Giải phẫu một vụ Khủng hoảng

Vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ có lẽ mở đầu từ khi tập đoàn đầu tư Bear Sterns bị chấn động và được chính quyền cứu nguy năm ngoái.
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
2009.03.18
us-economy-305.jpg Kinh tế rơi vào suy trầm, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, mức tiêu thụ giảm, nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản.
AFP PHOTO

Một năm đã qua, diễn đàn kinh tế tìm hiểu toàn bộ sự việc qua cuộc trao đổi sau đây giữa Việt Long với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Trái bóng và cái kén

Việt Long:  Đầu tháng Ba năm ngoái, tập đoàn đầu tư Bear Sterns đột ngột suy sụp khiến chính quyền Mỹ phải nhảy vào cấp cứu. Sáu tháng sau là vụ tập đoàn Lehman Brothers vỡ nợ ngày 15 tháng Chín. Từ đó khủng hoảng tài chính ập xuống nền kinh tế đang bị trì trệ từ tháng 12 năm trước, và gây nguy cơ khủng hoảng cho toàn cầu. Một năm đã qua rồi, chúng ta hãy phân tích những nguyên do sâu xa của vụ khủng hoảng tài chính này.  Câu hỏi đầu tiên là:  mọi chuyện khởi sự từ đâu?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Từ trái bóng và cái kén! Ngoài nạn bong bóng đầu tư là sự lạc quan thiếu cơ sở làm trị giá đầu tư gia tăng với đầy rủi ro nên sụp đổ, tôi xin nhắc lại hình ảnh kén nợ của hệ thống tài chính Mỹ mà chương trình ngày 25 tháng Ba năm ngoái đã đề cập. Ta khởi đi từ đó để cố mường tượng ra loại vấn đề có những nguyên do sâu xa với nhiều yếu tố chuyên môn phức tạp.

Việt Long:   Nhưng từ đâu ra trái bóng và từ đâu ra cái kén?

Gần ba chục năm trước cổ phiếu Mỹ tăng giá chín năm liền, được nhồi thêm bởi lãi suất hạ và sự hồ hởi về công nghệ tin học làm cổ phiếu lên giá 20% từ 1996 đến 2000. Đấy là hiện tượng bong bóng đầu tư đã từng xảy ra từ khi có giao dịch kinh tế.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Về trái bóng, ta cần nhớ bốn chuyện. Gần ba chục năm trước, từ 1982 đến năm 2000, cổ phiếu Mỹ tăng giá chín năm liền, được nhồi thêm bởi lãi suất hạ và sự hồ hởi về công nghệ tin học làm cổ phiếu lên giá 20% một năm trong năm năm cuối, từ 1996 đến 2000. Đấy là hiện tượng bong bóng đầu tư đã từng xảy ra từ khi có giao dịch kinh tế.

Tháng Ba năm 2000 thì bóng bể vì doanh lợi đầu tư không thể cứ vài năm lại tăng gấp đôi như cũ, nên muốn giữ mức lời ấy thì giới đầu tư lấy quá nhiều rủi ro mà không ý thức ra.

Thứ hai là năm 1996, Chính quyền Bill Clinton và Quốc hội thu hồi chế độ kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng được ban hành từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, gọi là đạo luật Glass-Steagall. Mục đích thu hồi là để giải phóng nghiệp vụ ngân hàng cho tự do, giúp ngân hàng cho vay và đi vay nhiều hơn, vì vậy các ngân hàng đã lấy nhiều rủi ro hơn.

Thứ ba, nạn bể bóng cổ phiếu năm 2000 làm kinh tế suy trầm nhẹ vào năm 2001. Đúng lúc ấy Mỹ bị khủng bố và lao vào chiến tranh. Vì suy trầm kinh tế lẫn chiến tranh, Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất ngắn hạn và duy trì ở mức rất thấp là 1% trong cả năm. Như dưới thời Clinton, khi kinh tế bị trì trệ thì Chính quyền Bush cũng khuyến khích dân chúng tiêu thụ để kéo nền kinh tế ra khỏi suy trầm và lúc ấy, ai ai cũng mừng là tiền rẻ nhờ lãi suất hạ.

Thứ tư, tư bản từ Đông Á chảy về Mỹ để kiếm lời càng khiến lãi suất dài hạn của trái phiếu tức là phân lời, hay yield, càng hạ. Tiền bạc từ thị trường cổ phiếu bị hao hụt chảy qua thị trường gia cư, và cùng với tiền quá rẻ, đã thổi lên trái bóng gia cư làm giá nhà tăng vọt từ 2002 đến 2006.

Việt Long:  Như vậy, có bốn yếu tố nguyên thủy là trái bóng cổ phiếu bị bể lại thổi lên trái bóng gia cư trong tâm lý lạc quan của dân Mỹ vì tiền quá rẻ?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Thưa đúng vậy, và trong vụ bong bóng gia cư ta phân biệt hai chuyện. Thứ nhất là cả hai Chính quyền Carter và Clinton đều cổ võ việc hữu sản hoá gia cư cho dân nghèo dễ mua nhà. Chính quyền Bush cũng thế, với chủ trương thiết lập xã hội hữu sản, gọi là "ownership society".

Thứ hai, giới có tiền đầu tư thì không chỉ mua nhà để ở mà còn mua nhà để mong bán lại kiếm lời. Và bây giờ, ta lần tới cái kén nợ là giấy nợ được gói nhiều lớp trong ngoài qua từng đợt giao dịch.

Từ tín dụng địa ốc

Việt Long:  Trái bóng cổ phiếu bị bể đã dồn tiền qua trái bóng gia cư và phát sinh ra kén nợ, xin ông phân tích về  sự chuyển hoá khác lạ ấy. 

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Từ hiện tượng "phát hành giấy nợ" khi tài trợ việc mua nhà, các công ty tài trợ và ngân hàng -mà ta sẽ gọi chung là "nhà tài trợ" - mới tích cực kiếm lời qua việc "phân phối giấy nợ", tức là bán lại các kén nợ có bảo đảm mà họ gọi là "collateralized debt obligations" - hay CDO.

foreclosure-305.jpg
Khởi đầu từ cơn khủng hoảng tín dụng cho vay mua nhà, thị trường tài chính thế giới thật sự chìm vào thời kỳ khó khăn với hàng loạt ngân hàng vỡ nợ, phá sản.
AFP PHOTO
Trong chuỗi chuyển hoá kén nợ ấy, phải nói đến sự yểm trợ tích cực và thực tế là tài trợ của hai doanh nghiệp bán công là Fannie Mae và Freddie Mac, hai cơ sở đã nắm phân nửa khối lượng tín dụng gia cư toàn quốc và vừa sụp đổ năm ngoái.

Tôi xin được giải thích về chuyện đó: nhằm bơm tiền cho thị trường dễ vay tiền mua nhà, Chính quyền Clinton khuyến khích hai cơ sở ấy mua lại các khoản nợ gia cư của nhà tài trợ theo kiểu mua thấp bán cao. Vốn đã được tư nhân hoá và hoạt động vì lợi nhuận, hai cơ sở được nhà nước bảo trợ cho mục tiêu xã hội, là giúp dân dễ có tiền mua nhà, nên được coi là "bán công".

Thế rồi các kén nợ được thị trường tin là an toàn vì có ngôi nhà là vật bảo đảm, lại được Fannie Mae và Freddie Mac xác nhận giá trị. Mà vì hai cơ sở này được tin là của nhà nước nên kén nợ được coi là tờ giấy nợ được nhà nước công nhận.

Từ năm 2006, khi thân chủ vay tiền mua nhà khó trả nợ vì phân lời tăng mà giá nhà lại hạ thì tài sản gia cư mất giá. Nhiều khoản nợ còn cao hơn trị giá ngôi nhà nên khách nợ phải bỏ. Mà không trả nổi tiền nhà thì nhà bị tịch biên.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhiều vị dân cử bên đảng Dân Chủ cổ võ việc đó nên dù Chính quyền Bush có đòi tăng cường kiểm soát hai cơ sở ấy cũng không được. Đâm ra, ta có kén nợ căng phồng về lượng, mà về phẩm thì dường như an toàn - dường như thôi - vì tưởng là có chính phủ ở đằng sau. Bây giờ ta mới nói đến các tổ hợp đầu tư...

Việt Long:  Sau khách nợ, chủ nợ và cơ quan bán công bảo đảm ở giữa, ta có thêm một tác nhân nữa là các tổ hợp đầu tư trong chuỗi chuyển hoá ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, các nhà tài trợ gói kén nợ bán cho các tổ hợp đầu tư để lấy lại tiền đi tài trợ tiếp. Tổ hợp đầu tư là loại ngân hàng không nhận ký thác của công chúng mà dùng vốn riêng hoặc đi vay để kinh doanh. Trong kinh doanh họ còn lập ra các "quỹ đầu tư đối xung", hay hedge funds, và phát minh nhiều sáng kiến bán chác sự rủi ro để kiếm lời.

Khác ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư là do Hội đồng Giao dịch Chứng khoán SEC chứ không phải Ngân hàng Trung ương kiểm soát. Nhờ luật lệ được giải toả, và lại không bị Hội đồng SEC kiểm soát chặt chẽ, các tổ hợp đầu tư còn vay tiền kinh doanh theo lối gọi là "đòn bẩy tài chính", hay leverage, là mượn tiền người khác để kiếm lời cao hơn thực lực, với kết quả là họ mắc nợ tới ba bốn chục lần vốn riêng.

Người ta buôn bán kén nợ và gọi việc đó là "chứng phiếu hoá", securitization.

“Chứng phiếu hoá" gồm có cổ phiếu là tiền hùn vốn và trái phiếu là giấy nợ, "chứng phiếu" là loại tài sản tài chính dưới dạng một tờ văn tự, được mua đi bán lại để kiếm lời nhờ giá cả lên xuống.

"Chứng phiếu hoá" là lưu hành các khí cụ tài chánh ấy, bên trong có nhiều khoản tín dụng gia cư mà thị trường tin là có sự thế chấp của một bất động sản là cái nhà và sự đảm bảo của nhà nước.

Vì vững tin như vậy, người ta kết kén nợ thành nhiều lớp ngày một dầy hơn và cứ thế bán tiếp. Bên trong kén nợ ta có nhiều loại, loại cho phân lời cao thì rủi ro nhiều, mà hầu hết đều dựa trên ấn tượng là dù sao thì còn ngôi nhà đảm bảo ở dưới. Nhà tài trợ thì ăn hoa hồng sau khi cho vay tiền mua nhà rồi lại bán kén nợ lấy tiền cho vay tiếp mà khỏi cần biết kén nợ lăn tới đâu.

Chuyện bắt đầu nguy hiểm khi loại "tín dụng thứ cấp" bị thối bên trong kén nợ.

Vì chính sách hữu sản hóa của chính quyền cho dân dễ vay tiền mua nhà và vì doanh lợi của thị trường, "nhà tài trợ" chiêu dụ việc vay tiền mua nhà và còn cho người ít khả năng trả nợ được vay qua nhiều chương trình hấp dẫn với tiền lời thấp trong vài năm đầu, sau này sẽ cao hơn, bình quân thì cao hơn 3% loại tín dụng bình thường.

Loại tín dụng bất trắc ấy được gọi là "thứ cấp" hay "sub-prime" vì có giá trị thấp và rủi ro cao hơn loại "nhất cấp" thông thường.

Thế rồi từ năm 2006, khi thân chủ vay tiền mua nhà khó trả nợ vì phân lời tăng mà giá nhà lại hạ thì tài sản gia cư mất giá. Nhiều khoản nợ còn cao hơn trị giá ngôi nhà nên khách nợ phải bỏ. Loại thứ cấp mà không trả nổi tiền nhà thì nhà bị tịch biên. Vì vậy, nhiều giấy nợ loại thứ cấp được cuộn trong cái kén bán cho người khác mới trở thành nợ thối.

Mà ung thối đến cỡ nào thì không ai biết, kể cả các nhà tài trợ đã mua lại và lưu hành kén nợ. Khi thấy ra sự ung thối bên trong kén nợ thì thị trường bắt đầu hốt hoảng.

Chế độ bảo hiểm CDS được giải tỏa từ thời Clinton nên các tập đoàn bảo hiểm, kể cả tổ hợp AIG lớn nhất của Mỹ, cũng trôi vào cơn xoáy. Ngần ấy cơ sở đều lỗ và hệ thống tài chính bị khủng hoảng.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Đến khủng hoảng tài chính

Việt Long:  Kết quả là một sự ung thối lan rộng và khó kiểm điểm được trong hệ thống tài chính Mỹ? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta nhớ lại rằng từ nhà tài trợ ban đầu tới các tổ hợp đầu tư đã mua vào, gói lại rồi bán ra các kén nợ mà cũng bán lại rủi ro cho cơ sở khác theo lối "gắp lửa bỏ tay người", ta nói tới từ tháng Ba năm ngoái.

Sự sáng tạo trên doanh trường còn bày ra nhiều khí cụ tài chính biến hoá tinh vi, gọi là "biến phiếu" hay "derivatives", hay chứng phiếu "phái sinh" từ tài sản khác. Vậy mà việc rủi ro được phân phối và lan rộng qua tiến trình chuyển hóa ấy lại không được thẩm lượng kỹ.

Một trách nhiệm lớn về sự bất cẩn ấy là các công ty định giá trái phiếu, như Standard & Poor's, Moody's hay Fitch. Họ không làm tròn chức năng thẩm định trung thực chỉ vì cũng có thể ăn hoa hồng trong trò mua bán kén nợ.

Đã thế, các tổ hợp bảo hiểm cũng thấy cơ hội kiếm lời mới lạ nhờ bảo kê cho các kén nợ qua các "hợp đồng đổi chác rủi ro mất nợ" gọi là "credit default swap" CDS mà họ bán cho các cơ sở tài chính muốn phòng ngừa mất nợ.

Chế độ bảo hiểm CDS được giải tỏa từ thời Clinton nên các tập đoàn bảo hiểm, kể cả tổ hợp AIG lớn nhất của Mỹ, cũng trôi vào con xoáy như ta đang thấy. Ngần ấy cơ sở đều lỗ và hệ thống tài chính bị khủng hoảng.

Việt Long:  Tổng kết lại thì khi kinh tế phát đạt, giá nhà tăng, người ta tung hứng cả ngàn tỷ bạc với nhau để kiếm lời. Bây giờ thì tình hình đảo ngược và mọi người gặp nạn?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Hãy nhìn từ người dân trở lên. Khi kinh tế thịnh đạt, giá nhà tăng, nhiều người rút vốn trong ngôi nhà, xin tái tài trợ hay vay thêm, thường là qua một khoản vay thứ hai, "second mortgage", để đầu tư hay tiêu xài dưới sự cổ võ của cả chính trường và thị trường.

Bây giờ ngôi nhà sụt giá, việc làm ăn sa sút thì rủi ro mất nhà càng tăng, đi cùng rủi ro mất việc.

Khi kinh tế thịnh đạt, giá nhà tăng, nhiều người rút vốn trong ngôi nhà, xin tái tài trợ hay vay thêm. Bây giờ ngôi nhà sụt giá, việc làm ăn sa sút thì rủi ro mất nhà càng tăng, đi cùng rủi ro mất việc.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Các cơ sở tài chính thì đã vay tiền như mượn đòn bẩy kiếm lời cao và làm ẩu. Nay họ lật đật đùn nợ cho nhau, là hiện tượng "deleverage", và hết dám cho ai vay trong khi tài sản cứ tuột giá mỗi ngày.

Vì vậy, kén nợ thêm ung thối và có thể lên tới vài ngàn tỷ đô la làm tất cả các tác nhân trong chuỗi bi kịch này bị điêu đứng và dội ngược vào kinh tế lẫn thị trường cổ phiếu.

Từ Main Street của thường dân lạc quan tới Wall Street của giới tài phiệt bất cẩn, mọi người đều khốn đốn và chính quyền thì lúng túng nên các biện pháp cấp cứu trị giá cả ngàn tỷ chưa thấy có kết quả. Nhiều năm nữa ta mới có thể thấy hết hậu quả của chuỗi chuyển hoá và trách nhiệm tập thể này...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.