Giàn khoan Trung Quốc lại vào Biển Đông

RFA
2017.06.23
01.jpg Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
AFP photo

Trung Quốc lại điều dàn khoan Hải Dương HD-981 từ huyện Lăng Thuỷ, tỉnh Hải Nam đi xuống phía nam 76 hải lý, thuộc vùng biển ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ, nơi chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng - Viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) đặt động thái điều dàn khoan HD-981 xuống biển Đông lần này trong tổng thể mối quan hệ Việt - Trung - Mỹ, cùng với các diễn biến quốc tế mới trong khu vực, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington DC và Tokyo. Động thái này của Trung Quốc có mục đích “cảnh báo” Việt Nam:

“Cảnh báo ở đây tức là không bao giờ Trung Quốc muốn Việt Nam có những đối tác mạnh, có những quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sâu rộng với Nhật. Tất cả những điều này chắc chắn Trung Quốc không hài lòng. Thực ra Trung Quốc cũng biết Việt Nam bao giờ cũng theo đuổi đường lối độc lập, Việt Nam không bao giờ đi nước này trông nước kia như Việt Nam nhiều lần tuyên bố. Thế nhưng Trung Quốc muốn có những cản trở nào đó trong việc triển khai định hướng hội nhập toàn diện của Việt Nam.”

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình - người nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, đây là một thủ đoạn quen thuộc của nước này và đã diễn ra nhiều lần.

Một mặt thì khi họ đến thăm bao giờ họ cũng dỗ dành, nói hữu nghị, bên cạnh đó bao giờ cũng có hành động nói khiêu khích.
- Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình

“Một mặt thì khi họ đến thăm bao giờ họ cũng dỗ dành, nói hữu nghị, bên cạnh đó bao giờ cũng có hành động nói khiêu khích. Nhưng họ biết dù họ khiêu khích thì phía đối tác của họ cũng không dám làm gì mạnh quá.”

Việc Trung Quốc điều dàn khoan HD-981 xuống biển Đông chỉ được báo Thanh Niên đưa tin, nhưng sau khi đăng lên được 1 tiếng đồng hồ thì đã bị hạ bài. Còn các báo, đài khác đều không được nhắc tới chuyện này.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định, việc này cho thấy Việt Nam không muốn khiêu khích Trung Quốc, gây ra xáo trộn và đang quan sát thêm động tĩnh của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ thuốc súng cần phải giữ khô, Việt Nam còn phải xem tình hình thế nào. Đứng về mặt quốc tế, ngay cả vùng đang tranh chấp mà có những hành động như vậy cũng là sai.”

Tân Hoa Xã cho biết, Thượng tướng Phạm Trường Long - Phó chủ tịch quân uỷ trung ương Trung Quốc, người vừa có chuyến thăm Hà Nội, nói với các lãnh đạo Việt Nam là “Các đảo ở “Nam Hải” thuộc về Trung Quốc từ thời Thượng Cổ”. Sau đó, viên tướng này rút ngắn chuyến thăm và huỷ chương trình giao lưu quốc phòng Việt - Trung theo kế hoạch diễn ra tại Lai Châu và Vân Nam từ ngày 20-22/6.

Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, đây không phải lần đầu một quan chức Trung Quốc nói như vậy, mà chính ông Tập Cận Bình đã phát biểu tương tự tại Singapore, ngay sau chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 11/2015.

Về chuyến thăm bị rút ngắn của ông Phạm Trường Long, nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng, đây là chỉ dấu cho sự “trục trặc” có thể xuất phát từ lời phát biểu mà Tân Hoa Xã dẫn lại.

“Tôi nghĩ cái gì mình cũng phải nhìn nhiều mặt. Lúc nào chúng ta cũng nhìn đại cục theo kiểu Trung Quốc thì chúng ta không biết chi tiết thế nào. Chi tiết ở đây là ông ấy đã nói với lãnh đạo như thế rồi và ông sẵn sàng cắt ngắn chuyến đi, không tiếp tục giao lưu. Như thế chúng ta hiểu thêm bản chất của Trung Quốc đối với chính sách Việt Nam.”

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình cho rằng, thông tin trên Tân Hoa xã là một bước “dấn lên” của chính quyền Trung Quốc đối với các tuyên bố yêu sách chủ quyền.

“Bây giờ dấn lên một cái thì nó nói không phải tôi nói sau lưng anh mà tôi nói trước mặt anh mà Việt Nam cũng không phản ứng gì, ví dụ là thế. Rất nhiều chuyện “hư hư thực thực” mà Trung Quốc rất tài trong chuyện này.”

Sách lược của Trung Quốc là “bất chiến tự nhiên thành”. Tôi nghĩ  Việt Nam phải tính toán kỹ lưỡng trong vấn đề này.
- Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng

Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, Dàn khoan HD-981 sẽ làm nhiệm vụ trên Biển Đông trong 2-3 tháng. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, vấn đề này sẽ còn nổi cộm trong mối quan hệ Việt - Trung.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Trung Quốc khó có thể đẩy vấn đề này thành xung đột.

“Sách lược của Trung Quốc là “bất chiến tự nhiên thành”. Tôi nghĩ  Việt Nam phải tính toán kỹ lưỡng trong vấn đề này. Về mặt Trung Quốc thì Trung Quốc cũng khó có thể đẩy lên.”

Còn nhà văn Nguyễn Nguyên Bình nhận định, việc triển khai dàn khoan HD-981 là sự “diễu võ dương oai” của Trung Quốc, nhằm xem phản ứng của Việt Nam.

“Tôi rất đáng tiếc, lần đầu tiên nó (Trung Quốc) đưa dàn khoan vào thì có những cuộc biểu tình rất mạnh mẽ. Thế nhưng bây giờ không có những cuộc biểu tình và nhà cầm quyền Việt Nam cũng không có phản ứng gì. Có thể Trung Quốc nghe ngóng tình hình thế giới nên làm xong động tác ấy rồi thôi. Vì Trung Quốc có nhiều mục đích không rõ ràng mà Trung Quốc vẫn gọi là “bất khả cáo nhân” cho nên việc dự đoán là rất khó.”

Trong bối cảnh Trung Quốc muốn gây dựng lòng tin với các nước láng giềng về “sự trỗi dậy hoà bình” của mình và mở rộng quan hệ thương mại thông qua hàng loạt hiệp định đa phương, trong đó có RCEP và “một vành đai một con đường”.

“Chính Trung Quốc hông nên có những động thái thể hiện bắt nạt. Như vậy mới tạo môi trường, tạo quan hệ thuận lợi để Trung Quốc triển khai nhất quán nhất lộ.”

Nhận xét về những diễn biến mới trong quan hệ Việt- Trung gần nhất như vừa nêu, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc  cho rằng đây là một bước thụt lùi quan trọng trong quan hệ hai nước kể từ sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước hồi năm 2014. Theo giáo sư Carl Thayer đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hung hăng hơn để đáp lại những chuyến thăm gần đây của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh với hai nước, và nếu đúng đó là phản ứng của Trung Quốc thì là một phản ứng vụng về và phản tác dụng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.