Nước Đức, 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, phần 2

Tường An, thông tín viên RFA, Paris
2014.11.06
Cổng chợ Đồng Xuân ở Berlin Cổng vào chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin, Đức.
Photo: duhocduc.edu

Chiếc huy chương nào cũng có những mặt phải và mặt trái của nó. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, Niềm vui thống nhất của  người dân hai miền Đông Tây chưa trọn vẹn thì họ đã phải đối diện với những khó khăn về vật chất khi mà 40 triệu người dân Tây Đức đã phải gánh  thêm trên vai cuộc sống của hơn 18 triệu dân Đông Đức với tất cả những hệ luỵ còn sót lại của 28 năm dưới chế độ Cộng sản và cả những di sản trước đó do chiến tranh để lại.

Người Việt từ Đông Đức

Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, gần 60 ngàn người Việt đang học tập và lao động ở Đông Đức đứng trước sự chọn lựa: tiếp tục tương lai trên nước Đức tự do nhưng mới mẽ và đầy thách thức hay trở về với chủ nghĩa Cộng sản quen thuộc tại Việt Nam với số tiền trợ giúp của chính quyền mới ? Khoảng 40.000 người Việt đã chọn con đường hồi hương với 3000 Đức Mã. Anh Nguyễn văn Mài, là một công nhân hợp tác lao động ở Đông Đức vào thập niên 80, nay cư ngụ tại Hannover kể lại:

“Khi bức tường Bá Linh đổ, ai có điều kiện thì chạy sang Tây Bá Linh, tôi còn nhớ lúc đó ai qua Tây Bá Linh thì chính quyền mới cho 100 Đức Mã. Một trăm đo Mác lúc đó đối với anh em mình là to lắm. Thế là lúc đó nước Đức đổi tiền theo tiêu chuẩn 1 ăn 1. người Việt mình nói chung lúc đó là vui vẻ. Sau đó nước Đức người ta thấy hoàn cảnh công ăn việc làm khó khăn quá cho nên người ta động viên người Việt nhà mình, nếu ai muốn hồi hương thì người ta sẽ bồi thường 3000 đô Mác cho mỗi người và thế là đại đa số người Việt mình hồi hương”

Nước Đức người ta thấy hoàn cảnh công ăn việc làm khó khăn quá cho nên người ta động viên người Việt nhà mình, nếu ai muốn hồi hương thì người ta sẽ bồi thường 3000 đô Mác cho mỗi người và thế là đại đa số người Việt mình hồi hương

Anh Nguyễn văn Mài

Đông Đức tan rã kéo theo nhiều nhà máy phải đóng cửa, người dân Đông Đức thất nghiệp. Người dân Tây Đức đi làm phải đóng thuế vào “Quỹ Quốc Gia” để xây dựng lại một Đông Đức đầy bất trắc. Người Việt từ Đông Bá Linh chạy sang Tây Bá Linh, đa số  sống chủ yếu bằng những nghề buôn bán nhỏ, bán thuốc lá lậu, cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ tội phạm cao trong thời kỳ giao thoa này. Chị Mai, cũng hợp tác lao động ở Đông Đức, nay sống tại Frankfurt cho biết:

“ Ở lại thì lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, người ta đi kiếm việc làm, lúc đầu thì bán quần áo, sau này có phong trào bán thuốc lá lậu. Sau đó thì từ từ họ được định cư lại thì họ làm ăn cũng ổn định”

Chưa đầy 3 năm sau ngày nước Đức thống nhất, người ta đã thấy manh nha những tư tưởng bài người ngoại quốc mà nạn nhân đầu tiên bị nhắm đến là những người lao động nhập cư. Điển hình là sự kiện ném bom xăng vào khu nhà ở của người ngoại quốc ở thành phố Lichtenhagen, Rostock đã gây chấn động chính trường Đức và thu hút sự quan tâm của thế giới.  Anh Mài tiếp:

“Khi mà bức tường Bá Linh đổ, khi mà chế độ bắt đầu thay đổi thì trong một số người Đức bắt đầu xuất hiện những tư tưởng bài xích người ngoại quốc. Những người mang tư tưởng kỳ thị họ ở bên Đông Đức, đại đa số là thanh niên. Bởi vì khi bức tường Bá Linh đổ thì không những người Việt nhà mình thất nghiệp mà ngay cả người Đức cũng bị thất nghiệp, vì vậy họ cho rằng là do những người lao động ở Đông Đức là nguyên nhân khiến cho họ không có việc làm”

Những khác biệt về tư tưởng Đông và Tây

Sau 25 năm xây dựng và phát triển,  sự cách biệt giàu nghèo giữa Đông và Tây Đức hầu như đã không còn. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy, đó là sự khác biệt về tư duy, về cách hành xử của người dân Tây Đức, quen sống thoải mái tự do và người dân Đông Đức, hình như vẫn chưa thoát ra được cái bóng của chế độ Cộng sản vẫn còn đeo đuổi. Chị Anh Đào ở Bá Linh nhận xét:

Ở lại thì lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, người ta đi kiếm việc làm, lúc đầu thì bán quần áo, sau này có phong trào bán thuốc lá lậu. Sau đó thì từ từ họ được định cư lại thì họ làm ăn cũng ổn định

Chị Mai

“Hai tư tưởng khác nhau, mặc dù ở xứ tự do này, nhưng những người bên Đông Đức vẫn còn lập trường bị gò bó. Còn bên Tây Đức mỗi người đều có 1 tư tưởng, thành ra mình rất là thoải mái khi mình nói chuyện, nhưng khi mình nói chuyện với anh chị em bên Đông Đức; Ngay cả tới bây giờ cũng vậy, họ nói cái gì cũng rất là dè dặt”

Hàng chục năm sống dưới chế độ bao cấp, anh Mài cho biết không khỏi bỡ ngỡ khi phải hội nhập vào xã hội tư bản, nơi mà ai cũng phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Anh chia sẻ:

“Làm việc ở các nhà máy bên Đông Đức, tuy nó có định mức nhưng làm việc cũng nhẹ nhàng thôi. Thế nhưng khi mà làm việc bên Tây Đức thì cường độ nó cao hơn, nhưng tất nhiên là thu nhập cũng cao hơn. Và cái tâm lý lo lắng mất việc làm thì nó thường trực trong đầu của người Việt mình hơn. Bên Đông Đức thì không có như thế, công ăn việc làm không phải lo gì cả”

Khi nước Đức thống nhất, chị Anh Đào có dịp làm quen với một cộng đồng người Việt mới đến từ bên kia bức tường Bá Linh. Chị nhận xét:

“ Giữa người Việt Đông Đức và Tây Đức thì riêng em, em có nhận xét là từ sinh viên du học cho đến những người tị nạn hầu như ai cũng có một kết quả rất tốt. Họ không có nhiều criminel ( tội phạm) nhiều như sau khi mở bức tường. Sau khi mở bức tường, bên Đông Đức thì có những gia đình sống mực thước, nhưng cũng có những người bên Đông Đức hợp tác lao động muốn tiến thật xa cho nên họ làm tất cả những cái gì mà họ có thể làm. Những hành động của họ, những việc làm của họ, họ không sợ hậu quả xấu cho công đồng hoặc là đối với người Đức”

Sau thời gian cần thiết để ổn định cuộc sống mới, vẫn như câu tục ngữ ngàn đời của Việt Nam “phi thương bất phú”: người Việt, đa số từ Đông Đức đã lập nên khu thương mại nổi tiếng Đồng Xuân với hơn 250 gian hàng, khu buôn bán sầm uất của hơn 4000 người Việt sống hợp pháp và bất hợp pháp. Anh Mài nói:

“Khi mà bức tường đổ thì chúng tôi đại đa số đều thất nghiệp hết. Mạnh ai thì người ấy lo cho bản thân. người Việt mình chủ yếu là lo buôn bán để kiếm tiền, bởi vì buôn bán đối với người Việt mình dễ dàng hơn. Và người Việt mình chịu khó đi len lỏi khắp nơi để mà kiếm tiền”

Với hơn 120.000 người Việt đang sống tại Đức, trong đó có khoảng 88.000 người có giấy tờ hợp pháp và phần còn lại sống bất hợp pháp. Cộng đồng Việt Nam tại Đức có thể được chia ra thành 4 nhóm: 1 nhóm rất ít là sinh viên du học trước 1975, nhóm thứ hai gồm khoảng 40.000 người là thuyền nhân tị nạn Cộng sản. Nhóm thứ ba gồm khoảng 20.000 người ở lại sau khi bức tường bá Linh sụp đổ và nhóm thứ tư cũng khoảng 40.000 người đến Đức bằng đủ mọi ngõ ngách khác nhau, đa số là sống bất hợp pháp. Nhóm thứ nhất và thứ nhì đã hoàn toàn ổn định ở xã hội Đức, đa số thành công và là mẫu mực của sự hội nhập. Nhóm thứ ba và thứ tư sống co cụm như là một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở phần phía Đông của nước Đức.

Vẫn như hồi xưa...Trong nước ra như thế nào thì trong nước vẫn như thế. Nói chung là cái mô hình họ mang từ VN sang. Tức là họ vẫn có công đoàn, vẫn có hội phụ nữ, vẫn có chi bộ, rồi vẫn có đoàn thanh niên, phụ nữ...Tất cả đều phải áp dụng trong đội quản lý người lao động

Chị Mai

Nói chung, người Việt Tây Đức sống rãi rác và hoà nhập vào xã hội Đức, trong khi đó người Việt ở Đông Đức sống gần như tập trung trong một xã hội riêng của họ. Sinh hoạt của họ cũng mang ít nhiều mô hình của chế độ Cộng sản. Chị Mai nói:

“ Vẫn như hồi xưa…!!! Trong nước ra như thế nào thì trong nước vẫn như thế. Nói chung là cái mô hình họ mang từ Việt Nam sang. Tức là họ vẫn có công đoàn, vẫn có hội phụ nữ, vẫn có chi bộ, rồi vẫn có đoàn thanh niên, phụ nữ…. Tất cả đều phải áp dụng trong đội quản lý người lao động.  Trước đấy, đi lao động thì hộ chiếu của bọn mình thì do sứ quán giữ, mình không được giữ. Sau này người ta vẫn hội họp, vẫn sinh hoạt kiểu như thế!”

Dù nước Đức đã ăn mừng 20 năm, rồi 25 năm thống nhất và phát triển,  cộng đồng người Việt tại Đông Đức này vẫn hầu như đi bên lề sự hội nhập ấy, dù họ cũng có những phát triển theo cách riêng của họ. Theo chị Anh Đào, một sự hoà hợp là khó có thể.

“Không thể hoà hợp được , là vì theo em thấy, những anh chị em sống bên Đông Đức hình như họ vẫn còn dưới một sự control (kiểm soát) của toà đại sứ Việt Nam. Có thể họ có những cái không đồng ý nhưng vì gia đình họ vẫn còn ở Việt Nam hoặc là một cái lợi riêng gì của họ cho nên họ không thể hoà đồng hoặc là nói lên những gì họ muốn nói”

Bức tường Bá Linh đã được san bằng, nhưng những khác biệt về tư tưởng sau 30 năm chia lìa vẫn còn đó.  25 năm tuy dài nhưng vẫn chưa đủ cho một cuộc thống nhất trong tư duy nếu không có sự nổ lực từ hai phía. Bức tường Bá Linh đã đổ, nhưng đâu đó vẫn còn một bức tường Bá Linh trong lòng mọi người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.