Mở rộng giao thương...
Việc thông xe cặp cửa khẩu quốc tế này được chính phủ hai nước hy vọng sẽ tạo điều kiện tốt cho người, hàng hóa và góp phần hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Vụ phó vụ vận chuyển đường bộ thuộc Bộ Giao thông công chính Campuchia ông Soun Van Hong cho biết Bộ Giao thông công chính Campuchia và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam hôm thứ Sáu, 29/7 tổ chức lễ thông xe cặp cửa khẩu quốc tế thứ 5 trong 7 cặp cửa khẩu quốc tế được quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ ngày 1/6/1998 và Nghị định thư ngày 10/5/2005.
Campuchia và Việt Nam đã ý ký Hiệp định song phương về vận tải đường bộ có tổng cộng 7 cặp cửa khẩu quốc tế vào năm 1998. Đến thời điểm này, chính phủ Hoàng gia Campuchia và chính phủ Việt Nam đã thực hiện thông quan được các cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Bà Vith, cửa khẩu quốc tế Sa Mát – Trapeang Phlong, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – Phnom Din, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên – Prek Chak, và gần đây nhất chính phủ hai nước đã tổ chức lễ thông xe cặp cửa khẩu Hoa Lư – Trapeang Sre do chính phủ Campuchia hỗ trợ. Còn hai cặp cửa khẩu quốc tế còn lại gồm Lệ Thanh – Oyadav; Bu Prăng – Ô Raing sẽ tiếp tục tổ chức lễ thông xe vào năm tới do chính phủ Việt Nam hỗ trợ.
Theo ông Soun Van Hong, việc thông xe tại cặp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước của Việt Nam và Trapeang Sre, tỉnh Kratie của Campuchia này cho phép phương tiện vận tải thương mại của hai nước đi sâu vào lãnh thổ của nhau, góp phần làm giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi đối với người, hàng hóa và phương tiện qua lại biên giới. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải hai nước đã ký thỏa ước hợp tác tăng gấp đôi số lượng xe hoạt động liên vận giữa Campuchia – Việt Nam lên 300 xe, nhằm mục tiêu đưa kim ngạch buôn bán hai chiều lên 2 tỷ USD.
Phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Lê Minh Ngọc cũng cho biết việc thông xe các cặp cửa khẩu quốc tế giữa hai nước là nhằm mục đích giao thương giữa nhân dân hai nước, trao đổi văn hóa, vận chuyển hàng hóa, kinh tế, du lịch, thương mại, chủ yếu để phát triển lĩnh vực kinh tế giữa hai quốc gia. Tại các cặp cửa khẩu quốc tế này sự vận chuyển và dân qua lại nhiều hay ít là tùy thuộc vào đặc điểm tình hình từng địa bàn. Ông Lê Minh Ngọc nói:
“Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Bà Vith chẳng hạn thì nó thuận lợi rất nhiều cho lĩnh vực kinh tế thương mại hai chiều vì lý do hệ thống đường bộ, giao thông vận tải rất là thuận tiện. Tuyến đường cửa khẩu ấy, khách du lịch nhiều hơn, còn những cửa khẩu không có danh lam thắng cảnh thì khách du lịch rất là ít, chủ yếu là để buôn bán.”
... và du lịch

Đại diện Công ty Du lịch Sapaco, một công ty chuyên vận chuyển khách từ Campuchia về Việt Nam và từ Việt Nam sang Campuchia cho biết thường ngày công ty này vận chuyển 4 chuyến xe ôtô qua đường cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, có ngày lượng khách đông thì chuyến xe tăng lên; hải quan của hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, hàng hóa. Cô bày tỏ rằng việc thông xe thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Campuchia và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người và phương tiện qua lại biên giới. Cô nói thêm:
“Cửa khẩu Hoa Lư, dường như công ty em không đi đường cửa khẩu đó, đi đường cửa khẩu Mộc Bài là dễ nhất, còn Hoa Lư thì tụi em không nắm. Khách bây giờ thì ít, vì có quá nhiều công ty đi. Nhiều công ty xuất hiện, còn giá cả cũng cạnh tranh nhau. Thì em nghĩ nếu Hoa Lư mở nữa thì khách cũng bị xẻ tiếp, mất hết một lượng nữa đó. Nói chung mình làm ăn, nếu mở rộng thêm thì càng tốt thôi, cũng tiện cho khách nhưng cửa khẩu bên đó thì em nghĩ chắc hơi vắng.”
Còn phát ngôn viên đảng Sam Rainsy ông Yim Sovann nhận định rằng để cặp cửa khẩu quốc tế này đạt được hiệu quả hoạt động tối đa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ hai bên. Ông ủng hộ việc thông xe tại các cặp cửa khẩu quốc tế nói trên để hoạt động trao đổi thương mại, du lịch và phát triển khu vực biên giới, tuy nhiên chính phủ cần tăng cường quản lý tốt đảm bảo trật tự về an toàn đối với người, và hàng hóa, đồng thời kiểm tra kỹ và cảnh giác cao đối với tội ác xuyên biên giới. Qua đó, Chính phủ Campuchia cũng phải mạnh mẽ áp dụng luật nhập cảnh, chấm dứt nạn tham nhũng hay mở thêm cơ hội cho người Việt nhập cư bất hợp pháp.
Tuyến đường cửa khẩu ấy, khách du lịch nhiều hơn, còn những cửa khẩu không có danh lam thắng cảnh thì khách du lịch rất là ít, chủ yếu là để buôn bán.
Ông Lê Minh Ngọc
Theo ông Yim Sovann, trong những năm gần đây quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Campuchia – Việt Nam tăng đáng kể tuy nhiên Campuchia vẫn là thị trường của sản phẩm Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Campuchia – Việt Nam năm 2010 đạt 1,8 tỷ USD, tăng tới 35,5% so với năm 2009. Trong 5 tháng năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Campuchia hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam và Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 4 của Campuchia.