Hiệu quả của việc góp ý sửa đổi hiến pháp tới đâu?

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013.04.03
034_2371979-305.jpg Dân phòng giữ trật tự trước chợ Bình Tây, ảnh minh họa.
AFP photo

Nghe bài này

Tải xuống - download

Hoạt động góp ý sửa đổi hiến pháp năm 1992 tiếp tục diễn ra ở Việt Nam. Mức độ hữu hiệu thực chất đến đâu?

Trí thức lại lên tiếng

Nhóm soạn thảo và ký kiến nghị 72, tức kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992 do 72 nhân sĩ trí thức ký tên đầu tiên, hồi ngày 2 tháng 4 vừa qua có thông báo nêu lại một số quan điểm của nhóm.

Theo thông báo được phổ biến trên các trang mạng, nhóm này lặp lại lý do phải đưa ra kiến nghị 7 điểm mà hiến pháp sửa đổi cần phải có. Đó là ‘dùng bạo lực và những thủ đoạn chính trị để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả Đảng Cộng sản Việt Nam’.

Tuy nhiên trong thực tế tinh thần của nhóm kiến nghị 72 đã không được xem xét đến mà còn bị hệ thống truyền thông chính thống của chính quyền bưng bít, còn nói đến thì theo hướng một chiều.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói lại việc phải ra thông báo hồi ngày 2 tháng tư của nhóm kiến nghị 72:

“Bởi vì trong vài tuần nay, Nhà nước đang tìm mọi cách trong đó kể cả kéo dài thời hạn cho đến tháng 10. Cho đến 31 tháng 3, người ta nói rằng đã nhận được 26 triệu ý kiến rồi. Tức một mặt, người ta làm những chuyện mà chúng tôi cho rằng hết sức hình thức về vấn đề hiến pháp này. Không có thảo luận công khai, đường hoàng và điều quan trọng nhất là trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các nhà lãnh đạo khi thì trực tiếp khi thì ám chỉ nói đến những kiến nghị này. Coi những người ký kiến nghị là những thế lực thù địch, những người phản động… Chúng tôi thấy trong bối cảnh rất không cân xứng về mặt thông tin, về mặt nguồn lực thông tin như thế, thì nhóm soạn thảo của nhóm kiến nghị 72 cần phải lên tiếng để nói cho rõ lại một lần nữa. Bởi vì cách làm lấy thịt đè người như thế không phải là cách làm của một xã hội văn minh”.

Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng có giải thích vì sao nhóm đưa ra thông báo:

“Trước hết có thể nói nhóm Kiến nghị 72, ngoài những nhân sĩ, trí thức đã quen tên trên các trang mạng là do những luật sư, luật gia trong các viện, cơ quan mà nhiệt tình, và có đi du học ở các nước giúp soạn thảo ra. Có thể nói đây là lực lượng trẻ có những tư tưởng, quan điểm tiến bộ.

Sau đó chúng tôi mới sửa chữa, hiệu đính lại cho gọn ghẽ. Thực ra, chỉ dựa vào kinh nghiệm của tất cả các nước để soạn ra thôi, không có gì mới mẻ. Sở dĩ Nhà nước có phản ứng mạnh mẽ đối với Kiến nghị 72 vì trước hết nó phù hợp với lòng dân. Nó được các tầng lớp nhân sĩ- trí thức, nhân dân ủng hộ. Tất nhiên không phải thông qua 12 ngàn chữ ký đâu; mà nói lên xu thế phát triển đương nhiên của một xã hội đang bị tù hãm bởi một chế độ độc tài, toàn trị. Muốn đất nước phát triển phải đi con đường đó thôi chứ không còn con đường nào khác.”

Đánh giá thực chất

Ủy ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 từ hồi cuối tháng 12 năm ngoái cho biết đợt lấy ý kiến của người dân góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp được tiến hành từ đầu năm cho đến cuối tháng ba; sau đó kéo dài thời hạn cho đến tháng 9.

Tuy nhiên theo đánh giá của những người quan tâm như hai ông Nguyễn Quang A và Lê Hiếu Đằng thì đợt vận động đó không thực chất.

Ông Lê Hiếu Đằng nhắc lại những hành xử trong đợt lấy ý kiến hiện nay đối với những người có tâm huyết muốn đóng góp:

“Có thể nói ngoài những phát biểu này kia của các vị lãnh đạo ra, họ còn huy động toàn bộ lực lượng của bộ máy để đối phó với Kiến nghị 72 và những cá nhân đã ký- không chỉ trong nhóm 72 mà cả sau này.Ví dụ bản thân tôi, họ vẫn cho người theo dõi.”

Cách đưa tin của truyền thông Nhà nước

Người dân xem thông tin trên internet tại một quán cà phê ở Hà Nội. AFP photo
Người dân xem thông tin trên internet tại một quán cà phê ở Hà Nội. AFP photo
Người dân xem thông tin trên internet tại một quán cà phê ở Hà Nội. AFP photo

Trong số ra ngày 3 tháng tư vừa qua, tờ Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn tổng kết của Ban Biên tập Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói rằng đến cuối tháng 3 đã có hơn 26 triệu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Có hơn 28 ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong cả nước được tổ chức để lấy ý kiến người dân.

Tuy nhiên, theo những người quan tâm như tiến sĩ Nguyễn Quang A, thì có hội thảo chính thức với sự tham dự của những nhân sĩ, trí thức Việt Nam tham gia và có những ý kiến khác với dự thảo do nhà nước đưa ra đã không được các cơ quan truyền thông Nhà nước loan tải. Ông nói về điều này:

"Trong tháng 3, Viện Nghiên cứu Pháp luật của Quốc hội tổ chức 5 hội thảo về sửa đổi hiến pháp và đều do các quan chức cao của quốc hội chủ trì. Trong đó họ có mời 6 trong 72 người đã ký đầu tiên đến dự, riêng giáo sư Hoàng Xuân Phú lúc đó đang ở bên Đức nên không thể đến dự được. Năm người này đã phát biểu ở hội thảo, mà ở mỗi hội thảo chỉ có chừng hơn 20 người tham dự, và rất rành mạch theo tinh thần của kiến nghị  72; tức hoàn toàn ngược lại bản dự thảo hiến pháp người ta đưa ra. Truyền hình đều đưa hình ảnh của những vị đó nhưng mà không có một lời nào phát biểu của những vị đó cả. Và đưa những ý kiến khác tán thành, và kết luận hội nghị nhất trí với dự thảo.”

Cách thức hiệu quả

Dù ngay trước khi kêu gọi người dân góp ý, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói ‘không có vùng’ cấm nào. Thế nhưng khi những ý kiến được nêu rõ trong các kiến nghị vừa nêu thì một số vị đứng đầu đảng và nhà nước đã lên tiếng cho rằng những tư tưởng như thế là biểu hiện của sự suy thoái và muốn chống đảng, chống Nhà nước.

Ông Lê Hiếu Đằng đưa ra nhận định nếu Đảng cứ theo tư duy như thế thì việc kêu gọi sử đổi hiến pháp sẽ chỉ là hình thức, ông nói:

“Nếu Đảng và Nhà nước đặt lợi ích của đất nước lên trên sẽ thấy đây là một kiến nghị hết sức tích cực, hết sức xây dựng, và phù hợp với xu thế tiến bộ hiện nay trên thế giới, và xu thế này bản thân tôi tin không thể đảo ngược được.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì mạnh mẽ lên án cách làm như thế: “Làm như thế tức là cách làm mang tính cách ‘gọi là’ lừa bịp.”

Dù những tiếng nói đối lập trong nước còn bị hệ thống tuyên truyền chính thống của nhà cầm quyền cố gắng trấn áp; tuy nhiên với những phương tiện thông tin ngày nay như mạng Internet thì cách làm đó không còn hiệu quả nữa và trong thực tế còn cho thấy bị phản tác dụng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.