Nặng gánh hàng rong trong lòng thành phố

Các gánh hàng rong từ lâu là một hình ảnh quen thuộc và cũng là một kế mưu sinh của bao người dân Việt; đến nỗi người ta quên quan tâm đến nó.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011.01.06
dongkhoi-hangrong-305.jpg Một gánh hàng rong trên vỉa hè đường Đồng Khởi, một con đường sang trọng ở SG. Ảnh chụp tháng 7/2010.
RFA photo

Nhân có luật mới về an toàn thực phẩm với những quy định vệ sinh cho hàng rong vào năm tới, Quỳnh Chi có bài tường trình về tình hình liên quan.

Một cách mưu sinh

Ở Sài Gòn, tìm một người có hoàn cảnh khó khăn không hề khó và nếu tìm một người bán hàng rong lại càng dễ dàng. Họ có thể là dân địa phương, cũng có thể từ mọi nơi trên đất nước nhưng đều có một điểm chung: mưu sinh bằng một gánh hàng rong.

Chị Phương, người gốc Tiền Giang trôi dạt đến xóm nhỏ thuộc An Sương – Hóc Môn lập nghiệp. Chị Phương kể về hoàn cảnh của mình:

“Ở dưới quê, công ăn việc làm rất là hạn hẹp. Cắt lúa thì không phải lúc nào cũng có cho mình cắt vì nó có mùa. Gia đình gặp chồng hay nhậu nhẹt, nhà lại neo đơn. Có con đi học mà không có tiền lo cho nó nên mình phải tìm cách làm ăn ở chỗ khác khá hơn”.

Thường những người không có nỗi một chỗ buôn bán cố định, phải đạp xe lộc cộc hay quảy gánh trên vai đều có chung những hoàn cảnh tương tự như thế. Nó như một điểm chung để bàn tay số phận đưa họ đến với nhau.

Những người này hay tập trung ở những thành phố lớn, đặc biệt là Sài Gòn hay Hà Nội vì ở đây đất chật người đông lại có nhiều xí nghiệp nhà máy, kiểu gì cũng có thể kiếm ra tiền.

Chị Giang, sống tại quận 2 TPHCM, nơi có nhiều dân nhập cư kiếm sống bằng hàng rong nhận xét:

Quán ăn lề đường thì tụi em ăn rất nhiều, tuổi học trò mà. Nếu mà so với tuổi teen của tụi em, nó rẻ và phù hợp.

Chị Hồng, TPHCM

“Miền Trung hay dưới quê, nhiều khi những người già cũng nghèo khổ, người ta phải lên đây kiếm sống thôi. Cuộc sống ở quê khó khăn nhưng cũng không kiếm ra đồng tiền. Còn ở thành phố mặc dù có cực khổ nhưng có thể kiếm sống. Ở thành phố mà, dù khó khăn cách mấy thì cũng đỡ hơn dưới quê”.

Sinh nhai bằng gánh hàng rong không phải xa lạ với người dân Việt. Những năm gần đây, khi các khu đô thị ngày càng mộc lên, các gánh ấy tìm đến tận những nơi sầm uất, tự nhiên trở thành cái nghề kiếm sống dễ dàng.

Hầu hết những những người tha phương cầu thực bằng hàng rong đều có chung một đặc điểm - sống cho một người khác. Họ tìm đến những thành phố lớn, gặp nhau ở 2 đầu quang gánh vẫn không quên rằng họ đến đây bằng lý do gì thì duy trì bằng lý do ấy. Một trong những lý do ấy là tiết kiệm. Chị Phương cho biết thêm:

“Giỏi tiết kiệm tích góp thì gởi về quê đủ sống, còn sống ở thành phố này thì không đủ đâu. Sống cho những người ở dưới quê, cho thân nhân chứ còn ở đây là tiết kiệm tích góp lắm”.

Dễ dàng để nhận thấy rằng, những người bán hàng rong thường phải sống tằn tiện, thuê những ngôi nhà nhỏ và ăn những bữa ăn xuềnh xoàng, số tiền họ làm được thường phải để dành cho những lý do như thế.

Đáp ứng nhu cầu xã hội

Hàng rong như một hiện tượng tự nhiên từ nhu cầu xã hội, vì nó đáp ứng được các yếu tố nhanh, gọn, lẹ và rẻ .Vậy là đôi quang gánh nhỏ bé từ vùng quê xa xôi, đã len lỏi đến những con phố nhộn nhịp.

hangrong-250-2.jpg
Hàng thủ công mây tre lá được người nước ngoài đặc biệt ưa chuộng, cũng bán rong trên đường phố SG. RFA photo
Hàng thủ công mây tre lá được người nước ngoài đặc biệt ưa chuộng, cũng bán rong trên đường phố SG. RFA photo
Chính vì đặc điểm ấy mà ngoài khách du lịch hay vãng lai, học sinh chọn hành rong như một phần trong văn hoá học trò. Hồng, một học sinh vừa tốt nghiệp THPT ở một trường ở quận 10 cho biết hàng rong như một văn hóa học trò. Hồng nói:

“Quán ăn lề đường thì tụi em ăn rất nhiều, tuổi học trò mà. Nếu mà so với tuổi teen của tụi em, nó rẻ và phù hợp. Tụi em có thể tụ tập thành một nhóm mà không sợ ai nhìn ngó”.

Chính vì giải quyết được công ăn việc làm và nhu cầu ăn uống mà hàng rong ngày càng xuất hiện khắp mọi ngõ ngách, bất kể mưa nắng.

Thế nhưng, đôi khi vì sự phát triển đô thị, người ta đổ lỗi cho những quanh gánh quê mùa và muốn dứt bỏ nó ra ngoài xã hội. Những năm gần đây, hàng rong bị cấm tại một số địa hạt trung tâm thành phố.

Mới đây nhất, báo SGGP đã đăng tin luật mới về an toàn vệ sinh thực phẩm nằm trong 10 luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2011. Trong đó, chương IV qui định những điều kiện vệ sinh cho thức ăn đường phố, bao gồm hàng rong. Việc này nhằm nâng cao phẩm chất vệ sinh cho thức ăn đường phố vì theo các nhà làm luật, “thức ăn này không được quản lý, nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ rất cao”.

Về việc này, Hồng cho biết:

“Mình biết nó không vệ sinh nhưng mà lúc thưởng thức thì lại thấy rất ngon. Với lại lúc người ta bưng ra thì mình không nhìn thấy được người ta làm nên mình không hình dung được nó như thế nào nên cũng bỏ qua quan ngại đó”.

Ở dưới quê, công ăn việc làm rất là hạn hẹp. Có con đi học mà không có tiền lo cho nó nên mình phải tìm cách làm ăn ở chỗ khác khá hơn”.

Chị Phương, Tiền Giang

Vấn đề này từ lâu đã thách thức các nhà làm luật vì khó lòng quản lý hết các gánh hàng rong khi nó đã len lỏi mọi ngã đường và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa xã hội. Hàng rong vốn tự phát và không theo một kiểu mẫu hay tiêu chuẩn vệ sinh nào. Nhìn họ, không ai biết họ sẽ xoay sở như thế nào để khỏi vi phạm khi luật mới thực sự được áp dụng triệt để?

Những người nghèo này không biết thế nào là mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,78%, không biết thế nào là thu hút đầu tư nước ngoài ở mức 17 tỷ đô la một năm; không biết thế nào là lạm phát 11,75%, và thế nào là phá giá đồng tiền. Họ chỉ biết rằng, một khi cuộc sống của họ còn quá khó khăn hay còn những công nhân lương vài triệu đồng 1 tháng; thì xã hội vẫn còn những gánh hàng rong.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.