Hành xử của công chức Việt

RFA
2017.08.21
HANH XU QUAN CHUC Hành xử của một bộ phân công chức khiến cư dân mạng xã hội bất bình.
Courtesy of Citizen

 

Cơ quan tuyên truyền Việt Nam luôn nhắc nhở cán bộ, viên chức nhà nước là ‘người đầy tớ của nhân dân’. Tuy nhiên, hành xử của nhiều công chức khiến dân chúng bất bình; và từ đó có nhìn nhận lại về quy trình tuyển chọn trong hệ thống công quyền Việt Nam. Phóng viên RFA ghi nhận một số bình luận về tình trạng liên quan.

Ngay từ khi xảy ra các vụ việc quan chức, công chức chính quyền hành xử không đúng mực, cộng đồng mạng xã hội đã loan tải rộng rãi, kèm theo những bình luận, chê trách và có nhiều người phân tích sự việc dưới những góc độ khác nhau.

Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định đánh giá những vụ việc này không phải chỉ mới diễn ra, các công chức ở Việt Nam chỉ được đào tạo ra để phục vụ cho chế độ và tuân lệnh các cấp uỷ đảng, chứ không hiểu về quyền hạn, trách nhiệm phục vụ người dân.

Luật sư Lê Công Định:“Do đó, khi họ ngoi lên một chức vụ thì họ lại tỏ vẻ coi là người có uy quyền, để rồi hành xử một cách nhố nhăng như ta thấy qua mạng xã hội”

Nhà hoạt động trẻ Nguyễn Trường Sơn tỏ vẻ lạc quan hơn khi thừa nhận vẫn còn một bộ phận thiểu số trong hệ thống công quyền có hành xử văn minh, hoà nhã và tận tâm phục vụ.

Nguyễn Trường Sơn: “Không phải tất cả ai làm trong bộ máy chính quyền thì đều xấu cả. Tuy nhiên chính những hành vi xấu đã khiến người dân trở nên có ác cảm với họ và hình thành định kiến và cuối cùng có suy nghĩ bao trùm lên tất cả những ai làm cho chính quyền thì đều là xấu.”

Đánh giá về việc tuyển dụng công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, Luật sư Lê Công Định cho rằng, hệ thống tuyển dụng của đảng cộng sản tùy tiện không theo qui định dẫn đến hệ lụy tiêu cực.

Luật sư Lê Công Định: “Vì không dựa trên luật pháp, cho nên cấp dưới luôn luôn tìm cách nịnh cấp trên để được để ý đến, được ưu đãi, được phát triển trong hệ thống của mình. Cho nên, khi họ lên được vị trí nào đó, họ phải tỏ ra uy quyền, bằng cách họ đạp lại những người bên dưới không cùng cánh. Tôi tạm gọi nó là thượng đội hạ đạp. Ở trong hệ thống tổ chức của đảng cộng sản là vậy. Cho nên khi mà đảng giới thiệu người của đảng vào hệ thống bộ máy công quyền, họ tỏ một thái độ không thể chấp nhận được trên phương diện xã hội.”

Anh Nguyễn Trường Sơn nêu ra thực tế tuyển dụng tại Việt Nam qua những câu cửa miệng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư mới là trí tuệ”.

Khi họ ngoi lên một chức vụ thì họ lại tỏ vẻ coi là người có uy quyền, để rồi hành xử một cách nhố nhăng như ta thấy qua mạng xã hội
-Luật sư Lê Công Định

Khi họ ngoi lên một chức vụ thì họ lại tỏ vẻ coi là người có uy quyền, để rồi hành xử một cách nhố nhăng như ta thấy qua mạng xã hội-Luật sư Lê Công Định

Nguyễn Trường Sơn: “Chính vì cái quan niệm này, cái lối làm việc như vậy, đã khiến bộ máy hành chính của Việt Nam trở nên hết sức cồng kềnh, thiếu hiệu quả, và nhiều lúc khiến cho người dân cảm thấy bức xúc vì các công việc không được làm đúng như người dân mong đợi, và chất lượng công chức rất kém cỏi so với những gì người dân thực sự kỳ vọng.”

Luật sư Lê Công Định nhận xét, các công chức, quan chức Việt Nam không được đào tạo để trở thành những chính trị gia, nhà kỹ trị đúng nghĩa, mà chỉ là những thành phần phục vụ cho đảng cầm quyền.

Luật sư Lê Công Định: “Trong một cái bộ máy đảng trị thế này chỉ có những nô bộc của đảng cộng sản mà thôi, chứ chẳng có một nhà chính trị nào hết. Trước đây, có vài người phong cho nhân vật cải cách này, cải cách nọ là những nhà chính trị, thậm chí gọi họ bằng cái tên rất đẹp là các chính khách. Tôi cho rằng, đó là do chúng ta cố tình gọi thôi. Còn trong hệ thống đảng trị này, chỉ có những tên nô bộc của đảng, suốt đời cúc cung làm việc cho đảng mà thôi.”

Theo anh Nguyễn Trường Sơn ở Việt Nam chưa có chính trị gia, chính khách hoạt động chính trị chuyên nghiệp và theo phân tích của anh này là  bởi cách vận hành nền chính trị Việt Nam được hình thành từ nhân sự gói gọn trong đảng cộng sản, người dân không có vai trò quyết định trong việc lựa chọn nhân sự của chính quyền.

Nguyễn Trường Sơn: “Thì rõ ràng, khi mà người dân không bầu lên lãnh đạo của mình thì họ sẽ không quan tâm đến người đó làm việc hay hoạt động ra làm sao. Và đối với một người đại diện, một người lãnh đạo mà không được người dân bầu thì người ta sẽ không hoạt động vì lợi ích của người dân mà chỉ vì đảng của người ta mà thôi.”

Xét đến nguyên nhân vì sao Việt Nam không có tầng lớp chính trị gia, chính khách đúng nghĩa, Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh đến việc nhà nước Việt Nam không theo mô hình “Tam quyền phân lập”, chỉ có mô hình đảng lãnh đạo toàn diện, từ trên xuống dưới, không như nhiều quốc gia khác.

Một người đại diện, một người lãnh đạo mà không được người dân bầu thì người ta sẽ không hoạt động vì lợi ích của người dân mà chỉ vì đảng của người ta mà thôi.
-Nguyễn Trường Sơn

Luật sư Lê Công Định: “Tức là anh phải tuân thủ những quy định về vấn đề quyền và trách nhiệm của anh. Những quy định đó luôn đặt ra giới hạn trong hành xử của công chức. Còn tại Việt Nam, hoàn toàn không có quy định như vậy. Cho nên là công chức hoàn toàn hành xử theo cái mà họ nghĩ rằng họ được trao quyền bởi đảng cộng sản mà thôi.”

Trên thực tế, trong hệ thống chính trị độc đảng như tại Việt Nam, thì các ứng viên đại biểu quốc hội là đảng viên chiếm tỷ lệ áp đảo, đảng cộng sản Việt Nam không phải cạnh tranh với bất cứ đảng phái nào, đảng viên đảng cộng sản cũng không phải cạnh tranh với ứng viên của đảng khác.

Luật sư Lê Công Định: “Bầu cử thì nói đến những nhà chính trị chuyên nghiệp thực sự. Những nhà chính trị chuyên nghiệp bao giờ họ cũng phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của người dân. Nếu hệ thống bầu cử chỉ là hình thức thôi, thì chẳng có ai cảm thấy phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của người dân. Họ muốn hành xử thế nào, thì như tôi nói,  họ chỉ nghe lời đảng, chiều theo ý đảng.”

Do đó, giải pháp để Việt Nam có một tầng lớp quan chức, viên chức điều hành đất nước một cách chuyên nghiệp không tạo nên những tai tiếng như lâu nay; theo Luật sư Lê Công Định và nhà hoạt động trẻ Nguyễn Trường Sơn thì phải áp dụng mô hình chính trị “tam quyền phân lập”, cải cách hệ thống bầu cử và có qui định loại bỏ những người không xứng đáng ra khỏi bộ máy nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.