Âm nhạc có giúp trẻ thông minh?

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013.06.02
Mozart-305.jpg CD nhạc Mozart cho em bé được bán tại các nhà sách ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 01/6/2013.
RFA photo

 

Từ lâu đã có nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc tác động lên nhiều vùng não bộ, giúp trẻ thông minh hơn, mang lại sức khỏe và sự đề kháng cho con trẻ, đồng thời âm nhạc còn nâng cao kỹ năng vận động, giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp và hình thành sự tự tin cho trẻ em, hơn nữa, âm nhạc mang lại cho chúng tính kiên nhẫn và thúc đẩy tính sáng tạo và cả khả năng chịu đau.

Bồi dưỡng trí não trẻ

Kể từ khi cảm nhận được sự sống đang ngày mỗi lớn dần lên trong cơ thể mình, các bà mẹ đã ý thức được việc bồi dưỡng trí não cho đứa con yêu thương và một biện pháp vô cùng giản đơn là cùng con nghe những bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng và đôi khi mang tính bác học của Mozart hay Bethoven, vì theo kinh nghiệm, những bản nhạc đó sẽ mang lại trí tuệ tốt hơn cho con trẻ khi chúng ra đời, vì đứa bé khi còn trong bụng mẹ thính giác đã tương đối phát triển, chúng cảm nhận được nhịp âm và giai điệu.

Nhiều câu hỏi đặt ra là người mẹ nên nghe nhạc thế nào cho đúng cách? Theo ghi nhận, người mẹ có thể bật nhạc bằng dàn đĩa hoặc có thể đặt tai nghe vòng qua bụng, không nên bật nhạc quá to vì nhau thai truyền âm thanh khá tốt và bé con có thể nghe nhạc dù là âm lượng tương đối nhỏ. Cũng theo các nghiên cứu nước ngoài thì nhạc tôn giáo hoặc kinh cầu sẽ mang đến những rung động tích cực và như thế sẽ tốt cho bé, ngoài ra người mẹ có thể nghe hỗn hợp các loại nhạc cổ điển, nhạc pop, nhạc tôn giáo hoặc thánh ca. Đồng thời cũng có những lời khuyên rằng khi mẹ cho bé nghe nhạc qua vòng bụng trực tiếp thì chỉ hạn chế mức tối đa là 2 tiếng mỗi ngày để không cản trở đến giấc ngủ và nhịp thở của bé.

Trò chuyện với chúng tôi, bạn Phương Anh vừa mới từ phòng khám bác sĩ trên đường về nhà chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, bạn cho biết bạn bắt đầu cho đứa bé nghe từ khi thai nhi hình thành được 20 tuần tuổi:

Em nghe đĩa của Mozart, có hai đĩa cho em bé của Mozart, chuyên dành cho Music For Babies, giai điệu du dương, ru ngủ mình, lúc lên lúc trầm lúc bổng, ban đầu đứa trẻ phản ứng nhưng về sau nó quen thì nó cũng chẳng phản ứng gì nữa. Con bé nhà em thích nghe nhạc nhanh và bốc, bao giờ có nhạc kiểu đấy thì nó sẽ đạp, còn bình thường nó sẽ nằm im. Em bắt đầu cho nó nghe từ lúc 20 tuần tuổi, lúc đó tai và mọi thứ bên ngoài của nó mới bắt đầu phát triển.

Cũng theo nhiều nghiên cứu, người mẹ không nhất thiết phải nghe các loại nhạc có tiết tấu chậm, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng nhịp thở của các bé sẽ thay đổi theo nhịp của bản nhạc, nếu nghe nhạc với nhịp đập nhanh và mạnh sẽ khiến bé bị căng thẳng, và không có tác dụng tích cực cho cả mẹ và bé.

Âm nhạc tốt với thai nhi là vậy, thế khi đứa trẻ chào đời và những năm tháng đầu tiên khi tiếp xúc với cuộc sống thực sự, não bộ của đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự tác động của âm nhạc ra sao?

Có thể tăng IQ

CD nhạc cho mẹ ru con bày bán tại các nhà sách ở Hà Nội. RFA photo
CD nhạc cho mẹ ru con bày bán tại các nhà sách ở Hà Nội. RFA photo
CD nhạc cho mẹ ru con bày bán tại các nhà sách ở Hà Nội. RFA photo

Theo một nghiên cứu của học giả Schellenberg vào năm 2006 cho thấy âm nhạc có thể làm tăng chỉ số IQ của con trẻ, ông kết luận rằng:

Khi cho trẻ nghe nhạc, nhất là khi cùng một lúc nghe các tiết tấu âm thanh cao thấp với nhiều cường độ khác nhau, trí não của trẻ sẽ vận động nhiều hơn để phân biệt, vì thế sẽ tạo nên các đường mòn thần kinh nhiều hơn. Điều này sẽ giúp trẻ nhanh tiếp thu và xử lý các tình huống nhanh hơn khi lớn lên. Âm nhạc kích hoạt não trái và não phải hoạt động đồng thời. Não phải cảm nhận giai điệu du dương và sự thư giãn, còn não trái thì nhận biết nốt nhạc và nhịp điệu.

Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế với con trẻ Việt Nam thì nhạc sĩ Trần Quang Hải, người đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về lời ru của mẹ cho bé đã đúc kết rằng, chính lời ru của người mẹ, hay tiếng hát của mẹ lại có tác dụng tốt hơn đến đứa trẻ dù là khi còn trong bào thai hay khi đứa bé đã chào đời:

Khi cho trẻ nghe nhạc, nhất là khi cùng một lúc nghe các tiết tấu âm thanh cao thấp với nhiều cường độ khác nhau, trí não của trẻ sẽ vận động nhiều hơn để phân biệt, vì thế sẽ tạo nên các đường mòn thần kinh nhiều hơn.
-Học giả Schellenberg

Khi nghe, người mẹ tìm cách hát những bài nào gần gũi với nhạc dân gian, thì tiếng hát của người mẹ đi thẳng vào bào thai, còn nhạc khi nghe, thì chỉ là nghe thôi, truyền lại cho bào thai thì có ít ảnh hưởng hơn là người mẹ hát. Khi hát những bài ru con, những bài dân ca dễ nghe, nghĩa là tập cho đứa trẻ thấm nhuần qua những thang nhạc hay những điệu hát. Khi sanh rồi, còn nằm trong nôi, nếu người mẹ không hát thì nên để những bài êm dịu, không nên có những bài kích động thần kinh hệ của đứa nhỏ và sẽ gieo cho đứa nhỏ những dòng nhạc dân tộc. Như vậy, nó sẽ thấm nhuần dần dần những điệu dân nhạc của xứ Việt Nam. Như vậy, khi lớn lên, đứa trẻ sẽ dễ hội nhập vào không gian nhạc dân tộc.

Vâng, có lẽ dù là nhạc cổ điển, nhạc bác học, nhạc nâng cao chỉ số thông minh hay gì gì đi chăng nữa, thì tất cả những thứ cao siêu đó cũng chỉ là một phần tác động lên trí não đứa trẻ, còn lời ru thực sự của mẹ, kết chứa và chắt lọc tình thương vô điều kiện, lời ru của mẹ là suối nguồn tưới mát tâm hồn cho con và cũng lời ru ấy sẽ theo con lớn lên suốt cuộc đời, để con biết được sự yêu thương, đùm bọc, tình mẫu tử vô biên của mẹ dành cho con và nó sẽ quý giá hơn bất kỳ điều gì trên cuộc sống của những đứa con sau này. Lời ru của mẹ không chỉ mang đến cho con trí tuệ mà nó còn mang đến cho con cái thiện, về cái đạo làm con và cái lẽ làm người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.