Điều 258 và sự lạm dụng quyền lực

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013.06.24
000_Hkg8650243-305.jpg Công an, an ninh trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm Chủ nhật 02/06/2013.
AFP

Hồi tháng Hai vừa rồi, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch công bố Bản Phúc trình Toàn cầu năm 2013 lưu ý “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam lại thụt lùi thêm một bước nữa…” khi nhà cầm quyền “theo đuổi chính sách cứng rắn để đối phó với những biểu hiện bất mãn về chính trị, xã hội và kinh tế trong nước đang ngày một gia tăng”.

Human Rights Watch cũng không quên báo động rằng “Các bloggers và nhiều người khác tham gia đóng góp tiếng nói phê phán quan chức và chính sách nhà nước, để rồi nhiều người bị bắt và xử tù”, và số nhà hoạt động “bị kết án và xử nhiều năm tù theo các điều 79 (lật đổ), 87 (phá hoại đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 89 (phá rối an ninh) và 258 (xâm phạm lợi ích nhà nước) của bộ luật hình sự” đang gia tăng đáng kể.

Điều 258

Nhắc đến điều 258, thì mới đây, trong vòng chưa đầy một tháng, có 3 bloggers tâm huyết với đất nước là nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào và chuyên viên máy tính Đinh Nhật Uy bị bắt nhân danh điều 258.

Qua bài “Điều 258, chúng ta và truyện ngụ ngôn bó đũa”, blogger Admin J báo động rằng:

“Điều 258 - cái cớ đủ "linh hoạt" để bỏ tù cả 90 triệu người Việt Nam - lẽ ra phải được xem như một sự xúc phạm ghê gớm đến tư cách con người và thể diện dân tộc. Nó còn phải được nhìn nhận như một họng súng chĩa vào toàn thể phong trào yêu nước, đe dọa toàn thể những con người khao khát tiến bộ và tự do.

Với tất cả những lí do ấy, chúng ta cần bênh vực một cách mạnh mẽ những nạn nhân chính thức và dự khuyết của điều 258, và đồng thanh lên án mưu đồ hiểm ác đằng sau luật này.”

Khi đề cập đến điều 258 quy định về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, Ký giả Trương Minh Đức nêu lên câu hỏi rằng những bloggers bị buộc tội “đã xâm phạm lợi ích của nhà nước nào? của công dân nào?... Hay đảng CSVN đang bảo vệ cho lợi ích của công dân Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc?”.

Và ký giả Trương Minh Đức cảnh báo:

“Điều 258 Bộ Luật Hình Sự hiện nay được làm “cái đuôi” cho điều 88 Bộ Luật Hình Sự, bởi nó vô hình chung cho đảng CSVN chụp bất cứ ai cái tội nói xấu và chống lại một chế độ độc tài đảng trị như Việt Nam hiện nay.”

Đâu là Quyền công dân?

Sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.
Sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.
AFP PHOTO

Khi “Bàn về điều 258 của Bộ luật hình sự hiện hành”, LS Hà Huy Sơn nhận xét rằng điều 258 này quy định “không rõ ràng”, “dễ bị áp dụng sai do vô ý hay lạm dụng do cố ý” khi nội dung của nó “không thể hiểu bằng một cách duy nhất” và hiểu điều luật này “chủ yếu là do cảm tính”; Chính vì nội dung không rõ ràng như vậy nên các cơ quan điều tra “có tài thánh cũng không định lượng được thiệt hại do tội phạm gây ra và rồi đến Viện Kiểm sát và Tòa án cũng phải lờ đi vi phạm nghiêm trọng đó của cơ quan điều tra”.

LS Hà Huy Sơn nhân tiện lưu ý đến nhiều quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp 1992 nhưng cho đến nay  - đã hơn 2 thập niên - vẫn chưa được luật hoá, chưa rõ bị cấm như thế nào, thì “làm sao nói là lợi dụng (các quyền tự do dân chủ)?”. Nguyên tắc chung của pháp luật là “Công dân được làm những gì nhà nước không cấm, nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Như vậy, LS Hà Huy Sơn hỏi tiếp, “Thực trạng này thì ai là người đang vi phạm pháp chế của một nhà nước pháp quyền?”.

LS Hà Huy Sơn cũng nhận thấy một điểm “mâu thuẫn” và “lập lờ”của điều 258 vốn quy định “ Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Theo LS Hà Huy Sơn thì “ Đã là quyền của công dân thì đương nhiên công dân được phép được sử dụng trong mọi giới hạn không gian, thời gian của pháp luật, và nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền ấy. Là quyền thì không thể là tội, là tội thì không thể là quyền. Không thể vừa là quyền lại vừa là tội”.

Ai lợi dụng?

Blogger Nguyễn Hưng Quốc sau khi đọc xong điều 258 Luật hình sự VN đã “thú thực” rằng ông “không hình dung được cụ thể cái gọi là tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ ấy là như thế nào cả!”

GS Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng ở Tây phương, người ta nói nhiều đến “tội lợi dụng quyền lực” chứ không ai nói đến “tội lợi dụng tự do dân chủ”. GS Nguyễn Hưng Quốc trích dẫn lời học giả Noam Chomsky nhấn mạnh rằng:

“Điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng, mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền”.

Do đó, theo nhận xét của GS Nguyễn Hưng Quốc, cách nói “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của giới cầm quyền VN “vừa nghịch lý vừa vô lý”. Nó nghịch lý vì:

Thứ nhất, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, ai cũng biết dân chúng không có nhiều tự do dân chủ để lợi dụng.

Thứ hai, cái gọi là lợi dụng quyền tự do không hề hiện hữu.

Thứ ba, cách nói lợi dụng dân chủ lại càng nghịch lý vì dân chủ, tự bản chất, là quyền từ dưới lên (của dân chúng đối với giới lãnh đạo qua việc bầu cử cũng như phê bình và kiểm tra), nhưng trên thực tế, về phương diện cơ cấu, lại thuộc về phía trên, ở những người cầm quyền: Chỉ có những người cầm quyền mới có thể lợi dụng dân chủ; với dân chúng, những người thấp cổ bé miệng thì vô phương.

GS Nguyễn Hưng Quốc nhấn mạnh rằng việc giới cầm quyền lên án người dân - ở đây là những người yêu nước - có hành vi “ lợi dụng quyền tự do dân chủ” là điều vô lý vì trong bối cảnh xã hội VN ngày nay, nhìn đâu cũng thấy lợi dụng quyền lực”. GS Nguyễn Hưng Quốc phân tích:

“Việc lên án các hành vị lợi dụng quyền tự do dân chủ của dân chúng vô lý vì ở Việt Nam hiện nay, nguy cơ phổ biến và trầm trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mọi người và vận mệnh của đất nước nhất, chính là việc lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ.

Tham nhũng: lợi dụng quyền lực. Mua quan bán chức: lợi dụng quyền lực. Đưa con cháu mình vào những chức vụ vượt quá khả năng và không đúng quy định về bổ dụng: lợi dụng quyền lực. Tạo cơ hội cho thân nhân làm giàu một cách bất chính: lợi dụng quyền lực.

Trấn áp các quyền tự do căn bản và các biểu hiện căn bản của dân chủ: lợi dụng quyền lực. Chà đạp lên nhân quyền, bắt bớ những người không làm gì khác ngoài việc phát biểu ý kiến và chính kiến của mình: lợi dụng quyền lực.

Khẳng định thế lãnh đạo độc tôn của đảng mình, bất chấp nguyện vọng của dân chúng, yêu cầu của dân chủ và xu hướng phát triển của nhân loại: lợi dụng quyền lực.”

Do đó, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, hành động của giới cầm quyền đàn áp, bắt bớ, tù đày người dân yêu nước hiện nay bằng điều 258 với bình phong “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là chính nhà cầm quyền đã “lợi dụng quyền lực một cách thô bạo. Và trơ trẽn. Trơ trẽn vì nó đánh tráo khái niệm ‘lợi dụng’ ”.

Một cái nhìn sai lệch

Qua bài “Điều 258: Quá tội nghiệp cho tự do dân chủ”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh báo động rằng “Sự tồn tại của điều 258 làm mọi người có cái nhìn sai lệch về tự do dân chủ”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh khẳng định là ở tất cả những đất nước tự do dân chủ thực sự, không hề có điều 258 trong bộ luật hình sự của họ:

“Chưa hề thấy dân chúng trong các nhà nước tự do dân chủ trên thế giới lợi dụng các quyền tự do dân chủ để làm hại đất nước hay lợi ích hợp pháp của cá nhân nào.

Có chăng là họ lợi dụng tự do dân chủ để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp cho họ hoặc họ lợi dụng tự do dân chủ để truất phế ngay tức khắc một chế độ thối nát, một cá nhân lãnh đạo chưa tốt để đưa lên một cá nhân lãnh đạo khác tốt hơn, một chế độ mới hoàn thiện hơn nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước họ. Họ làm việc đó thông qua biểu tình gây sức ép hoặc đơn giản thông qua bầu cử tự do”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh mô tả:

“Kéo dài trong bóng đêm của chế độ độc tài phong kiến rồi chế độ thực dân áp bức cho đến gần cuối thế kỉ 20, đất nước ta mới được hoàn toàn thống nhất và xây dựng nên chế độ mới trên toàn quốc: Chế độ cộng sản.

Chế độ cộng sản nhưng mà dân chủ, không những thế mà còn “tự do dân chủ gấp vạn lần” các chế độ đang hiện hành trên thế giới, như tuyên bố cửa miệng của nhiều lãnh tụ cộng sản.

Và không chỉ khẳng định bằng miệng, tự do dân chủ còn được xác định rõ qua hiến pháp và thể hiện ra các quyền làm người phổ quát được công nhận như: Tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập hội...

Sống quá lâu từ đời nầy qua đời khác dưới các chế độ độc tài áp bức không có chút tự do, nay được hít thở không khí dân chủ tự do tươi đẹp, người dân sung sướng lắm. Nhẽ ra người dân được thụ hưởng tự do dân chủ, được lợi dụng tự do dân chủ để sống cho ra sống…”

Nhưng, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhấn mạnh, “đó chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế thì khác xa”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng không quên tô đậm “bức tranh tương phản” rằng trong khi các bloggers, vì quê hương, dân tộc, đã nói lên tâm tư, suy nghĩ cùng nhận thức của mình để rồi bị những “cái còng 88” bồi thêm điều 258 “khá mông lung” quy chụp tội gọi là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, thì “Điều 258 dường như chỉ đi theo một chiều là nhắm vào những cá nhân xâm phạm đến lợi ích của các đối tượng là Nhà nước, tổ chức đảng và các cán bộ cao cấp.

Đến nay, chưa thấy có chiều ngược lại là: Cơ quan Nhà nước, các tổ chức đảng, cán bộ cao cấp bị đưa ra tòa vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích cá nhân” của người dân, nhất là người dân yêu nước.

Như vậy, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh than rằng, việc giới cầm quyền khởi tố các bloggers theo điều 258 “ vừa mơ hồ lại vừa tội nghiệp cho tự do dân chủ quá !”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.