Doanh nhân nữ thành đạt mang lại những thay đổi tích cực

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.09.20
capture-1455634319499.PNG.jpg Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk
Courtesy photo

Tại các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, con số doanh nhân nữ thành đạt và trở thành những khuôn mặt lãnh đạo không chỉ càng ngày càng nhiều mà còn mang lại thay đổi tích cực trong lãnh vực xã hội cũng như đời sống.

Phái nữ Châu Á đang có chỗ đứng quan trọng

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của tổ chức The Thomson Reuters Foundation, càng ngày càng có nhiều doanh nhân nữ tại tại các quốc gia đang phát triển ở Châu Á vươn tới những vai trò quan trọng, góp phần đưa xã hội đi lên.

Vẫn theo kết quả thăm dò này, hết 68% ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng phụ nữ các quốc gia đang phát triển ở Châu Á nay dư sức chen chân vào các vị trí lãnh đạo trong kinh doanh cũng như đảm nhiệm công việc điều hành rất hiệu quả.

Được coi là nỗi trội và lọt vào danh sách Top 10 về phương diện lãnh đạo nữ các doanh nghiệp xã hội ở Châu Á là Malaysia, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Thái Lan.

Trong số những người lọt vào danh sách kinh doanh thành công nhất theo xếp hạng của Châu Á và trên thị trường chứng khoán chẳng hạn thì có thể thấy tên tuổi của bà Mai Kiều Liên, của VinaMilk, bà Phạm Nguyệt Nga của Tổng Công Ty Dược Hậu Giang, bà Cao Thị Dung của PMG chẳng hạn., bà Thái Hương của TH True Milk...
-Phạm Chi Lan

Một điểm đáng nói khác là trong 45 nền kinh tế lớn và vừa trên thế giới, Philippines được coi là nước Châu Á dẫn đầu về con số doanh nhân nữ nắm giữ các vị trí then chốt, giúp san bằng khoảng cách lương hướng và lợi tức giữa nam giới với nữ giới.

Nói một cách khác, nếu nhìn những vấn đề xã hội qua lăng kính kinh doanh và nếu so sánh với những khu vực khác thì phải nói phái nữ Châu Á đang có chỗ đứng quan trọng không những trong việc làm tăng mãi lực trên thị trường của đất nước họ mà còn biến công ty hay tập đàon kinh doanh của mình thành những doanh nghiệp xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và giải quyết được những tệ nạn xã hội.

Phụ nữ Việt Nam

Vậy Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế được coi là phát triển nhanh chóng ở Châu Á, đặc biệt vùng Đông Nam Á, thì như thế nào? Ông Bùi Ngọc Tuấn, công ty kiểm toán và tư vấn Delloitte Vietnam đang hoạt động tại Hà Nội, nhận xét:

“Ở Việt Nam càng ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào kinh doanh cũng như trong các công tác xã hội, các vị trí quản lý trong các công ty, thậm chí những tập đoàn kinh tế lớn. Đấy là một thực tế.

Điển hình nếu nhìn ngay trên thương trường thì hiện tại nhiều tập đoàn công ty đang được phụ nữ lãnh đạo, ví dụ tập đoàn VinaMilk chẳng hạn, rồi là một số các ngân hàng, các công ty bảo hiểm lớn của chẳng hạn... đều được phụ nữ lãnh đạo.”

Về lý do vì sao phụ nữ Việt Nam ngày nay có nhiều người trở thành doanh gia nỗi bật, tạo được hình ảnh tốt đẹp trên thương trường trong nước, ông Bùi Mạnh Tuấn giải thích:

Diễn đàn Nữ doanh nhân Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững được tổ chức tại TPHCM năm 2016. Courtesy photo.
Diễn đàn Nữ doanh nhân Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững được tổ chức tại TPHCM năm 2016. Courtesy photo.

“Cảm nhận cá nhân thì tôi nghĩ khi phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, các vị trí lãnh đạo thì người ta có những thế mạnh riêng mà nam giới không có. Đơn giản là những cái thuộc về bản năng ví dụ như tính nhẫn nại, mềm mỏng khi nói chuyện, rồi những cái như có thể sử dụng như “body language” để có thể thuyết phục trong quá trình kinh doanh cũng như trong quá trình quản lý. Giống như một người mẹ trong gia đình chẳng hạn, người ta có nhữnglợi thế nhất định so với cả nam giới. Đấy cũng có thể là những yếu tố dẫn đến sự thanh công của họ trong lúc nắm vị trí lãnh đạo.”

Một chi tiết khác trong kết quả thăm dò của Thomson Reuters Foundation là chỉ 48% người được hỏi cho rằng nhiều phần phụ nữ không nhận được mức lương bỗng hay lợi tức ngang bằng nam giới. Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Tuấn của công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte Vietnam thì:

“Theo thông tin mà tôi được biết thì không có sự bất bình đẳng đấy mà hầu như là nếu trong cùng một vị trí công việc thì cả nam và nữ đều được trả lương như nhau.”

Từ Hà Nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khẳng định bà đã quan sát và thấy ở Việt Nam phụ nữ tham gia vào công việc kinh doanh và thành đạt trong kinh doanh là điều có xảy ra:

“Họ tham gia vào công việc kinh doanh còn nhiều hơn số phụ nữ tham gia vào chính trị. Bởi vì vào chính trị thì nó có nhiều yếu tố khác. Ví dụ tỷ lệ nữ vào quốc hội thì nó cứ chập chờn, loanh quanh ở mức 27, 28%, có năm thì hoạch định là tăng lên rốt cuộc nhưng không tăng được mà lại giảm xuống.

Nhưng trong lãnh vực kinh doanh thì mọi thứ là do bản thân những người tham gia kinh doanh và do điều kiện của môi trường kinh doanh quyết định, cho nên là nhiều khi người phụ nữ có thể chủ động hơn. Tôi quan sát thì thấy là sỉ số phụ nữ tham gia kinh doanh ngày càng nhiều và nhiều người thực sự rất thành công.”

Theo thông tin mà tôi được biết thì không có sự bất bình đẳng đấy mà hầu như là nếu trong cùng một vị trí công việc thì cả nam và nữ đều được trả lương như nhau.
-Bùi Ngọc Tuấn

Nêu thí dụ về những trường hợp nổi bật đó, bà Phạm Chi Lan nói tiếp:

“Trong số những người lọt vào danh sách kinh doanh thành công nhất theo xếp hạng của Châu Á và trên thị trường chứng khoán chẳng hạn thì có thể thấy tên tuổi của bà Mai Kiều Liên, của VinaMilk, bà Phạm Nguyệt Nga của Tổng Công Ty Dược Hậu Giang, bà Cao Thị Dung của PMG chẳng hạn., bà Thái Hương của TH True Milk... Họ được đưa vào danh sách của 50 người phụ nữ kinh doanh ở Châu Á liên tục năm này sang năm khác.

Hay là khi tạp chí Forbes chọn ra những gương mặt phụ nữ kinh doanh tiêu biểu của Châu Á thì những chị này cũng thường hay xuất hiện. Ngoài những người thật sự xuất sắc như vậy thì còn có nhiều người khác, tuy chưa đạt mức chuẩn để đưa vào xếp hạng của Forbes hoặccủa các tổ chức trong khu vực, nhưng thực sự họ là những gương mặt nữ kinh doanh xuất sắc mà cộng đồng kiunh doanh Việt Nam đều thừa nhận.”

Đó là về kinh doanh nói chung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, còn một dạng kinh doanh khác ở Việt Nam mà người nữ làm chủ hoặc chủ động tham gia thì cũng rất nhiều:

“Là những người làm việc trong khu vực “informal” là khu vực phi chính thống hoặc là kinh doanh dưới dạng các hộ gia đình, thì ở đó lực lượng nữ lại càng nhiều hơn. Tính trung bình trong khu vực “informal” ở Việt Nam, nữ làm chủ thướng chiếm khoảng 30 đến 40% trong số đó.”

Từ khái niệm đến thực tế của doanh nghiệp xã hội có được chú trọng đến ở Việt Nam như thăm dò của Thomson Reuters Foundation hay không là điều được kinh tế gia Phạm Chi Lan phân tích tiếp:

“Cái ý nêu lúc đầu về Social Enterprise Doanh Nghiệp Xã Hội thì ở Việt Nam quả thật nếu so với mấy nước chung quanh thì chưa phát triển bằng. Cái này tương đối mới ở Việt Nam vài năm gần đây. Trở ngại chính cho các doanh nghiệp trong lãnh vực social enterprise để đăng ký và hình thành một cách chính thức là ở chỗ Việt Nam chưa có khuôn khổ luật pháp rõ ràng.

Doanh nghiệp xã hội được hình thành không chỉ là mục tiêu kinh doanh mà còn là mục tiêu xã hội, phụng sự cho những công việc như bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, giúp phụ nữ ở các nơi hoặc giúp cho đồng bào dân tộc có điều kiện có thêm thu nhập qua những công việc tham gia vào kinh doanh cùng với họ.

Doanh nghiệp xã hội ở các nước đều được hỗ trợ rất nhiều bằng thuế , bằng các chính sách hoặc đào tạo hoặc tín dụng vân vân... Ở Việt Nam khi đặt vấn đề về doanh nghiệp xã hội thì thường ban đầu có sự nghi kỹ về thuế cho nên không được hỗ trợ tốt, hoặc đưa ra những chuẩn đòi hỏi quá nhiều về xác định rõ hoặc là cam kết không tìm kiếm lợi như thế nào.”

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan khẳng định, một thực tế ở Việt Nam là có rất nhiều doanh nghiệp và rất nhiều người nữ trẻ theo đuổi doanh nghiệp xã hội dù họ không đăng ký là social enterprise.

Bà nói họ chấp nhận đăng ký bình thường để hoạt động trên thị trường như một doanh nghiệp nhưng hoạt động của họ lại nhắm rất rõ vào mục tiêu xã hội, kinh tế gia Phạm Chi Lan kết luận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.