Khách du lịch Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam

Lan Hương, phóng viên RFA
2017.04.28
034_481889.jpg Hai khách du lịch Trung Quốc ở Hội An.
AFP photo

Lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam gần đây được cho là cao hơn hẳn so với các năm trước. Một trong những lý do là bởi các tour du lịch giá rẻ, 0 đồng.

Loại hình du lịch này bộc lộ nhiều bất cập khi đưa vào thực tế. Những bất cập đó là gì và ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn gì trong việc quản lý một số lượng lớn khách Trung Quốc?

Số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/4 cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay có hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm trước, và tăng mạnh nhất trong nhóm thị trường có lượng khách du lịch Việt Nam.

Số lượng khách Trung Quốc ồ ạt đến Việt Nam như vậy cũng gây nhiều vấn đề cho ngành du lịch Việt Nam. Một hướng dẫn viên chuyên dẫn đoàn Trung Quốc ở Quảng Ninh cho chúng tôi biết:

Không biết có phải xuất phát từ phong tục tập quán của người Trung Quốc hay không, người ta nói năng có vẻ hơi to tiếng. Ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng không được họ chú trọng. Ngoài Quảng Ninh, hiện tại họ còn đến cả Khánh Hòa, Phú Quốc, Kiên Giang, Đà Nẵng. Khách Trung Quốc đến đông như vậy gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức hướng dẫn và cung cấp dịch vụ.

Tour giá rẻ, chất lượng kém

Một trong những nguyên nhân thu hút lượng khách Trung Quốc đông như vậy được cho là sự ra đời của các tour du lịch giá rẻ, đặc biệt là tour 0 đồng.

Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng từng giải thích rằng tour 0 đồng thật ra là hình thức du lịch mà du khách không phải bỏ tiền ra mua các dịch vụ mặt đất mà thay vào đó, họ chỉ bỏ tiền đặt mua vé máy bay và nơi lưu trú. Để lấy lại vốn, các đơn vị tổ chức tour đưa du khách tới những cửa hàng bán với giá cao hơn thị trường rất nhiều. Từ khoản chênh lệch trong mua sắm này, các cửa hàng sẽ chi trả tiền hoa hồng lại cho đơn vị tổ chức tour.

Khách Trung Quốc đến đông như vậy gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức hướng dẫn và cung cấp dịch vụ.
- Một HDV du lịch

Tuy nhiên ngày 27/3, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan cần chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh tour 0 đồng kiểu này vì trong quá trình áp dụng đã để lại nhiều hệ lụy.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia du lịch Việt Nam giải thích với chúng tôi:

Ví dụ người ta buôn bán lời khoảng vài chục phần trăm nhưng để có tiền bù đắp vào tour này có khi họ phải lấy lời 200-300%. Bản thân khách Trung Quốc tưởng là lời vì đi không tốn tiền nhưng thực ra họ phải thiệt hại là vì chất lượng dịch vụ kém. Họ sẽ cắt rất nhiều khoản, chẳng hạn như họ cho đi chơi những nhà thờ không tốn vé, hoặc những chỗ phí cao một chút thì họ sẽ tìm mọi cách để lướt qua hoặc nói để người ta không đi. Mục đích của họ là dành càng nhiều thời gian shopping các tốt như vậy tiền lời từ việc mua sắm sẽ lấy lại được tiền tour. Mua phải những mặt hàng nhiều khi không những không dùng được mà còn nguy hiểm.

Một bất cập lớn nhất được ông Nguyễn Văn Mỹ nhắc tới đó là hình ảnh của Việt Nam sẽ bị làm xấu đi vì hãng du lịch cung cấp những dịch vụ kém chất lượng để tiết kiệm chi phí và bán hàng với giá thành “cắt cổ” để lấy lại kinh phí tour.

Hơn nữa, Việt Nam sẽ phải chịu thất thu thuế từ loại hình du lịch này. Gần đây, Thái Lan công bố mất 9 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vì “tour 0 đồng” của Trung Quốc. Hình thức kinh doanh này cũng là nguyên nhân khiến chính phủ Thái Lan thất thu tiền thuế, mất uy tín của ngành du lịch.

Khách du lịch Trung Quốc ở Đà Nẵng.
Khách du lịch Trung Quốc ở Đà Nẵng.
Photo courtesy of nguoilaodong

Như vậy, hình thức du lịch 0 đồng không mang lại lợi ích gì cho cả khách Trung Quốc và nhà nước Việt Nam. Ông Mỹ cho rằng chính những công ty du lịch mới là những người được hưởng lợi. Ông nói:

Ai sẽ là người được lợi? Một là các công ty lữ hành Trung Quốc. Tiền lời họ lấy còn tiếng xấu Việt Nam chịu. Các công ty du lịch Việt Nam và một số quan chức Việt Nam bán mình cho hội đó sẽ thu được một khoản lợi nhưng không đáng kể. Người ta bảo thả tép bắt tôm, nhưng bi kịch hiện nay của người Việt hiện nay là sẵn sàng đuổi con tôm của đất nước để đổi lấy con tép cho bản thân họ. Vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bán rẻ lợi ích của đất nước, của cộng đồng.

Vừa rồi phía Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho báo giới biết sẽ cương quyết phản đối hình thức du kịch này và yêu cầu các ban ngành rà soát, siết chặt hoạt động kinh doanh này.

Trước những hậu quả không lường của Tour 0 đồng, tỉnh Quảng Ninh – nơi có lượng khách Trung Quốc đông nhất trong cả nước, vừa rồi đã như tiến hành thu hồi giấy phép của các công ty lữ hành khi không có trưởng đoàn, hướng dẫn viên đưa khách qua cửa khẩu, tổ chức “tour 0 đồng”.

Quản lý “không tới nơi tới chốn”

Khách Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam nhưng việc quản lý nguồn khách này của ngành du lịch Việt Nam còn gặp rất nhiều vấn đề. Vừa rồi trang báo Kinh tế & Đô thị đã đăng tải bài viết “Du lịch Việt lúng túng quản lý khách Trung Quốc” trong đó đề cập đến những vấn đề như dịch vụ giá rẻ kém chất lượng tràn lan, hướng dẫn viên Trung Quốc làm “chui” và xuyên tạc lịch sử, địa lý Việt Nam. Khách Trung Quốc đến Nha Trang còn “núp bóng” du khách để kinh doanh trái phép, trong khi chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý “ngại” xử lý vi phạm do sợ mất khách. Ngoài ra còn tình trạng “quản lý theo đuôi” của cơ quan chức năng tức là sai phạm xảy ra rồi nhưng một thời gian dài sau đó mới có báo cáo và ra văn bản yêu cầu khắc phục. Ông Nguyễn Văn Mỹ phân tích thêm:

Những người Trung Quốc qua đây quấy rối, làm đảo lộn trật tự xã hội mình có thể cấm cửa không cho vào.
- Ông Nguyễn Văn Mỹ

Để xảy ra chuyện này cũng có trách nhiệm về mặt quản lý của nhà nước, không dự báo được từ trước, không chuẩn bị tinh thần để đối phó. Khách Trung Quốc đâu phải bây giờ mới lộn xộn, họ lộn xộn từ trước đến nay rồi. Thay vì trước đó chấn chỉnh, thì lại chờ đến lúc xảy ra rồi mới đối phó. Những người Trung Quốc qua đây quấy rối, làm đảo lộn trật tự xã hội mình có thể cấm cửa không cho vào.

Thứ 2, là chưa thấy xử lý những người Việt tiếp tay. Có thể là vì đồng tiền bao che. Tôi nghĩ rằng phải xử lý quyết liệt những người Việt tiếp tay, kể cả quan chức.

Cũng trong thông báo ngày 27/4 phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao các ban ngành liên quan triển khai đồng bộ việc quản lý kinh doanh lữ hành, đặc biệt là hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc bằng đường bộ.

Vừa qua, nhiều người dân lên tiếng phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng ở Hạ Long treo biển tiếng Trung, nhân viên nói tiếng Trung, giao dịch bằng nhân dân tệ và chỉ bán đồ cho người Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và xử lý tình trạng đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.