Vụ đất đai Cồn Dầu chờ kết luận của thủ tướng

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.09.21
Người dân cồn Dầu phát biểu trong cuộc đối thoại với chính quyền về việc thu hồi đất đai của họ, tháng 9/2014. Người dân cồn Dầu phát biểu trong cuộc đối thoại với chính quyền về việc thu hồi đất đai của họ, tháng 9/2014.
Source Bauxite Việt nam

Trong hai ngày 15 và 17 tháng 9 vừa qua diễn ra hai cuộc đối thoại giữa đại diện 62 hộ dân Cồn Dầu và đoàn thanh tra của Bộ Tài Nguyên- Môi trường, rồi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Kết quả là đại diện Bộ Tài Nguyên- Môi trường cho biết đoàn sẽ báo cáo với thủ tướng để có biện pháp giải quyết cho cuộc khiếu kiện kéo dài này.

Chưa có tiếng nói chung

Theo tường thuật của các cơ quan truyền thông trong nước thì cuộc đối thoại giữa đoàn liên ngành trung ương do Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với đại diện 62 hộ giáo dân Cồn Dầu diễn ra trong tinh thần thẳng thắng nhưng cuối cùng hai phía vẫn chưa thể giải quyết những bất đồng.

Các báo trích dẫn phát biểu của giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường thành phố Đà Nẵng rằng dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là dự án lớn được thực hiện theo đúng các qui định của pháp luật Việt Nam. Ông này giải thích rằng dự án này không chỉ mang tính kinh tế mà còn là dự án vì môi trường. Theo ông này thì việc phân lô bán nền mà người dân phản đối thực tế chỉ chiếm 40% đất của dự án mà thôi.

Tuy nhiên đối với giải thích như thế của ông Nguyễn Điểu, ông Trần Quang Anh, một người dân giáo xứ Cồn Dầu bị mất đất, có ý kiến:

Tôi nói thực tế chúng tôi nói các ông ở đây vẫn không tin; nhưng đoàn thanh tra đã xem thực tế rồi. Đoàn thanh tra vào từ ngày 8, thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường đã kiểm tra thực tế rồi, việc đó chúng tôi không nói vì nói các ông cũng không tin. Chúng tôi không có sơ đồ nào hết. Thực tế họ phân lô và rao bán nhiều. Không phải một mình chúng tôi thấy, hay một mình các ông thấy, tất cả đều thấy. Đó là điều không giấu được.

.....Tái định cư tại chỗ và tái định cư khác nhau. Đất của ông bà chúng tôi nên chúng tôi phải được tái định cư trên đó. Ông ta nói như thế ở trong thành phố cũng là tái định cư, và ông đuổi chúng tôi ra tận ngoài Hòa Khánh và nói là tái định cư thì không được. ông Trần Quang Anh

Theo tôi, sinh thái để cho dân được ở, mà chúng tôi là người dân thì chúng tôi phải được ở vì đó là quyền lợi của người có đất.

Ban Thanh Tra Đà Nẵng nói đến việc tái định cư cho những người phải giao đất cho dự án rằng họ không được tái định cư tại chỗ, nhưng khu vực ở mới cũng nằm trong phường Hòa Xuân chứ không phải ở nơi khác. Đối với giải trình này, thì ông Trần Quang Anh phản đối như sau:

Tái định cư tại chỗ và tái định cư khác nhau. Đất của ông bà chúng tôi nên chúng tôi phải được tái định cư trên đó. Ông ta nói như thế ở trong thành phố cũng là tái định cư, và ông đuổi chúng tôi ra tận ngoài Hòa Khánh và nói là tái định cư thì không được.

Trong luật nói rõ ràng ‘ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người bị thu hồi đất’; tức là có người ở thì chúng tôi phải được ở. Mà sinh thái là cho dân, mà phải ưu tiên cho người có đất ở đó là công bằng nhất. Sống phải có công bằng và văn minh. Văn minh mà không công bằng sẽ dẫn tới tham nhũng.

Bác Hồ từng nói ‘Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng’.Tôi nói với mấy ông rằng công bằng phải có tâm, cán bộ làm việc phải có tâm. Một chữ tâm bằng năm chữ tài.

Chủ tịch ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phát biểu tại cuộc đối thoại và được báo chí trích dẫn cho rằng nhiều người dân Cồn Dầu khi đến nơi tái định cư mới, cuộc sống hầu hết được nâng lên. Tuy nhiên, ông Trần Quang Anh cũng chưa đồng ý với nhận định đó, và giải trình như sau:

....Chúng tôi nói chung là người dân pháp luật không hiểu nhiều, chỉ xin các ông điều cơ bản nhất là cho chúng tôi tái định cư tại chỗ theo pháp luật khoản 2, điều 74, quyết định 197/Chính phủ ban hành năm 2004. Điều nữa phải đền bù tất cả tài sản, đất đai của chúng tôi theo Nghị định của chính phủ ban hành năm 2009.Ông Trần Quang Anh

Tốt hơn vì người ta đã dồn hết tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa ở dưới này lên trên đó vào làm chỉ có ô 5 mét thì làm sao không tốt hơn nhà cũ được. Tức họ đánh đổi tất cả gia tài cha mẹ để lại để lên trên kia làm một cái nhà chứ không phải thành phố cho tiền để làm nên một cái nhà tốt như thế.

Còn họ đưa lên những người để nói thế này thế kia là những người có điều kiện nhiều hơn, đất đai nhiều hơn. Họ quay vào phim ảnh hình những gia đình có điều kiện đất nhiều là khác; đồng thời có những cái như người ta nói ‘gió chiều nào, buồm phải chạy chiều đó’.

Thực tế chính tôi là người làm trong hội phu huynh các trường, thì những năm trước đây sau khi giải tỏa tiền bạc họ đóng sòng phẳng, nhưng sau cuộc họp phụ huynh vừa rồi không mấy người đóng tiền mà còn kêu ca thế này, thế nọ; điều đó chứng tỏ kinh tế suy sụp dần.

Yêu cầu của người dân

Ông Trần Quang Anh cho biết lại những điểm mà 62 hộ dân đang khiếu kiện tiếp tục nêu lên tại những cuộc đối thoại với phía chính quyền các cấp từ bấy lâu nay như sau:

Chúng tôi nói chung là người dân pháp luật không hiểu nhiều, chỉ xin các ông điều cơ bản nhất là cho chúng tôi tái định cư tại chỗ theo pháp luật khoản 2, điều 74, quyết định 197/Chính phủ ban hành năm 2004. Điều nữa phải đền bù tất cả tài sản, đất đai của chúng tôi theo Nghị định của chính phủ ban hành năm 2009.

Tôi cũng nói với mấy ông rằng điều quan trọng nhất của chúng tôi là nơi chúng tôi ở có một ngôi nhà thờ mà tổ tiên, ông bà chúng tôi, và kể cả bản thân chúng tôi bỏ công, góp của vào xây dựng hơn 135 năm nay rồi. Đời tôi ở trên đất ông bà tôi là đời thứ năm rồi, đuổi chúng tôi đi cho người khác ở là chúng tôi không chấp nhận. Đó là sự bất công của lãnh đạo quận và thành phố.

Chuyện dài thu hồi đất

Dự án Khu đô thị Sinh thái Hòa Xuân tại thành phố Đà Nẵng cũng như dự án Ecopark tại Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến nay vẫn chưa thể triển khai theo như kế hoạch vì người dân nêu ra những sai phạm của chính quyền địa phương khi đứng về phía chủ dự án để thu hồi đất của người dân không theo đúng những qui định của pháp luật.

Người dân vẫn cương quyết giữ đất và đi khiếu kiện yêu cầu phải thực hiện đầy đủ những điều mà pháp luật qui định; trong khi đó chính quyền địa phương vẫn duy trì quyết định của họ và hổ trợ cho chủ đầu tư. Đã có những vụ cưỡng chế đổ máu như tại Văn Giang hồi ngày 24 tháng 4 năm 2012; và sau đó dân chúng giữ đất bị những thành phần bất hảo hành hung đến trọng thương.

Hiện nay tại thủ đô Hà Nội, hằng ngày vẫn có nhiều đoàn người dân đến tại các cơ quan trung ương của chính phủ và đảng để yêu cầu giải quyết. Có những trường hợp đã khiếu nại mấy chục năm và có ý kiến của thủ tướng chỉ thị địa phương giải quyết; nhưng chính quyền địa phương không thực hiện.

Số giáo dân tại Cồn Dầu sau khi nghe kết luận của đoàn liên ngành do Bộ Tài Nguyên- Môi trường chủ trì sẽ báo cáo thủ tướng, họ bày tỏ hy vọng trường hợp của họ sẽ được giải quyết chứ không như vụ gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng; dù có kết luận của thủ tướng việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Vươn là sai nhưng rồi ông này và anh em vẫn bị kết án tù nặng.

Số giáo dân Cồn Dầu nói rằng họ khác vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn là họ không hề có hành động gì chống lại cơ quan chức năng, mà họ chỉ đòi hỏi quyền lợi theo đúng phát luật qui định mà thôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.