Thông tin sai lệch-Hậu quả khôn lường

Hòa Ái, RFA
2017.01.24

Bảng lương công việc điều dưỡng viên tại các thành phố của Đức.
Bảng lương công việc điều dưỡng viên tại các thành phố của Đức.

Những người Việt lao động ở nước ngoài thường phản ánh tình trạng các công ty môi giới việc làm cung cấp thông tin sai lệch, kể cả cơ quan chức năng trực thuộc Nhà nước quản lý, gây ra nhiều tác hại khôn lường. Hậu quả của những thông tin không trung thực đối với lao động Việt như thế nào?

Thông tin không trung thực

Một lần nữa, những người Việt đi xuất khẩu lao động lên tiếng về tình trạng thông tin sai lệch từ Việt Nam bấy lâu nay đã đẩy nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khổ sở khi họ ra nước ngoài làm việc, điển hình mới nhất liên quan phóng sự do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện và phát hành vào trung tuần tháng Giêng năm 2017.

Hai kênh truyền hình VTV1& VTV24 đăng tải thông tin về chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam với Bộ Kinh tế & Năng lượng Đức, tạo điều kiện cho lao động Việt trở thành điều dưỡng viên, có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng/tháng, tương đương 4.000 Euro và mang về nước số tiền lên đến 1, 5 tỷ đồng sau 3 năm làm việc tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Thông tin từ phóng sự còn cho biết thêm chi phí để làm thủ tục xuất khẩu lao động theo chương trình này chỉ tốn số tiền duy nhất là 300 Euro, còn lại được hoàn toàn miễn phí.

Trong khi rất nhiều người ở Việt Nam nôn nóng tìm kiếm thêm thông tin làm thế nào để có thể tham gia vào chương trình xuất khẩu lao động sang Đức như VTV1 &VTV24 đưa tin thì rất nhiều người Việt ở Đức lên tiếng phản bác đó là thông tin sai lệch. Các cư dân mạng đang sinh sống và làm việc tại Đức đăng tải thông tin về mức lương cao nhất của công việc điều dưỡng viên là 3.181 Euro, trước khi trừ thuế và các chi phí khác. Chúng tôi liên lạc với VTV24 để xác minh về mức lương 100 triệu đồng/tháng mà họ đưa tin thực hư như thế nào và được nhân viên trực điện thoại cho biết:

“Thông tin này em không trao đổi với chị số của phóng viên được. Bởi vì thông tin bọn em đưa gần 100 triệu đấy là chung chứ không nói riêng một mình chị ấy. Thực ra bọn em đưa thông tin rất rõ ràng, nếu chị chưa hiểu lắm thì chị xem lại giúp em.”

“Chị ấy” được đại diện của VTV24 nhắc đến khi trao đổi qua điện thoại với Hòa Ái là chị Nguyễn Thị Thu, một nhân vật xuất hiện trong phóng sự của VTV1&VTV24. Chị Thu chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng chị là một trong số hàng trăm người may mắn đã, được và đang học tập làm việc tại Đức, nhờ vào chương trình dưới sự hợp tác giúp đỡ của Trung tâm lao động ngoài nước COLAB, viện Gothe Institut và công ty Vivantes. Chị Thu cũng nhấn mạnh những ai quan tâm đến chương trình nên nắm bát cơ hội nhưng cần phải thận trọng, không nên nghe theo các công ty tư nhân để rồi tiền mất tật mang.

Sự thật thế nào?

Về công việc và lương, 100 triệu/tháng. Xem xong, suýt ngất. 1, 5 tỷ/3 năm. 3 năm rồi tớ chưa về nhà đón Tết đây. Vì sao? Tại vì không có tiền-
Lao động Việt tại Đức

Anh Lai Nguyen, hiện đang làm công việc điều dưỡng viên tại Đức cũng đăng tải trên trang Facebook của mình một đoạn video ngắn xác nhận Chương trình Điều Dưỡng đi Đức do Trung tâm lao động ngoài nước Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam hợp tác với Bộ Kinh tế Đức là có thật. Tuy nhiên, anh Lai Nguyen nói rằng mức lương mà Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra là hoàn toàn bịa đặt. Chúng tôi trích lời nói của anh Lai Nguyen trong đoạn video clip được đăng vào ngày 17 tháng Giêng:

“Về công việc và lương, 100 triệu/tháng. Xem xong, suýt ngất. 1, 5 tỷ/3 năm. 3 năm rồi tớ chưa về nhà đón Tết đây. Vì sao? Tại vì không có tiền.”

Anh Lai Nguyen còn chia sẻ thêm trong 3 năm đầu sang Đức, vừa học vừa làm, nhận được tiền lương từ 700 đến 900 Euro và khi tốt nghiệp trở thành một điều dưỡng viên thì mức lương dao động từ 2.100 đến 2.400 Euro/tháng. Sau khi trừ thuế cùng chi chí khác thì số tiền thực tế dành dụm được mỗi tháng vào khỏang 700 Euro.

Vào ngày 18 tháng Giêng, một cư dân mạng ở Đức, ông Truong Son Bui chia sẻ thông tin về cuộc sống lao động ở quốc gia Tây Âu này ra sao. Ông Trương Son Bui còn khẳng định với cách mời chào tiếp thị như trên Đài Truyền hình Việt Nam thì quả là ảo ảnh mà họ đang vẽ ra cho những người dân trong nước có ý định tìm kiếm công ăn việc làm ở Đức và chắc chắn họ sẽ vỡ mộng, chán nản ngay từ khi nhận được tháng lương đầu tiên không như hứa hẹn.

Trước thông tin đa chiều xoay quanh công việc điều dưỡng viên tại Đức, dư luận trong và ngoài nước bày tỏ sự phẫn nộ đối với Đài truyền hình Việt Nam đưa tin mức lương không đúng sự thật, chẳng khác nào càng cổ súy thêm trong việc xuất khẩu lao động để “đem con bỏ chợ”. Họ cho rằng đa số những người Việt đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài rơi vào tình cảnh khốn đốn, thậm chí phải trở thành thành phần lao động bất hợp pháp vì các thông tin sai lệch do những công ty dịch vụ tuyển lao động từ Việt Nam cùng các cơ quan truyền thông trong nước gây nên. Các lao động Việt đang làm việc ở nước ngoài mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết:

“Môi giời ở Việt Nam lúc nào cũng thổi phòng hơn sự thật.”

Một người Việt, đang làm việc tại Seoul, nói về hoàn cảnh của rất nhiều lao động Việt gặp phải khi sang đến Hàn Quốc:

“Thường thì trong khi mình qua đây có nhiều trường hợp không giống như quy định trong hợp đồng; ví dụ như người ta nói lương cơ bản như thế, tăng ca như thế…nhưng thật ra sang đây có thể lương cơ bản không được như vậy và tăng ca cũng không được như vậy. Có một số trở ngại; ví dụ như đồng lương không được như ý thì mình thường hay muốn chuyển công ty nhưng rất nhiều chủ sử dụng lao động không cho mình chuyển. Khi mình muốn đi mà người ta không cho đi thì chắc chắn khi làm việc thì người ta đối xử với mình không như trước nữa. Nói chung có nhiều khó khăn.”

Những khó khăn lao động Việt đối diện khi ra nước ngoài làm việc hầu hết là mức lương không tương xứng với sức lao động, hay thậm chí có nhiều trường hợp bị buộc lao động như nô lệ, phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi và không được ăn uống đầy đủ; điển hình qua các vụ lao động Việt kêu cứu ở Samoa hồi năm 2001, ở Jordan năm 2008, ở Malaysia năm 2014…

Thường thì khi qua đây có nhiều trường hợp không giống như quy định trong hợp đồng…Ví dụ như đồng lương không được như ý thì mình thường hay muốn chuyển công ty nhưng rất nhiều chủ sử và chắc chắn khi làm việc thì người ta đối xử với mình không như trước nữa-
Lao động Việt tại Hàn Quốc

Gánh chịu nhiều hậu quả

Không chỉ qua đến nước ngoài những lao động Việt mới đối diện với khó khăn vì thông tin sai lệch từ những công ty môi giới tại Việt Nam. Những người quyết định tìm kiếm một cơ hội ra nước ngoài lao động, trước tiên phải đóng số tiền không nhỏ cho một hợp đồng lao động thường từ 2 đến 3 năm. Rất nhiều người phải cầm cố đất đai, nhà cửa để vay tiền ngân hàng cho một suất đi xuất khẩu lao động. Anh Phú Nguyễn, hiện đang làm việc theo hợp đồng lần thứ 2 tại Đài Loan nói về mức chênh lệch chi phí anh đã đóng cho 2 lần ký hợp đồng để làm việc tại cùng một công ty ở Đài Bắc:

“Lúc trước em đi đến 6.800 USD. Em đi lại (lần thứ nhì) là 3.500 USD. Số tiền này là do môi giới bên Đài Loan đưa ra. Đi lần đầu thì không biết môi giới bên Đài Loan tính bao nhiêu, chi phí do môi giới bên Việt Nam tính. Như em sang lại, giấy tờ đều ký bên Đài Loan hết. Về Việt Nam chỉ ký giấy đi lại công ty đó, ký xong thì đi sang. Trước khi về Việt Nam, em đã ký giấy xong hết ở bên này. Bên Đài Loan nói em đi lại tốn 3.500USD thì về Việt Nam chỉ đóng số tiền này là đủ, không đóng thêm gì nữa.”

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều lao động Việt phải đóng số tiền mà họ nói là rất lớn cho các công ty môi giới việc làm tại Việt Nam nhưng họ phải trở thành lao động bất hợp pháp ở nước sở tại vì không thể thực hiện theo hợp đồng ký kết do thông tin bị thổi phòng so với thực tế.

Việt Nam vừa công bố số liệu có gần 130 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016, vượt gần 30% so với kế hoạch và đề ra mục tiêu sẽ đưa thêm hơn 100 ngàn lao động Việt trong năm 2017. Thế nhưng, vẫn không có số liệu thống kê nào về lao động Việt bất hợp pháp ở nước ngoài cũng như bao nhiêu phần trăm trong số họ thiệt mạng vì các cuộc bố ráp như trường hợp thương tâm của cô Thái Thị Trinh chết rét do lạc trong rừng lúc trốn cảnh sát Nga kiểm tra nơi cô đang làm việc, hay trường hợp mới nhất của lao động Việt tên Trần Đình Phương nhảy lầu trốn khi cảnh sát và nhân viên Sở di dân Đài Loan đến bắt vào lúc 12 giờ khuya trong một đêm giáp Tết Đinh Dậu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.