Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đến Việt Nam tìm hiểu về nhân quyền


2017.02.23

Nữ Dân biểu Beatriz Becerra, Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu.
Nữ Dân biểu Beatriz Becerra, Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu.

Một phái đoàn Quốc hội Châu Âu đến thăm Việt Nam từ 20 đến 24 tháng 2 này, vừa mở cuộc họp báo tại Hà Nội vào lúc 6 giờ chiều nay 23/2/2017 để công bố kết quả chuyến đi.

Ngay sau cuộc họp báo, qua đường dây điện thoại viễn liên, từ Hà Nội 2 nữ Dân biểu Quốc hội Âu Châu đã dành cho Đài Á Châu Tự Do RFA một cuộc phỏng vấn để bày tỏ cảm tưởng cũng như thành quả của chuyến thăm.

Tìm hiểu thực trạng nhân quyền Việt Nam

Phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Uỷ ban Nhân quyền viếng thăm Việt Nam lần này do Dân biểu Pier Antonio Panzeri, Trưởng ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu dẫn đầu, củng các Dân biểu Lars Adaktusson và Adam Kosa (Đảng Bình dân Châu Âu);; Soraya Post và David Martin (Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ); và Beatriz Becerra (Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu)

Mục tiêu chuyến viếng thăm là điều tra tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, trong quá trình phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam. Phái đoàn đã gặp Quốc hội Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, cũng như một số tổ chức Phi chính phủ và  xã hội dân sự. Được biết trước khi rời thủ đô Brussels, Phái đoàn đã có thư yêu cầu được gặp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ỷ Lan: Xin chào bà Dân biểu Beatriz Becerra. Xin bà vui lòng cho biết cảm tưởng về chuyến viếng thăm Việt Nam?

Việt Nam đang đạt tiến bộ về kinh tế nhưng điều quan trọng sống còn của Việt Nam là cởi mở và tôn trọng nhân quyền.
Dân biểu Beatriz Becerra

Beatriz Becerra: Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều viên chức chính quyền Việt Nam, một số nhà hoạt động nhân quyền, và một số tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi nhận chân sự kiện Việt Nam đang lâm phải tình trạng khó khăn, vì đang tìm hướng cải cách pháp quyền, nhưng vấp phải hố sâu chia cách giữa thông qua và thực hiện luật lệ.

Theo quan điểm của chúng tôi, nhìn từ khía cạnh Việt Nam đang đạt sự tiến bộ kinh tế và xã hội để duy trì và hoàn thành sự phát triển, điều quan trọng sống còn của Việt Nam là cởi mở và tôn trọng nhân quyền, kể cả quyền chính trị, đặc biệt tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Ỷ Lan: Bà đã cho chúng tôi biết trong chuyến viếng thăm này, Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đã yêu cầu được gặp gỡ các tù nhân vì lương thức tại Hà Nội, cũng như các thành viên thuộc cộng đồng tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Điều này có xẩy ra không?

Beatriz Becerra: Không, chúng tôi chỉ được gặp Ban Tôn giáo Chính phủ, và không được gặp bất cứ tù nhân nào. Chính quyền Việt Nam bảo rằng việc gặp gỡ các tù nhân khi đang còn điều tra là bất hợp pháp.

Nhưng chúng tôi đã cực lực bày tỏ sự quan tâm của chúng tôi về sự thăm viếng tù nhân, và nói rõ nỗi mong chờ của chúng tôi, là Việt Nam phải tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc cư xử tù nhân.

Chúng tôi biết rõ nhiều trường hợp cá nhân không được chăm sóc y tế, và gia đình không được thăm nuôi, nhiều tù nhân bị biệt giam quá lâu, có khi lên tới 24 tháng. Chúng tôi nhấn mạnh việc tiêu chuẩn quốc tế phải được áp dụng, bởi vì các tiêu chuẩn quốc tế là nền tảng cho mọi hiệp ước quốc tế.

Nữ Dân biểu Soraya Post, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ.
Nữ Dân biểu Soraya Post, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ.

Chúng tôi đang trong tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam, và, ở Châu Âu đang có sự chống đối mạnh mẽ Hiệp ước này. Chúng tôi sẽ gặp khó khăn cho việc phê chuẩn, nếu không có một thông điệp dứt khoát, rõ ràng và cụ thể từ Việt Nam về lộ đồ thực hiện trước hoàn cảnh hiện nay.

Chúng tôi dược biết là Luật lập hội đã bị trì hoãn và văn kiện bị bác bỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng đủ thứ cho các cuộc tập họp ôn hoà và và các cuộc hội họp, chúng tôi nghĩ rằng đây là điều chính quyền phải nhanh chóng giải quyết.

Gắn kết Nhân quyền với mậu dịch

Ỷ Lan: Như vậy Phái đoàn Quốc hội Chậu Âu sẽ đặt vần đề cải thiện nhân quyền như một điều kiện cho việc phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam không?

Beatriz Becerra: Chính quyền Việt Nam biết rất rõ nhân quyền vô cùng quan trọng đối với Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam. Điều 15 của Hiệp ước chứa đựng yêu sách cho việc duy trì phát triển và cai trị hoàn hảo, còn có cả điều quy định về nhân quyền.

Tôi muốn thêm  rằng, chúng tôi đã biểu tỏ mạnh mẽ sự quan tâm của chúng tôi trước các sách nhiễu đối với người hoạt động nhân quyền cũng như đối với các tổ chức xã hội dân sự xẩy ra trong thời gian phái đoàn chúng tôi thăm viếng.

Chúng tôi đã gặp gỡ một số tổ chức xã hội dân sự khi tới Hà Nội hôm thứ hai, trong cuộc gặp gỡ lại hôm nay, họ cho biết đã bị theo dõi, hăm doạ và sách nhiễu.

Hôm nay chúng tôi cũng gặp Bộ Công an, tôi muốn gọi cuộc gặp gỡ này là lịch sử, qua đó chúng tôi đã biểu tỏ rõ ràng sự quan tâm tha thiết của chúng tôi trước các sách nhiễu đối với xã hội dân sự.

Ỷ Lan: Về cảm tưởng chuyến đi, thì nữ Dân biểu Soraya Post, người Thuỵ Điển, cho biết:

Soraya Post: Mọi điều kiện đều rất xấu. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã gửi lại thông điệp về những điều Việt Nam cần thực hiện.

Chiều hôm nay chúng tôi gặp các tổ chức Phi chính phủ. Họ cho chúng tôi biết họ đã bị sách nhiễu và hăm doạ, ngăn cản đến gặp chúng tôi. Họ bao gồm các nhà báo, người hoạt động nhân quyền và tổ chức xã hội nhân sự.

Chúng tôi yêu cầu Việt Nam trả tự do tất cả tù nhân vì chính kiến, những bloggers, người hoạt động nhân quyền và người bảo vệ môi sinh.
Dân biểu Soraya Post

Chúng tôi yêu cầu được gặp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đang bị quản chế nhiều năm trời, nhưng không được phép. Chính quyền nói rằng ngài ở Saigon, quá xa cho việc di chuyển. Chúng tôi cũng không được phép gặp các thành viên thuộc các tổ chức tôn giáo độc lập.

Những người được gặp nói với chúng tôi rằng họ được tự do và độc lập, mà theo họ là nhờ có Luật Tôn giáo mới. Nhưng những nhóm này đã đăng ký với nhà nước, nên chúng tôi biết nhờ có ô dù chính trị mà họ được tự do hoạt động.

Yêu cầu trả tự do cho các bloggers, các nhà hoạt động

Ỷ Lan: Phái đoàn Quốc hội Châu Âu có được tự do di chuyển không?

Soraya Post: Trong tất cả cuộc gặp gỡ chúng tôi được xe chở đi, với công an chạy dẫn đường phía trước. Khi vào các nơi gặp gỡ, chúng tôi phải trao điện thoại cầm tay để nhân viên bỏ vào hộp cất giữ.

Chúng tôi rất lo âu cho khái niệm “an ninh quốc gia”. Chúng tôi có hỏi Bộ Công an khái niệm ấy có nghĩa gì. Theo chúng tôi những cuộc biểu tình hay các bloggers không thể xem như hăm doạ an ninh quốc gia.

Chúng tôi cũng cung cấp cho họ một danh sách và yêu cầu trả tự do tất cả tù nhân vì chính kiến  đang bị giam giữ hiện nay, kể cả những bloggers, người hoạt động nhân quyền và người bảo vệ môi sinh.

Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Soraya Post.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.