Bằng cấp giả tràn lan vì muốn làm quan chức?


2017.11.16
Một số bằng cấp giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
Courtesy of Thanhnien

Bằng giả như nấm sau mưa

Một vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây là chuyện bằng cấp của ông cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Sau khi bị kỷ luật về những sai phạm khi còn đương chức bí thư thành ủy, ông Anh đã bị phát hiện sử dụng bằng Tiến sĩ do một trường ở Mỹ cấp nhưng bằng này không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra. Vì vậy bằng Tiến sĩ của ông không được chấp nhận ở Việt Nam. Sự việc đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian.

Hay tháng 4 đầu năm nay, chính quyền huyện Đak Tô tỉnh Kon Tum đã kỷ luật cảnh cáo 6 cán bộ ở huyện này vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả.

Tuy nhiên đây chỉ là một số trong nhiều trường hợp các quan chức bị phát hiện sử dụng bằng giả hay bằng không được chấp nhân ở Việt Nam hiện nay .

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2004 cho biết có hơn 10 ngàn trường hợp dùng bằng giả đã bị phanh phui.

RFA trao đổi với Giáo sư -Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về tình trạng này. Giáo sư Giang cho rằng nguyên nhân phần lớn là do hệ thống đề bạt cán bộ còn chú trọng đến quy trình và tiêu chí hình thức:

Tức là phải đạt qua chứng chỉ này hay cấp kia, đặc biệt là bằng cấp này bằng cấp kia. Tôi nghĩ rằng xuất phát là có thể những người nghĩ ra những nhu cầu điều kiện đó là do muốn chuẩn hóa. Nhưng cái chuẩn hóa đó rất nhanh chóng bị biến dạng. Hiện nay đó đang là một hạn chế trong việc nâng cấp, nâng chức, đề bạt vào vị trí nào đó. Và điều này chắc chắn phải có sự điều chỉnh nào đó.

"Cứ nói chọn nhân tài nhưng lại chọn theo kiểu quy trình anh có cái này không, có cái kia không thì chưa chắc đã được".
- Giáo sư Vũ Minh Giang

Nhiều thông tư, quyết định của các Bộ ngành Nhà nước ghi rõ các tiêu chuẩn bắt buộc về giáo dục đối với cán bộ, công viên chức. Ví dụ trong Thông tư 1204/QĐ-BNV ban hành ngày 19/11/2012 của Bộ Nội vụ có ghi rõ tiêu chuẩn chức danh đối với các bậc lãnh đạo của Bộ này, trong đó đều yêu cầu trình độ giáo dục từ cấp đại học trở lên. Hay cũng một quyết định khác của Bộ này yêu cầu tất cả các Giám đốc sở tại các tỉnh thành phải có bằng đại học trở lên.

GS Vũ Minh Giang cho rằng đây chính là lý do những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn này đã tìm cách làm bằng giả để đạt yêu cầu.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương lại cho rằng bằng cấp giả phát sinh là do sự tha hóa “từ trên xuống”:

Bằng giả không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước cũng có nhưng ở Việt Nam thì nó quá xá. Là vì một nền chính trị hư danh và một xã hội đề cao sự hư danh. Vì thế nên người ta chạy theo cái hư danh đó và sẵn sàng tìm giải pháp tồi tệ nhất và không chính đáng để cố giành giật để kiếm chác.

Hiện tại Bộ Giáo dục đang dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Hiện Việt Nam đã có trên 24.300 tiến sĩ trong khi dư luận còn thắc mắc về chất lượng của nhiều người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam.

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mới đây trả lời báo chí với đại ý rằng cần thêm tiến sĩ là do hiện nay không đủ tiến sĩ giảng dạy ở các trường đại học.

Lối thoát

Trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân hồi đầu tháng 7 năm nay, Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Giáo sư Phạm Minh Hạc nói rằng điều đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ và người có quyền mà lừa dối thì làm sao nói được dân. Ông cũng phê bình việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết, chẳng hạn ở nhiều nơi chỉ cảnh cáo hay cùng lắm là buộc thôi việc.

Ông Phạm Vũ Luận, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi còn đương chức cũng từng nói rằng “Người học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài.”

Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng việc tuyển chọn hay thăng quan tiến chức trong bộ máy công quyền ở Việt Nam cần giảm sự quan trọng hóa về bằng cấp, và chú trọng đến năng lực thì mới có thể chấm dứt được tình trạng làm bằng giả tiến thân:

Đối với hệ thống cán bộ công chức nói chung thì cần điều chỉnh bớt chú trọng đến tiêu chí hình thức mà nên chú ý đến thực chất của con người. Dù thế nào cũng phải chuẩn hóa, nhưng chuẩn hóa không nên dựa quá nhiều vào hệ thống chính trị bằng cấp như hiện nay. Tôi nghĩ nhiều nước họ cũng có cách tuyển dụng hay.

Cũng đã đến lúc phải nghĩ ra một cách nào đó để tuyển dụng những người có năng lực xuất sắc vào các vị trí. Tôi nghĩ có lẽ phải cần một chiến lược nhân tài. Bất cứ cộng đồng nào cũng có bộ phận tinh hoa mà mình gọi là nhân tài, cứ nói chọn nhân tài nhưng lại chọn theo kiểu quy trình anh có cái này không, có cái kia không thì chưa chắc đã được.


"Người ta chạy theo cái hư danh đó và sẵn sàng tìm giải pháp tồi tệ nhất và không chính đáng để cố giành giật để kiếm chác."
- Giáo sư Nguyễn Khắc Mai

Giáo sư Minh Giang cho rằng việc tuyển dụng hay thăng cấp nên dựa vào những thành tích mà người đó đã đạt được trong quá khứ, hay được những đồng nghiệp tin tưởng giới thiệu. Như vậy xã hội sẽ nhận thức được một điều rằng nếu tôi không có tài thì tôi không được trọng dụng, còn nếu tôi có khả năng dù không có bằng cấp tôi vẫn được đánh giá cao.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai lại nhận thấy rằng để giảm thiểu những bất cập trong toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong đó điển hình như vấn đề bằng giả, cần phải sửa đổi hệ thống chính trị độc đảng và Quốc hội phải thực sự dân chủ. Bởi vì theo ông, hiện tại còn nhiều giả dối trong chính hệ thống chính trị, nên sẽ không thể làm gương cho các ngành khác, trong đó có giáo dục.

Còn trong bài báo trên trang Nhân Dân, Giáo sư Phạm Minh Hạc cho rằng để hạn chế tình trạng này, quy trình cấp phôi bằng tại các trường cần chặt chẽ hơn. Các lãnh đạo Nhà nước cần kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả. Bằng do cơ sở nước ngoài cần được thẩm định bởi Nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.