Hình ảnh Hồ Chí Minh và những biểu ngữ tuyên truyền cộng sản trong những cuộc biểu tình dân sinh

Kính Hòa RFA
2017.12.06
000_Hkg9880395 Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2014, với hình ảnh ông Hồ Chí Minh.
AFP

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng việc thu phí tại Cai Lậy trong vòng 1 đến 2 tháng, nhiều người dân đã ăn mừng với những hình ảnh ông Hồ Chí Minh và những bài hát ca ngợi ông cũng như ca ngợi Đảng Cộng sản.

Sự việc tương tự cũng hay được nhận thấy trong các đoàn biểu tình đòi đất của nông dân, hay của những người dân đô thị chống Trung Quốc.

Thói quen và tuyên truyền

Việc đem ảnh ông Hồ Chí Minh ra trưng bày, kèm theo quốc kỳ Việt Nam, có khi cả cờ Đảng cộng sản nữa, được một số ý kiến cho là một thói quen của nước Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản cai trị cho đến nay. Một trong những ý kiến đó là của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội sống ở Hà Nội.

Họ đã quen với cái cách ăn mừng như thế rồi, 40 chục năm qua họ được dạy dỗ rằng khi vui thì làm như vậy, và nó gần như là một chuyện nghi thức, không có nhiều ý nghĩa lắm. Câu hát ấy nó có nghĩa gì không? Nó thuần túy là chuyện thói quen.”

Những hình ảnh này người ta cũng dễ dàng nhìn thấy ở các đám đông ăn mừng trên các đường phố Sài Gòn hay Hà Nội, mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng một trận nào đó.

Người ta hiểu, và đó là một cách để người ta bảo vệ chính người ta, trong một cuộc thực sự là sống mái.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một cựu tù nhân chính trị, từng tham gia vào nhiều cuộc biểu tình đòi đất của nông dân, lại cho rằng những hình ảnh đó được nhiều người dân Việt Nam coi trọng thực sự chứ không phải hoàn toàn là hình thức:

“Con người, nhất là người Việt Nam mình có tư duy bị ăn vào quá sâu, thì rất là khó trong một ngày một giờ. Trong cái đất nước Việt Nam này, dưới chế độ cộng sản thì toàn bộ lịch sử bị bưng bít, những sự thật bị xuyên tạc. Từ chổ đó hình ảnh ông Hồ được phong thánh trong lòng người dân rồi. Không phải chỉ có những chổ ấy đâu, mình lên đền lên chùa thấy họ để ảnh họ thờ. Sự thật là như vậy.”

Theo thống kê dân số mới nhất hiện nay thì tổng số dân Việt Nam hơn gấp đôi tổng số dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc vào năm 1975 khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tức là có hơn phân nửa người Việt Nam sinh ra sau năm 1975 trên cả nước, cộng với số người ở miền Bắc sinh ra sau năm 1954 khi đảng cộng sản lên cầm quyền, thì có thể nói rằng số người Việt Nam sinh ra và lớn lên dưới chế độ hiện nay rất lớn. Những người này được học hành và tuyên truyền hoàn toàn bởi bộ máy của nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cái vỏ bảo vệ

Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng trong những cuộc đấu tranh cho dân sinh, như là đòi đất, chống trạm thu phí lạm thu, bảo vệ môi trường, nhiều người cũng hiểu là những hình ảnh và biểu ngữ theo kiểu tuyên truyền của chế độ không có liên quan gì đến việc họ đang làm:

Họ hiểu những nội dung đó chứ không phải không. Họ trương cái nội dung đảng thế này đảng thế nọ, người ta hiểu, và đó là một cách để người ta bảo vệ chính người ta, trong một cuộc thực sự là sống mái, bởi vì nếu người ta dùng những lời lẽ nặng nề khác chẳng hạn, thì có thể bị đàn áp, hoặc qui là thế này thế kia.”

Một nhà quan sát từ nước ngoài là ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch phong trào Lao động Việt cũng đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông trả lời chúng tôi từ Úc, sau khi xem những hình ảnh ăn mừng của giới lái xe trong sự kiện BOT Cai Lậy:

Những người dân của mình đang vẫn còn ở trong cái vòng gọi là đàn áp. Họ không có điểm tựa nào khác hết. Thay vì dựa vào nhau, đoàn kết nhau, thì họ dùng đó như một tấm chắn để bảo vệ cho họ thôi. Những tấm chắn này không bảo vệ được họ lâu dài bằng lòng người, bởi sự đoàn kết của con người với nhau.

Họ không hiểu, họ vẫn nghĩ rằng Đảng tốt đẹp, Đảng quang vinh, Đảng không tham nhũng, cấp trên không tham nhũng mà chỉ có cấp dưới thôi.
-Anh Trịnh Bá Phương.

Cũng có ý kiến cho là khi những người nông dân đòi đất kèm với những biểu ngữ, hình ảnh ca ngợi những lãnh tụ cộng sản, cờ đảng, là có suy nghĩ rằng với những hình ảnh đó họ sẽ dễ dàng được hồi đáp từ các cấp chính quyền hơn. Anh Trịnh Bá Phương, một nông dân hay tham gia vào những cuộc biểu tình đòi đất cho biết:

“Họ không hiểu, họ vẫn nghĩ rằng Đảng tốt đẹp, Đảng quang vinh, Đảng không tham nhũng, cấp trên không tham nhũng mà chỉ có cấp dưới thôi, có những người cũng hiểu được nguyên nhân sâu xa, họ sử dụng những hình ảnh đó để tránh bị đàn áp, nhưng mà thời gian qua đã có quá nhiều người bị đàn áp rồi. Có đeo đầy huy chương, mặc áo lính, áo quân đội thì cũng bị bắt về đồn công an, vẫn bị cướp đoạt tài sản đất đai.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong một đám đông ở Việt Nam đang biểu tình, có thể bao gồm đến ba nhóm người. Nhóm thứ nhất là tung hô những biểu ngữ, hát những bài hát tuyên truyền của đảng theo thói quen. Nhóm thứ hai là những người hiểu rõ họ đang làm gì và dùng các biểu ngữ đó để bảo vệ mình. Nhóm thứ ba là những người vẫn tin tưởng ở đảng cộng sản.

Theo ông tỉ lệ những nhóm người này trong một cuộc biểu tình có thể thay đổi theo sự việc cụ thể mà họ đang biểu tình, ông lấy ví dụ là trong những người biểu tình đòi đất ở Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, đã từng bắt giữ hàng chục nhân viên công an làm con tin, thì những người ở nhóm thứ ba rất ít.

Trở lại với cuộc khủng hoảng Cai Lậy, anh Trịnh Bá Phương cho rằng có thể những biểu ngữ ca ngợi đảng, hình ảnh ông Hồ Chí Minh là được những nhóm người của nhà nước đưa ra:

Có giả thiết cho rằng là một số người thuộc lực lượng dư luận viên, an ninh chìm nổi cài cắm trong những người có mặt ở Cai Lậy, họ muốn sử dung luôn cái cơ hội đó, hát cái bài đó, họ muốn tuyên truyền nhồi sọ người dân. Bởi vì hiện nay Đảng đang mất lòng dân quá rồi, lực lượng phản tuyên truyền họ đang cài cắm khắp nơi để tiếp tục lòe bịp nhân dân.

Dư luận viên là tên gọi chỉ những người thường xuyên lên tiếng ủng hộ những chính sách hay hành động của đảng cộng sản. Có ý kiến cho rằng những người này lĩnh lương của Đảng Cộng sản để làm việc tuyên truyền, nhưng một số người được cho là Dư luận viên phủ nhận điều này.

Một lái xe có tham gia vào việc phản kháng ở Cai Lậy là anh Đỗ Coca cho biết nhận xét của anh về những hình ảnh vui mừng với các biểu ngữ của đảng:

“Các bạn làm cái ngày hôm đó ý nghĩa ra sao mình cũng không hiểu. Cái việc đem ảnh Bác Hồ ra trong “trận chiến” BOT Cai Lậy nó không thực tế. Có cái gì ghê gớm đâu mà như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.”

Khi được hỏi là có phải những người biểu tình đưa hình ảnh ông Hồ Chí Minh, hay những khẩu hiệu ca ngợi đảng ra để tránh bị đàn áp, thì anh trả lời rằng anh biểu tình một cách ôn hòa, không vi phạm pháp luật thì không có việc gì phải sợ đàn áp.

Nói về những người hay trưng hình ảnh ông Hồ Chí Minh, hay những biểu ngữ ủng hộ Đảng Cộng sản trong những cuộc biểu tình đòi dân sinh, Bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết:

Mình không nên lên án. Cá nhân mình phản đối những ai lên án cái việc đó. Hãy nhìn vào việc làm. Những tài xế và những người dân đã khá thành công trong việc đòi hỏi quyền lợi sát sườn của họ.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì nói rằng nếu nhìn từ bên ngoài Việt Nam có thể sẽ có nhận định rằng người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng quá lâu của sự tuyên truyền cộng sản, nhưng theo ông “phải sống trong nước Việt Nam thì mới hiểu rõ những khó khăn của những cuộc biểu tình đòi dân sinh đó như thế nào.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.