Sau Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai tên lửa ra Trường Sa

Việt Hà, phóng viên RFA
2016.02.18
000_SAHK991103708540 Một trong những tên lửa hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc chụp ngày 03/11/1999
AFP photo

Trung Quốc mới đây đã triển khai giàn tên lửa đất đối không được cho là hiện đại nhất thế giới ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc làm dấy lên những câu hỏi về những bước đi tiếp tới của Trung Quốc trong việc quân sự hóa khu vực biển Đông, làm thay đổi hiện trạng và tiến tới đe dọa sự thống trị trên biển của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện Quốc phòng Úc về những vấn đề này.

Vì sao?

Việt Hà: Theo ông vì sao Trung Quốc triển khai tên lửa ra Hoàng Sa vào lúc này, nó có liên quan gì đến chương trình tự do hàng hải của Mỹ gần đây ở biển Đông hay không?

Gs. Carl Thayer: Tôi nghĩ là nó có liên quan đến việc máy bay tuần tra của Mỹ, rồi tàu Curtis Wilbur của Hoa Kỳ đi qua đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Đây là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan… Trung  Quốc đang làm gia tăng mối nguy đối với Hoa Kỳ và Bắc Kinh đã nói là sẽ làm như vậy tức là có đáp trả lại hành động của Mỹ. Đây là một trong những giàn phóng tên lửa tầm trung và cao  hiệu quả nhất trên thế giới với thiết kế lấy từ Nga. Những máy bay tuần tra của Mỹ bay qua đây trong tương lai ví dụ như máy bay Poseidon sẽ gặp nguy hiểm. Trung Quốc sẽ không bắn hạ những máy bay này nhưng trong quá khứ các máy bay này có thể tuần tra và biết là Trung Quốc chỉ có thể điều máy bay chiến đấu lên mà thôi.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là khi Mỹ thực hiện chương trình tự do hàng hải với các chiến hạm gần Hoàng Sa thì Trung Quốc có thể chọn để đối đầu bằng những tàu hải giám và tàu cá. Và nếu Mỹ muốn cho thấy kết quả bằng việc đưa máy bay từ tàu sân bay lên trên khu vực này thì những máy bay này sẽ nằm trong tầm kiểm soát của giàn phóng tên lửa và tất cả đều bị nguy hiểm.

Giàn tên lửa không thể tấn công Việt Nam, không thể bắn và gây hư hại với Hải Phòng hay Hà Nội. Nó được thiết kế để bắn rơi các máy bay bay qua vùng Hoàng Sa.
- Gs. Carl Thayer

Hoàng Sa thực ra đã được quân sự hóa từ lâu trước khi Trung Quốc đưa giàn tên lửa lên đây. Từ thập niên 90 Trung Quốc đã cho xây dựng sân bay tại đây và đã cho mở rộng sân bay gần đây. Họ đặt ở đó những máy bay chiến đấu hiện đại nhất cho nên họ có khả năng đánh chặn và cho máy bay bay ra khu vực biển Đông từ đó. Bây giờ, giàn tên lửa được đưa ra bổ sung giúp gia tăng phòng vệ cho Trung Quốc. Sự việc này xảy ra cùng lúc với những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng và mở rộng các điểm ở Hoàng Sa. ….

Và cuối cùng là khi Trung Quốc đặt giàn phóng chống tàu vào đây và đưa chúng vào hoạt động thì điều này cho thấy là nếu muốn Trung Quốc có thể đột ngột  nói là bị đe dọa bởi Mỹ và đưa những giàn tên lửa này đến các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Việt Hà: Việc triển khai tên lửa đất đối không ra Hoàng sa của Trung Quốc có tác động thế nào lên khả năng quân sự của nước này tại biển Đông?

Gs. Carl Thayer: Điều quan trọng là vào tháng 11 năm ngoái khi Trung Quốc đưa máy báy chiến đấu đến Hoàng Sa mà không ai chú ý dù báo chí có nói tới bởi vì mọi người dồn quan tâm đến đề Trường Sa và các đường băng ở Trường Sa. Tất cả những thảo luận xung quanh vấn đề quân sự hóa biển Đông chỉ tập trung vào Trường Sa. Hoàng Sa là nơi có cầu tàu, là nơi đỗ tàu chiến. Nó đã được quân sự hóa từ rất lâu và bây giờ họ bổ sung thêm giàn tên lửa và họ có thể lập luận là vì những chuyến bay tuần tra của máy bay Mỹ.

Nhưng điều mà giàn tên lửa này có thể làm là khi có ném bom trong trường hợp có xung đột hoặc trường hợp có sử dụng máy bay gây sức ép lên Trung Quốc thì phía bên kia sẽ bị rủi ro hơn cho nên giàn tên lửa này giúp gia tăng khả năng viễn chinh (power projection capability) của Trung Quốc. Máy bay từ Hoàng Sa có thể bay ra biển và quay về. Khi những đường băng ở Trường Sa được hoàn tất và nâng cấp,  máy bay từ Hoàng Sa có thể đáp xuống đó khi có sự cố và có thể  được tiếp nhiên liệu ở đó. Từng bước một, với đại bản doanh ở Quảng Châu, căn cứ hải quân ở phía nam của đảo Hải Nam, việc xây dựng đảo PHú Lâm hơi xa hơn về phía nam giúp làm gia tăng sức mạnh viễn chinh của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn thống trị biển Đông

Tên lửa DF-5B được quân đội Trung Quốc diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 03 tháng 9 năm 2015, kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng Nhật Bản và kết thúc chiến tranh thế giới II. AFP photo
Tên lửa DF-5B được quân đội Trung Quốc diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 03 tháng 9 năm 2015, kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng Nhật Bản và kết thúc chiến tranh thế giới II. AFP photo
Tên lửa DF-5B được quân đội Trung Quốc diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 03 tháng 9 năm 2015, kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng Nhật Bản và kết thúc chiến tranh thế giới II. AFP photo

Việt Hà: Mục tiêu của Trung Quốc là thống trị biển Đông, với những gì Trung Quốc đang làm theo ông Trung Quốc đã giành được bao nhiêu phần kiểm soát ở biển Đông?

Gs. Carl Thayer: Trung Quốc hiện kiểm soát được ở biển Đông tới mức mà nước này có thể bắt nạt được Việt nam và Philippines và có thể thách thức trực tiếp Malaysia, thậm chí xâm nhập vào vùng biển của Indonesia, điều mà hiện Trung Quốc chọn cách không làm quá thường xuyên dù đã làm trước đó. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể thách thức được sức mạnh của Hoa Kỳ ở đây vào lúc này nhất là khi hiệp ước quốc phòng  tăng cường giữa Mỹ và Philippines được tòa xác định là hợp hiến. Điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng sự có mặt của máy bay, tàu chiến và các lực lượng hỗ trợ của Mỹ khác trong khu vực, và Hoa Kỳ có thể có đáp ứng nhanh hơn nhiều từ những căn cứ an toàn hơn nhiều so với những cơ sở mà Trung quốc hiện có ở Trường Sa.

Sự kiểm soát của Trung Quốc không ảnh hưởng đến những tàu vận chuyển thương mại, nhưng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu chiến và máy bay của những nước mà Trung Quốc không muốn thấy ở biển Đông như Mỹ chẳng hạn. Trung Quốc không thể ngăn chặn tàu Mỹ qua đây nhưng khi tàu chiến Mỹ đi qua hay máy bay Mỹ bay qua thì hải quân Trung Quốc nói là Mỹ đã xâm nhập vào khu vực quân sự, khu vực an ninh, khu vực báo động, đe dọa hải quân Trung Quốc. Trung Quốc không nói là khu vực chủ quyền 12 hải lý.

Trung Quốc không nói đến 12 hải lý ở bất cứ đâu trên Trường Sa vì nếu nói vậy thì Trung  Quốc sẽ tự làm yếu lập luận đường đứt khúc 9 đoạn của mình. Điều Trung Quốc muốn là kiểm soát và dần dần giảm các tàu và máy bay nước ngoài qua đây hoặc họ phải tuân theo luật của Trung Quốc, xin phép trước khi vào, tức là thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc, hoặc ít nhất là báo cáo trước khi đi vào.

Việt Hà: Mục tiêu của Trung Quốc là từng bước giành lấy sự thống trị về mặt quân sự trên biển của Mỹ từ biển Đông ra Thái Bình Dương. Theo ông những gì Trung Quốc đang làm đã ảnh hưởng thế nào tới sự thống trị của hải quân Mỹ trong khu vực?

Gs. Carl Thayer: Trước hết Hoa Kỳ rất lớn tiếng và về tự do hàng hải nhưng đây chỉ là vấn đề quan trọng mà không phải là vấn đề chính… Hiện tại Hoa Kỳ đang trong thời gian chuyển giao lãnh đạo và Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này. Vấn đề ở trung đông cũng thu hút sự chú ý của Mỹ ra khỏi khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nhưng vấn đề là liệu Hoa Kỳ có muốn tham gia vào một xung đột khiến làm xấu đi quan hệ của Mỹ với Trung Quốc liên quan đến đảo và bãi đá của những bên khác hay không.

Dù Philippine là đồng minh của Mỹ nhưng Mỹ đã để Trung quốc lấy bãi Scarborough, ngăn chặn đường tiếp liệu tới bãi Second Thomas. Hoa Kỳ đã không có hành động hiệu quả vì không có phản ứng kịp thời. Đáng ra Mỹ đã phải có hành động từ khoảng 18 hay 20 tháng trước, khi Trung Quốc bắt đầu những hoạt động nạo vét và xây dựng. Khó có thể nói là tình báo Mỹ không biết điều gì đang xảy ra và họ không hiểu được những ảnh hưởng thực sự của những hoạt động này.

Cho đến khi Mỹ nói điều gì thì mọi việc đã quá muộn. Như tôi đã nói trong đối thoại quốc phòng Mỹ Việt vào tháng 3 năm ngoái khi tôi được đề nghị nói về vấn đề này và bài mở đầu của tôi là hành động của Trung Quốc là fait accompli… có nghĩa là việc đã rồi, và tôi nói trước khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây lấp.

Việt  Nam ảnh hưởng gì?

Việt Hà: Theo ông, với việc Trung Quốc đưa giàn tên lửa ra Hoàng Sa, gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực này, an ninh của Việt nam bị ảnh hưởng ra sao?

Gs. Carl Thayer: Giàn tên lửa không thể tấn công Việt Nam, không thể bắn và gây hư hại với Hải Phòng hay Hà Nội. Nó được thiết kế để bắn rơi các máy bay bay qua vùng Hoàng Sa. Theo như tôi biết thì máy bay tuần tiễu của Việt Nam đã bay ra Trường Sa nơi Việt Nam đòi chủ quyền nhưng Việt Nam không thể làm gì hơn vì Trung Quốc có chiếm đóng khu vực này và sẽ khiến Việt Nam gặp nguy hiểm nếu Việt nam định làm gì khác. Kể cả nếu  Việt Nam dám đưa máy bay lên trên khu vực Hoàng Sa thì Trung Quốc cũng có thể bắn hạ. Nhưng tôi nghi là Việt Nam không dám làm vậy. Hãy nhìn những gì xảy ra với giàn khoan dầu 981 của Trung Quốc, Việt Nam chỉ đưa ra những phản ứng từ phía Bộ ngoại giao, họ thậm chí cấm báo chí đưa tin ngoài tin phản ứng của Bộ Ngoại giao. Lãnh đạo hiện tại của Việt nam làm nhẹ tình hình rất nhiều trong xung đột với Trung Quốc.

Việt Nam về lời nói thì ủng hộ vụ kiện của Philippine nhưng để Philippine gánh hết phần việc chính nhắm vào Trung Quốc vì Việt Nam biết là ASEAN không bao giờ giúp đỡ  họ…. với những suy nghĩ là Mỹ sẽ bán các máy bay chiến đấu hiện đại và hệ thống vũ khí hiện đại, nhưng khi chúng ta đọc kỹ thì tất cả phải nằm trong 5 điểm của bản ghi nhớ năm 2011, tức là chỉ có những bước tiến rất hạn chế và chỉ bao gồm các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, hoạt động về y tế của quân đội Mỹ, nó không bao gồm việc tham gia vào các hoạt động tập trận với hải quân Mỹ và chúng ta chưa nghe cụ thể từ phía Việt nam là Việt Nam muốn vũ khí sát thương gì từ Mỹ.

Việt Hà: Theo ông thì sau sự việc này Hoa Kỳ sẽ có phản ứng thế nào và Hoa Kỳ cần phải làm gì để đối phó với Trung Quốc?

Gs. Carl Thayer: Hoa Kỳ hứa là sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tự do hàng hải và làm gia tăng sự phức tạp cũng như phạm vi của chương trình với những khả năng tham gia của hải quân Philippines, Nhật Bản và Australia. Những thách thức cho đến lúc này mới nhắm vào từng tàu chiến đơn lẻ của Mỹ và Trung Quốc có thể có những phản đối không đáng kể nhưng thực tế thì các tàu cũng chỉ đi qua là xong. Vấn đề ở Hoàng Sa chúng ta có thể dự đoán được là Trung Quốc sẽ có phản ứng, tuy nhiên không một sự đối đầu nào với việc sử dụng quyền tự do hàng hải là lý do thực sự, mà cần phải đề cập đến vấn đề quân sự hóa… vấn đề là không có ai đưa ra được định nghĩa cụ thể về vấn đề này … tất cả 21 thực thể ở Trường Sa mà Việt Nam chiếm đóng và kiểm soát thực tế đã được lính hải quân đóng chốt.

Chúng đã được quân sự hóa, một số còn có những cơ sở quân sự tăng cường, một số được làm từ khoảng 30 năm về trước. Đó là một dạng quân sự hóa. Hay như theo tôi nghĩ thì là những gì mà Hoa Kỳ đang làm là đưa các hệ thống vũ khí được sử dụng với mục đích quốc phòng. Cho đến lúc này chúng ta chưa thấy như vậy trên các đảo nhân tạo, và Trung Quốc có thể lập luận là Mỹ đang quân sự hóa. Vì vậy Mỹ cần phải xác định cụ thể hơn là với hành động cụ thể nào mà Trung Quốc làm là vượt quá lằn ranh.

Nếu chỉ dùng một từ nghĩa rộng là quân sự hóa thì không giúp được gì vì Trung quốc có thể lập luận là Mỹ hãy bay qua biển Đông xem nước nào đang sử dụng đường băng…. Hiện đã có 3 đường băng của Trung Quốc, đường băng của Philippine, của Malaysia, Việt Nam… việc quân sự hóa sẽ diễn ra từ từ không đột ngột. Tôi không thích dùng từ lát cắt salami nhưng đó  là điều Trung quốc đang làm để đạt được điều mình muốn.

Việt Hà: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.