Thất vọng sau kỳ họp quốc hội

Việt Hà, phóng viên RFA
2013.06.24
Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội. Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội.
AFP

Nghe bài này

Kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIII vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Đây là kỳ họp quốc hội với nhiều chương trình lớn được người dân kỳ vọng như sửa đổi hiến pháp, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, và luật đất đai vốn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Báo chí trong nước đưa tin, sau 27 ngày làm việc, kỳ họp quốc hội đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp.

Những nhân sĩ trí thức Việt Nam, những người quan tâm đến tình hình đất nước và kỳ họp quốc hội lần này có suy nghĩ gì về kỳ họp lần này? Việt Hà phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Mình, một trong 72 người tham gia vào đề xuất sửa đổi hiến pháp có tên kiến nghị 72.

Trước hết nhận xét chung về kết quả kỳ họp lần này, luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:

Không thay đổi điều 4 thì họp cũng vậy thôi

Lê Hiếu Đằng: về kỳ họp quốc hội vừa rồi có 3 điểm mà khi kết luận Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có nói thì tôi nghĩ là, theo tôi cái quan trọng nhất của kỳ họp quốc hội vừa rồi là phải thông qua bản hiến pháp mới với tinh thần mới mà kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã đề nghị, vì đây là thời cơ rất lớn để Việt Nam có thể chuyển sang một giai đoạn mới cùng với thế giới, hòa nhập vào dòng chuyển lưu là dân chủ và tiến bộ, bảo vệ môi trường, nhân quyền và dân quyền. Nhưng rất tiếc cái dự thảo cuối cùng đưa ra trước kỳ họp hoàn toàn không phù hợp và có thể nói là đi ngược lại ý chí của quần chúng. Nó còn tệ hơn cái đề nghị của chính phủ và mặt trận đưa qua. Tôi cho đó là một thất bại rất lớn, cái mà nhân dân đang mong đợi thì không đạt được.

Còn điều thứ hai là vấn đề ruộng đất, dự thảo sửa đổi luật phải ngưng lại không thông qua, thì điều đó cũng nói lên một bước lùi của những người vẫn chủ trương đất đai thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dần. Mà thực tế trong dự thảo sửa đổi hiến pháp vẫn giữ điều này. Tôi cho là cái bước lùi đó chỉ là tạm thời thôi, trước công luận và áp lực của quần chúng. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Trong tương lai nếu không có sự đấu tranh của nhân dân và các nhân sĩ trí thức và các tổ chức dân sự xã hội thì họ vẫn giữ điều này, tức là sở hữu đất đai toàn dân do nhà nước quản lý.

Rất tiếc cái dự thảo cuối cùng đưa ra trước kỳ họp hoàn toàn không phù hợp và có thể nói là đi ngược lại ý chí của quần chúng. Nó còn tệ hơn cái đề nghị của chính phủ và mặt trận đưa qua. Tôi cho đó là một thất bại rất lớn, cái mà nhân dân đang mong đợi thì không đạt được.

luật gia Lê Hiếu Đằng

Còn vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm thì thôi cho chỉ là hình thức thôi vì có một đại biểu quốc hội là Võ Thị Dung là một đại biểu, phó chủ tịch mặt trận thành phố có đề nghị lẽ ra có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Tôi thấy vô lý đưa ra ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Có nghĩa là buộc người ta phải tín nhiệm đã, còn tín nhiệm như thế nào là tùy từng người. Như vậy không hợp lý, lẽ ra phải là tín nhiệm không tín nhiệm, nếu có người muốn bỏ không tín nhiệm thì không có chỗ để bỏ. Tôi cho đó là vừa làm vừa run, vừa sợ. Tôi thấy cái bỏ phiếu vừa rồi cũng không phản ánh trào lưu thực dân chủ trên thế giới. Đó chỉ là một biện pháp đối phó trước công luận đòi hỏi phải mở rộng dân chủ trong ngày nay.

Luật gia Lê Hiếu Đằng. Source baohiem360
Luật gia Lê Hiếu Đằng. Source baohiem360
Source baohiem360

Việt Hà: theo ông chương trình nghị sự của quốc hội lần này có quá lớn cho quốc hội Việt Nam để có thể giải quyết hay không. Có lẽ có thể vì thế mà họ đi đến kết quả như vậy?

Lê Hiếu Đằng: tôi nghĩ là quốc hội Việt Nam có một nhược điểm là không phải toàn đại biểu chuyên nghiệp, tức là nhiều quốc hội họp cả khóa mùa thu 3, 4 tháng để bàn một việc trọng đại như vậy nhưng đây quốc hội đại bộ phận là kiêm nghiệm nhiều. Do đó đâu có thời gian họp hết một khóa như vậy. Cho nên đúng là thời gian 1 tháng không thể nào giải quyết rốt ráo các vấn đề quan trọng đã đặt ra. Vì vậy tôi nghĩ đó là hạn chế của tính chất đại biểu quốc hội ở Việt Nam là không phải nhiều người chuyên trách, không phải là những nhà hoạt động chính trị thực sự và trong đó đại bộ phận là đảng viên, đại bộ phận là các đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể chiếm một tỷ lệ rất ít trong thành phần này. Vì vậy nó phản ánh một nhược điểm rất lớn hiện nay với quốc hội Việt Nam.

Việt Hà: trước khi quốc hội kỳ này diễn ra thì có nhiều trông đợi bởi vì có những vấn đề được đặt ra như hiến pháp, bỏ phiếu tín nhiệm hay luật đất đai, đều là những vấn đề nóng cả những kết luận chỉ có như vậy thì theo ông ngoài vấn đề như ông nói là đại biểu thiếu kinh nghiệm, thời gian họp ít, còn lý do nào khác vì cũng có quan ngại là do đảng có yêu cầu thế nào đó mà quốc hội như vậy?

Trong tình hình nếu chưa có sự thay đổi một cách căn bản điều 4 thì họp quốc hội cũng như vậy thôi. Có nhích lên đôi chút nhưng vẫn là như vậy. Cái căn bản vẫn là thay đổi điều 4

luật gia Lê Hiếu Đằng

Lê Hiếu ĐẰng: thì cũng có khuynh hướng sợ nếu mở rộng dân chủ, kéo dài thời gian, gồm nhiều đại biểu không chuyên trách thì sẽ đi ngược lại ý kiến của đảng. Do đó hạn chế bằng cách là thời gian ngắn như vậy thôi, tính chất đại biểu như vậy. Ví dụ bản dự thảo hiến pháp cuối cùng đưa ra quốc hồi thì rõ ràng là bên chính phủ và mặt trận đưa ra còn khá hơn, nhưng khi đảng thông qua, đảng duyệt rồi để đưa ra thì nó còn tệ hơn, bảo thủ hơn bản cũ. Điều này phản ánh là nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không thực sự đổi mới thì Đảng sẽ trở thành sự ngăn chở, trở ngại cho phát triển của đất nước, trong đó có phong trào dân chủ hiện nay.

Việt Hà: so với các kỳ họp quốc hội trước thì theo ông kỳ họp quốc hội lần này có gì tiến bộ hoặc khác hơn các kỳ trước không?

Lê Hiếu Đằng: tôi thấy là chúng ta cũng phải ghi nhận là họ không thông qua luật đất đai rồi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Dù sao đối với những người bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì phải suy nghĩ nhưng mà tôi rất thất vọng là trong khi quốc hội họp thì hàng loạt mấy blogger bị bắt, đàn áp. Cuộc biểu tình chống Trung quốc ở Hà Nội bị đàn áp. Nó phản ánh cái gì. Nó rõ ràng là khuynh hướng bạo lực, trấn áp đối với những người đấu tranh cho dân chủ, hạn chế dân chủ trong quốc hội và trong các sinh hoạt chính trị ở Việt Nam hiện nay là một khuynh hướng đang bao trùm, đang chi phối.

Việt Hà: ông có hy vọng gì cho những kỳ họp quốc hội sắp tới?

Lê Hiếu Đẳng: vấn đề là cái căn gốc vẫn là đảng lãnh đạo. Bởi điều 4 còn duy trì thì rõ ràng là đảng là bao trùm trên  hết. Đảng đứng trên và đứng ngoài luật pháp, không có quy định nào của đảng, chế tài mà đảng làm không đúng, đảng đưa ra kiến nghị không đúng, thì chưa có. Vừa rồi cũng có đòi hỏi về mục về sự lãnh đạo của đảng. Trong tình hình nếu chưa có sự thay đổi một cách căn bản điều 4 thì họp quốc hội cũng như vậy thôi. Có nhích lên đôi chút nhưng vẫn là như vậy. Cái căn bản vẫn là thay đổi điều 4.

Việt Hà: xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.