Người nghiện ma túy và cộng đồng

An Nhiên, thông tín viên RFA
2014.11.14
000_APH2003030936048.jpg Một người nghiện đi vật vờ trên đường phố Hà Nội
AFP photo

 

Ma túy đang là một vấn nạn của xã hội Việt Nam hiện nay, tại các thành phố lớn trong cả nước người nghiện ma túy ngày càng gia tăng làm phát sinh nhiều dạng tệ nạn, gây bất ổn trị an.

Thực trạng cai nghiện

Báo chí trong nước loan tin, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Tp.HCM, đưa ra thống kê TP hiện có hơn 19,000 người nghiện, so với cuối năm 2013 tăng hơn 7,000 người, nhưng đây chỉ là con số chưa đầy đủ, có thể còn thiếu từ 50% - 80%.

Một bác sĩ đang làm việc tại trung tâm tư vấn người nghiện ma túy Tp.HCM cho biết, việc thống kê số người nghiện ma túy rất khó, hầu như phường - quận nào cũng có người nghiện, và đây là một căn bệnh mãn tính, cần được gia đình và xã hội giúp đỡ, quan tâm giúp hồi phục tâm lý thì mới có thể dứt bệnh được, còn nếu đưa vào trung tâm cai nghiện thì không ai có thể nói rằng cơn nghiện ma túy sẽ dứt điểm. Ông nói:

“Ma túy - người ta gọi đây là một căn bệnh mãn tính, nó là một căn bệnh mãn tính thì biết rồi đó, bệnh gì mà mãn tính thì phải sống với nó như tiểu đường, cao huyết áp, không có một cách nào trị khỏi. Tuy nhiên ma túy có cách điều trị của nó là kéo dài thời gian giữ sạch, tức là không sử dụng ma túy trong một thời gian nào đó, đến mức độ nào nó, nó sẽ từ bỏ được, nhưng mà có khi 5 năm, 10 năm - 20 năm nó trở lại bình thường, nó là căn bệnh tái phát. Bây giờ mà muốn điều trị hiệu quả hay không thì tùy thuộc vào người đó hay sự hỗ trợ của gia đình, không ai có thể nói chữa dứt điểm được như thế nào.”

Việc đưa những người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện có thật sự để bảo vệ cho họ và làm dứt cơn nghiện của họ không? Hay là họ trở nên hung bạo trong những điều kiện cai nghiện khắc nghiệt như làm lao động nặng nhọc, hay bị đánh đập trong trung tâm.

Một chị đề nghị được giấu tên đang làm việc tại một trung tâm cai nghiện ma túy nhỏ, trong hơn 3 năm làm việc với những gì mắt thấy - tai nghe. Chị cho biết việc những người nghiện mới vào trung tâm cai nghiện lớn đều bị các tổ trưởng đánh dằn mặt và ép làm việc nặng nhọc:

“Đầu tiên mình không làm gì hết, bước vào phòng thì đã bị ăn đòn rồi, gọi là chào phòng, đánh bầm dập như vậy đó, nó nói đố mà bố không nghe, nó kêu đi chà toilet, đấm lưng cho nó, nó nói gì cũng nghe hết. Mấy cái trường lớn nó quăng cho một bịch hột điều, nữa tiếng sau xong, không xong là bị ăn đòn. Bữa nay là làm một mẫu mía là làm đi, đứa nào đứa đó hăng hái làm mấy trăm mét đó, một tiếng là làm bao nhiêu, đứa nào đứa đó hăng hái làm, đứa nào nghỉ tay ăn một cái vô đầu liền, đánh xỉu dội nước ra làm tiếp. Làm ban ngày nó đánh chưa đủ, tối về nó đánh tiếp, đánh làm sao cho ngày mai làm kịp thì thôi.”

Người dân đang sống tại các khu xóm lao động nghèo tại Tp. HCM và Hà Nội đều cho rằng, ma túy nó đang làm hại đến những thế hệ sau này, nó gây ảnh hưởng đến đời sống chung quanh của họ, mà không được chính quyền địa phương quan tâm đến nhiều. Một anh nhân viên bảo vệ giấu tên đang cư ngụ tại quận 8 - Tp. HCM, cho biết có nói đến ma túy chỉ biết lắc đầu, ở khu anh đang ở người nghiện ma túy tràn lan, luôn xin tiền đểu những người khách lạ vào xóm, trộm cắp triền miên, hở gì có giá trị chút là mất, không ai ngăn chặn được và ngày càng nhiều hơn:

“Nghiện ngập hồi xưa đến giờ đều vậy, xì-ke, ma túy từ hồi xưa đến giờ nó cũng vậy thôi, không có dẹp được đâu, nó rất phát triển buôn bán được biết bao nhiều tiền tỷ…”

Bạn sinh viên năm 3 tên Phan Đỉnh Thiên, đang học tại Hà Nội, cư ngụ tại khu vực Mỹ Đình chia sẻ với chúng tôi, cũng từng là nạn nhân của những người nghiện ma túy nơi khu vực đang ở:

“Nơi tôi ở cũng là một trong những nơi nghiện nhất (Hà Nội), tôi đã từng bị anh chàng nghiện xin tiền, khi xin tiền người nghiện lấy cái cớ: em vừa mới ra trại, em không có tiền về xe cho em xin một ít tiền về, thật ra họ xin như vậy rất nhiều người, và ai cũng phải cho, nhưng để khỏi phiền hà mình cho họ một chút, không nhiều. Thường thường họ những người như vậy là rất tận cùng rồi, rất là nguy hiểm, gặp họ như vậy là tránh mà không tránh thì có sao đưa vậy, không dám kháng lại”

Và bạn Thiên cũng chia sẻ thêm cho những ai đi trên đường gặp những người nghiện ma túy xin tiền “đểu” để tránh không bị mang họa vào thân, vì chỉ có chính mình mới bảo vệ được mình trong xã hội Việt Nam:

“Nếu người ta hỏi xin tiền mình thì tùy vào cách ứng xử, tức là nếu mình làm quá người xin tiền đó, đưa họ đến bước đường cùng thì họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà họ không cần nghĩ đến.”

Giải quyết cách nào?

Hai người nghiện ma túy chích cho nhau tại một góc công viên ở Hà Nội. AFP photo
Hai người nghiện ma túy chích cho nhau tại một góc công viên ở Hà Nội. AFP photo
Hai người nghiện ma túy chích cho nhau tại một góc công viên ở Hà Nội. AFP photo

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy ở giới trẻ, thường thì họ không có công việc ổn định, bất mãn trong gia đình, trong xã hội, không được mọi người quan tâm nên đã tìm đến ma túy. Bác sĩ tư vấn trên cho biết, đa số người nghiện ma túy đều là từ con nhà khá giả:

“Trước đây, đa số những người nghiện ma túy là con nhà giàu, do không thiếu thốn bất cứ cái gì nên nó đi tìm những thứ gì nó còn thiếu, trong đó ma túy mà cái còn thiếu, thêm điều nữa là quan tâm của gia đình, có những khi quan tâm quá mức, không quan tâm, có những khi chỉ đem tiền cho nó, nó đi học làm gì kệ nó, đến một thời điểm nào đó, cái đồng tiền nó dư không biết xài trong việc gì? Nó trải qua chơi bời nọ kia, rồi chơi ma túy, và một điểm nữa, nếu nó sống chung, chơi chung với một số bạn bè xấu thì cũng có thể sẽ nghiện.”

Bạn sinh viên tên Thiên cũng nhìn nhận rằng những bạn trẻ nghiện ma túy đều thiếu sự quan tâm từ gia đình và xã hội:

“Đa số là các bạn nghiện hư hỏng đó là sự quan tâm của gia đình, xã hội không được tốt với họ. Họ ỷ vào thân nhân mình. Để cho ngày mai thế hệ sau này, họ sẽ là gánh nặng trừ khi là họ còn trẻ họ có thể làm việc, sử dụng tiền gia đình đến lúc nào đó.”

Bạn Thiên cho biết tiếp những người nghiện ma túy thường tập trung tại các khu vực có nhiều người qua lại tại nhiều nơi ở Hà Nội và Tp.HCM:

“Những vực bến xe, những khu vực có phức tạp người qua lại, ở Hà Nội có một số khu vực như vậy tập trung, và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vậy.”

Chủ trương giúp người nghiện dứt bỏ được tình trạng nghiện ngập là một chủ trương đúng. Tuy nhiên công tác quản lý và phương pháp cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện hiện nay tại Việt Nam còn quá nhiều bất cập. Việc giúp họ cai nghiện ma túy – trở về tái hòa nhập với cộng đồng xã hội là vấn đề đang cần nhà nước quan tâm và có hướng giải quyết phù hợp tránh tình trạng người nghiện trở thành đối tượng gây rối trật tự xã hội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.