Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội


2017.04.20
000_9K6Y1.jpg Dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh là chuyện rất bình thường đối với người dân Việt Nam hiện nay.
AFP photo

Trong xu thế dân chúng tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều và qua công cụ livestream của Facebook, các cư dân mạng dùng để tiếp cận thông tin thực tế cũng như bày tỏ chính kiến của mình một cách hiệu quả đến cộng đồng. Câu hỏi đặt ra là văn hóa ứng xử trên mạng xã hội có tác động như thế nào đến quá trình dân chủ hóa ở quốc gia này?

Khoảng vài năm trước đây, dân chúng trong nước còn khá bỡ ngỡ mỗi khi nghe thông tin có người bị tuyên án tù vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” chỉ vì những người này bày tỏ chính kiến của họ về hiện tình đất nước trên các trang mạng xã hội. Mặc dù không ít người gánh tội và chịu cảnh tù đày theo các Điều 88, 258, 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Đình Ngọc, Nhạc sĩ Việt Khang…nhưng xu thế mạng xã hội được sử dụng một cách phổ biến và lan rộng khắp Việt Nam trong vòng 5 năm qua được ghi nhận phát triển một cách mạnh mẽ.

Bây giờ người dân tập trung vào những người thật sự có tầm, có lý luận với ngôn từ rất đàng hoàng và lô-gích, chứ không chửi bậy, chửi bạ nữa.
- Khúc Thừa Sơn

Kể từ khi Facebook có ứng dụng livestream, cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam sử dụng như là một công cụ hữu hiệu để chuyển tải thông tin trực tiếp về các sự kiện hay vụ việc xảy ra mà đa số không được các kênh truyền thông chính thống do nhà nước quản lý đăng tải. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người mạnh dạn, công khai bày tỏ chính kiến của mình xoay quanh đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội không chỉ diễn ra ở trong nước mà rộng khắp toàn cầu.

Khoảng cách không gian và thời gian dường như không còn bị rào cản nào do qua việc livestream trên Facebook, người tham gia có thể đăng tải hình ảnh một cách chính danh và trung thực hơn, diễn đạt ý kiến một cách sống động cũng như giao lưu trực tiếp với người xem. Và tương tác này thu hút rất nhiều cư dân mạng quan tâm hơn trong việc xây dựng xã hội được tiến bộ và văn minh. Lên tiếng nhận xét với Đài Á Châu Tự Do liên quan phong trào sử dụng livestream ở Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm Đinh Nhật Uy cho biết:

“Vấn đề livestream đã trở nên coi như là bình dân trong những người sử dụng Facebook rồi. Hầu như ai sử dụng Facebook đều cũng biết đến livestream và livestream luôn thu hút mọi người. Dĩ nhiên là có nhiều thành phần và đối tượng sử dụng chức năng này của Facebook. Nó khác với chúng ta làm một video và có biên tập chặt chẽ. Tùy từng người và trình độ hay chuyên môn khác nhau mà nhiều người có thể diễn đạt một cách trôi chảy, ngôn từ gọn gàng sạch sẽ hoặc những người sử dụng từ ngữ đôi khi mang tính chất ‘chợ búa’ và lời lẽ hay động thái không được trau chuốt cho lắm. Điều này cũng là tất yếu khi đã trở thành vấn đề thông dụng rồi.”

facebook, mạng xã hội thông dụng hiện nay.
facebook, mạng xã hội thông dụng hiện nay.
AFP photo

Anh Đinh Nhật Uy cùng một số những người dấn thân vì tiến trình dân chủ hóa quốc gia, nhấn mạnh với RFA công cụ livestream trên Facebook đóng vai trò tích cực và rất hiệu quả, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, hiểu biết cũng như nhận thức về các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến để từ đó nâng cao ý thức hơn trong việc quan tâm đến xã hội và góp phần thay đổi xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận có những người livestream với ý tưởng và lời lẽ được cho là không phù hợp cũng như gây ảnh hưởng không tốt cho phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Chúng tôi liên lạc với cô Lisa Pham, một nhân vật thường xuyên livestram với chương trình có tên “Khai Dân Trí” và được rất nhiều cư dân mạng ở Việt Nam theo dõi. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng cách thức chia sẻ thông tin của mình bị nhiều người chỉ trích là không phù hợp theo tiêu chí ứng xử văn minh, cô Lisa Pham nói:

“Đa số người dân trong nước là những người bình dân, tôi nói không phải cần trau chuốt, chuẩn bị hoặc phải làm màu mè giống như những đài tuyền hình, đài phát thanh, là các dụng cụ của Đảng (Cộng sản Việt Nam) để cố tình người ta làm màu mè với mục đích tuyên truyền chế độ. Ở đây tôi nói chuyện rất bình dân để tất cả tầng lớp bình dân tại Việt Nam nghe và hiểu được. Chuyện đó tôi nghĩ rằng là điều đương nhiên và đó cũng là sở thích của tôi.”

Ở đây tôi nói chuyện rất bình dân để tất cả tầng lớp bình dân tại Việt Nam nghe và hiểu được.
- Cô Lisa Pham

Trao đổi với một vài người thường xem những livestream trực tiếp của cô Lisa Pham và của một vài người khác qua cách trình bày với những ngôn từ bị cho là “chửi bới thô tục”, họ cho biết những người này đã nói thay sự bức xúc của họ đối với chính quyền lãnh đạo Việt Nam và đó là lý do tại sao họ thích theo dõi các livestream này. Thế nhưng, số lượng những người xem các dạng livestream như thế được cho là có chiều giảm xuống. Một cư dân mạng ở Đà Nẵng, anh Khúc Thừa Sơn, cho biết ghi nhận và quan điểm cá nhân đối với xu hướng vừa nêu:

“Ở khu vực của em nghe còn rất nhiều. Thế nhưng hiện tại, số lượng theo dõi bảo đảm là giảm bởi vì họ cảm thấy không còn hợp nữa. Những lời thô tục không có lợi cho phong trào Việt Nam. Cho nên ít nghe. Bây giờ người dân tập trung vào những người thật sự có tầm, có lý luận với ngôn từ rất đàng hoàng và lô-gích, chứ không chửi bậy, chửi bạ nữa. Mạng xã hội đã tiến lên một bước rồi.

Mạng xã hội không còn là ảo mà đã đi vào cuộc sống đời thực của người dân, gắn bó với người dân và rất là quan trọng và thiết yêu đối với người dân. Cho nên mỗi hoạt động của mình trên mạng xã hội cần phải kín kẽ và thận trọng vì trang Facebook không phải là trang cá nhân của mình nữa mà trang của cả cộng đồng và mỗi lời nói của mình có tác động rất lớn.”

Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ chính kiến là các quyền căn bản được Liên Hiệp Quốc công nhận nên khó có thể mặc định thế nào nên hay không nên. Và như ý kiến của cư dân mạng Khúc Thừa Sơn vừa được trích dẫn, cộng đồng sử dụng mạng xã hội cho rằng có lẽ mỗi người cần tự nhắc nhở tiếng nói cá nhân của mình sẽ tác động không nhỏ trong tiến trình dân chủ của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.