Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông- CoC, có còn thực sự cần thiết?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.10.21
Trung Quốc và bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông- CoC (minh họa) Trung Quốc và bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông- CoC (minh họa)
Courtesy asean-investor.com

Một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông- CoC, từng được cho là một trong những giải pháp giúp giải quyết tình hình tranh chấp chủ quyền tại khu vực biển giữa 6 nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cho đến lúc này sự hình thành một bộ quy tắc ứng xử như thế ra sao? Và thực sự nó có cần thiết hay không khi mà Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm những cam kết quốc tế lâu nay như DoC…?

DoC đến CoC

Các nước ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002 đã ký kết với nhau Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông, goi tắt là DoC. Tuyên bố 10 điểm với điểm cuối nêu rõ : “Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này

Trung Quốc chần chừ

Tuy nhiên cho đến nay chỉ mới có những cuộc họp để bàn việc các bên ngồi lại nhằm có thể nói chuyện về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn so với DoC.

Một chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp chỉ ra thái độ từ phía Trung Quốc đối với CoC:

CoC theo tôi nghĩ hiện tại không có gì tiến triển: lý do chính là Trung Quốc đang cố gắng câu giờ. Một mặt họ cũng thể hiện sự tiến triển của phía họ, nhưng mặt khác họ cũng cố tình kéo dài quá trình đàm phán để không hình thành ra được một CoC như các nước ASEAN muốn. Tại vì Trung Quốc là một cường quốc đang lên và có tham vọng bành trướng tại Biển Đông nên họ không muốn bị ràng buộc bởi các qui định pháp lý mà một CoC có thể mang lại và hạn chế sự tự do hành động của họ.

Tương lai lâu dài của CoC theo tôi nghĩ là triển vọng khó khăn, trừ trường hợp mà có sự thay đổi đột biến trong chính sách và cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tuy nhiên tôi nghĩ điều đó cũng khó xảy ra.”

Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, tiến sĩ Trần Công Trục, từ Hà Nội, cũng có một số ý kiến liên quan tiến trình hình thành CoC như sau:

CoC theo tôi nghĩ hiện tại không có gì tiến triển: lý do chính là Trung Quốc đang cố gắng câu giờ. Một mặt họ cũng thể hiện sự tiến triển của phía họ, nhưng mặt khác họ cũng cố tình kéo dài quá trình đàm phán để không hình thành ra được một CoC như các nước ASEAN muốn

tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

“Tôi nghĩ rằng đối với các nước khu vực Đông Nam Châu Á và cả một số quốc gia khác trên thế giới muốn các bên cùng ngồi lại để đưa ra một bộ qui tắc ứng xử có giá trị pháp lý cao hơn so với tuyên bố đã được ký kết trước đây. Rõ ràng những nước trong khu vực Đông Nam Châu Á rất thành tâm. Đây là biện pháp có thể khống chế được những mầm mống của sự tranh chấp. Rất thành tâm, rất mong muốn điều đó; nhưng phía Trung Quốc theo tôi nghĩ họ một mặt vẫn nói sẵn sàng đàm phán CoC, nhưng trong thực chất họ không muốn làm. Bởi vì sao? Bao giờ mà các nước trong khu vực và trên thế giới thừa nhận ra yêu sách phi lý về đường lưỡi bò, thì lúc bấy giờ chắc chắn CoC mới có thực tiễn đi đến đúc kết được. Chứ còn nếu cứ cho đó là một yêu sách đối trọng của Công ước Luật Biển thì rõ ràng Trung Quốc sẽ còn muốn tìm cách kéo dài. Và họ đẩy mạnh trong thực tế tất cả những hoạt động khác cũng như trên phương tiện dư luận bằng mọi kênh khác nhau để họ giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách vô lý của họ. Khi nào đường lưỡi bò được thừa nhận ngang hàng với những yêu sách khác thì mới có kết quả và điều đó rất khó khăn.”

Trong thực tế lâu nay Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông mà thôi. Giới quan sát cho rằng đây là thủ pháp bẻ đũa từng chiếc một.

Tiến sĩ Trần Công Trục nói về thái độ của Trung Quốc trong vấn đề đàm phán và cách thức ứng phó của Việt Nam và thế giới:

“Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo và họ quyết tâm làm bằng được những bước mà họ đã bố trí. Theo tôi nghĩ không phải vì thế mà họ không tính đến phản ứng của dư luận quốc tế. Chính vì thế mà họ trên phương diện ngoại giao và dư luận, họ tìm cách mua chuộc, ru ngủ mọi người bằng cách nói là những công trình được làm ra để phục vụ nhân đạo, phục vụ cho việc đi lại, Họ cố hết sức để làm điều đó. Có nước nhận thức ra nhưng không phải tất cả các nước nhận thức ra vấn đề đó. Cho nên tiếng nói mạnh mẽ, thống nhất trong khu vực cũng như trên quốc tế theo tôi cần phải làm mạnh hơn nữa. Điều mà Trung Quốc rất ngại là sự phản ứng của quốc tế, sự đoàn kết quốc tế. Trung Quốc chủ trương không quốc tế hóa vấn đề. Họ chỉ muốn đàm phán song phương chứ không muốn đàm phán song phương chính vì họ có những điểm yếu về phương diện pháp lý, chân lý.

Theo tôi thấy hiện nay CoC là công cụ để Trung Quốc mặc cả với từng nước ASEAN. Đó chính là công cụ để TQ dựa vào đó mà kéo dài thời gian đàm phán để thực thi mưu đồ của họ trên Biển Đông. Chúng ta thấy rõ CoC không phải mới bàn đây; nhưng TQ đã tôn tạo xong 7 đảo, thì bao giờ CoC mới xuất hiện?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Tôi nghĩ chúng ta phải kiên trì hơn nữa để cùng nhau có một tiếng nói thống nhất. Đặc biệt phải có những hành động thực tế chứ không phải chỉ những tuyên bố ‘quan ngại’ với phía Trung Quốc; mà phải có những hành động cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ làm cho các bước của Trung Quốc sẽ có hạn chế và cũng có thể đẩy lùi tham vọng của họ.” 8-9.35

Thiếu hiệu quả

Trước những hành động hiện nay trên thực địa như việc cho gấp rút tiến hành bối lấp, cải tạo những bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo với những căn cứ trên đó, thì có những ý kiến cho rằng biện pháp như lâu này đối với Trung Quốc là không hiệu quả.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đưa ra nhận định về giải pháp CoC như sau:

“ Theo tôi thấy hiện nay CoC là công cụ để Trung Quốc mặc cả với từng nước ASEAN. Đó chính là công cụ để Trung Quốc dựa vào đó mà kéo dài thời gian đàm phán để thực thi mưu đồ của họ trên Biển Đông. Chúng ta thấy rõ CoC không phải mới bàn đây; nhưng Trung Quốc đã tôn tạo xong 7 đảo, thì bao giờ CoC mới xuất hiện? Nếu CoC xuất hiện, có cam kết, có ràng buộc rồi thì việc chế tài hay phản ứng của ASEAN khi mà Trung Quốc tiến hành thêm những tham vọng của họ trên Biển Đông?

Chúng ta thấy rằng việc Trung Quốc đã phát biểu cách đây hơn 30 năm, Đặng Tiểu Bình nói rằng ‘chủ quyền thuộc ngã’, gác tranh chấp để cùng nhau khai thác. Đó là nguyên tắc bất biến của Trung Quốc. Chúng ta không bao giờ tin vào thiện chí và phát biểu hoa mỹ của Trung Quốc mà phải nhìn vào hành động của họ. Do đó hiện nay ASEAN cần phải cảnh giác, cảnh giác cao độ và trước mắt ASEAN phải ngồi lại với nhau giải quyết trong nội bộ ASEAN vấn đề tranh chấp trong nội bộ của ASEAN. Ngày nào mà ASEAN không giải quyết được tranh chấp trong nội bộ của mình thì đừng hòng giải quyết với Trung Quốc.”

Bài học lịch sử trước đây và thực tế hiện nay cho thấy mộng bá quyền của Trung Quốc rất lớn và xuyên suốt. Giấc mộng thôn tính đó chỉ bị đánh tan khi có sự đoàn kết của người dân và cộng đồng chịu chung cảnh ngộ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.