Băn khoăn về quy hoạch Du lịch Thác Bản Giốc

Lan Hương, phóng viên RFA
2017.04.21
000_Hkg2107884.jpg Khách du lịch Trung Quốc tại thác Bản Giốc ở tỉnh biên giới phía bắc Cao Bằng ngày 16 tháng 1 năm 2009.
AFP photo

Biên giới đã rõ ràng?

Thác bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn và được chia làm hai phần thác chính và thác phụ. Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong các điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước khi hai bên hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào năm 2008. Theo thỏa thuận giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc thì phần thác phụ thuộc chủ quyền của Việt Nam còn phần thác chính Việt Nam và Trung Quốc sẽ cùng khai thác. Phần thác chính này được phân chia bằng cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19 sau khi người Pháp và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới.

Thỏa thuận này đã từng gây bất bình đối với nhiều người Việt Nam vì họ cho rằng thác Bản Giốc là thuộc về Việt Nam vì sao lại có phần của Trung Quốc trong đó!

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới chính phủ Việt Nam cho biết về vấn đề này:

Nếu Việt Nam không nỗ lực hơn nữa để tạo ra sự cân bằng trong quan hệ kinh tế chính trị với Trung Quốc thì chắc chắn phần thiệt sẽ thuộc về Việt Nam.
- Tiến sĩ Trần Công Trục

Thông tin nói rằng khu vực Thác Bản Giốc cũng như dòng sông Quây Sơn vẫn còn là khu vực nhạy cảm, còn tranh chấp là sai bởi vì hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành giải quyết tranh chấp này rồi và hai bên đã ký các hoạch định cũng như phân giới cắm mốc rồi. Vì thác bản Giốc là cảnh quan chung, dòng sông là sông biên giới nên hai bên đã có thỏa thuận cùng nhau khai thác du lịch. Luật pháp quốc tế cũng đều thực hiện điều đó, chứ không ai có thể xây một bức tường ngăn cách mà cần hợp tác cùng nhau khai thác cảnh quan du lịch và tài nguyên nước nơi biên giới.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng quyết định phê duyệt quy hoạch dự án Bản Giốc, tăng cường đầu tư để phát triển khu du lịch này của Thủ tướng là một lựa chọn đúng đắn mà ông hoàn toàn ủng hộ. Ông phân tích:

Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc, một nước mà có rất nhiều đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp hoạt động kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới. Nếu Việt Nam không nỗ lực hơn nữa để tạo ra sự cân bằng trong quan hệ kinh tế chính trị với Trung Quốc thì chắc chắn phần thiệt sẽ thuộc về Việt Nam. Vì vậy chủ trương phát triển khu vực biên giới, không những chỉ khu vực này mà còn dọc đường biên giới với Trung Quốc cần phải có sự đầu tư phát triển mạnh mẽ, có thể kêu gọi sự hợp tác của các nước cũng như bà con chúng ta ở nước ngoài để làm sao đưa dân ra vùng biên giới, tạo công ăn việc làm cho họ để tạo sự cân bằng với Trung Quốc. Như vậy chúng ta mới bảo vệ được đường biên giới và chống lại chủ trương biên giới mềm của Trung Quốc

Sẽ xảy ra bất bình

Đồng tình với Tiến sĩ Trần Công Trục rằng đây là một dự án có nhiều điểm tích cực sẽ được phát huy nếu tiến hành thi công. Tuy nhiên, nếu Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định rằng dự án này sẽ không gặp trở ngại gì cũng như sẽ không gây ra bất cứ vấn đề nào với công chúng trong nước và với bên Trung Quốc, thì nhà báo Võ Văn Tạo lại chỉ ra một hệ quả có thể xảy ra:

Chắc chắn là quy hoạch ở đâu chứ quy hoạch ở đó sẽ gây ra tâm lý xáo trộn của người Việt Nam bởi vì sau khi biên giới được hoạch định giữa hai nước, một bộ phận người Việt Nam bất bình trước sự nhượng bộ với Trung Quốc. Xa xưa thì Bản Giốc thuộc toàn bộ về Việt Nam nhưng giờ một phần lại của Trung Quốc. Cho nên nếu quy hoạch đó bao gồm toàn bộ Bản Giốc thì không sao nhưng lại thừa nhận rằng Trung Quốc có một phần trong đó thì chắc chắn sẽ gây tâm lý không hài lòng trong một bộ phận dân chúng Việt Nam.

Trước đây ông Lê Công Phụng, lúc bấy giờ là thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, kiêm Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc cho rằng những tin đồn tin chung quanh vấn đề Việt Nam "nhượng đất, nhượng biển" là không có căn cứ.

Lo ngại quá trình quy hoạch

Hiện tại ở thác Bản Giốc mới chỉ phát triển khu nghỉ dưỡng bốn sao Sài Gòn – Bản Giốc của Công ty Sài Gòn Tourist với diện tích 31,15 ha trong khi đó phía bên Trung Quốc đã cho đầu tư rất mạnh mẽ mà nhiều người dân nhận xét là “hoành tráng”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia du lịch tại Việt Nam cho rằng đó là một dự án rất cần thiết đặc biệt trong tình trạng Việt Nam khi hầu như chưa có sự đầu tư lớn nào vào khu du lịch này, đối lập hoàn toàn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bày tỏ một số lo ngại:

Vấn đề tôi băn khoăn hơn là không biết dự án này được triển khai như thế nào và có xâm hại đến môi trường không bởi vì việc đánh đổi môi trường để làm du lịch ở Việt Nam hiện nay nhiều lắm.
- Ông Nguyễn Văn Mỹ

Bài toán ở đây là khai thác thế nào và làm sao có hiệu quả thì tôi hơi lo. Rất nhiều cấp quản lý của mình thích bê tông cốt thép, thích những khối nhà đồ sộ thì sẽ phá hủy cảnh quan. Nếu ở các khách sạn xây hay những khu resort xây thì làm sao Bản Giốc có thể cạnh tranh với những nơi khác được. Cho nên ngoài cảnh quan thác nước hung vĩ rất đẹp thì còn không gian, cảnh quan xung quanh và môi trường nữa. Vấn đề là làm sao mình giữ được những điều này thực sự là một bài toán khó. Vấn đề tôi băn khoăn hơn là không biết dự án này được triển khai như thế nào và có xâm hại đến môi trường không bởi vì việc đánh đổi môi trường để làm du lịch ở Việt Nam hiện nay nhiều lắm.

Ngoài ra còn nhiều ý kiến khác cho rằng khai thác khu du lịch tại biên giới với Trung Quốc như vậy sẽ kéo theo rất nhiều khách du lịch Trung Quốc sang thăm quan, họ e ngại sẽ gây ra tình trạng bất ổn trong nước. Trước đó nhiều nguồn tin cho biết khách du lịch Trung Quốc qua Việt Nam mở cửa hàng chỉ bán đồ cho người Trung Quốc trên đất Việt Nam. Nguồn tin khác cho biết người Trung Quốc đang xây dựng khu phố bí mật tại Đà Nẵng dù tin này đã được phía chính quyền bác bỏ. Người dân còn phản ánh nhiều cửa hàng ở Hạ Long treo biển quảng cáo tiếng Trung Quốc, nhân viên nói tiếng Trung Quốc và bán mua cũng thanh toán bằng nhân dân tệ.

Xin được nhắc lại Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ngày 2/3/2017 Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồ án quy hoạch chung khu du lịch Bản Giốc với kiến nghị bảo tồn nguyên trạng cảnh quan tự nhiên thác Bản Giốc.

Ngày 20/4/2017, Thủ tướng chính thức phê duyệt dự án này. Theo kế hoạch của dự án, khu du lịch này sẽ được quy hoạch thành 2 khu chính là khu quy hoạch chung Thác Bản Giốc với quy mô 1.000 ha và khu quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có quy mô 156,7 ha.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.