Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại với phản biện?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.05.22
000_OQ14W.jpg Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc tại kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2017.
AFP photo

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng vừa tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam không sợ đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.

Chính phủ sẵn sàng đối thoại?

Vào sáng 18/05/2017, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 5 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố không sợ đối thoại và tranh luận, có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.  Ngay tức khắc, lời tuyên bố này được những người quan tâm đến hiện tình đất nước Việt Nam đặc biệt chú ý, nhất là giới nhân sĩ trí thức trong nước cũng như những người bất đồng chính kiến đối với chính quyền sở tại.

Với chủ trương “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn hô hào “dân làm chủ, dân bàn, dân kiểm tra” nên việc đối thoại với người dân luôn được chính quyền chú trọng. Do đó, theo nhận xét của những người quan tâm, lời tuyên bố mới đây của ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương không có gì mới mẻ, nhưng Đài RFA vẫn ghi nhận không ít nhân sĩ trí thức cho rằng với thông tin từ ông Võ Văn Thưởng cho biết Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ đưa ra hướng dẫn cho việc tổ chức các cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng, là một chỉ dấu tích cực.

Ông Võ Văn Thưởng dù muốn hay không thì ông cũng là một người trẻ. Và nếu ông muốn được sự tín nhiệm của người dân thì có khi ông phải ‘phá rào’...
- Giáo sư Tương Lai

Nhà báo độc lập đồng thời là nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết từ năm 2014, Hà Nội đã có kế hoạch cung cấp kinh phí cho Liên hiệp các tổ chức Kỷ thuật-Khoa học Việt Nam thực hiện “Đề án Phản biện và Đối thoại” nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công bố chính thức nào liên quan đến đề án vừa nêu. Tuy nhiên, những người biết đến đề án này không loại trừ lời tuyên bố của ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy “Đề án Phản biện và Đối thoại” đã hoàn thành và chính phủ sẵn sàng đối thoại công khai với người dân.

Trong khi đó, Giáo sư Tương Lai, một thành viên trong nhóm hơn một trăm nhân sĩ trí thức tại Việt Nam nhiều lần gửi thư ngỏ đóng góp ý kiến với Chính phủ Việt Nam trong các vấn đề của quốc gia, nói với Đài Á Châu Tự Do lời tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng đáng được khen ngợi, trong trường hợp chính ông Thưởng tiến hành thực hiện cuộc đối thoại trong cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chứ không phải chỉ là những lời nói suông:

“Ông Võ Văn Thưởng dù muốn hay không thì ông cũng là một người trẻ. Và nếu ông muốn được sự tín nhiệm của người dân thì có khi ông phải ‘phá rào’, phải theo gương của những tiền bối đã ‘phá rào’ như ông Võ Văn Kiệt chẳng hạn thì ông mới có thể có một chỗ đứng trong lòng dân. Vậy, ông hãy làm một vài cuộc đối thoại đi, chỉ bằng với hành động đó thì người dân mới tin vào ông. Còn nếu vì một áp lực nào đó, ông muốn giữ cái ghế (vị trí) của ông được vững vàng mà ‘co vòi’ lại thì ông sẽ cũng lại tự đánh mất lòng tin của dân.”

Là một người luôn kêu gọi Chính phủ nên đối thoại với dân chúng là những người có tiếng nói phản biện với chính quyền trong việc xây dựng và phát triển nước nhà, cựu tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung bày tỏ lạc quan trước thông tin của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

“Tất nhiên việc đối thoại này Trung rất hoan nghênh và Trung sẵn sàng tham gia, nếu có lời mời từ phía những người trong lãnh đạo Đảng Cộng sản, trong Ban Tuyên giáo cũng như trong Hội đồng Lý luận Trung ương. Trung cũng mong là các nhân sĩ trí thức Việt Nam nên lên tiếng vì thời buổi bây giờ cũng không dễ dàng gì đàn áp, bắt bớ được do sự phát triển rất mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội. Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải đoàn kết với nhau, hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau thì chúng ta sẽ có sự an toàn hơn, chứ không nên lên tiếng một mình hoặc đấu tranh cá nhân thì sẽ rất nguy hiểm.”

Nghi ngờ của giới phản biện

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội ngày 22 tháng 5 năm 2017.
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội ngày 22 tháng 5 năm 2017.
AFP photo

Bên cạnh những ý kiến vừa nêu, Đài RFA cũng ghi nhận nhiều blogger và những người đấu tranh dân chủ lại tỏ ra nghi ngại vì có thể đây là một chiến dịch của nhà cầm quyền nhằm gia tăng trấn áp và bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở trong nước. Một số người chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng như qua những lời chia sẻ trên các mạng xã hội còn cho rằng lịch sử có thể tái diễn với trưng dẫn vụ “Nhân văn Giai phẩm” hồi năm 1955, chính quyền đã đàn áp, bắt bớ những nhân sĩ trí thức dám lên tiếng tranh luận lại, phản đối những lý luận của đảng; hay chẳng hạn đây chỉ là “một thủ thuật câu giờ”, chẳng khác gì chuyện nhà cầm quyền tìm cách kéo dài thời gian thông qua Luật Lập hội và Luật Biểu tình từ năm này đến năm khác.

Trả lời câu hỏi của RFA vì sao Ban Tuyên giáo Trung ương lại tuyên bố Đảng Cộng sản có thể mở những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt vào thời điểm này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nhận định của ông:

Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải đoàn kết với nhau, hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau thì chúng ta sẽ có sự an toàn hơn...
- Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung

“Phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng là phát ngôn mang tính xu thế, không thể đảo ngược được. Tại vì sau vụ Đồng Tâm thì giới quan chức chính quyền và đảng đã nhận ra rằng nếu như không biết cách làm xoa dịu lòng dân thì sự phản kháng dẫn đến hậu quả sẽ khôn lường và tình cảnh chiến đấu cũng khôn lường. Cho nên họ phải tiến tới việc đối thoại vì nếu không đối thoại thì chính quyền chết.”

Ứng cử viên độc lập Đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Trang Nhung, với trải nghiệm qua hai lần Hiệp thương không được trình bày chính kiến của mình trước các ý kiến của cử tri, nêu lên ý kiến cho rằng dù các cuộc đối thoại được chính quyền tổ chức chắc chắn chỉ mang tính hình thức mà thôi.

“Tôi cho rằng nếu như những người bất đồng chính kiến cũng như một số thành phần khác trong xã hội có tiếng nói phản biện được mời đến những buổi phát biểu ý kiến hay để góp tiếng nói phản biện thì chắc chắn là họ sẽ chỉ được nói trong một khuôn khổ hay chừng mực nào đó. Nếu vượt ra ngoài khuôn khổ hay chừng mực cho phép thì sẽ bị ngăn cản. Chắn chắn là họ sẽ có biện pháp nào đó. Nhưng tôi cho rằng thậm chí họ sẽ không để diễn ra những buổi lấy ý kiến mà có những thành phần như vậy đâu, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, nhất là những người đấu tranh cho dân chủ hay hoạt động xã hội dân sự.”

Bà Nguyễn Trang Nhung còn lập luận thời điểm hiện tại chưa phải là lúc chính quyền mở ra các đối thoại như lời tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng. Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng phân tích Đảng Cộng sản chưa sẵn sàng để đối thoại:

“Tôi cho rằng về mặt quy luật thì những người trong giới lãnh đạo của chính quyền chỉ có thể thay đổi một cách thực chất khi họ cùng đường hoặc gần như cùng đường. Nhưng tình hình tình trạng của họ hiện nay chưa phải là cùng đường, mặc dù đã nguy ngập”.

Qua các ý kiến của giới nhân sĩ trí thức và giới bất đồng chính kiến mà Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, tất cả họ có cùng quan điểm rằng việc Đảng Cộng sản phải đối thoại và tranh luận với những tiếng nói phản biện người dân là điều tất yếu và họ khẳng định việc này diễn ra sớm hay muộn là sự lựa chọn khôn ngoan của chính quyền.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.