Nợ xấu và môi trường ô nhiễm làm chậm phát triển kinh tế

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017.05.23
000_HB7EQ.jpg Các khách sạn mới đang được xây dựng trên sườn đồi ở khu du lịch Sapa hôm 1/10/2016.
AFP photo

 

Báo cáo của Chính phủ Việt Nam trình lên Quốc Hội nhân kỳ họp quốc hội đang diễn ra cho thấy tỉ lệ tăng trưởng tổng sản lượng quốc dân (GDP) quý đầu năm 2017 chỉ đạt 5.1% thấp hơn so với con số 5,48% cùng kỳ năm ngoái. Con số này làm một số chuyên gia và đại biểu quốc hội lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6.7% như mục tiêu đã đặt ra cho cả năm.

Báo cáo này cũng cho biết có đến 11 chỉ tiêu trong tổng số 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội lại đạt và vượt yêu cầu. Chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng yếu tố nợ xấu ở các ngân hàng, một trong những trọng tâm được bàn thảo trong quốc hội lần này, là một trong những yếu tố làm chậm sự tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về ngân hàng đang làm việc tại Việt Nam cho biết Việc cải tiến và cải tổ ngành ngân hàng là việc làm tất yếu để ngành ngân hàng phát triển trong sự ổn định và vững mạnh. Tôi nghĩ rằng hiện tại Chính phủ đang trình Quốc hội xét dự thảo tái tổ chức ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, tôi nghĩ rằng đây là bước rất quan trọng để cải tiến hệ thống ngân hàng.

Kính Hòa: Trong năm 2017 và 2018, vấn đề nợ xấu và nợ công nó có đe dọa gì không đối với nền kinh tế Việt Nam?

Việc cải tiến và cải tổ ngành ngân hàng là việc làm tất yếu để ngành ngân hàng phát triển trong sự ổn định và vững mạnh.
- Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Nếu dự thảo mà Chính phủ đang trình Quốc hội về tái tổ chức các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, được thông qua, thì đây là một điểm quan trọng, một bước quan trọng trong vấn đề tổ chức lại hệ thống ngân hàng Việt Nam, và việc thi hành các quyết định, các qui định luật pháp một cách hiệu quả, nghiêm chỉnh, thì tôi nghĩ rằng 2017 sẽ là năm khởi đầu, của một tiến trình cải tổ ngân hàng một cách mạnh mẽ, và chắc chắn năm 2018 là một năm bản lề, có tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, vì chúng ta biết hệ thống tài chính Việt Nam dựa rất nhiều vào huy động vốn của hệ thống ngân hàng.

Kính Hòa: Ngoài ra ông có thấy những rủi ro gì cho hệ thống ngân hàng, mà những báo cáo tại Quốc hội cũng như báo chí chưa đề cập tới không?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Có những điều Quốc Hội phải quan tâm, và trong hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro. Những rủi ro đó liên quan đến vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm và ổn thỏa.

Như chúng ta biết là tỉ lệ nợ xấu hiện nay, theo một vài số liệu thì có thể lên đến 10% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngay cả khi có những qui định về xử lý nợ xấu, thì việc thực hiện những qui định đó là một điều quan trọng. Dĩ nhiên, những vấn đề đó chúng ta chưa thể thấy trước được.

Kính Hòa: Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội thì nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt yêu cầu, trong khi Tổng sản lượng quốc dân (GDP) lại giảm, ông giải thích điều đó như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Một trong những khó khăn của Việt Nam là các vấn đề về xuất khẩu, rồi đồng vốn. Doanh nghiệp Việt Nam dựa rất nhiều vào đồng vốn ngân hàng, mà trong lúc này vay vốn ngân hàng bị lãi suất cao. Các ngân hàng rất thận trọng trong chuyện cho vay. Thị trường liên ngân hàng thì ổn, nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Không giải quyết được khó khăn đó, không giải quyết được vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt vừa và nhỏ, thì nó sẽ tác động đến GDP.

Tôi nghĩ rằng vấn đề vốn cho nền kinh tế là điều quan trọng để tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Bên cạnh đó là vấn đề nợ xấu của các ngân hàng.

Đó là một trong những yếu tố đẩy lãi suất lên cao. Nếu nợ xấu còn lướn thì các ngân hàng phải dự phòng rủi ro. Đặc biệt nữa là vốn cho vay thì phải qua một vòng quay để trở lại ngân hàng, rồi ngân hàng sử dụng tiền đỏ trả lãi cho người gửi tiền, và cho vay tiếp tục. Nếu có nợ xấu thì dòng vốn đó ra đi mà không quay trở lại. Thế là các ngân hàng lại phải tiếp tục huy động vốn, để trả lãi cho khác hàng, làm cho lãi suất cao vì nhu cầu huy động vốn cáo.

Kính Hòa: Theo ông thiên tai và sự cố môi trường có ảnh hưởng đến sự sụt giảm GDP không?

Một môi trường sạch là điều kiện tiên quyết trong vấn đề phát triển kinh tế, đặc biệt là tại Việt Nam.
- Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Đó là điều chắc chắn. Tôi nghĩ vấn đề thay đổi khí hậu và môi trường là những yếu tố ảnh hưởng GDP rất nhiều. Việc nhiễm mặn trong năm qua ở các tỉnh phía Nam ảnh hưởng đến mùa màng, đến nông nghiệp.

Năm qua chúng ta cũng thấy rất rõ tác hại về môi trường đối với nguồn hải sản như thế nào, nhất là Việt Nam có hàng ngàn cây số bờ biển. Một môi trường sạch là điều kiện tiên quyết trong vấn đề phát triển kinh tế, đặc biệt là tại Việt Nam.

Kính Hòa: Trong diễn đàn Quốc hội người ta cũng có sự nghi ngờ là tại sao GDP thấp mà các chỉ số kia lại cao. Người ta nghi ngờ cách tính toán. Ông có sự nghi ngờ đó không?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi thì tôi không có cơ hổi để kiểm tra lại những số liệu thống kê chính xác đến mức độ nào, thành ra tôi không thể bình luận về vấn đề này. Nhưng cái việc mà GDP thấp hơn so với kỳ vọng trong quí đầu của năm 2017, thật ra GDP đó đã phản ánh đúng sự trì trệ của nền kinh tế trong quí đầu.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến đầu năm 2017, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là khoảng từ 20 đến 25 tỉ đô la Mỹ. Báo cáo của chính phủ trình trước quốc hội về nợ công cho biết hiện có 12 dự án của nhà nước đang bị thua lỗ, với tổng số vốn là hơn 63 ngàn tỉ đồng (tương đương hơn 2 tỷ 777 triệu đô la Mỹ), trong đó có 74,6% là vốn vay. Ước tính số nợ phải trả của riêng 12 dự án này là 55 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 425 triệu đô la Mỹ).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.