Hội Luận tại Quốc hội EU: Làm sao bảo vệ Tự do Tôn giáo và Quyền con người?

Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2015.12.16
Heiner-Bielfeldt-622.jpg Cuộc Hội luận do Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID) mà Cơ sở Quê Mẹ là thành viên sáng lập, tổ chức tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, nhân kỷ niệm lần thứ 67 “Ngày Nhân Quyền Quốc tế” hôm 10 tháng 12.
RFA PHOTO/Ỷ Lan

Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Tự do tôn giáo, Tiến sĩ Heiner Bielfeldt phát biểu về Tôn giáo và Nhân quyền tại Quốc hội Châu Âu.

Làm sao bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng, để qua đó bảo vệ Quyền Con Người và các Cộng đồng dân tộc, trong một thế giới đầy bạo động, cực đoan, đạo đức giả, và nạn khủng bố?

Đây là đề tài mấu chốt đặt ra tại cuộc Hội luận do Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID) mà Cơ sở Quê Mẹ là thành viên sáng lập, tổ chức tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, nhân kỷ niệm lần thứ 67 “Ngày Nhân Quyền Quốc tế” hôm 10 tháng 12 vừa qua.

Thủ thuật “chia để trị”

Diễn giả chính, là Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo Cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng. Ông phân tích rằng vấn nạn hôm nay không phải là bạo động do các tôn giáo chủ trương gây ra, nhưng bạo động đã do chính con người nhân danh các tôn giáo để gây ra. Ông nói:

Tại sao tiếng nói của Phật giáo đồ Việt Nam bị nghiêm cấm? Tôi không thể nào nói tôi hiểu hết mọi sự, nhưng với một chút tối thiểu ta có thể nhận ra sự đa dạng. Không thể có sự đa dạng lặng câm, vì cần được tự do để diễn đạt tính đa dạng.
-TS Heiner Bielefeldt

“Sự sai lạc nguy hiểm khi cho gốc của bạo động đến từ chính nội dung của tôn giáo. Có sự nối kết giữa bạo động và tôn giáo. Nhưng sự nối kết này lại do con người tạo ra. Con người bộc lộ sự bạo động, thể hiện các hành vi bạo lực, phạm phải các hành xử bạo động, nhưng lại kêu gọi lý tưởng tôn giáo để giải thích hành vi bạo động của mình, và nhiều lúc họ còn thách thức các giới điều của tôn giáo.”

Ông cũng nói, đôi khi sự bạo động bắt nguồn từ các cuộc đàn áp tôn giáo tại các nước độc tài:

“Tại các quốc gia độc đoán, đặc biệt các quốc gia độc đảng đã đâm bị thóc chọc bị gạo, thúc đẩy nhóm người này chống nhóm người kia theo thủ thuật “chia để trị”. Các hệ thống độc đảng tạo ra thứ khí hậu cuồng loạn hay sợ hãi để tồn tại.”

Trong cuộc Hội luận, có người nhắc lại chuyến đi điều tra tôn giáo tại Việt Nam của ông Báo Cáo Viên LHQ tháng 7 năm ngoái, và hỏi rằng: Làm sao một người Âu châu như ông, có thể đánh giá tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam? Ông đáp:

Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo Cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng tại Cuộc Hội luận do Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID) tổ chức tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, nhân kỷ niệm lần thứ 67 “Ngày Nhân Quyền Quốc tế” hôm 10 tháng 12. RFA PHOTO/Ỷ Lan.
Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo Cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng tại Cuộc Hội luận do Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID) tổ chức tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, nhân kỷ niệm lần thứ 67 “Ngày Nhân Quyền Quốc tế” hôm 10 tháng 12. RFA PHOTO/Ỷ Lan.

“Đúng đấy, trước tiên do không biết tiếng Việt nên tôi luôn tỏ mình khiêm tốn. Tôi không đánh giá mọi sự. Tôi chỉ lắng nghe, tôi muốn nghe, nghe và nghe. Khi ta chấp nhận sự đa dạng một cách thành khẩn, thì điều đó có nghĩa là sự đa dạng không thể nào ngưng lại với hệ thống độc đảng. Tôi thì muốn nắm vững tính đa dạng, kể cả sự đa dạng nội tâm, đa dạng ngôn luận. Ví dụ đa số người Việt Nam theo một thứ đạo Phật, và vẫn có những Phật tử dám nói “không” — Chúng tôi không muốn chế độ độc đảng Công sản xâm phạm vào nội bộ Phật giáo. Họ yêu sách sự tự quản, và họ đã khổ sở trước những cuộc đàn áp dữ dội.

Tại sao tiếng nói của Phật giáo đồ Việt Nam bị nghiêm cấm? Tôi không thể nào nói tôi hiểu hết mọi sự, nhưng với một chút tối thiểu ta có thể nhận ra sự đa dạng. Không thể có sự đa dạng lặng câm, vì cần được tự do để diễn đạt tính đa dạng.

Và đây là điều mà chúng ta đi vào trọng tâm của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, lôi kéo theo sự tự do ngôn luận và tự do hội họp. Đó là điều tôi đòi hỏi một cách khiêm tốn, bởi tôi khó hiểu hết mọi sự.

Nhân quyền không là siêu văn hoá. Không. Nhưng nhân quyền đòi hỏi tự do biểu đạt tính đa dạng thực sự. Bản thân chúng ta khác biệt nhau, nên không ai có thể đòi hỏi mà không cho kẻ khác được quyền đòi hỏi như mình, tức chấp nhận sự khác biệt và biệt phái khác biệt, để cho tất cả các tiếng nói này có thể cùng cất lên. Nhưng đây không phải là trường hợp được hiện hữu tại Việt Nam. Hoàn toàn không có tại Việt Nam.”

Trả lời câu hỏi của Phóng viên Đài Á châu Tự do, rằng Quốc hội Châu Âu có đáng làm nơi kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế không? Tiến sĩ Heiner Bielefeldt trả lời:

“Đương nhiên. Tự thân Quốc hội Châu Âu đảm lãnh vai trò này. Hiện đang có Liên nhóm Dân biểu về Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Liên Âu cũng đã  thông qua bản bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”, và nay chúng ta đang thực hiện các cam kết ấy.

Chúng ta cần nhìn xem những gì đang xẩy ra trong các quốc gia như Việt Nam chẳng hạn, nơi ít ai chịu để ý. Những vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tại Việt nam, cũng như tại một số nước khác, thường rất bị xem thường, bị xem thường một cách có hệ thống. Vì vậy kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế là một chuyện, nhưng thực hiện các hứa hẹn mà chúng ta đưa ra là điều tối quan trọng.”

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự Do tại Quốc hội Châu Âu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.