trước kia, hồi thời VN còn là thuộc địa của Pháp, cụ Phan Chu Trinh cũng chủ trương muốn cứu nước thì phải nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí.

Bây giờ, một đất nước mà không chấn hưng dân khí thì khi đất nước có hoạ ngoại xâm, ai là người bảo vệ tổ quốc? Có phải những người lãnh đạo tự đứng ra đánh ngoại xâm không ? Hay là họ phải dựa vào sức mạnh của toàn dân?

Cho nên vấn đề chấn hưng dân khí là một việc rất quan trọng. Nhưng bây giờ, những người yêu nước biểu tình bất bạo động, bày tỏ thái độ yêu nước như thế, mà nhà cầm quyền lại đàn áp, đánh đập rồi bắt nhốt, như vậy thì lòng yêu nước, sự ái quốc đó bị xúc phạm, bị đau đớn. Đó là điều nhà nước không nên làm.

Học giả Mai Thái Lĩnh đi tìm nguyên nhân, và nhận thấy vấn đề có thể bắt nguồn từ thời kỳ đầu thập niên 90, khi đảng CSVN bắt đầu hoà hoãn với TQ, rồi gặp nhau tại hội nghị Thành Đô. Hai bên thoả thuận như thế nào đó mà cho đến nay, người ta thấy đường lối đối ngoại của VN đối với TQ rất là không rõ ràng. Giữa lúc những người yêu nước tìm cách biểu tình, hay có biểu lộ lòng ái quốc dưới hình thức nào đó, thì họ bị đánh đập, bắt bớ, tù đày…Trong khi rất nhiều cơ quan, ban ngành VN lại tiếp tục hợp tác “nồng thắm” với phía phương Bắc. Rồi khi Bắc Kinh có hành động ngang ngược thì VN phản đối “một cách chiếu lệ” . Đường lối đối ngoại đó của VN, theo học giả Mai Thái Lĩnh, “rất là không rõ ràng; thậm chí có người coi đó là một sự đầu hàng TQ”.

Bây giờ, một đất nước mà không chấn hưng dân khí thì khi đất nước có hoạ ngoại xâm, ai là người bảo vệ tổ quốc? Có phải những người lãnh đạo tự đứng ra đánh ngoại xâm không ?
GS Nguyễn Thế Hùng

Bây giờ muốn giải quyết được vấn đề, thì đảng cầm quyền, nhà nước VN phải công bố một cách rõ ràng, nhận định lại toàn bộ tình hình từ thập niên 90 tới nay: Chính sách đối với TQ đúng hay sai, cần phải sửa chữa như thế nào, và phải công bố rõ ràng. Chứ Quốc Hội từ lâu nay hoàn toàn không có một cuộc họp quan trọng nào về biển Đông mà công bố cho nhân dân biết.

Chỉ gần đây có 2 cuộc họp: Một cuộc họp thông qua luật về biển – mà là cuộc họp kín, rồi vừa rồi có một cuộc họp về biển Đông cũng là cuộc họp kín. Nói chung, đường lối đối ngoại của VN bây giờ chỉ quanh quẩn trong lòng nội bộ của đảng, còn ngoài ra, đối với nhân dân, thì họ không có một sự công bố gì về đường lối cho rõ ràng. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó không giải quyết được vấn đề.

Sau “biến cố” “hộ chiếu lưỡi bò” TQ, tác giả Bùi Hoàng Tám không khỏi lưu ý tới một “điều khó giải thích là cái hộ chiếu phi pháp ấy lại không có hình vùng lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản – điều mà tác giả “nói thẳng ra, đối với Nhật Bản, TQ hành xử không thể nói khác (hơn là): HÈN”. Rồi liên tưởng tới giai đoạn lịch sử đã qua, tác giả nhận xét rằng “Có lẽ không chỉ khiếp nhược trước đồng Yen, Trung Quốc vẫn ám ảnh bởi THANH KIẾM SAMURAI mà họ đã phải nếm trải 70 năm về trước”.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.