Thế giới nỗ lực ứng phó với cơn khủng hoảng tài chính

Các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới, hôm thứ tư, đã đồng loạt cắt giảm lãi suất. Chỉ số chứng khoán Dow Jones của thị trường New York rớt thêm 2%, xuống dưới mức 9300.

0:00 / 0:00

Đồng loạt cắt giảm lãi xuất

Cùng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các ngân hàng trung ương của châu Âu, Anh quốc, Canada, Thụy Điển cũng cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản.

Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc cũng giảm 0,27% lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, trong khi Nhật Bản vẫn giữ nguyên lãi suất.

Tại Washington, Bộ trưởng ngân khố Henry Paulson, nhân vật chủ chốt của kế hoạch cứu nguy tài chính Hoa Kỳ, tuyên bố rằng sẽ còn nhiều công ty tài chính phá sản dù kế hoạch 700 tỉ cứu nguy sẽ được áp dụng.

Trong khi đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang tuột xuống con dốc dài.

Cảnh hoảng hốt bán vội tiếp tục trên thị trường chứng khoán thế giới. Thị trường Tokyo mất giá nặng nề nhất kể từ trận khủng hoảng chứng khoán năm 1987, trong khi thị trường ở châu Âu rớt giá từ 5% đến 6%.

Thị trường New York lên xuống chóng mặt, sau cùng dừng ở mức 9 ngàn 258, thấp hơn hôm qua gần 190 điểm.

Nhiều khó khăn trước mắt

Bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ Henry Paulson tuyên bố thị trường tài chính Hoa Kỳ và toàn cầu vẫn còn chịu nhiều khó khăn, vấn đề tín dụng địa ốc vẫn là nguyên nhân chính.

Ông Paulson cho rằng cần phải cung cấp đầy đủ tín dụng và yểm trợ thị trường địa ốc thì mới có thể xoay chuyển tình thế.

Nhưng ông cho biết phải thêm nhiều tuần nữa mới có thể mua lại những món nợ xấu trong khu vực địa ốc, và mọi nỗ lực đều cần tới sự nghiên cứu thận trọng, sự minh bạch, và người dân Mỹ cần kiên nhẫn trong khi giới thẩm quyền thiết lập kế hoạch tối ưu.

Ông Paulson vẫn ngỏ ý tin tưởng là Hoa Kỳ sẽ vượt thắng cơn khủng hoảng này, như đã từng vượt qua những thử thách sinh tử từ trước tới nay.

Báo cáo Viễn ảnh kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ra ngày hôm nay cho rằng kinh tế thế giới đang chìm vào vũng xoáy của khủng hoảng tài chính, đối diện với một thời kỳ phát triển vô cùng khó khăn cho đến khi phục hồi trong năm 2009.

Tìm kiếm các biện pháp cứu nguy

Để ứng phó với cơn khủng hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng, hôm thứ Tư tại Anh, Thủ tướng Gordon Brown công bố kế hoạch công hữu hoá một phần đối với 8 ngân hàng chính yếu, và tuyên bố thị trường tài chính thế giới đã ngưng hoạt động, cần đến những giải pháp táo bạo nhằm những mục tiêu sâu rộng.

Ông Brown tuyên bố trước quốc hội, rằng ông mong là nhiều nước khác sẽ theo gương Vương quốc Anh để củng cố thị trường tài chính, và hy vọng nước Anh đã dẫn đạo thế giới trong công cuộc đổi thay bối cảnh tài chính toàn cầu

Chính phủ Anh tung ra 87 tỉ đô la mua lại cổ phần của 8 ngân hàng lớn. Thêm vào đó chính phủ còn dành ra gần 350 tỉ đô la để cho vay ngắn hạn, và 435 tỉ bảo đảm các món nợ liên ngân hàng.

Cùng ngày thứ ba, Diễn đàn kinh tế thế giới họp ở Genève nhận định rằng Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế giàu tính cạnh tranh nhất trên thế giới dù đang bị khủng hoảng tài chính.

Hàng thứ nhì là Thuỵ Sĩ, kế tiếp là Đan Mạch, Thụy Điển và Singapore. Các nước châu Âu khác nằm trong top ten của danh sách là Phần Lan, Đức và Hà Lan. Nhật và Canada cũng trong nhóm này.

Trung Quốc vẫn đẫn đầu trong số các nước đang phát triển, lên 4 hạng, lần đầu tiên lọt vào danh sách 30 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao nhất.