Dân chủ hóa ở Indonesia

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014.09.17
Tân tổng thống Indonesia, Joko Widodo (thứ 2 từ phải)) cùng với vợ Iriana Widodo (phải) chào đón hàng trăm cư dân thành phố Solo trong bữa tiệc chiêu đãi tại hội trường thành phố Solo, Java vào ngày 30 Tháng 7 năm 2014 nhân lễ kỷ niệm của lễ hội Eid al-Fi Tân tổng thống Indonesia, Joko Widodo (thứ 2 từ phải)) cùng với vợ Iriana Widodo (phải) chào đón hàng trăm cư dân thành phố Solo trong bữa tiệc chiêu đãi tại hội trường thành phố Solo, Java vào ngày 30 Tháng 7 năm 2014 nhân lễ kỷ niệm của lễ hội Eid al-Fitr.
AFP

Cuộc bầu cử dân chủ vừa qua ở Indonesia đã đưa một nhân vật dân sự lên cầm quyền. Tiến sĩ Vũ Tường từ Khoa chính trị Đại học Oregon, Hoa Kỳ, một chuyên gia về Indonesia, cho đài RFA cuộc trao đổi sao đây về tiến trình dân chủ hóa ở đất nước lớn nhất Đông Nam Á này.

Kính Hòa: Cuộc bầu cử vừa qua ở Indonesia đã đưa một nhân vật dân sự lên cầm quyền. Sự chuyển đổi quyền lực ở Indonesia có vẻ dễ dàng. Tiến sĩ có nhận thấy như thế không?

TS Vũ Tường: Cũng không phải là dễ dàng. Cuộc chuyển đổi này bắt đầu từ năm 1998 khi ông Suharto từ chức. Từ năm 98 đến năm 2006 thì tình hình mới yên ổn một chút. Rồi đến kỳ bầu cử năm 2009 thì nhiều người, nhiều học giả nghĩ rằng Indonesia khó lòng mà đứng vững được.

Không phải là dễ dàng vì phải mất từ tám đến 10 năm để tình hình ổn định và kinh tế phát triển trở lại. Nhưng rõ ràng nó tiến triển thuận lợi hơn so với các chuyên gia dự đoán. Phần lớn các chuyên gia dự đoán là Indonesia khó chuyển đổi thành công, sẽ thất bại, sẽ tan rã, sẽ đổ vỡ. Lúc ông Suharto từ chức thì kinh tế đang suy sụp, còn có khả năng nội chiến nữa vì hai ba nơi muốn tách ra không nằm trong Indonesia nữa. Tình hình rất gây cấn, nhưng cuối cùng bây giờ thì tốt đẹp.

Phần lớn các chuyên gia dự đoán là Indonesia khó chuyển đổi thành công, sẽ thất bại, sẽ tan rã, sẽ đổ vỡ. Lúc ông Suharto từ chức thì kinh tế đang suy sụp, còn có khả năng nội chiến nữa ... Tình hình rất gây cấn, nhưng cuối cùng bây giờ thì tốt đẹp

TS Vũ Tường

Kính Hòa: Câu hỏi đặt ra là tại sao phe quân sự hùng mạnh như vậy mà họ lại chấp nhận dễ dàng sự chuyển giao quyền lực như vậy?

TS Vũ Tường: Phe quân sự thay đổi rất nhiều từ khi ông Suharto lên nắm quyền từ thập niên 60. Ông là nhà độc tài, ông làm cho quân đội yếu đi mà phụ thuộc vào ông ấy. Cho nên sau hơn 30 năm cầm quyền của ông ấy, quân đội đứng bên ngoài và không muốn tham gia vào chính trị nữa. Đó là cách giải thích của tôi. Có thể có những cách giải thích khác, có thể là có những nhân vật quân đội vẫn đang gây ảnh hưởng cho cá nhân họ, nhưng quân đội như là một tổ chức mạnh thì họ đã chấp nhận cái vai trò đứng bên ngoài chính trị rồi.

Kính Hòa: Có thể việc bàn giao quyền lực này êm thấm cũng do xã hội dân sự Indonesia đã trưởng thành hơn?

TS Vũ Tường: Vâng, xã hội dân sự Indonesia có hơn 10 năm để phát triển nên đã vững mạnh hơn. Nhưng mà vẫn có những yếu tố cực đoan. Xã hội dân sự nào cũng thế, cũng đa dạng, có những tổ chức bảo thủ. Có những tổ chức ở giữa và cũng có những tổ chức cực đoan, các tổ chức cực đoan có thể gây ra rắc rối. Nếu anh sống ở Indonesia thì anh có thể sẽ thấy các tổ chức cực đoan này đóng vai trò rất là lớn.

Nhưng nói chung xã hội dân sự rất đa dạng, và như anh nói là nó đã mạnh lên rất nhiều.

Mô hình Indonesia giống với Miến Điện, không giống Thái Lan và Việt nam. Nó có gần với TL hơn. Giống Miến điện vì độc tài quân sự. Giống Thái Lan vì quân đội cũng mạnh ... Còn Việt nam là độc tài cộng sản, không giống độc tài quân sự của Suharto, xu hướng chuyển đổi của VN sẽ khác hơn

TS Vũ Tường

Kính Hòa: Nếu có một sự so sánh với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đang chuyển đổi như Miến Điện và Việt nam?

TS Vũ Tường: Mô hình Indonesia giống với Miến Điện, không giống Thái Lan và Việt nam. Nó có gần với Thái Lan hơn. Giống Miến điện vì độc tài quân sự. Giống Thái Lan vì quân đội cũng mạnh, nhưng ở Thái Lan thì có vai trò của Hoàng gia ở đó. Còn Việt nam là độc tài cộng sản, không giống độc tài quân sự của Suharto, xu hướng chuyển đổi của Việt nam sẽ khác hơn.

Kính Hòa: Sự chuyển đổi ở Indonesia có ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới lãnh đạo Việt nam không? Họ có thể nghĩ là họ có thể nhường nhịn một chút quyền lực?

TS Vũ Tường: Họ nghĩ gì thì tôi không biết được, nhưng tôi nghĩ là họ sẽ không quan tâm lắm.

Đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt nam thì họ nhìn vào đó như là một ví dụ cho thấy là sự chuyển đổi sang dân chủ không phải là đáng sợ như có suy nghĩ cho rằng dân chủ sẽ dẫn đến hỗn loạn, đỗ vỡ, chia cắt đất nước,… Ở Indonesia thì dân chủ lại giúp cho đất nước thành một khối

TS Vũ Tường

Nhưng đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt nam thì họ nhìn vào đó như là một ví dụ cho thấy là sự chuyển đổi sang dân chủ không phải là đáng sợ như có suy nghĩ cho rằng dân chủ sẽ dẫn đến hỗn loạn, đỗ vỡ, chia cắt đất nước,… Ở Indonesia thì dân chủ lại giúp cho đất nước thành một khối.  Ví dụ như thời Suharto tỉnh Aceh đòi độc lập, tới khi có dân chủ rồi mới tìm ra một công thức thõa mãn nguyện vọng của dân chúng ở đó. Dân chủ giúp cho đất nước Indonesia được bảo toàn.

Kính Hòa: Xin hỏi Tiến sĩ câu cuối là nếu nền dân chủ Indonesia phát triển một cách khá vững như vậy thì liệu họ sẽ đóng một vai trò mạnh hơn trong bàn cờ chiến lược mới ở Đông nam Á hay không?

TS Vũ Tường: Câu này khó trả lời hơn vì tuy Indonesia chuyển đổi khá thành công nhưng mà họ còn có nhiều vấn đề. Về kinh tế, xã hội, chính trị. Về chính trị thì tham nhũng còn rất cao. Về kinh tế thì còn lệ thuộc vào việc xuất khẩu thô, đặc biệt là xuất khẩu khoáng sản cho Trung quốc, hay xuất khẩu dầu mỏ. Cho nên kinh tế vẫn còn yếu. Theo tôi thì quan tâm của các nhà lãnh đạo Indonesia và dân chúng Indonesia trong thời gian tới sẽ là các vấn đề trong nước hơn là đóng một vai trò trong khu vực hay quốc tế. Ông Tổng thống mới là Jokowi xuất thân từ giới bình dân quan tâm nhiều đến các vấn đề quốc nội hơn là quốc tế.

Kính Hòa: Cảm ơn Tiến sĩ dành cho đài RFA buổi phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.