Cá chết: Gửi trứng cho ác và nhiều dấu hỏi

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.05.03
cachet.jpg Cá chết trên sông Châu Giang.
Courtesy of antoangiaothong.gov.vn

Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ (TS) Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định rằng, năm 2016 trong khi đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn thiệt hại 6.000 tỷ, thì lại xảy ra vụ cá chết hàng loạt ở 5 tỉnh miền Trung gây thêm khó khăn. TS Lê Đăng Doanh đã mở đầu câu chuyện về khả năng tác động xấu cho nền kinh tế, nhấn mạnh là đến nay chưa có báo cáo tường minh về nguyên nhân gây ra cá chết, mà chỉ có ý kiến thống nhất là do chất độc cực mạnh, nhưng cũng chưa rõ nơi xuất phát. Từ Hà Nội, TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:

TS Lê Đăng Doanh: Hiện nay có những thông tin không thống nhất với nhau, một luồng thông tin trên báo chí và do các quan chức đưa ra thì nói là tình hình đã trở lại bình thường và người dân đã bắt đầu đi đánh cá và cá đã bán được, một số quan chức đã đi tắm biển để chứng tỏ chỗ đó không có hại gì. Tuy vậy luồng thông tin khác cho biết, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua thì rất ít, không có khách du lịch đến đấy và cá vẫn không bán được.

Nếu không có một phản ứng để hóa giải, để gây ra kết tủa hoặc loại trừ các chất độc đó, thì các chất độc đó vẫn nằm mãi ở trong nước biển và nó sẽ được hải lưu trôi đi.
- TS Lê Đăng Doanh

Nếu tình hình đó kéo dài, bởi vì hiện nay chưa rõ chất độc đó như thế nào, độ lắng đọng ra sao, nếu những chất độc như kim loại nặng và chất hóa học thì nó sẽ không tự nhiên biến mất và nếu không có một phản ứng để hóa giải, để gây ra kết tủa hoặc loại trừ các chất độc đó, thì các chất độc đó vẫn nằm mãi ở trong nước biển và nó sẽ được hải lưu trôi đi.

Hiện nay chưa được biết rõ khả năng sẽ như thế nào, nhưng trước mắt thì tình hình của bà con đánh cá ở ven bờ là khó khăn, chính phủ đã có trợ cấp gạo và tổ chức thu mua cá. Hiện nay chưa có sự đánh giá đầy đủ về thiệt hại kinh tế, tôi chưa thể nói gì, nhưng tác động đó là nghiêm trọng và có thể kéo dài, còn hệ quả lâu dài như thế nào thì cho tới nay vẫn chưa cho có báo cáo để đánh giá đầy đủ.

Nam Nguyên: Trong kịch bản xấu nhất, nước biển bị nhiễm kim loại nặng như trường hợp xảy ra ở một số quốc gia và để lại hậu quả kéo dài mấy chục năm. Đây sẽ là một đòn nặng đánh thêm vào những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam?

TS Lê Đăng Doanh: Đấy rõ ràng rất khó khăn, tôi nghĩ cần phải sớm làm rõ qui mô, điều tra nguyên nhân, có các biện pháp xử lý để có các giải pháp để khôi phục nghề cá, xác định rõ nước biển độc đến đâu, giải độc đến đâu và cũng phải cần có nghiên cứu về dòng hải lưu xem các chất độc, kim loại nặng đó sẽ theo dòng hải lưu đi về đến đâu và độ độc gây ra như thế nào. Gần đây có tin cá hô ở Bình Thuận cũng bị chết, nhưng chưa rõ lý do. Nhưng báo chí chính thức thì hiện nay đã có chỉ thị không đăng tin về cá chết nữa, cho nên thông tin hiện nay rất hạn chế.

Nam Nguyên: Những biện pháp muộn màng của chính phủ để xoa dịu ngư dân, như thu mua cá của những tàu đánh bắt xa bờ, hay mời ăn cá để trấn an dư luận, đã không đủ sức để ngăn sự phẫn nộ của người dân nên đã xảy ra biểu tình hai ngày 29 và 30/4 ở Quảng Bình và ngày 1/5 đã lan ra các nơi như TP.HCM và Hà Nội. TS đánh gì về tình hình này và nó có phải là tiếng chuông báo động cho nhà nước?

Một người dân cho thấy cá biển chết ông thu thập trên một bãi biển huyện Phú Lộc, trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Một người dân cho thấy cá biển chết ông thu thập trên một bãi biển huyện Phú Lộc, trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP PHOTO

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, sự quan tâm, lo lắng và phẫn nộ của người dân rất rõ ràng. Người ta quan tâm đến đồng bào ở miền Trung lâu nay đã khó khăn, bây giờ không bán được cá. Hiện nay đang có phong trào quyên góp để hỗ trợ đồng bào miền Trung. Tôi thấy điều rất cần thiết và rất hoan nghênh.

Ngoài ra, dân rất phẫn nộ việc xử lý chậm trễ, người ta cũng quan tâm việc tại sao hệ thống xử lý nước thải của nhà máy Formosa lại được xả thẳng ra biển? Tại sao cơ quan kiểm tra xả thải và bảo vệ môi trường ở Hà Tĩnh lại ký một hợp đồng với trung tâm đo đạc của Formosa để cho trung tâm ấy cung cấp số liệu về nước thải. Dĩ nhiên trung tâm đó luôn luôn nói nước thải của nó là luôn luôn tốt.

Như vậy, chúng ta đã hoàn toàn không thực hiện việc giám sát. Điều này tương đương như thành ngữ Việt Nam ‘gửi trứng cho ác’. Đấy là lý do các cơ quan ở Hà Tĩnh không trả lời được là Formosa đã nhập mấy chục tấn hóa chất về để súc rửa đường ống, nó thải ra biển bao giờ, thải ra bao nhiêu và không đo đạc được.

Trong khi đó về công nghệ đo đạc hiện nay người ta có thể đặt những thiết bị đo đạc đó, truyền dẫn về một máy tính và ghi lại từng giây một, có bao nhiêu mét khối nước chảy qua và hàm lượng của nó như thế nào. Điều đó hiện nay trên thế giới đều đã làm được và công nghệ Internet machine to machine rất phổ biến. Việc này theo tôi cũng là một trong những sai sót nghiêm trọng mà người dân rất quan tâm.

Cần phải sớm làm rõ qui mô, điều tra nguyên nhân, có các biện pháp xử lý để có các giải pháp để khôi phục nghề cá, xác định rõ nước biển độc đến đâu.
- TS Lê Đăng Doanh

Người dân cũng quan tâm ai đã cho phép Formosa làm như thế, tại sao lại có sự dung túng Formosa để lộng hành đến như vậy. Như ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã có xác nhận là đường ống đó được một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường đã cho phép. Sau đó ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà đến và nói đường ống đó là trái pháp luật Việt Nam. Như vậy đã có một ông Thứ trưởng cho phép lắp đặt đường ống ấy xả thải ra biển trái với pháp luật Việt Nam. Đó cũng chính là điều quần chúng rất quan tâm.

Nam Nguyên: Trong trường hợp đồng thuận nhất quyết để sửa sai thì có làm được hay không? Hay Formosa là một sự đã rồi và ngay cả pháp luật về môi trường của Việt Nam, rồi những tiêu chuẩn về xả thải nữa, bây giờ các chuyên gia ở nước ngoài nói là dù thực hiện đúng thì cũng vẫn gây ra tác hại môi trường.

TS Lê Đăng Doanh: Dĩ nhiên đã có tác hại rồi, bây giờ cần phải đánh giá cái tác hại đó, cần phải làm rõ qui mô và đề ra phương án xử lý. Còn việc đối với Formosa như thế nào, thì trên thế giới vẫn có những nhà máy thép và người ta vẫn bảo vệ được môi trường. Bây giờ phải đòi Formosa tuân thủ đầy đủ việc bảo vệ môi trường và không được xả thải như thế nữa. Việc xử lý, phạt Formosa đền bù thiệt hại này như thế nào thì điều ấy cũng cần được tiến hành, vì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là sẽ phải vận dụng pháp luật và phải qui trách nhiệm pháp luật đối với bất kỳ ai.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.