Khi lương y "bỏ quên" lương tâm

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013.10.28
000_Nic484536-305.jpg Một bệnh nhân đang được chăm sóc tại một bệnh viện ở VN.
AFP photo

 

Hôm 19 tháng 10 vừa rồi, BS Nguyễn Mạnh Tường, chủ nhân thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội, giải phẫu thẩm mỹ làm chết bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền rồi vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang.

Vô cảm và tắc trách

Trước hành động “ở chốn nhân gian không thể hiểu” đó, blogger Lê Diễn Đức nhớ lại rằng từ xa xưa, Leonardo da Vinci đã nói "Bác sĩ, người chăm sóc bệnh nhân, nhất thiết phải hiểu con người là gì, cuộc sống là gì và sức khỏe là gì, và làm thế nào để giữ cân bằng và hài hòa của các yếu tố này". Nhưng giờ đây, theo nhà báo Lê Diễn Đức, ý nghĩa của hai từ "bác sĩ" trong “lương tri và y đức Việt Nam đã không còn như ngày nào nữa. Bác sĩ đã bị một xã hội vật chất lưu manh hoá. Với họ trước hết là lợi nhuận, là tiền, dù đồng tiền ấy móc ra từ sự khổ đau vì bệnh tật, sức khỏe của bệnh nhân”.

Trong thời gian gần đây, người dân trong nước ngày càng báo động về nhiều sai phạm, tiêu cực trong ngành y – diễn ra trong chiều hướng vô cảm, tắc trách, kỳ thị, thậm chí xem thường nhân mạng. Nhiều bệnh nhân than phiền y đức trong nước hiện giờ xuống cấp trầm trọng, y giới, ngòai “sai sót về chuyên môn”, thường không thể hiện tinh thần “lương y như từ mẫu”, đó là chưa kể “văn hóa phong bì” nhan nhản trong các bệnh viện vì nếu thân nhân nuôi bệnh thiếu sự “bôi trơn” đó, bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là họ lo cho tính mạng người thân đang trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”.

Qua bài “Y đức thời nay”, blogger Lê Diễn Đức lưu ý rằng điều “đáng nói nhất vẫn là sự suy đồi đạo đức trong ngành y tế Việt Nam. Chạy theo đồng tiền, bất chấp tất cả, dường như là mục tiêu của họ”.

Từ Hà Nội, cụ Lê Hiền Đức, từng được thế giới trao giải thưởng “Liêm chính” và vinh danh chống tham nhũng, báo động:

Tôi vô cùng bức xúc. Bây giờ đạo đức, y đức  xuống cấp quá rồi. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức của ngành y nó thế nào rồi? Cái ngành y đang xuống cấp một cách kinh khủng. Và phải nói lỗi một phần lớn là ở bộ trưởng Bộ Y Tế, chẳng có trình độ, không có giáo dục y đức gì cả.

Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý rằng lâu nay, câu “Lương y như từ mẫu” gắn liền với ngành y. Nhưng trên thực tế tại VN, trong những năm gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề y đức gần như liên tục xảy ra:

Đặc biệt chỉ trong vòng tháng 10 này thôi, cả sản phụ chết ở Thanh Hóa. Rồi tới chuyện ông BS Nguyễn Mạnh Tường dù không có giấy phép hành nghề thẩm mỹ nhưng vẫn hành nghề lén lút – mà thực ra là giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng nếu không có sự kiện bệnh nhân của ông ta chết và bị vứt xác xuống sông và sự kiện này không được khui ra thì phòng thẩm mỹ của ông ta vẫn còn tồn tại. Và vụ này là dấu hiệu cho thấy y đức ở VN ngày nay đã xuống cấp đến mức báo động – chẳng còn có thể gọi là y đức được nữa ! Tại VN bây giờ, ngay ngành y – ngành được ví như “Người Mẹ Hiền” – giờ cũng đã trở nên tàn nhẫn và độc ác với ngay đồng lọai của mình.

Bây giờ đạo đức, y đức  xuống cấp quá rồi. Và phải nói lỗi một phần lớn là ở bộ trưởng Bộ Y Tế, chẳng có trình độ, không có giáo dục y đức gì cả.
- Cụ Lê Hiền Đức

Cụ Lê Hiền Đức nhân tiện đi vào chi tiết hơn, nhắc đến trường hợp 3 cháu nhỏ ở Quảng Trị tim vaccine, nhưng “rút mũi kim ra chết luôn”; còn ở bệnh viện Hòai Đức thì “nhân bản”: khi bệnh viện lấy máu để xét nghiệm cho bệnh nhân thì không làm xét nghiệm mà lại dùng kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác – “hàng mấy nghìn ca nhân bản như thế”; rồi cũng trong hàng mấy nghìn ca,Viện Mắt Hà Nội đã tráo đổi thủy tinh thể có giá rẻ hơn. Vẫn theo cụ Lê Hiền Đức, dịch nhầy dùng để thay thủy tinh thể, đáng lẽ ra của Mỹ và một người được dùng 2 ống dịch nhầy, thì lại sử dụng một ống dịch nhầy của Ấn Độ cho 4 bệnh nhân cùng chung một lọ và chung kim tiêm, không thử HIV, không thử viêm gan B. Rồi mẹ con sản phủ ở Thanh Hóa như vừa nói đã tới ngày sinh nở , cần thiết mổ, nhưng bệnh nhân kêu cứu thì không được đáp ứng, không được mổ kịp thời. Hậu quả là hai mẹ con này chết vì bác sĩ, y tá không có tinh thần trách nhiệm. Và cách đây mấy ngày xảy ra vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống dòng sông như vừa nói. Cụ Lê Hiền Đức nhân tiện kể lại chính trường hợp của cụ đi cứu cấp vào một đêm thứ Bảy:

Tôi đã 82 tuổi rồi. Hôm ấy đang đêm thứ Bảy, tôi bị đau khắp người, không cựa nỗi nữa. Con tôi bế lên ô tô rồi bế xuống đặt tôi vào xe lăn và đưa vào phòng cấp cứu. Mà trước khi đến bệnh viện tôi đã nhờ gọi điện cho giám độc bệnh viện, hỏi rồi. Nhưng khi vào phòng cấp cứu, anh bác sĩ nhìn thấy tôi, nói một câu rất lạnh lùng, “ Bác ơi, bác đi về đi, thứ Hai đến nhé”!

Trách nhiệm của ai?

Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh) trong một lần đến thăm BV. Photo courtesy of baomoi.com
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh) trong một lần đến thăm BV. Photo courtesy of baomoi.com
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh) trong một lần đến thăm BV. Photo courtesy of baomoi.com

Qua bài "Bộ trưởng nên đấm ngực và nói ' lỗi tại tôi' ", tác giả Bình Yên lưu ý rằng " Cứ tưởng sau hàng loạt vụ bê bối trong ngành y vừa qua, từ ‘nhân bản xét nghiệm’, ‘ăn phim X-quang’, “tai biến sản khoa’... và nay là cao trào ‘thủ tiêu xác nạn nhân’, người đứng đầu ngành y tế phải đấm ngực và nhận trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội".

Theo blogger Nguyễn Vạn Phú thì "Ngành y tế liên tục xảy ra nhiều sự cố khắp cả nước mà chủ yếu cũng do không tuân thủ quy trình. Như vậy trách nhiệm của người bộ trưởng là phải đốc thúc hệ thống, xem tuân thủ quy trình là mệnh lệnh phải theo”. Nhà báo Nguyễn Vạn Phú nhấn mạnh:

Nếu bà bộ trưởng chỉ cần kiểm tra đột xuất một số nơi, một số địa phương để kiểm tra việc tuân thủ, chắc chắn tình hình đã chuyển biến theo hướng tốt lên, bệnh viện ắt biết ngay khi bác sĩ của mình mở thẩm mỹ viện không phép. Giả thử bà bộ trưởng không có thẩm quyền cách chức giám đốc bệnh viện, giám đốc sở y tế đi nữa, bà còn thiếu gì cách khác để cấp dưới phải nể sợ mà tuân thủ, kể cả dùng sức ép của công luận dồn lên kẻ sai phạm. Trong khi đó, cái tâm lý của bà bộ trưởng từ trước cho đến nay vẫn là chối bỏ và đổ lỗi, gần đây nhất là đổ lỗi cho báo chí không làm tốt chuyện tuyên truyền người tốt việc tốt! Cách chức bà bộ trưởng sẽ có tác dụng xốc lại ngành y tế đang rệu rã tinh thần. Tìm người đứng đầu mới, với ưu tiên kỷ luật sắt trong áp dụng đúng quy trình khám chữa bệnh, công khai cho người dân biết để kiểm tra, chứ chưa cần tầm nhìn gì to lớn, chắc chắn ngành y sẽ khá hơn hiện nay.

Cũng trong chiều hướng quan điểm của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, cụ Lê Hiền Đức lưu ý:

Tôi là một công dân chống tham nhũng. Tôi quan tâm đặc biệt đến 3 mảng: thứ nhất là giáo dục, thứ nhì là y tế, thứ ba là đất đai nhân dân bị cướp. Mảng nào tôi cũng rất đau đầu. Mà hôm nay đang nói chuyện về y tế. Đã bao nhiêu lần tôi đưa ý kiến lên Facebook, tôi đọc Kim Tiến ơi – tức là Bộ trưởng Bộ Y Tế đó, hãy từ chức đi để cho người nào có trình độ, có tâm huyết với ngành, người ta lên thay. Không làm được gì mà giữ chân Bộ trưởng Y tế - nhục quá !”

...cái tâm lý của bà bộ trưởng từ trước cho đến nay vẫn là chối bỏ và đổ lỗi. Cách chức bà bộ trưởng sẽ có tác dụng xốc lại ngành y tế đang rệu rã...
- Nhà báo Nguyễn Vạn Phú

Qua bài "Bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác khách hàng: trách nhiệm thuộc về ai ?", tác giả Đồng Nhân nhận thấy " Đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng tương tự; và sau mỗi vụ động trời bệnh nhân chết ở phòng thẩm mỹ, trẻ tử vong ở lớp mầm non, câu trả lời quen thuộc của cơ quan quản lý luôn là: cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động không được cấp phép. Và coi đó như xong trách nhiệm của quản lý nhà nước". Tác giả Đồng Nhân nhấn mạnh rằng:

Các cá nhân vi phạm pháp luật đều phải chịu sự thi hành pháp luật, nhưng trong những sai phạm ấy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc đã để cho những con voi sai phạm chui lọt lỗ kim quản lý.

Tác giả Đồng Nhân nhân tiện lưu ý tới tình trạng "phong trào, hình thức" mà không có thực chất khiến người dân mất tin tưởng:

Ngành nào cũng có thanh tra, đơn vị nào cũng có kế hoạch thanh, kiểm tra hằng tháng, hằng năm. Thậm chí, đã từng có nhiều đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp lên tiếng than phiền về việc bị “thăm hỏi” quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Thế nhưng, hầu hết các vi phạm, sai phạm, các vụ tham nhũng lớn đều không phải do thanh tra, kiểm tra phát hiện, phanh phui. Các chiến dịch thanh, kiểm tra, ra quân ngành nào cũng làm, nhưng chưa bao giờ người dân tin tưởng vào các hoạt động phong trào ấy. Chuyện mỗi khi quản lý thị trường ra quân thì hàng lậu biến đâu hết hoặc khi cơ quan y tế đi kiểm tra, mọi thực phẩm đều trở nên có xuất xứ đàng hoàng, mọi phòng khám sạch bóng bác sĩ Trung Quốc làm chui là một thực tế khiến cho người dân không chỉ lo lắng mà dẫn đến mất lòng tin.

Đồng tiền che mắt lương y

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng.

Qua bài “Những chuyện ‘quái đản’ ở bệnh viện VN”, nhà văn Văn Quang xem chừng như không dằn được bực tức và “thật tình không muốn nhắc đến nữa” khi “ Nói đến chuyện bệnh viện ở VN nhiều quá rồi”. Nhưng, theo nhà văn Văn Quang, “còn những chuyện vượt quá sức tưởng tượng của con người giữa thời đại này và có lẽ ngay cả ở thời đại y khoa còn non trẻ lạc hậu cũng không ai dám ngờ tới. Ở đây không phải do khoa học kỹ thuật mà do chính con người. Những con người được dạy dỗ, đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn đến lương tâm trong sáng và được mang danh là những nhà trí thức, được mọi người vì nể quý trọng. Nhưng tiếc rằng họ đã bỏ quên lương tâm là thứ mà bất cứ một con người nào từ anh vô học đến anh ‘đại trí thức’ đều phải có mới xứng đáng làm người”.

Theo MS Nguyễn Trung Tôn, dù dưới khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”, nhưng ở VN hiện giờ, thực chất, tất cả phải được tính bằng tiền; đồng tiền đang hạ thấp lương tâm con người VN, đặc biệt trong ngành y. Mà không phải đạo đức trong ngành y đang là vấn đề, mà đạo đức nói chung trong tòan xã hội cũng trên đà sa sút đáng ngại. MS Nguyễn Trung Tôn nhận xét:

Tình trạng đạo đức ở VN hiện nay không riêng gì ở ngành y, mà trong tòan xã hội, hiện ở mức đáng báo động!
- MS Nguyễn Trung Tô

Tình trạng đạo đức ở VN hiện nay không riêng gì ở ngành y, mà trong tòan xã hội, hiện ở mức đáng báo động! Có hai nguyên nhân có thể khiến tình trạng đạo đức trong xã hội VN xuống cấp như vậy, đó là nó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nền giáo dục VN, và bởi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nửa vời khiến người ta bước đi những “bước chân khập khiễng”. Nó đẩy con người ta đến tham vọng và đánh mất đi lương tâm đạo đức, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của đảng CS, các cuộc phát động “học tập và làm theo tấm gương của Hồ Chí Minh”. Dưới sự cai trị của đảng CS, người ta có thể làm bất cứ điều gì chỉ vì tiền, vì quyền, địa vị ngõ hầu kiếm thật nhiều để cùng một mục đích là xây dựng “thiên đàng XHCN” cho chính đảng của họ mà thôi.

Nhà báo Lê Diễn Đức nhân dịp này cũng không khỏi báo động rằng ngày nay “Xã hội băng hoại đạo đức, dối trá, lừa gạt nhau, vô cảm với thời cuộc và người xung quanh, có lẽ đã trở thành bản chất. Bởi vì sự bất lương đã len lỏi vào tới bệnh viện, nơi mà con người cần một tấm lòng nhân ái, cao thượng và sự dấn thân của nhân viên y tế. Các hiện tượng xấu xa, tệ hại đã thành hiện tượng thường xuyên, phổ biến”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.