Kinh tế thị trường kiểu Việt Nam có giúp phát triển "ngoạn mục"?

Lan Hương, phóng viên RFA
2017.06.07
000_F655T.jpg Một góc Hà Nội chụp ngày 12/8/2016.
AFP photo

 

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trương Minh Tuấn vừa có bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 6/6 nói rằng kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã tạo ra những phát triển ngoạn mục cho đất nước. Giới quan sát nghĩ gì về nhận định này?

Phát triển là nhờ KTTT định hướng XHCN?

Trong bài viết, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định:

Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới.

Ngoài ra, người đứng đầu bộ Thông tin Truyền thông còn đưa ra số liệu cho thấy GPD Việt Nam tăng 37 lần, từ 5,5 tỉ USD năm 1988 lên 205,32 tỉ USD năm 2016.

Cũng theo ông, từ năm 1993 đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% xuống chỉ còn 8,38% và thấp xa hơn các nước trong khu vực như  Philippines, Ấn Độ, và thấp hơn cả Thái Lan, Indonesia.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã giải thể công nhận rằng sự nền kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua đạt được một số bước phát triển mà ông đánh giá là khá. Nhưng ông không cho rằng đó là công lao của nền KTTT định hướng XHCN:

Toàn bộ cái gọi là công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua thực chất không có gì là đổi mới cả.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Toàn bộ cái gọi là công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua thực chất không có gì là đổi mới cả. Mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã buộc phải trả lại cho người dân một số quyền về kinh tế của họ, nhưng không phải là tất cả. Đấy là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong thời gian 30 năm qua ở Việt Nam. Hay nói cách khác là tiềm năng, lòng hăng say của người dân Việt Nam đã bị tước đoạt một thời gian dài. Đến khi họ nhận thấy rằng nếu tiếp tục như vậy thì bản thân họ không còn đường mà sống nên họ trả lại cho người dân những quyền làm kinh tế, từ nông nghiệp cho đến quyền làm kinh doanh.

Trong bài viết của mình, ông Trương Minh Tuấn nói rằng yếu tố quan trọng nhất của định hướng XHCN trong KTTT là vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo ông, Đảng đại diện cho lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân và không có lợi ích của riêng mình.

Tuy nhiên trong một bài viết có tựa "Cần hiểu đúng để không làm sai" đăng trên VietnamNet hôm 05/5/2017 nhưng hiện đã bị dỡ xuống, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo TW nói:

"Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào,"

Ông nói rõ vai trò của Nhà nước trong nền KTTT không phải là để kinh doanh, cũng như không để các cơ quan hành chính tham gia kinh doanh. Mà theo ông, nhiệm vụ của Nhà nước là:

"Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các "nhóm lợi ích".

“Tốt khoe ra, xấu xa che lại”?

Hai người đàn ông đi xe máy kéo một lượng rác tái chế trên đường phố Hà Nội vào ngày 12 tháng 8 năm 2016.
Hai người đàn ông đi xe máy kéo một lượng rác tái chế trên đường phố Hà Nội vào ngày 12 tháng 8 năm 2016.
AFP photo

Ông Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò kinh doanh của nhà nước mà đại diện là khối doanh nghiệp nhà nước. Ông nói: “Để bảo đảm định hướng XHCN đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Cũng trong bài viết này, ông Trương Minh Tuấn chỉ nói chung chung rằng KTTT định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện mà không nêu rõ đó là những vấn đề gì hay hoàn thiện bằng cách nào.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những “vấn đề” lớn nhất của KTTT định hướng XHCN chính là việc các doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo mà theo ông là một đường lối sai lầm của Việt Nam:

Khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo đã được ghi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Và điều đó ngầm định Nhà nước dùng các doanh nghiệp này để điều tiết nền KTTT định hướng XHCN.

Và nó đã gây ra những hậu quả tai họa cho đất nước này. Không biết bao nhiêu cái gọi là tập đoàn kinh tế nhà nước đã thật sự phá sản. Chuyện Vinashin, Vinaline bây giờ đã vào quên lãng nhưng còn hàng chục các tập đoàn với hàng chục các dự án mười mấy ngàn tỷ do Nhà nước làm chủ đều đang sắp phá sản.

Cho nên việc lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo là một đường lối sai lầm của Đảng. Khu vực quốc doanh này chỉ tạo ra khoảng 25-26% GDP nhưng rất đáng tiếc là doanh nghiệp nhà nước lại sử dụng đến khoảng một nửa nguồn lực của đất nước. Đó là những tài nguyên thiên nhiên như hầm hỏ, đất đai,…và chèn ép các doanh nghiệp tư nhân mà đáng lẽ phải đóng vai trò chủ đạo.

Khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo đã được ghi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước lần thứ nhất diễn ra sáng 26/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn hơn so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40% từ năm 2003 -2015.

Như vậy tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế Nhà nước hiện tại đã đứng sau kinh tế tư nhân mặc dù nhiều năm doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá là nòng cốt của nền kinh tế.

Ngay sau khi bài viết về vai trò của KTTT định hướng XHCN mang lại những phát triển ngoạn mục của ông Trương Minh Tuấn được đăng tải, trên các trang mạng xã hội, dư luận ngay lập tức có các ý kiến phản biện. Chúng tôi ghi nhận quan điểm của Facebook Nguyễn Thông như sau:
Tôi muốn hỏi ông Trương Minh Tuấn bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông: thế nào là ngoạn mục? Người cộng sản nắm quyền cai trị ở nước này tới nay đã 42 năm. Suốt nửa thế kỷ độc tôn cầm quyền mà đất nước vẫn còn nghèo đói, chậm phát triển như hiện nay thì ngoạn mục ở chỗ nào? 
Hãy nhớ rằng, các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... với chừng ấy năm, hoặc chỉ 1/4 chừng ấy năm thôi thì họ đã đi được bao nhiêu?

Xin nhắc lại, KTTT định hướng XHCN là tên gọi một cơ chế quản lý kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra và triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990. Tuy nhiên cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.