Phá rừng phòng hộ làm khu du lịch

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017.04.25
000_APH2003052646396.jpg Hai xe tải vận chuyển gỗ rừng tại Đăk Lăk, ngày 17 tháng 5 năm 2003.
AFP photo

 

Hoạt động phá rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để triển khai dự án khu du lịch phục vụ đợt thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 sắp đến khiến dự luận bất bình.

Phá hủy những khu rừng phòng hộ bạt ngàn và quí báu của đất nước để phục vụ kinh tế hay kinh doanh không chỉ là lợi bất cập hại mà còn là mối nguy cho thế hệ tương lai.

Tin tức về các vụ chặt phá rừng phòng hộ để triển khai dự án kinh doanh liên tục được truyền thông loan đi; và trước vụ Phú Yên dư luận từng dậy sóng với những vụ đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bị phá để xây công viên nghĩa trang; phá rừng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng xây 40 móng khách sạn.

Ngay cả những người không thông thạo lĩnh vực lâm nghiệp, đều có kiến thức căn bản là rừng giúp giữ nước và những khu rừng được gọi là ‘phòng hộ’ giúp giảm thiểu những tác động bất lợi do thiên nhiên gây nên như xói lở, hay ngay cả gió bão. Còn những chuyên gia trong ngành như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam, có khẳng định:

“Nói ngắn gọn là khi mà đã qui hoạch là vườn quốc gia hoặc khu phòng hộ thì nó đều có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh thái và các khía cạnh khác nữa. Cho nên khi mà vi phạm vào các diện tích đã được qui hoạch đã được khoanh vùng để bảo hộ để giữ gìn nghiêm ngặt thì đều là những hành động sai lầm cần phải lên án.

Còn tùy theo hoàn cảnh mà tác hại của nó cụ thể về mặt sinh thái, về mặt môi trường đất,môi trường nước, không khí, cảnh  quan, xã hợi, an ninh quốc phòng...  vân vân...là đương nhiên.”

Thế nhưng thực tế bao năm qua cho thấy hiện tượng phá rừng, kể cả rừng phòng hộ, để phục vụ kinh doanh hay du lịch vẫn tiếp diễn bất chấp qui định pháp luật và sự quan tâm của công luận, ông Nguyễn Ngọc Sinh nói tiếp:

Chúng tôi thậm chí còn nói rằng phải đóng cửa những khu rừng tự nhiên còn lại, rằng dù giàu hay nghèo thì cũng không được khai thác nữa. Thế còn các khu rừng phòng hộ thì có chức năng có nhiệm vụ riêng của nó. Không kể Bắc Trung Nam, ở đâu cũng vậy, xâm hại đến nó là việc cần phải lên án và phải ngăn chận.

Vườn quốc gia cũng bị phá

Rừng quốc gia Nam Cát Tiên.
Rừng quốc gia Nam Cát Tiên.
Rừng quốc gia Nam Cát Tiên.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu thuộc nhóm Minh Triết Làm Chủ Biển Đông, biểu đồng tình với nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh:

Trên tổng thể ở đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông đều thấy một sự mất mát một sự xuống cấp rất nguy hiểm.

Vẫn theo lời ông, Việt Nam có qui định bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng mặt khác lại cho người nước ngoài thuê rừng thì cũng chính là hành động phá hoại gián tiếp:

Việc giao đất giao rừng cho người nước ngoài, chủ yếu là cho người Tàu thuê những khu rừng lớn, phần lớn những khu ấy đều có rừng phòng hộ cả, họ làm gì trong ấy cũng không ai biết để mà kiểm tra kiểm soát được. Sự phá hoại hết sức nghiêm trọng.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật của Câu Lạc Bộ Rừng Gọi, nhà hoạt động môi trường được biết đến với chiến dịch bảo vệ Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyền thế giới ở tỉnh Đồng Nai, trước sự đe dọa của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nói rằng Việt Nam có bao nhiêu dải rừng phòng hộ cần được bảo vệ thì cũng có bấy nhiêu bàn tay phá hoại của con người cần bị trừng phạt.

Trên tổng thể ở đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.
- Ông Nguyễn Khắc Mai

Đó là những cánh rừng tuyệt đẹp được đưa vào danh sách Vườn Quốc Gia Việt Nam như  Cát Tiên, Langbian, Bi Đúp Núi Bà, Cúc Phương, Bạch Mã, Ba Vì, chưa kể khu sinh quyển Cần Giờ hoặc khu sinh thái miệt U Minh Thượng …

Thật sự chính sách của đảng và nhà nước là bảo vệ rừng rồi môi trường rồi du lịch xanh, nhưng ở đâu đó vẫn có những cấp lãnh đạo, những nhóm lợi ích. Nào là khai thác cát, phá rừng  làm những ngôi nhà ven sông  sụp đổ.

Riêng việc khai thác ở sông Đồng Nai bên cạnh khu dự trữ sinh quyền Cát Tiên thì những công ty trong nhóm lợi ích với nhau  họ khai thác cát rất nhiều. Có những khu rừng trước đây là rừng xanh bạt ngàn mà mình vào bên trong mình thấy người ta chặt cây và bẫy thú rất thương tâm. Thậm chí ngay cả cây gõ của bác Phạm Văn Đồng cũng có người cưa, nếu kiểm lâm không phát hiện sớm thì cũng bị hạ rồi.

Đã tới lúc phải đẩy mạnh việc thực thi pháp luật để chống lại hành động phá rừng, phải tăng cường nâng cao dân trí và ý thức người dân trong việc bảo vệ từng tấc rừng phòng hộ. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh:

Chính sách hay chế độ đều có đủ hết cả, qui định đưa ra cũng hết sức cụ thể và thực tế  rồi, vấn đề là làm sao bây giờ phải thực thi các điều đó cho tốt.

Phải triệt để bảo vệ rừng nói chung và rừng phòng hộ nói riêng vì đó là bộ phổi của thiên nhiên, là nơi điều hòa khí hậu, là những dải đất chắn lũ cần thiết cho vùng đồng bằng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh kết luận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.