Hạn - mặn làm Việt Nam thiệt hại 675 triệu USD

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.06.07
000_Hkg10259051.jpg Một nông dân khoan giếng để lấy nước vào ruộng lúa bị hạn hán. Ảnh chụp ngày 2 tháng 3 năm 2016.
AFP PHOTO

Những trận mưa đến muộn chưa thực sự giải cơn khát nước cho Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ kể cả Đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra con số thiệt hại khá nặng nề hơn 15.000 tỷ đồng, tương đương 675 triệu USD riêng trong mùa khô 2016 .

Người dân tỉnh Kiên Giang nói với chúng tôi vào hôm 6/6 là sau hạn hán đã có mưa, nhưng đồng ruộng cũng chưa rửa mặn được bao nhiêu và nông dân tiếp tục gian nan với vụ lúa hè thu.

Giá lúa thì cũng có tăng cao nhưng năng suất giảm. Vụ đông xuân vừa rồi năng suất giảm, có người mất trắng luôn.
- Nông dân tỉnh Kiên Giang

“Vùng tôi vụ hè thu đang bắt đầu, thực tế hiện nay hạn vẫn còn, mưa vẫn chưa đáng kể gì cho lắm, thời gian ngắn lượng nước không đáng kể, hơn tuần nay không có mưa nữa. Nước mặn vẫn còn trong đất, lúa trồng xong bị xấu quá, một số người phải xạ lại. Vụ hè thu sắp tới thấy khó khăn quá…”

Người nông dân này nói với chúng tôi về tình hình người trồng lúa ở tỉnh Kiên Giang, một trong 9 tỉnh và thành phố mà hạn mặn đã ảnh hưởng mạnh tới vụ đông xuân vừa qua.

“Giá lúa thì cũng có tăng cao nhưng năng suất giảm. Vụ đông xuân vừa rồi năng suất giảm, có người mất trắng luôn, có người được 200kg-300kg một công. Giá lúa cao nhưng vẫn lỗ, những người mất trắng được nhà nước hỗ trợ 500.000đ tới 1.000.000đ một ha. Có điều nghịch lý là thời gian nhà nước thông báo để cho cán bộ nông nghiệp đi thăm đồng, để biết thiệt hại bao nhiêu phần trăm và có chính sách hỗ trợ, nhưng thông báo không được rộng rãi, chỉ người này báo người kia thôi. Chỉ hai ngày là nhà nước đem tiền về phát, thành thử có một số người chưa kịp gọi cán bộ đi thăm đồng, thì đã phát tiền rồi nên họ không nhận được.”

Thiệt hại về lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ước tính 700.000 tấn lúa tương đương 350.000 tấn gạo. Trong đó Bến Tre gần như mất trắng, vụ đông xuân 2015-2016 cả tỉnh chỉ thu hoạch được 800 tấn lúa trong khi sản lượng bình thường là 80.000 tấn. Ngoài ra các tỉnh như Kiên Giang, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long cũng thiệt hại từ 10% tới 41% so với sản lượng vụ đông xuân 2015.

Nông dân khoan một cái giếng để lấy nước vào ruộng lúa bị hạn hán ở các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 2 tháng ba năm 2016.
Nông dân khoan một cái giếng để lấy nước vào ruộng lúa bị hạn hán ở các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 2 tháng ba năm 2016.
AFP PHOTO

Theo báo cáo cập nhật của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, hậu quả của trận hạn mặn lịch sử 2016 là tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nặng nề tới hơn 288.000 hộ dân tức hơn một triệu người. Thiệt hại về lúa khoảng 250.000 ha, hoa màu gần 19.000 ha. Thiệt hại cây ăn quả hơn 30.000 ha, thiệt hại cây công nghiệp trong đó nhiều nhất là cà phê và tiêu lên tới gần 150.000 ha và ngay cả 6.800 ha nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại vì nước nhiễm độ mặn quá cao.

Trong tổng số 150.000 ha cây công nghiệp bị thiệt hại vì hạn hán chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, thì hiện nay những trận mưa đầu mùa đã làm giảm tình trạng căng thẳng vì thiếu nước. Tuy vậy vẫn còn những vùng bị thiếu nước, ở Tây Nguyên còn hơn 15.000 ha và Đông Nam Bộ khoảng 28.000 ha, theo ghi nhận của Vụ Kinh tế Nông nghiệp.

Những con số vừa nêu lý giải dự báo của Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam Vicofa, theo đó sản lượng cà phê năm 2016 có thể bị giảm 1/3. Trả lời chúng tôi ở đỉnh trận hạn cháy bỏng khiến nhiều loại cây trồng chết khô phải chặt làm củi, ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho người trồng cà phê ở Tây Nguyên nhận định:

“Trận hạn hán này có lẽ là khốc liệt nhất ở Tây nguyên trong vòng 30 năm trở lại đây… Thiệt hại lớn nhất về cà phê không chỉ là 30% như Vicofa nói mà cá nhân tôi đánh giá là thiệt hại có thể lên đến 50%. Đơn giản là có một số vườn cà phê vẫn còn cành vẫn còn nhánh, nhưng nhiều nhà quan sát không biết rằng những bông cà phê mới vừa đậu ở trên đó đã bị thui cháy hết, cho nên chỉ còn cành lá mà không có quả nữa.”

Trận hạn hán lịch sử 2016 được cho là bị tác động của hiện tượng El Nino và ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng. Nhưng tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như thiếu nước ở Tây Nguyên còn có những nguyên nhân khác.

Riêng về tình trạng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường Viện Đại học Cần Thơ giải thích:

Trận hạn hán này có lẽ là khốc liệt nhất ở Tây nguyên trong vòng 30 năm trở lại đây… Thiệt hại lớn nhất về cà phê không chỉ là 30% như Vicofa nói mà cá nhân tôi đánh giá là thiệt hại có thể lên đến 50%.
- Ông Nguyễn Vịnh

“Trận hạn hán kéo dài làm cho rất nhiều vùng đất ngập nước dọc theo hai bên sông Mekong, đặc biệt Biển Hồ bên Campuchia mực nước giảm 50% so với cùng kỳ những năm trước. Điều này là một yếu tố chính, nhưng mà trong nguyên nhân chính đó cũng có nguyên nhân là các đập thủy điện thay vì thả dòng chảy tự nhiên thì sẽ làm nhẹ đi tình trạng khô hạn. Nhưng các đập thủy điện giữ lại lượng nước và tăng lượng nước bốc hơi mất đi, do đó làm lượng nước chảy về hạ nguồn cũng giảm thấp. Phải nói cả hai, vừa yếu tố cực đoan của thời tiết đồng thời cũng là các đập thủy điện của phía thượng nguồn, trong đó các đập của Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn…”

Các nước lưu vực sông Mekong trông đợi sự cải thiện nguồn nước từ phía Trung Quốc qua thỏa thuận hợp tác Lan Thương - Mekong. Đồng thời nhà nước và người dân Việt Nam đang được quốc tế trợ giúp để đối phó về lâu dài với tình trạng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng.

Tuy vậy theo các chuyên gia, người Việt sẽ phải thích nghi với tình trạng thiếu nước, nhanh chóng thay đổi cơ cấu nông nghiệp, bớt trồng lúa vì sử dụng quá nhiều nước ngọt và chuyển đổi sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.