Hợp tác quốc tế quản lý các vùng châu thổ

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013.05.26
_MG_0163-305.jpg Một thửa ruộng vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
RFA photo

 

Từ ngày 19 đến 23 tháng 5 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội nghị quốc tế bàn về những vấn đề liên quan các vùng đất châu thổ ngập nước.

Mục tiêu

Đối thoại Châu Thổ Thế giới lần thứ hai- Deltas 2013 là kỳ hội nghị do ba đơn vị gồm Sáng hội Đất Ngập Nước của Hoa Kỳ kết hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hòa Lan tổ chức. Mục tiêu được chủ tịch của Sáng hội Đất Ngập nước của Hòa Kỳ, ông King Milling nêu rõ ‘ Chúng tôi đến tại khu vực châu thổ sông Me kong để tìm câu trả lời và nâng cao những điều học được qua hoạt động nỗ lực tái tạo một trong những tài sản phong phú nhất của Hoa Kỳ là vùng châu thổ sông Missisisppi.’

Còn tiến sĩ Lê Quang Minh, phó chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì nêu ra rằng dân số thế giới, các ngành nông nghiệp và công nghiệp đang lệ thuộc vào những vùng ven biển trong thời kỳ mà tất cả những nơi này gặp phải sự tổn thương mỗi lúc một tăng lên. Sau lần gặp gỡ đầu tiên ở Lousiana, nay trở lại vùng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long với nhận thức là hai phía có nhiều điểm  chung. Hội nghị lần trước cũng như lần này nhằm bàn đến những thách thức lớn nhất của thế giới tại hai khu vực châu thổ hạ lưu sông Cửu Long và sông Mississippi.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, giám đốc Trung Tâm Thực Nghiệm Sinh Thái Hòa An, thuộc Đại học Cần Thơ, một người tham dự hội nghị cho biết về mục tiêu đề ra:

Hội thảo lần này có mời rất nhiều các nhà khoa học rồi một số nhà làm công tác quản lý liên quan đến vấn đề về môi trường, về đất ngập nước ở những đồng bằng lớn mà có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai. Chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau để trao đổi những kinh nghiệm, đặc biệt là trao đổi những kết quả, những bài học. Trong đó có những bài học thành công, có những bài học không thành công. Đó là mục đích của hội thảo.

Bà Karen Gautreaux, thuộc tổ chức Bảo Tồn Thiên Nhiên của bang Louisiana của Hoa Kỳ cho rằng thật ngạc nhiên khi nhận thấy có tương đồng và những thách thức đối với hai vùng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long và  vùng châu thổ sông Mississippi. Các khu rừng đước rộng lớn, những bãi cỏ vùng ngập nước- nơi cư trú của những loài sếu, cò  và các loài sinh vật biển tại khu vực châu thổ hạ lưu sông Cửu Long thật giống với những vùng đầm lầy bờ biển của khu vực châu thổ sông Mississippi.

Chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau để trao đổi những kinh nghiệm, đặc biệt là trao đổi những kết quả, những bài học. Đó là mục đích của hội thảo.
-Tiến sĩ Dương Văn Ni

Theo bà này thì những vùng cửa sông rộng lớn tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với một tương lai đầy những bất định.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông, đưa ra ý kiến về sự tương đồng giữa vùng đất ngập nước Việt Nam và vùng đất ngập nước vùng sông Mississippi Hoa Kỳ:
Vùng đất ngập nước mỗi nơi có khác nhau nhưng chức năng của chúng gần giống nhau. Ví dụ như chức năng giảm thiểu lũ lụt, chức năng cung cấp sinh khối rồi điều hòa khí hậu, cung cấp nước ngầm. Tuy nhiên, mỗi vùng, mỗi một quốc gia có cách quản lý khác nhau, vì vậy tất cả các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo là các vùng đất ngập nước muốn bảo tồn được phải làm sao quản lý phù hợp với điều kiện của khu vực đó nhất, tốt nhất là gần gũi với thiên nhiên là tốt nhất.

Một đối tác khác cùng tham gia tổ chức kỳ hội nghị là Hà Lan, nước được cho là có kinh nghiệm trong việc quản trị tình trạng ngập nước qua hệ thống đê của quốc gia được cho là thấp hơn mực nước biển này. Đại diện của Hà Lan là bí thư thứ nhất phụ trách về nguồn nước và khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội, cho biết nước này có thể chia sẽ những chuyên môn qua kinh nghiệm hơn 800 năm trong quản trị nguồn nước.

Hoạt động

Khu nhà lá tạm bợ dọc sông Mekong, ảnh minh họa. RFA photo
Khu nhà lá tạm bợ dọc sông Mekong, ảnh minh họa. RFA photo
Khu nhà lá tạm bợ dọc sông Mekong, ảnh minh họa. RFA photo

Hội nghị đối thoại được tổ chức xoay quanh chủ đề ngăn ngừa những ‘hệ quả không mong đợi’. Đây là cụm từ thường được sử dụng khi thảo luận về công tác quản trị những hệ thống sông lớn và những hoạt động tạo nên những hệ lụy bất lợi và gây tốn kém về sau.

Cụ thể những chuyên gia tham dự tập trung bàn thảo vấn đề nước  biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sụt lún của vùng đất ven biển, và từ đó bàn đến những phương pháp nhằm bảo vệ các cấu trúc vùng đất sao cho được hòa hợp hơn nữa với thiên nhiên.

Trong kỳ hội nghị, chừng 300 đại biểu tham dự ngoài việc tham dự các buổi thảo luận về những vấn đề như vừa nêu còn được đưa đến những địa điểm thuộc vùng đất ngập nước hạ lưu Sông Cửu Long như Rừng Đước Cần Giờ ở thuộc thành phố Hồ Chí Minh và Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông ở Đồng Tháp. Đây là khu Ramsar thứ 2000 của thế giới và là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam kể từ tháng 5 năm 2012. Khu Ramsar tức là vùng đất ngập nước, đa dạng về sinh học và có tầm quan trọng quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông, cho biết việc đưa đoàn đến tham quan nơi mà ông này chịu trách nhiệm quản lý cũng như những quan tâm được nêu ra với ông:
Đoàn đó gồm khoảng 80 người đến đây. Tôi là người trực tiếp tiếp đoàn và giới thiệu một clip ngắn của Tràm Chim cho đoàn biết về hoạt động của Tràm Chim. Họ đặt nhiều câu hỏi với tôi và tỏ ra vui vẻ khi được đến thăm Tràm Chim. Sau đó họ cùng tôi về họp ở Sài Gòn.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết những quan tâm từ các chuyên gia về đất ngập nước tại những quốc gia khác khi đến tham quan Tràm Chim Tam Nông ở Đồng Tháp:

Điều mà họ quan tâm nhất là cách, biện pháp quản lý Khu Ramsar thế nào. Tôi trả lời họ rằng có nhiều biện pháp, nhưng phải quản lý như thế nào và thỏa mãn điều kiện tự nhiên của vùng đất ngập nước là quan trọng nhất.

Đối với vùng Tràm Chim của chúng tôi là việc quản lý mực nước. Bởi vì vùng Tràm Chim của chúng tôi trước đây có đê bao bao bọc chung quanh nên có thể nói là có lúc làm chưa đúng mục tiêu của thiên nhiên. Vừa rồi WWF cùng với Vườn Quốc gia Tràm Chim, các nhà khoa học trong nước và kể cả thế giới đưa ra công thức tạm gọi là ‘mực nước mục tiêu’ để vườn quốc gia quản lý cho gần gũi với thiên nhiên nhất mà chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Vấn đề thứ hai được quan tâm nữa là các đập, đê trên thượng nguồn sông Mê kong, vì những đập đê đó sẽ làm ngăn cản dòng chảy tự nhiên; như thế vùng hạ lưu Sông Cửu Long mà cụ thể là vùng Tràm Chim của chúng tôi bị thay đổi về thơi gian lũ đến, cũng như mùa nước ngập không còn như cách đây khoảng 30 năm nữa. Ví dụ một ảnh hưởng rõ rệt nhất là mùa vụ thay đổi, mùa màng thay đổi, đa dạng sinh học thay đổi và nhất là nếu xây đập như thế thì một số loài cá không thể trở về trên thượng nguồn để sinh sản được.

Theo luật tự nhiên, khi nước rút xuống, một số loài cá quay lại thượng nguồn đẻ và trôi xuống hạ nguồn. Nếu có nhiều đập mà nhất là đập thủy điện trên dòng sông Mê kong, ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng vì có những loài không thể nhảy qua khỏi đập được. Khi mà nguồn thủy sản giảm rồi thì những nguồn khác cũng giảm theo, vì nguồn thủy sản là chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái.

Bài học

Một góc khu rừng sinh thái ngập nước vùng ĐBSCL
Một góc khu rừng sinh thái ngập nước vùng ĐBSCL
Một góc khu rừng sinh thái ngập nước vùng ĐBSCL

Tiến sĩ Dương Văn Ni, giám đốc Trung Tâm Thực Nghiệm Sinh Thái Hòa An, thuộc Đại học Cần Thơ, nói về những chia sẻ tại hội nghị:

Trong thảo luận chúng tôi nêu lên yếu tố tác động từ con người là yếu tố quan trọng hàng đầu cần phải xem xét một cách thận trọng. Trong chia sẻ có những cái ví dụ như các chuyên gia bên đồng bằng Mississippi đến chia sẻ bằng những số liệu, những công trình nghiên cứu kéo dài qua hằng chục năm, cho chúng tôi thấy ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chuyện bao đê khép kín để tăng sản xuất nông nghiệp, trước mắt mang lại ích lợi cụ thể cho người dân ở đó, trước mắt có thể làm gia tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro; nhưng về lâu về dài, các số liệu của các chuyên gia ở vùng đồng bằng Mississippi cho thấy về lâu về dài không bền vững lắm.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng là một chuyên gia tham gia Hội nghị Châu Thổ Thế giới Lần 2 và ông chia xẻ những thông tin thu thập được từ cuộc gặp của giới chuyên gia về đất ngập nước đó như sau:

Trong cuộc hội thảo gồm các nhà khoa học của các nước và các nhà khoa học trong nước cũng có bàn cãi với nhau. Ví dụ các nhà khoa học Mỹ giới thiệu vùng đất ngập nước bên Mỹ; rồi một số cách quản lý đất ngập nước của Châu Âu, của Trung Quốc … Mỗi nước có một cách quản lý riêng của họ. Đối với Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam cũng đưa ra cách quản lý đất ngập nước của Việt Nam thế nào để khi có biến đổi khí hậu thì có thể thích ứng được.

Bây giờ là đang soạn thảo chính sách và đến năm 2015 mới thực hiện được. Đây là đang trong quá trình vận động chính sách, vận động kinh phí; sau đó Ban gồm các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đưa ra. Chúng tôi chỉ là một phần nhỏ góp ý mà thôi. Vùng đất ngập nước của Việt Nam chỉ là vùng nhỏ so với thế giới; nhưng đó là điểm tiêu biểu của vùng hạ lưu Sông Mê kong.

Đối với Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam cũng đưa ra cách quản lý đất ngập nước của Việt Nam thế nào để khi có biến đổi khí hậu thì có thể thích ứng được.
-Ông Nguyễn Văn Hùng

Như tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết thì tại hội nghị không chỉ có các nhà khoa học mà còn có những nhà làm chính sách của chính quyền đến tham dự. Theo tiến sĩ Dương Văn Ni thì sau khi nghe các nhà khoa học trình bày và đưa ra những số liệu cụ thể về những tác động trước mắt cũng như lâu dài của những biện pháp áp dụng thì có thể những người làm chính sách sẽ thấy được vấn đề và khi đưa ra những chính sách cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có những tính toán kỹ càng hơn. Các nhà làm chính sách của 14 tỉnh trong khu vực cũng sẽ có những kết hợp sao mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân trong vùng.

Xin được nhắc lại Đối thoại Châu Thổ lần thứ nhất được tiến hành hồi tháng 10 năm 2010 ở thành phố New Orleans của Hoa kỳ. Lúc đó có đại diện của 15 vùng châu thổ trên thế giới tham gia. Đối thoại Châu Thổ lần đầu tiên thống nhất đưa ra một chương trình hành động với mục đích thu hút chú ý đến tình trạng mất đất ven biển và đưa ra những giải pháp giải quyết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.