Campuchia: 36 người Thượng đã bị bắt và trao cho Việt Nam

RFA-01-03-2015
Một nhóm người Thượng trốn từ Việt Nam sang khu rừng Rattanakiri ở Campuchia được một đội ngũ của Liên Hợp Quốc cứu hồi tháng 12, 2014 Một nhóm người Thượng trốn từ Việt Nam sang khu rừng Rattanakiri ở Campuchia được một đội ngũ của Liên Hợp Quốc cứu hồi tháng 12, 2014
AFP

Do không thể tiếp tục lẫn trốn người Thượng Việt Nam được một người dân bản địa Campuchia tổ chức rời khỏi nơi ẩn náu để tìm Cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, chưa ra khỏi tỉnh Ratanakiri thì nhóm người này bị mất tích, nguồn tin của người dân địa phương cho biết những người này đã bị bắt giao cho Việt Nam.

Nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ bắt giữ này cho biết 36 người Thượng đã bị cảnh sát tỉnh Ratanakiri bắt khi trên đường đến Phnom Penh.

Cũng theo nhân chứng này vào tối 25 rạng sáng 26 tháng 2 năm 2015, 36 người Thượng tỵ nạn và một người Jarai Campuchia dẫn đường đi trên 2 chiếc xe xuất phát từ huyện Lumphat đến quốc lộ 78A đoạn lên đèo Kon Mum, huyện Kon Mum tỉnh Ratanakiri thì bị cảnh sát bắt giữ.

Theo ông Chhay Thy, đại diện tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc phụ trách tỉnh Ratanakiri thì 36 người Thượng đã được đưa về Việt Nam vào lúc 3 giờ sáng ngày 26 tháng 2 năm 2015, riêng người Jarai Campuchia là người dẫn đường đã bị cảnh sát tỉnh Ratanakiri bắt giam.

Chúng tôi đã liên hệ với người lái xe, ông ta đã thừa nhận chỡ 36 người Thượng sang Việt Nam theo cửa khẩu Oyadaw. Chỉ có 36 người Việt Nam thôi, người Jarai Campuchia thì bị giam ở Campuchia chứ không mang qua Việt Nam

Ông Chhay Thy

Ông Thy, "Chúng tôi đã liên hệ với người lái xe, ông ta đã thừa nhận chỡ 36 người Thượng sang Việt Nam theo cửa khẩu Oyadaw. Chỉ có 36 người Việt Nam thôi, người Jarai Campuchia thì bị giam ở Campuchia chứ không mang qua Việt Nam".

Liên quan đến vấn đề này theo ông Long Rukkha, trưởng cảnh sát xuất nhập cảnh phụ trách cửa khẩu quốc tế Oyadaw cho biết trong đêm 25 rạng sáng 26 tháng 2 năm 2015, ông không ghi nhận có bất kỳ trường hợp người nhập cư hay người tỵ nạn nào bị đem ra khỏi Campuchia theo cửa khẩu này cả.

Ông này cũng khẳng định, không thể có việc mang người nước ngoài ra khỏi biên giới qua cửa khẩu này mà không thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh được. Ông Long Rukkha: "Không có đâu. Chỉ có khách bình thường là nhân viên các công ty họ đóng passport để vào làm việc thôi".

Chiều ngày 1 tháng 3 năm 2015, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với ông Hồ Kỳ Trọng, trưởng công an huyện Đắk Pơ qua số điện thoại di động của ông nhiều lần những vẫn không thể xác minh được thông tin này vì không có người trả lời.

Chúng tôi đã liên lạc được với gia đình một người Thượng ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Anh này cho biết em của mình đã được công an đưa về nhà. Anh này cho biết: "Em của mình nó về từ hôm qua rồi. Có đa số về rồi, đa số chưa về".

Qua điện thoại, chúng tôi cũng liên hệ được một người Thượng khác vừa về đến nhà. Chị này yêu cầu đài Á Châu Tự Do không phát tiếng của mình cho biết, nhóm của chị bị bắt gồm 18 người và bị giam giữ tại trụ sở công an huyện Đắk Pơ từ tối 25 rạng sáng ngày 26 đến ngày 28 tháng 2 thì được đưa về nhà.

Theo thông tin của người Jarai Campuchia thì một số người Jarai Việt Nam là người dẫn đầu đã bị chính quyền của họ đánh đập và vẫn chưa được thả về

Ông Chhay Thy

Một người Thượng khác cũng ở xã Ia Rong, thuộc nhóm này cho cho biết tất cả 18 người thuộc nhóm ông đã được công an đưa về đến nhà. Họ chỉ bị công an tát vào mặt và đe dọa không cho trốn sang Campuchia nữa chứ không bị thương tích hay bắt giam gì.

Cũng theo ông này, có 36 người Thượng bị bắt lên xe về Việt Nam, nhưng đến trụ sở huyện Đăk Pơ thì bị chia thành 3 nhóm. Ông chỉ biết nhóm của mình được đưa về nhà, còn hai nhóm còn lại anh không có thông tin gì.

Dù vậy, người phát ngôn tòa Thị chính Ratanakiri ông Ming Sineath tiếp tục khẳng định không có thông tin về việc giới chức địa phương này bắt người Thượng tỵ nạn.

Ông Chhay Thy, đại diện tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc phụ trách tỉnh Ratanakiri cho rằng rất có thể một số người Thượng vẫn chưa được thả về, số khác có thể bị hành hạ, riêng người Jarai Campuchia vẫn tiếp tục mất tích. Ông Thy: "Theo thông tin của người Jarai Campuchia thì một số người Jarai Việt Nam là người dẫn đầu đã bị chính quyền của họ đánh đập và vẫn chưa được thả về".

Tính đến nay, đã có 45 trong số 81 người Thượng trốn sang Campuchia bị bắt giao cho Việt Nam và vẫn còn 13 người Thượng khác lẫn trốn trong rừng thuộc tỉnh Ratanakiri chờ được Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách người tỵ nạn cứu giúp.

Sơn Trung, tường trình từ Campuchia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.