Kêu gọi thành lập diễn đàn xã hội dân sự

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013.09.23
Biểu ngữ kêu gọi phát huy quyền làm chủ Biểu ngữ kêu gọi phát huy quyền làm chủ
AFP

Nghe bài này

Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị vừa công khai trên mạng Internet vào ngày 23 tháng 9 kêu gọi hình thành một Diễn đàn Xã hội Dân sự tại Việt Nam.

Đề xuất mạnh mẽ

130 nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước ký tên đầu tiên vào Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị được công khai trên mạng Internet và còn cho biết được gửi đến các thành viên cơ quan lãnh đạo đảng Cộng sản và Nhà nước Việt nam.

Sau khi nêu lại những qui định trong hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết, theo đó công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình; những người ký tên vào tuyên bố vừa nói cho rằng gần đây trong nước xuất hiện những ý kiến của các tầng lớp khác nhau góp ý thẳng thắn cho việc sửa đổi hiến pháp.

Nay những người ký tên lại cho rằng cần phải khởi xướng một Diễn đàn trao đổi và tập hợp những ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị tại Việt Nam từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa. Diễn đàn được đề xướng sẽ mang tên “Diễn đàn xã hội dân sự’ với trang thông tin điện tử để các tổ chức, các nhóm, các cá nhân bày tỏ ý kiến.

Hai yêu cầu được nêu ra trong Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị là nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch như từng diễn ra lâu nay. Yêu cầu thứ hai là Quốc hội dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi mà theo nhận định thể chế chính trị của Việt Nam vẫn được cơ bản duy trì như hiện nay. Cần có thêm thời gian thảo luận về Hiến pháp để mọi người có những ý kiến khác nhau tranh luận một cách thẳng thẳn, nghiêm túc và công khai về những điều cơ bản của thể chế chính trị Việt Nam.

Người dân muốn nói. RFA files/AFP
Người dân muốn nói. RFA files/AFP
RFA files/AFP

Thực tế tranh luận

Một người trong số 130 người ký tên đầu tiên là cán bộ nghỉ hưu Đặng Phương Bích ở Hà Nội cho biết về yêu cầu cần có của một Diễn đàn xã hội dân sự như thế tại Việt Nam:

Tôi thấy rằng từ trước đến nay người dân không có chỗ nào để nói cả, tức là không có chỗ nào để đối thoại chính thức. Ý tôi muốn nói (nay) cần có một diễn đàn công khai, không mang tính cá nhân nữa. Mỗi một cá nhân thì mang tính lẻ tẻ, không tập trung, mà diễn đàn này là nơi tập trung để mọi người có thể gửi gắm và bày tỏ những suy nghĩ của mình. Như tôi thường nói, truyền thông nhà nước hoàn toàn một chiều, họ chỉ nói và chúng tôi chỉ được nghe thôi chứ không được đối thoại lại. Khi chúng tôi lên tiếng lẻ tẻ sẽ khó tập trung hơn. Tôi thấy khi có ý tưởng này rất hay. Nhà nước phải hợp pháp hóa, chứ không phải blog cá nhân, lẻ tẻ nữa. Có những blog viết rất hay mà nhiều người không biết đến, khi ấy cần phải nhờ những trang mạng tương đối ‘lớn’ chuyển tải bài viết đó; như thế theo tôi là một thiệt thòi, còn diễn đàn lớn như thế này và tập trung thì người ta có cơ hội lựa chọn thông tin nhiều hơn.

Nhà văn Phạm Đình Trọng từ thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong 130 người ký tên đầu tiên vào Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị nói về thực tế của hoạt động tranh luận tại Việt Nam hiện nay như sau:

Tôi thấy rằng từ trước đến nay người dân không có chỗ nào để nói cả, tức là không có chỗ nào để đối thoại chính thức. Ý tôi muốn nói nay cần có một diễn đàn công khai, không mang tính cá nhân nữa.

Bà Đặng Phương Bích

Theo tôi hiện nay phong trào thức tỉnh chưa thật rộng, vì chỉ mới trong tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh và đang phát triển ra nhờ Internet. Nó đang phát triển và đội ngũ trí thức tiên tiến, trí thức chân chính, trí thức thực sự chứ không phải trí thức mà đảng đào tạo- những người cò bằng, học vị trí thức nhưng không có tư chất của trí thức- vẫn không thấy được điều này. Tuy chưa rộng nhưng đang phát triển ngày càng rộng rãi và sự đòi hỏi dân chủ, quyền con người ngày càng mạnh mẽ. Tuyên bố này là một thúc đẩy trong lĩnh vực đó.

Người dân biểu tình bày tỏ quan điểm, ý kiến bị ngăn cản
Người dân biểu tình bày tỏ quan điểm, ý kiến bị ngăn cản
AFP

Điều kiện cần có

Như đã nêu trong Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị, những người ký tên đòi hỏi chính quyền phải có một sân chơi công bằng cho những người tham gia tranh luận; chứ không thể như lâu nay.

Cán bộ nghỉ hưu Đặng Bích Phượng nêu lại yêu cầu đó:

Tôi cho rằng không phải tạo điều kiện mà họ ( Nhà nước) phải chấp nhận và Nhà nước không nên có hình thức nào để ngăn cản, mà phải nên mở ra và tạo hành lang pháp lý cho diễn đàn này. Nếu không thì người ta dễ quy là không hợp pháp. Ví dụ Nghị định 72 vừa rồi nói muốn trích dẫn thông tin… thì phải hợp pháp; mà hợp pháp là thế nào? Khi Tuyên bố này gửi cho Nhà nước thì Nhà nước phải nói rõ ràng được phép hay không như thế nào, và không được phép thì vì sao, ở những điểm nào? Nếu không hợp lý thì những người tham gia sẽ lại có ý kiến. Diễn đàn này không phải dạng kinh doanh như một tờ báo, đây là một diễn đàn gần như phi lợi nhuận, nên họ không có lý do gì để ngăn cản.

Nhà văn Phạm Đình Trọng dù ký tên nhưng cũng tỏ ra bi quan về khả năng những yêu cầu được phía chính quyền đáp ứng:

Tôi cho rằng không phải tạo điều kiện mà Nhà nước phải chấp nhận và Nhà nước không nên có hình thức nào để ngăn cản, mà phải nên mở ra và tạo hành lang pháp lý cho diễn đàn này. Nếu không thì người ta dễ quy là không hợp pháp

Bà Đặng Phương Bích

Theo tôi thì chính quyền cũng lại làm ngơ đối với Tuyên bố này như những kiến nghị, mà những kiến nghị thiết thực nhất như Kiến nghị Bô Xít mà họ làm ngơ thì Tuyên bố này họ càng làm ngơ. Thế nhưng đây là tiếng vang để chính quyền thấy rằng không thể cai trị theo lối cũ, còn đối với người dân sẽ có tiếng vang để người dân ý thức thêm về thời đại mình đang sống, ý thức thêm về quyền của mình để thức tỉnh.

Trong những năm gần đây, các nhân sĩ trí thức và nhiều người dân tại Việt Nam đã công khai bày tỏ những ý kiến phản biện của họ về các vấn đề lớn của đất nước như dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, trả tự do cho những nhà hoạt động như tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp…

Như nhận xét của nhà văn Phạm Đình Trọng vừa nêu thì nhà cầm quyền Việt Nam hầu như đều làm ngơ trước những ý kiến tâm huyết đó. Tuy vậy sự làm ngơ, thậm chí có biện pháp trấn dẹp từ phía nhà cầm quyền dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản vẫn không làm cho những công dân có ý thức nản lòng mà càng lúc họ càng quyết tâm hơn với những hình thức phù hợp hơn như Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị với khởi xướng một Diễn đàn Xã hội Dân sự để sự lên tiếng có hiệu quả hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.