Bế tắc nông nghiệp từ gút thắt đất đai

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.09.28
000_Hkg10258873.jpg Nông dân phun thuốc trừ sâu vào vườn cà chua tại một nông trại ở Bắc Ninh hôm 1/3/2016.
AFP photo

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới hôm 27/9 tại Hà Nội chỉ ra bức tranh u tối cho nền nông nghiệp Việt Nam và khuyến cáo cần thay đổi tích cực nền tảng sản xuất để có khả năng tạo ra các sản phẩm được tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững.

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào,” Ngân hàng Thế giới cảnh báo tổng sản lượng GDP nông nghiệp của Việt Nam đang giảm, tăng trưởng chậm lại, trong khi khoảng cách thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Saigon Times Online trích phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại lễ công bố bản báo cáo, theo đó do thiếu cơ chế tích tụ ruộng đất, quyền tài sản không được bảo đảm đã không thu hút đuợc doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Trên thế giới ở đâu cũng vậy người làm nông nghiệp đều thiệt thòi hơn các ngành khác cho nên tùy quốc gia, chính phủ có sự tài trợ để hỗ trợ ngành nông nghiệp của họ.  
- Ông Nguyễn Minh Nhị

Nhận định về gút thắt cản trở sản xuất nông nghiệp qui mô lớn, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang phát biểu:

“Ở Việt Nam có giới hạn, đất thì manh mún mà gom lại thì chưa có hướng dẫn rõ ràng cho nên người ta chưa biết cách như thế nào. Hơn nữa quyền sở hữu không có, quyền sử dụng cũng không có trên diện tích rộng lớn hơn, người đầu tư để phát triển ngành nông nghiệp người ta rất là ngại vì đây là ngành đầu tư lợi nhuận thu về ít nhất mà cực khổ nhất. Cho nên vấn đề này phải kết hợp tổng hòa các mối quan hệ về tâm lý, về kinh tế, kỹ thuật, hành chánh…phải đồng bộ nhiều thứ để tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất. Trên thế giới ở đâu cũng vậy người làm nông nghiệp đều thiệt thòi hơn các ngành khác cho nên tùy quốc gia, chính phủ có sự tài trợ để hỗ trợ ngành nông nghiệp của họ.”

Theo lời ông Nguyễn Minh Nhị, hạn điền gây khó khăn cho sản xuất lớn như hình thức trang trại, nếu làm ruộng cũng phải có 50-70 ha. Nếu làm bắp còn cần con số lớn hơn thì giá thành mới thấp được. Thực trạng đất manh mún rất khó khăn, nhất là về kiến thiết cơ bản. Hạn điền và thời gian sử dụng đất làm cho người ta có tâm lý không yên tâm, từ đó nảy sinh những diễn biến phức tạp. Cựu Chủ tịch An Giang Nguyễn Minh Nhị nêu ý kiến:

"Nếu khắc phục bằng hướng dẫn của chính quyền gợi ý cho nông dân và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng thuê đất rồi tập trung bằng hình thức đó là nhanh nhất. Đồng thời cũng bảo đảm cho nông dân quyền còn đất của mình, nếu chuyện làm ăn của công ty khó khăn rã ra thì họ còn có miếng đất, chứ không nhất thiết là nên bán. Tập hợp như vậy có cái hay là có thể sản xuất lớn, mới có sức canh tranh được…”

Nhà nước can thiệp quá nhiều

Nông dân trò chuyện trên vùng đất nông nghiệp chuyển sang khu dân cư tại một vùng ven ở Hà Nội hôm 4/4/2016. AFP photo
Nông dân trò chuyện trên vùng đất nông nghiệp chuyển sang khu dân cư tại một vùng ven ở Hà Nội hôm 4/4/2016. AFP photo
Nông dân trò chuyện trên vùng đất nông nghiệp chuyển sang khu dân cư tại một vùng ven ở Hà Nội hôm 4/4/2016. AFP photo

Được biết Hiến pháp Việt Nam qui định, đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu và trực tiếp quản lý. Theo luật đất đai, nông dân chỉ có quyền sử dụng đất có thời hạn, trên mảnh đất giới hạn diện tích gọi là hạn điền. Luật Đất đai 2013 có chút cải cách khi nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm và mở rộng hạn điền từ 3 ha lên 30 ha cho một hộ nông dân ở những vùng đất rộng như Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy câu hỏi đặt ra là ai dám đầu tư lớn khi chỉ có quyền sử dụng đất có thời hạn mà không có quyền sở hữu đất.

Khoảng 90% đất nông nghiệp ở Việt Nam nằm trong tay các hộ làm nông nghiệp và trang trại. Phần lớn các hộ nông nghiệp có qui mô rất nhỏ. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng một nửa so sánh với Campuchia, Myanmar hay Philippines.

Theo VnEconomy, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Nhà nước Việt Nam cần bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo để có thể chuyển đổi sang một nền nông nghiệp dựa trên hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng. Nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư có chọn lọc, tập trung vào những loại hàng hóa, dịch vụ công trọng điểm.

Đây chính là lúc để Chính phủ xem xét tạo nên những chính sách đột phá, trong đó đặc biệt có mảng đất đai.
- TS Đặng Kim Sơn

Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị rằng, chính sách kiểm soát hành chính về đất đai, can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào cả thị trường đầu vào đầu ra và một số thể chế cũ nay trở thành lực cản kìm hãm hoặc hạn chế quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam, làm cho nông nghiệp không theo được những hướng đi mới cần thiết để có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước khi Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình.

Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:

"Trước đây đã nói nhiều về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bây giờ Chính phủ nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề gọi là chuyển đổi mô hình quản lý của Nhà nước sang mô hình gọi là Nhà nước kiến tạo, Nhà nước xây dựng. Đây chính là lúc để Chính phủ xem xét tạo nên những chính sách đột phá, trong đó đặc biệt có mảng đất đai. Tất nhiên là thay đổi luật không phải dễ dàng và nhanh chóng được nhất là Luật Đất đai vừa mới sửa đổi, nhưng mà những chính sách đột phá có lẽ phải bắt đầu từ bây giờ, để trong tương lai có thể điều chỉnh những điều quan trọng về đất đai.”

Báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đặt Việt Nam vào thế không thay đổi không được. Tuy vậy mức độ cải cách về quản lý đất đai của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện vẫn còn là một ẩn số.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.