Hội Giáo Chức Chu Văn An: Từ một biểu tượng của giáo dục VN

Cát Linh, phóng viên RFA
2016.01.09
cva-622.jpg Hội Giáo Chức Chu Văn An.
Courtesy photo

Giữa lúc dư luận cả nước vẫn còn băn khoăn  trước việc tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư 271 tỉ đồng để xây văn miếu thờ Khổng Tử, một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục người Trung Hoa thì ngày 5 tháng 1 vừa qua, một tổ chức xã hội dân sự có tên Hội Giáo Chức Chu Văn An ra đời sau hơn 1 tháng vận động. Mục tiêu hoạt động của hội như thế nào?

Một biểu tượng giáo dục

Theo sử sách ghi lại, Văn Trinh Công Chu Văn An là người có công lớn trong việc truyền bá giáo dục, tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Ông chịu ảnh hưởng của Khổng Tử, nhà giáo dục người Trung Hoa. Khi tên của ông được trân trọng đặt cho 1 tổ chức dân sự giáo dục ở Việt Nam, Nhà giáo Phạm Toàn, cũng là 1 nhà văn, dịch giả được biết đến nhiều với vai trò là người đồng sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam có một nhận định rất thú vị về tên gọi của tổ chức xã hội độc lập này:

“Tôi hiểu Chu Văn An theo cách của tôi, hiểu Chu Văn An hiểu  theo cách là một con người đi dạy học, chứ tôi không hiểu Chu Văn An là học trò của Khổng Tử. Chu Văn An là học trò của ai cũng được nhưng đấy là một biểu tượng để mình vận động công chúng đi theo một hướng giáo dục mà không vì lợi ích của nhà giáo, mà vì lợi ích của người học. Tức là mình coi Chu Văn An như 1 biểu tượng, mà có khi là một huyền thoại đấy.”

Chu Văn An là học trò của ai cũng được nhưng đấy là một biểu tượng để mình vận động công chúng đi theo một hướng giáo dục mà không vì lợi ích của nhà giáo, mà vì lợi ích của người học. Tức là mình coi Chu Văn An như 1 biểu tượng, mà có khi là một huyền thoại đấy.
-Nhà giáo Phạm Toàn

Là người Việt Nam thì ai cũng biết hoặc ít nhất cũng nghe về nhà giáo Chu Văn An, một nhân vật lỗi lạc của dân tộc, 1 nhà giáo, thầy thuốc và đại quan của nhà Trần, người được mệnh danh là “Người thầy chuẩn mực của Việt Nam”.

Ngày 5 tháng 1 vừa qua, tức 26 tháng 11 âm lịch, là ngày giỗ của ông, một tổ chức xã hội dân sự ra đời được đặt tên là Hội Giáo Chức Chu Văn An. Tên của ông được đặt tên cho 1 tổ chức xã hội dân sự đã gần như nói lên hết được mục tiêu và ý nghĩa của sự hình thành tổ chức này.

Mục tiêu và hoạt động

Hội Giáo chức Chu Văn An với Ban điều hành 8 người, là những nhà giáo, giáo sư, dịch giả ở Việt Nam và hải ngoại.

- Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng
- Nhà giáo Nguyễn Thế Hùng 
- Nhà giáo Phạm Minh Hoàng
- Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
- Nhà giáo Vi Đức Hồi
- Nhà giáo Nguyễn Tiến Dân
- Nhà giáo Tô Oanh
- Nhà giáo Vũ Hùng

Nhà giáo Phạm Minh Hoàng, giảng viên Toán ứng dụng tại trường Đại học Bách Khoa, thuộc Đại học quốc gia Việt Nam, người từng bị chính quyền Việt Nam bắt và cáo buộc tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” cho biết:

“Mục đích của hội là chúng tôi có 1 thao thức về vấn đề giáo dục của đất nước, một vấn đề mà từ bao năm nay, những khó khăn trong ngành giáo dục kéo dài và chúng ta không thấy nó chấm dứt ở đâu cả. Chúng tôi là những nhà giáo, cựu giáo chức, có những trăn trở và muốn đóng góp 1 phần, chúng tôi nói 1 phần thôi, trong việc chấn hưng lại ngành giáo dục Việt Nam.”

Một số thành viên Ban điều hành Hội Giáo chức Chu Văn An. Courtesy photo.
Một số thành viên Ban điều hành Hội Giáo chức Chu Văn An. Courtesy photo.

Là một trong 8 thành viên của Ban điều hành Hội Giáo Chức Chu Văn An, nhà giáo Phạm Minh Hoàng cho biết tất cả các thành viên cố gắng có những sinh hoạt mang tính chất giáo dục như các buổi hội thảo, trao đổi với các chuyên gia. Bên cạnh đó sẽ là các hoạt động khác như:

“Thứ hai là chúng tôi cố gắng trong hoàn cảnh cho phép, chúng tôi lên tiếng về những vấn đề giáo dục mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt. chúng tôi lên tiếng mỗi khi có chính sách nhà nước đưa ra. Thứ ba là chúng tôi tạo lập các quỹ để giúp đỡ cho các học sinh nghèo và các nhà giáo đang có những vấn đề. Xa hơn nữa là hỗ trợ cho các sinh viên và nhà giáo trong những nghiên cứu có liên quan đến giáo dục.”

Bên cạnh những trăn trở để  góp phần giải quyết tình trạng xuống cấp của hệ thống giáo dục và những vấn đề có ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước, mà nhà giáo Phạm Minh Hoàng vừa nhắc đến, một mục đích  khác của Hội giáo chức Chu Văn An được nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người đã nhiều lần tố cáo hành vi tiêu cực trong thi cử ở Việt Nam cho biết:

“Mục đích là hỗ trợ cho các thầy cô giáo trên cả nước bị trù dập ở các địa phương. Thêm 1 mục đích thứ 2 là hội sẽ đưa ra những đề nghị, kiến nghị cho lãnh đạo Sở giáo dục thay đổi những bất cập của ngành. Và phát hiện ra những sai sót trong chương trình sách vở, chuyên môn. Chúng tôi có ba mục đích như thế.”

Mục đích của hội là chúng tôi có 1 thao thức về vấn đề giáo dục của đất nước, một vấn đề mà từ bao năm nay, những khó khăn trong ngành giáo dục kéo dài và chúng ta không thấy nó chấm dứt ở đâu cả.
-Nhà giáo Phạm Minh Hoàng

Chúng ta hẳn vẫn chưa quên vào những tháng cuối năm vừa qua, dư luận cả nước xôn xao về việc bỏ môn lịch sử, nội dung sách lịch sử chưa đúng, hoặc một kỳ thi tốt nghiệp được một nhà giáo gọi là “vỡ trận ngay từ đầu”. Những điều này, theo thầy Đỗ Việt Khoa, cũng là những mục tiêu mà Hội Giáo chức Chu Văn An mong muốn thay đổi:

“Chuyện kiến nghị sách giáo khoa, thay đổi nội dung, chúng tôi rất mong muốn. Thứ nhất là cập nhật những cái mới. Thứ hai là nội dung chương trình lạc hậu, không phù hợp, chúng ta phải bỏ. Thứ ba là giảm bớt tính bản hoá, tính chính trị của môn lịch sử đi. Lịch sử là phải trung thực.”

Có thể thấy những tiêu chí mà Hội giáo chức Chu Văn An đề ra và được các thành viên cùng đồng ý là những mục tiêu chính mà hội sẽ thực hiện, đều được tập trung ở các hoạt động về giáo dục. Nhà giáo Phạm Toàn đã có những ý kiến đóng góp cho nhu cầu hoạt động của hội trong tương lai:

“Cái tổ chức hội nhà giáo độc lập Chu Văn An phải nhìn ở hai phương diện, thứ nhất là phương diện chính trị và thứ hai là khoa học sư phạm. Về Phương diện chính trị tôi hoàn toàn ủng hộ vì phong trào xã hội dân sự bây giờ cần tiếng nói của tất cả các tầng lớp nhân dân. Với tư cách là 1 phong trào dân sự chính trị tôi đều hoan nghênh. Nhưng với tư cách là một phong trào giáo dục thì tôi quan tâm nhiều hơn đến phương diện khoa học của nó. Nói như là các vị tiền bối, ‘đấu tranh cho đất nước độc lập, độc lập xong thì đi đâu? Đấu tranh đòi cho được dân chủ, dân chủ xong thì làm gì?Đấu tranh cho các nhà giáo được độc lập, độc lập xong thì làm gì?”

Chính vì thế, ông cũng bày tỏ một hy vọng rằng cách phát triển của những nhà giáo tâm huyết này không bị “những nhà giáo tiên tiến về chính trị nhưng lạc hậu về khoa học chống lại.”

Tuy rằng mục tiêu của Hội Giáo chức Chu Văn An, theo các thành viên trong ban điều hành cho biết, là những mục tiêu vô cùng chính đáng và cần thiếtc ho nền giáo dục nước nhà, nhưng nhà nước Việt Nam vẫn tìm mọi cách để ngăn cản sự ra đời của Hội. Vì có nhiều người bị bao vây, quản thúc, đe doạ và ngăn cản việc đi tham dự ngày ra mắt của tổ chức, nên Hội giáo chức Chu Văn An quyết định thực hiện việc ngày ra đời của tổ chức bằng hình thức online, nghĩa là các thành viên gặp nhau và trao đổi qua internet.

Các thành viên của Hội Giáo Chức Chu Văn An đã chọn đúng ngày giỗ của nhà giáo lỗi lạc này để thành lập tổ chức xã hội dân sự mang mang mục tiêu giáo dục. Dù chỉ là sự khởi đầu nhỏ, nhưng qua những lời chia sẽ của các thành viên, có thể thấy rất nhiều tâm huyết cho một nền giáo dục nước nhà trong tương lai. Nói như nhà giáo Phạm Toàn, ông mong rằng “nhà nước Việt Nam sẽ công nhận tự do đóng góp của các nhà sư phạm và dân chủ trong cách đối xử bình đẳng giữa các đóng góp.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.