Tuyển sinh đại học, cần một sự tự chủ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013.07.06
000_Hkg5079044-305.jpg Người thân chờ đợi các thi sinh thi đại học bên ngoài một điểm thi đại học ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

 

Học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam lại đang bước vào một kỳ thi đại học, được cho là quan trọng ở Việt Nam. Kính Hòa tìm hiểu vấn đề tuyển sinh qua ý kiến các thầy cô đã và đang làm việc tuyển sinh đại học.

Coi trọng trường công lập hơn

Mùa tuyển sinh đại học lại đến, các thành phố lớn, nơi có nhiều trường đại học lại ngập tràn màu áo trắng tinh khôi của tuổi trẻ, cùng màu áo bạc màu mồ hôi của phụ huynh.

Theo báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt một của mùa tuyển sinh năm nay, tổ chức trong hai ngày 4 và 5 tháng bảy, có 800.000 thí sinh dự thi vào 132 trường đại học. Theo dư luận và các phòng tuyển sinh của các trường thì năm nay quy chế tuyển sinh, mặc dù vẫn như mọi năm nhưng đã được thí sinh và phụ huynh học sinh hiểu rõ hơn, cho nên có rất ít người thắc mắc tại các trung tâm dự thi trước giờ phòng thi mở cửa.

Thầy Hoàng Đức Bình, Giám đốc Phòng tuyển sinh và Truyền thông đại học tư thục Hoa Sen cho chúng tôi biết:

“Các năm vừa rồi những qui định tuyển sinh được Bộ thông báo trong thời gian quá ngắn nên rất là cập rập. Năm nay việc truyền thông đến thí sinh tốt hơn, nên các em cũng an tâm đi thi hơn và các trường cũng ít gặp khó khăn hơn.”

Nhận định về việc này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, cựu giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói:

Cái nhìn của xã hội đã công bằng hơn, nhưng hằn sâu trong tâm thức người Việt mình, người ta vẫn coi trọng trường công hơn.
-Thầy Hoàng Đức Bình

“Việc này cũng không phải là một đột phá gì quan trọng, mà chẳng qua là đã qua một thời gian lâu nên người ta hiểu hơn.”

Việc chọn lựa trường để thi vào cũng được nhận định là có một tiến bộ khi thí sinh và phụ huynh không chỉ chọn danh tiếng của trường đại học, mà chọn ngành nghề mà sau này sinh viên tốt nghiệp có cơ may tìm được việc làm nhiều hơn. Thầy Hoàng Đức Bình và Tiến sĩ Vũ thị Phương Anh đều đồng ý rằng đó là khuynh hướng của mùa tuyển sinh năm nay. Tiến sĩ Phương Anh nói thêm:

“Từ năm 2007 đến nay Việt Nam mình bị lạm phát Đại học, có những trường vẫn duy trì được uy tín nhưng cũng rất nhiều đại học chỉ thuộc lọai xoàng, nên thay vì ghi tên thi vô các đại học ấy thì thí sinh thi vô một trường Cao đẳng đàng hoàng vẫn tốt hơn, đó là một khuynh hướng mà năm nay rõ hơn.”

Việc mở ra nhiều trường Đại học, trong đó có nhiều trường tư thục đã đặt ra vấn đề là xã hội vẫn coi trọng các trường công lập hơn, trong một xã hội vốn chưa quen với một xã hội dân sự lành mạnh, Thầy Hoàng Đức Bình, thuộc trường đại học Hoa Sen, một trường tư thục có uy tín trong những năm gần đây nói:

“Cái nhìn của xã hội đã công bằng hơn, nhưng hằn sâu trong tâm thức người Việt mình, người ta vẫn coi trọng trường công hơn. Hơn nữa cũng có những trường tư không làm tốt được hết những gì mà qui chế tư thục cho phép. Chúng tôi hy vọng là sự phân biệt đó sẽ mất đi trong tương lai.”

Nên bỏ kỳ thi đại học?

Trở lại câu chuyện thi Đại học, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi đại học vì nó quá tốn kém, tạo áp lực quá cao trên thí sinh và gia đình, nhất là họ lại vừa trải qua kỳ thi phổ thông trước đó. Những ngày tập trung thí sinh cũng gây áp lực lên sinh họat bình thường của xã hội, khi có cả trăm ngàn người kéo vào các thành phố lớn. Báo chí hiện nay đang cảnh báo về những ngày kẹt xe sẽ xảy ra trong mùa thi đại học, bên cạnh đó còn có những vấn đề khác như phòng trọ cho thí sinh và gia đình. Nhưng điều mà các người đã và đang làm việc như thầy Bình và Tiến sĩ Phương Anh suy nghĩ là một vấn đề lớn hơn, đó là sự tự chủ của các trường đại học trong việc tuyển sinh cho chính mình.

Mỹ là một xã hội dân sự rất mạnh lâu rồi, ở Việt Nam thì mọi nguồn lực vẫn trong tay nhà nước, nay nếu lập một trung tâm độc lập thì chắc có lẽ cũng phải do nhà nước nắm.
-TS Vũ Thị Phương Anh

Khi trả lời về mô hình một trung tâm độc lập cung cấp cơ sở dữ liệu thí sinh như kiểu College Board ở Mỹ cho các trường Đại học tự tuyển sinh cho mình, từ đó có thể bỏ kỳ thi đại học tập trung tốn kém như hiện nay, thầy Bình cho biết:

“Sự tự chủ trong tuyển sinh là niềm mơ ước của chúng tôi, vì các trường mới biết sản phẩm mà mình muốn tạo ra rồi từ đó có cách tuyển sinh thích hợp.”

Tiến sĩ Phương Anh thì thận trọng hơn trong vấn đề này, bà phân tích như sau:

“Mỹ là một xã hội dân sự rất mạnh lâu rồi, ở Việt Nam thì mọi nguồn lực vẫn trong tay nhà nước, nay nếu lập một trung tâm độc lập thì chắc có lẽ cũng phải do nhà nước nắm. Kỳ thi phổ thông phải được củng cố để trở thành tử tế hơn, dĩ nhiên là với những yêu cầu trung bình thôi, từ đó mới có cơ sỏ dữ liệu đáng tin cho các trường đại học chọn sinh viên.”

Như vậy vấn đề các kỳ thi vẫn có những ý kiến khác nhau, nhưng những người như thầy Bình và tiến sĩ Phương Anh đều có quan điểm là cần một sự tự chủ đại học, Tiến sĩ Phương Anh cho biết:

“Đo ni một người để may áo cho mọi người thì cái áo đó sẽ xấu.”

Sự đa dạng của xã hội mà trong đó các trường đại học là những thành viên quan trọng, được tự chủ trong việc tạo ra nguồn nhân lực mới và đa dạng cho xã hội vẫn là điều mơ ước, theo tiến sĩ Phương Anh, quan điểm như của chị chưa chắc là quan điểm thắng thế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.