Hé lộ khả năng chế tài Formosa?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.07.27
image0727.jpg Formosa và khoản tiền 500 triệu USD tiền bồi thường sau thảm họa cá chết.
File photo

Chính phủ Việt Nam trong báo cáo gởi Quốc hội chỉ nói tới thiệt hại trong vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, mà không đề cập tới trách nhiệm của bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào ở Trung ương cũng như địa phương. Sự kiện này hé lộ một khả năng mới về việc chế tài Formosa Vũng Áng theo một hình thức nào đó, ngoài tiền đền bù 500 triệu USD.

Formosa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thông tin Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề xem xét cẩn trọng sự tồn tại của Formosa Hà Tĩnh, cũng như ý kiến thành lập Ủy ban Lâm thời của Quốc hội điều tra công ty này, dẫn tới dự đoán Formosa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, nhà phân tích thời sự độc lập từ Saigon cho biết, có nhiều thông tin là nhà nước tính tới chuyện phải có hành động nào đó để chế tài một số nhân vật của Formosa, thậm chí nghĩ tới phương án đóng cửa Formosa. Tuy vậy, TS Phạm Chí Dũng nhận định:

Nếu xét về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa thì tôi thấy rằng không nên đưa một người như thế vào Ủy ban kinh tế của Quốc hội.
- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

“Tôi không tin tưởng lắm, cũng như không nghĩ rằng việc tổ chức điều tra Formosa của nhà nước Việt Nam lại có thể dẫn tới kết quả hoàn toàn. Tại vì một trong những nhân vật tai tiếng nhất hiện nay là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Hà Tĩnh, ông Cự hiện nay đang chịu một số dư luận cho là ‘cõng rắn cắn gà nhà’. Ông Võ Kim Cự lại là người có mối quan hệ sâu rộng với một số lãnh đạo cấp cao trên nhà nước. Thành thử nếu không giải quyết chuyện Võ Kim Cự thì không thể nói chuyện điều tra Formosa, điều tra Formosa sẽ dẫn tới trách nhiệm của những người liên quan như ông Võ Kim Cự.”

Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, Chủ tịch Hà Tĩnh biện minh với báo chí nhà nước là bản thân ông không có gì sai trái, đồng thời choàng trách nhiệm cho Trung ương về việc cấp phép 70 năm cho Formosa Vũng Áng. Sự kiện này cho thấy khó có khả năng truy cứu trách nhiệm ông Võ Kim Cự. Nhân vật này, sau khi thành công đưa Formosa vào Vũng Áng Hà Tĩnh, đã chuyển sang làm Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tiếp tục đắc cử Quốc hội, thậm chí được chọn làm thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Khóa 14 hiện nay.

Một trong các phản ứng được Đài RFA ghi nhận về trường hợp ông Võ Kim Cự là từ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.”

“Nếu xét về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa thì tôi thấy rằng không nên đưa một người như thế vào Ủy ban kinh tế của Quốc hội.”

Trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Câu chuyện ông Võ Kim Cự sử dụng các kênh thông tin báo chí chính thức của Nhà nước, trả lời khá bài bản về việc Hà Tĩnh dưới thời ông làm Bí thư, Chủ tịch Tỉnh đã làm đúng quy trình, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư 70 năm cho Formosa, làm cho dư luận cảm thấy ông có chỗ dựa vững vàng.

TBT Nguyễn Phú Trọng hôm 22/4 tới thăm công trình cảng Sơn Dương thuộc Dự án Formosa thuộc khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh.
TBT Nguyễn Phú Trọng hôm 22/4 tới thăm công trình cảng Sơn Dương thuộc Dự án Formosa thuộc khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh.
TBT Nguyễn Phú Trọng hôm 22/4 tới thăm công trình cảng Sơn Dương thuộc Dự án Formosa thuộc khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh.

Ông Võ Kim Cự còn nhắc lại khi Thanh tra Chính phủ nêu vấn đề Hà Tĩnh cấp phép 70 năm, thì sau đó Bộ kế hoạch Đầu tư đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn 70 năm và ý kiến nay đã được cấp có thẩm quyền đồng ý. Cấp có thẩm quyền mà ông Cự đề cập ở mốc thời gian đó, chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các Bộ trưởng đã tham mưu cho Thủ tướng.

Tuy vậy báo Dân Trí, bản tin trên mạng ngày 26/7/2016, trích lời ông Lê Hồng Lĩnh, người phát ngôn của Thanh tra Chính phủ đã phản bác quan điểm của ông Võ Kim Cự. Theo đó, tại thời điểm thanh tra tháng 7/2014, việc Hà Tĩnh cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho Formosa 70 năm là sai quy định tại Điều 52 Luật đầu tư 2005 và các quy định của pháp luật có liên quan. Được biết sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hợp thức hóa việc cấp phép 70 năm cho Formosa.

Trước trận bão dư luận đòi xử lý trách nhiệm ông Võ Kim Cự và sự liên quan của các cấp thẩm quyền cao hơn. Trả lời Cát Linh Đài RFA, TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội nhận định:

“Toàn bộ việc cho Formosa vào, quá trình hoạt động ấy hoàn toàn là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy thực sự phải là một người chịu trách nhiệm cao nhất về thảm họa môi trường này, bất luận kể cả việc ông Cự ký sai lẫn ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Hoàng Trung Hải vi phạm pháp luật khi đã làm ngược với pháp luật. Tất cả các quan chức này đều là cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm pháp luật như thế, thì người chịu trách nhiệm chính là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng… Nếu ông ấy tỉnh ra, lệnh là phải xử thì cũng giống hệt như ông ấy chỉ thị xử ông Thanh ở Hậu Giang, ông Cự cũng thế, nếu ông ấy quyết thì sẽ xử… khả năng này là ít.”

Khả năng truy tố Formosa

TS Nguyễn Quang A e ngại việc xử lý trách nhiệm ông Võ Kim Cự và những cấp trên dính tới dự án Formosa có thể bị chìm xuồng. Nhà phản biện còn cho là, khó biết tình hình sẽ diễn biến ra sao, nếu người dân đòi truất quyền đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự và những người có trách nhiệm liên quan.

Toàn bộ việc cho Formosa vào, quá trình hoạt động ấy hoàn toàn là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng.
- TS Nguyễn Quang A

Ngày 30/6/2016 vừa qua, khi họp báo công bố Formosa là thủ phạm thảm họa môi trường, phía Việt Nam cho biết đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng thi công…quan trọng nhất là Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ rẻ tiền hơn nhưng phát sinh nhiều chất thải hơn… Với những vi phạm như thế là quá đủ để khởi tố vụ án, chưa cần xét tới việc xả thải chưa qua xử lý ra biển gây ra thảm họa cá chết hàng loạt. Lúc đó khi trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vẫn để ngỏ khả năng truy tố Formosa.

Giới phân tích cho rằng, trước dư luận sôi sục về hậu quả thảm họa môi trường và việc tiếp tục cho rằng quá trình cấp phép cho Formosa Hà Tĩnh không sai trái. Khẳng định vi phạm pháp luật xuất phát từ nhà máy thép Formosa, thì chính phủ Việt Nam sẽ phải khởi tố một vài người có trách nhiệm của nhà máy này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.