Trụ trì chùa Sơn Đồng tự thiêu

Truyền thông trong nước hôm nay loan tin về vụ tự thiêu của Đại Đức Thích Thanh Hoằng, trụ trì Chùa Sơn Đồng tại xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hồi ngày 28 tháng 11 vừa qua.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.12.02
Một ngôi chùa cổ ở tỉnh Thái Bình. (Ảnh có tính minh họa).
Photo courtesy of Thư Viện Hoa Sen

Theo báo chí trong nước, Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy Thái Bình ra thông báo khẳng định vụ tự thiêu đó là vì Đại Đức nợ nần tiền bạc nên phải tự sát bằng hình thức mà cơ quan này gọi là ‘tự đốt’. Gia Minh hỏi chuyện một Phật tử nói có quan hệ thân quen với Đại Đức Thích Thành Hoàng, và được người này cho biết như sau.

Phát nguyện tụng kinh Pháp Hoa

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Chúng tôi vừa ở dưới lễ tang lên. Chuyện này hiện nay chưa công bố tất cả các thông tin và cũng chưa công bố các thư để lại của Thầy. Các thư để lại đó đang giấu kín chưa công bố.

Gia Minh: Ai đang giữ những thư để lại đó?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Sư phụ của Thầy (Thích Thanh Hoằng) giữ.

Gia Minh: Vị đó Pháp danh là gì?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Đó là Thầy Thích Thanh Nghĩa. Sư phụ ở Chùa Mãi Lâm, cách đó khoảng 5 cây số.

Gia Minh: Địa điểm tự thiêu ở chỗ nào?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Ngay trong chùa. Trước đó không ai biết gì cả, đến khi vụ tự thiêu xong rồi nhân dân mới biết.

Gia Minh: Như vậy Thầy ở trong chùa một mình?

Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh Đại Thừa của Phật giáo. Trong bộ kinh này có đề cập đến một số đại hạnh nguyện của các vị Bồ Tát là tự mình thiêu thân để cúng dường cho thế giới hòa bình hay cầu cho đạo pháp được tiến triển.

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Đúng vậy, vì ở miền Bắc đa số mỗi chùa chỉ có một vị sư thôi. Khi sự việc xảy ra rồi nhân dân mới biết; biết rồi mới báo chính quyền.

Gia Minh: Nhân dân có cho biết họ phát hiện sự việc thế nào không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Chúng tôi chỉ là đồng đạo đến phúng viếng, chôn cất xong thì ra về chứ không hỏi nhiều. Chỉ nghe nhân dân nói khi ra chùa phát hiện thì sự việc đã rồi, Thầy đã viên tịch rồi. Lúc đó khoảng 10 giờ tối.

Gia Minh: Nhân dân có đưa xác đến bệnh viện và các cơ quan chức năng có làm các thủ tục liên quan không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Ở Việt Nam thông thường người ta không đưa xác đến bệnh viện. Cơ quan chức năng làm thủ tục ngay tại chùa luôn. Cơ quan chức năng có làm thủ tục tại chùa, có sự chứng kiến của nhân dân, của giáo hội và của thân quyến.

Họ có xét nghiệm tử thi, thu thập chứng cứ tại hiện trường để xem có phải là một vụ tự sát hay một vụ tự thiêu do phát nguyện, hạnh nguyện. Bởi vì khi còn sinh thời Thầy hay tụng kinh Pháp Hoa. Thấy phát nguyện tụng kinh Pháp Hoa từ năm 2000. Những thường khóa của Thầy trong ngày sáng chiều Thầy đều tụng kinh Pháp Hoa chứ không tụng kinh khác.

Gia Minh: Xin ông cho biết rõ tụng kinh Pháp Hoa thì có phát nguyện gì?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh Đại Thừa của Phật giáo. Trong bộ kinh này có đề cập đến một số đại hạnh nguyện của các vị Bồ Tát là tự mình thiêu thân để cúng dường cho thế giới hòa bình hay cầu cho đạo pháp được tiến triển. Đó là một nội dung mà các bậc thượng tức mới hiểu được. Chứ nếu một số người không hiểu đúng có thể làm sai.

Gia Minh: Khi Thầy viên tịch rồi thì còn gì ở hiện trường nữa không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Hiện trường chỉ còn đám củi và xác thôi.

Gia Minh: Xin ông cho biết tại Việt Nam từ trước đến nay có trường hợp nào như thế chưa?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Trong lịch sử 2000 năm của Phật giáo miền Bắc, các chốn tổ đình, các chùa đều có những lịch sử như thế.

Ngay tại Thái Bình của chúng tôi cũng có lịch sử như thế. Tại Thái Bình chúng tôi cách đây khoảng 85 năm, có một vị sư tổ ở cách chùa đó chỉ 12 cây số mà người ta gọi là Chùa Hổ, Sư tổ cũng đã chất củi tự thiêu để cầu cho thế giới được hòa bình.

Ở Chùa Hà Tiên ở tỉnh Vĩnh Phúc, cách đây 350 năm cũng có một vị Sư tổ, lúc đó hạn hán, Sư tổ tụng kinh và phát nguyện tự thiêu để cầu mưa. Khi ngày tự thiêu xong thì vùng đó có mưa và hết hạn hán. Chuyện này ở Việt Nam đã có tiền lệ rồi, chứ không phải chưa có.

Vì nợ nần?

Gia Minh: Hôm nay Báo Thanh Niên đăng tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình có thông báo khẳng định ‘việc của Đại Đức Thích Thanh Hoằng’ vì vấn đề cá nhân nợ nần?  Ông nói chưa thông báo thì ngay tại buổi lễ hôm nay có nói gì về thông tin liên quan không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Hôm nay chưa có thông tin gì cả; những người dự lễ cũng không có thông tin gì. Chúng tôi Phật giáo không có phát ngôn nhiều ra bên ngoài. Không biết báo chí của Nhà Nước nói thế nào.

Gia Minh: Bây giờ người ta nói nợ nần, vậy thực tế lâu nay ông có thấy biểu hiện gì về chuyện đó của Đại Đức không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Thực ra bản thân tôi là một người bạn (của Đại đức), tôi không thấy có biểu hiện gì cả. Bởi vì ở trong chùa không có sử dụng nhiều về kinh tế mà có liên quan đến việc nợ nần. Tôi cho đó chưa chắc là một lý do chính đáng. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau, và không thấy Đại Đức than thở về chuyện thiếu tiền nong thế nào đó.

Gia Minh: Ông nghĩ sao về việc Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Bình tuyên bố về nguyên nhân cái chết của Đại Đức?

Chúng tôi thường nói chuyện với nhau, và không thấy Đại Đức than thở về chuyện thiếu tiền nong thế nào đó.

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Tôi nghĩ rằng như thế là nóng vội. Bởi vì cái chết của một vị tu sĩ có ảnh hưởng to lớn đối với không những người dân mà còn cả ở nước ngoài. Nếu như có tham khảo ý kiến của giáo hội Phật giáo ở địa phương trước khi có thông báo thì hay hơn.

Gia Minh: Và quan hệ (của Đại Đức) với Phật tử, với chính quyền quanh đó ra sao?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Theo tôi biết là tốt vì tôi chưa nghe thấy sự phàn nàn nào về mối quan hệ giữa chính quyền, nhân dân và Phật tử với Thầy đó cả.

Gia Minh: Trong lễ hôm nay, chính quyền có đại diện đến tham dự không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Tất cả đều có, họ tham gia Ban tổ chức Lễ tang đầy đủ.

Gia Minh: Cụ thể là ai?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Ủy ban nhân dân Xã, Ban tôn giáo huyện, Mặt trận tổ quốc Huyện.

Gia Minh: Tỉnh thì không?

Người quen ĐĐ Thích Thanh Hoằng: Vì chúng tôi phân cấp các vị giáo phẩm ở cấp độ thế nào mới có tỉnh. Đại Đứcchưa phải là giáo phẩm cao cấp; nếu như ở trong Ban Trị sự cấp huyện mới có cấp tỉnh.

Gia Minh: Cám ơn ông.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.