Người H’mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp đưa ra khỏi thủ đô

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013.10.24
Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp buộc phải rời nhà thờ ra đi trong đêm mưa. Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp buộc phải rời nhà thờ ra đi trong đêm mưa.
Photos blog Nguyen Tuong Thuy

Nghe bài này

Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện cả tháng rồi vào đêm ngày 23 tháng 10 bị lực lượng chức năng trấn áp giải tán và đưa đi khỏi thủ đô.

Vây ráp trong đêm đưa đi

Thông tin truyền tải trên mạng Internet trong những ngày qua cho biết có một nhóm đồng bào người H’mông mấy chục người từ 4 tỉnh phía Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang xuống Hà Nội khiếu kiện phải sống vật vạ tại Vườn hoa Mai Xuân Thưởng như những dân oan các tỉnh khác lâu nay phải bám trụ tại đó để tiếp tục khiếu kiện.

Một số người hảo tâm tại Hà Nội đã đến giúp đỡ cho họ trong suốt những ngày qua.

Thế nhưng đến đêm 23 tháng 10, lực lượng chức năng đã đến và đưa họ đi.

Một phụ nữ trong đoàn khi đang trên xe mà không biết bị đưa đi đâu, trả lời qua điện thoại kể lại chuyện bị bắt đưa đi như sau:

Người ta đến đánh, dùng roi điện giật bà con. Họ là công an thành phố kết hợp với công an trên tỉnh, họ có người mặc sắc phục, có người không. Bà con cầm tay nhau, những người bên trong thoát, nhưng phía ngoài lăn ra đất hết. Họ lôi ra xe buýt, đưa về đàn áp tại chỗ tiếp công dân. Sau đó đưa lên xe về Cao Bằng, có ba xe. Khi lên xe, tôi thấy một người nằm tại đống rác là các chiếu mà bà con Hà Nội cho dùng tạm, người đó không còn tính mạng nữa rồi!

Người ta đến đánh, dùng roi điện giật bà con. Họ là công an thành, công an trên tỉnh, họ có người mặc sắc phục, có người không. Bà con cầm tay nhau, những người bên trong thoát, nhưng phía ngoài lăn ra đất hết..Khi lên xe, tôi thấy một người nằm tại đống rác...người đó không còn tính mạng nữa rồi!

Một phụ nữ H'mong

Blogger Lê Thiện Nhân tại Hà Nội, người hay tin số người H’Mong bị đưa đi đã đến và kể lại những điều chứng kiến vào tối 23 tháng 10 như sau:

Khi nghe tin, tôi sang vườn hoa Mai Xuân Thưởng, lúc đó họ đã dọn hết đồ đạc của bà con quăng lên xe và đưa đi đâu không biết. Còn bà còn thì họ đưa về số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Khi chúng tôi xuống, công an giăng barrier- hàng rào sắt chặn hai đầu phố Ngô Thì Nhậm không cho ai ra vào cả. Một bà con bên trong báo qua điện thoại nói họ đưa bà con lên ba xe Cao Bằng chở đi đường khác. Khi tiếp cận gần nhất khoảng 50 mét, chúng tôi chỉ thấy ba xe nữa chở bà con đi Cao Bằng. Họ bủa vây rất kỹ không thể có thêm thông tin gì. Người đưa tin ra thì sự quan sát không tốt, lời nói cũng khó nghe.

Một số người  H'Mong bị đánh hôm 15/10, ông Dương Văn Phùng và cháu Hoàng Thị Vàng được đưa vào điều trị tại bệnh viện quận Hà Đông. Photos Blog Nguyen Tuong Thuy
Một số người H'Mong bị đánh hôm 15/10, ông Dương Văn Phùng và cháu Hoàng Thị Vàng được đưa vào điều trị tại bệnh viện quận Hà Đông. Photos Blog Nguyen Tuong Thuy
Photos Blog Nguyen Tuong Thuy

Lý do khiếu kiện

Chị phụ nữ người H’Mong cho biết lại lý do vì sao họ phải về Hà Nội khiếu kiện:

Bà con H’mong chúng tôi thời xa xưa khi ông bà chết phải treo xác trên nhà bảy ngày, bảy đêm; rồi phải giết trâu, giết bò cúng ma. Khổ quá, nên đến năm 1989 có anh Dương Văn Minh đứng lên dạy bảo bà con chúng tôi hết thế kỷ rồi phải bỏ ma, hướng về Chúa Trời thôi. Phải bỏ kèn, bỏ trống, chết phải bỏ kèn trống…Lấy Thập Ác để tiễn đưa linh hồn. Bà con đã thay đổi được 25 năm và có cuộc sống văn minh. Đến năm 2007, bà con dựng một nhà nhỏ chừng 2 mét vuông để đồ tang lễ, khi có người mất đem ra sử dụng. Nhưng người ta bảo làm thế là trái pháp luật và bắt bà con chúng tôi phải trở về phong tục cổ hủ, lạc hậu ngày xưa. Chúng tôi không đồng ý nên họ dùng lực lượng đến cưỡng chế, đánh đập bà con, nhà cửa tan nát.

Họ không treo xác chết trong nhà nữa theo phong tục của người H’mong, bây giờ họ làm một xe dạng nhà mồ để xác và đưa ra xa nơi ở. Chính quyền địa phương không cho phép mà bắt người dân tộc H’mong phải theo phong tục cổ hũ ngày xưa.

Blogger Lê Thiện Nhân

Blogger Lê Thiện Nhân, người tiếp xúc với số người H’mong trong thời gian ở Hà Nội nói lại điều được chính những người đi khiếu kiện cho biết:

Nguyên nhân khiếu kiện là họ muốn thay đổi, có nếp sống mới. Một bác lớn tuổi hướng dẫn họ không treo xác chết trong nhà nữa theo phong tục của người H’mong, bây giờ họ làm một xe dạng nhà mồ để xác và đưa ra xa nơi ở. Chính quyền địa phương không cho phép mà bắt người dân tộc H’mong phải theo phong tục cổ hũ ngày xưa. Chúng tôi không biết vì sao chính quyền lại không cho người dân tộc H’mong thực hiện điều đó; nhưng theo suy đoán thì đây là một trong những biện pháp nhằm ngu dân của họ. Theo đơn của bà con Cao Bằng họ ghi rõ lẽ ra phải cho phép thực hiện những điều theo nếp sống mới, thế nhưng lại không cho. Thay vì giải quyết cho người dân, thì họ lại đàn áp và phá những nhà mồ đó của bà con.

Nguyện vọng người dân

Người phụ nữ H’Mong cho biết nguyện vọng của họ:

Nguyện vọng của bà con được sống tự do, cuộc đời xã hội văn minh. Điều nữa là mong Đảng, Nhà nước trả lại công bằng và tiếng tăm cho anh Dương Văn Minh.

Blogger Lê Thiện Nhân bày tỏ quan ngại số người dân tộc H’Mông bị đưa đi như thế khi về quê nhà sẽ bị sự đàn áp từ chính quyền địa phương:

Chúng tôi rất lo ngại khi về lại địa phương họ lại dùng những biện pháp vũ lực để hành hung bà con. Bà con người H’mong ở Cao Bằng có nói chuyện là chính quyền họ không đồng ý cho bà con làm mồ của người chết, họ xông vào đánh rất dữ, họ đe dọa nếu xuống Hà Nội và quay lại sẽ bị đánh tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không có phương án nào cả.

Một thông tin chưa được kiểm chứng là trong đợt truy quét đưa người H’Mong đi vào tối ngày 23 tháng 10, có người bị đánh đến ngất đi và có thể đã tử vong.

Tuy nhiên mọi sự tiếp cận số người H’mong về Hà Nội khiếu kiện đều bị lực lượng chức năng chặn lại, các phương tiện liên lạc với họ đều rất khó khăn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.