Trẻ lai Mỹ ở Việt Nam bây giờ ra sao?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.04.13
NhaanhLai Ngôi nhà của một người lai Mỹ tại Việt Nam hiện nay.
Hình do Hội Amerasian Without Borders cung cấp.

Hiện vẫn còn khoảng 500 “trẻ lai Mỹ”, nay là những người trung niên, sinh sống tại VN vì hồ sơ định cư ở Hoa Kỳ của họ theo Luật “American Homecoming Act”, với tên gọi “Chương trình Con lai” vẫn đang chờ cứu xét.

Theo thông tin từ một số hội đoàn vận động cho những người con lai Việt-Mỹ, không may mắn như những người đồng trang lứa cũng trong thân phận “con lai Mỹ” đã được đi định cư ở Hoa Kỳ hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, hầu hết hoàn cảnh của gần 500 “trẻ lai Mỹ” còn ở lại VN rơi vào trường hợp cần phải bổ túc hồ sơ để có đủ bằng chứng chứng minh nhân thân con lai theo yêu cầu của Lãnh Sự quán Mỹ.

Đa phần trong số 500 người này là mồ côi hoặc bị bỏ rơi nên họ chấp nhận cuộc sống trên mảnh đất quê mẹ như là số phận. Kể từ sau chiến tranh VN chấm dứt vào cuối tháng 4 năm 1975, đã qua 41 năm, những “trẻ lai” ngày nào, nay đã là những người trung niên, luôn cố gắng vật lộn và vươn lên trong cuộc sống.

Dù gặp không ít trở ngại do những phân biệt của xã hội, thêm vào đó là trình độ học vấn bị hạn chế cũng như không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương nhưng một số ít đời sống của những người lai này tương đối ổn định và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn xấp xỉ 3/4 trong số họ sống trong cảnh khó khăn

Trường hợp điển hình là hoàn cảnh gia đình bà Trang, ở Hóc Môn, Sài Gòn. Hai vợ chồng bà đều bị bệnh lao phổi. Hiện bà Trang hàng ngày đạp xe đến quán ăn làm công việc dọn dẹp và rửa chén từ 8 giờ sáng đến tận 11, 12 giờ đêm với mức lương tháng căn bản 1 triệu 200 ngàn đồng, xấp xỉ 50 Mỹ kim.

Một trường hợp khác là hoàn cảnh đi xin ăn sống qua ngày của ông Cường. Trong hình hài một bộ xương khô cao dong dỏng với gương mặt hốc hác, ông Cường lê la khắp nơi xin từng đồng bạc lẻ của những người hảo tâm và cố dành dụm số tiền xin được với mong muốn khi chết có đủ tiền mua một cái hòm chôn xác của mình.

“Chừng nào tôi chết thì mua cái hàng”.

Mơ ước về quê cha

Ông Cường, một người lai hiện đi xin ăn sống qua ngày. Photo do Hội Amerasian Without Borders cung cấp.
Ông Cường, một người lai hiện đi xin ăn sống qua ngày. Photo do Hội Amerasian Without Borders cung cấp.
Ông Cường, một người lai hiện đi xin ăn sống qua ngày. Photo do Hội Amerasian Without Borders cung cấp.

Trao đổi với RFA, bà Quỳnh Lê cho biết bà có điều kiện liên lạc với gần 300 anh chị em lai ở các tỉnh, thành; bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Quy Nhơn, Gia Lai, Đắc Lắc, và miền Tây Nam bộ, tất cả dù có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đều giống nhau là vẫn thầm ao ước được trở về quê cha, nơi mà họ tin rằng tương lai của chính họ và của con cháu được tốt hơn. Bà Quỳnh Lê nói:

“Tất cả những anh em lai còn ở tại VN này thì hầu như tất cả đều muốn đi định cư qua Mỹ. Thứ nhất vì họ nghĩ họ là lai và họ muốn trở về quê cha. Thứ hai nữa là cuộc sống nơi quê mẹ quá khắc nghiệt, không được tạo cơ hội việc làm để có thu nhập cho cuộc sống ổn định và thoải mái hơn. Cho nên người ta luôn luôn nghĩ rằng qua được quê cha thì sẽ có nhiều công việc làm, từ đó sẽ có thu nhập và đời sống được nâng cao hơn. Họ sẽ được học hành nhiều hơn. Ở VN thì từ nhỏ người ta đã không được học hành và đến lớn muốn vô trường học cũng không được bởi vì đã lớn tuổi mà muốn vào trường cũng khó khăn và không có trường nào dạy cho những người lớn”.

Tất cả những anh em lai còn ở tại VN này thì hầu như tất cả đều muốn đi định cư qua Mỹ. Thứ nhất vì họ nghĩ họ là lai và họ muốn trở về quê cha. Thứ hai nữa là cuộc sống nơi quê mẹ quá khắc nghiệt...
- Bà Quỳnh Lê

Trong khi hàng trăm người được coi là thuộc diện “Con lai Mỹ” đang ở VN chỉ có thể nương vào niềm mơ ước được đến quê cha như là một động lực cho cuộc sống hiện tại ở quê mẹ thì những người lai đang định cư ở Hoa Kỳ trong Hội Tình Lai Không Biên Giới-Amerasians Without Borders tiến hành lấy mẫu xét nghiệm DNA cho 286 người lai đang ở VN và hiện 272 mẫu trong số đó đã có kết quả. Bà Thủy Lê, Hội trưởng Hội Amerasians Without Borders cho Đài ACTD biết dù các kết quả xét nghiệm DNA chứng minh được thân phận con lai của những người lai ở VN là xác thực nhưng thủ tục bổ túc hồ sơ không phải dễ dàng.

Bà Thủy Lê nêu lên trường hợp hồ sơ của ông Võ Hữu Nhân ở An Giang, đã tìm được cha là một cựu quân nhân Mỹ. Mặc dù kết quả DNA chứng minh ông Nhân có huyết thống với cha mình nhưng trong quá trình bổ túc hồ sơ thì thân phụ qua đời vì bệnh ung thư nên hồ sơ của ông Nhân vẫn không được chấp thuận. Lãnh Sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn yêu cầu những thân nhân trong gia đình của cha ông Nhân ở Mỹ phải liên lạc để cung cấp thêm các bằng chứng xét nghiệm DNA khác. Và tình cảnh hiện tại, ông Võ Hữu Nhân không rõ các thành viên trong gia đình của cha ông có nhiệt tình giúp đỡ để hoàn tất hồ sơ hay không.

Trả lời câu hỏi Hội Amerasians Without Borders sẽ có các hoạt động nào để hỗ trợ đối với gần 500 người lai ở VN trước thực trạng dường như bế tắc không được cứu xét hồ sơ theo diện “Con lai Mỹ”, bà Thủy Lê chia sẻ:

“Bước bây giờ là Nhóm Tình Lai Không Biên Giới đang viết lá thư để gửi cho tất cả Thượng và Hạ Nghị sĩ, ông John Kerry và Tổng thống để khiếu nại và yêu cầu trong tháng 7 này cho Nhóm Tình Lai Không Biên Giới trình bày và nói rõ ràng lý do tại sao hơn 400 anh chị em lai còn kẹt lại ở VN mà trong khi đó Hội Tình Lai Không Biên Giới đã có chứng minh DNA của những người này là những người lai thật sự”.

Những bức hình gửi về đài do Hội Tình Lai Không Biên Giới cung cấp với những gương mặt nhẫn nại cùng ánh mắt xa xăm khi những người lai ở VN chờ được lấy mẫu xét nghiệm DNA hiện rõ nỗi băn khoăn liệu rằng ước muốn trở về quê cha sẽ có ngày thành hiện thực? Nhưng niềm ao ước lớn nhất của họ muốn bày tỏ cùng nhau rằng ước nguyện nếu có kiếp sau, cầu xin không phải lâm vào trường hợp như họ một lần nào nữa.

“Đầu thai đừng có trong kiếp lai anh em mình nữa. Kiếp lai mình khổ lắm”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.