Phụ nữ VN được chăm sóc sức khỏe như thế nào?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.03.16
000_Hkg4048358 Phụ nữ mang thai chờ đợi để kiểm tra y tế tại một trung tâm chăm sóc y tế địa phương tỉnh An Giang
AFP photo

Chính phủ và Bộ Y Tế VN nói rằng rất chú trọng đến công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân; đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Hiệu quả của các chương trình chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ ở VN thời gian qua như thế nào?

Hồi tháng 3 năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết với Bộ Y Tế về Chương trình “Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014-2020”, trong đó các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương tập trung vào nữ giới. Với mục tiêu phổ cập kiến thức để người phụ nữ nhận thức về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bản thân, thời gian qua nhiều chương trình được thực hiện để cung cấp thông tin liên quan đến “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”, “Kế hoạch hóa gia đình”, “Kiến thức về sức khỏe sinh sản”, “An toàn thực phẩm”, “Phòng, chống HIV/AIDS”… Mặc dù các cơ quan ban ngành Y tế nỗ lực tổ chức nhiều phong trào tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bằng các hình thức khác nhau, kể cả qua phương tiện truyền thông đại chúng nhưng kết quả của nhiều cuộc khảo sát cho thấy đa phần nữ giới còn thiếu hiểu biết hay không có sự hiểu biết tận tường về tầm quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc cũng như cải thiện sức khỏe của mình.

Trước giờ mua Bảo hiểm Y tế trong trường mà cũng chưa sử dụng đến thẻ bảo hiểm vì vào bệnh viện khám này nọ xếp hàng cũng lâu lắm.
- Bạn Mai

Kể từ khi VN ban hành Luật Bảo hiểm Y tế quy định toàn dân phải tham gia bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng năm 2015, học sinh sinh viên bắt buộc phải có bảo hiểm y tế. Bạn Mai, nữ sinh viên đại học năm 2, ở TP.HCM cho biết từ năm ngoái ngoài tiền học phí bạn còn phải đóng bảo hiểm y tế hơn 1 triệu đồng cho một năm học:

“Nói chung là trường không bắt buộc phải mua bảo hiểm của trường. Ai có bảo hiểm ở ngoài thì thôi nhưng ai không có thì phải mua y tế Bảo hiểm Bảo Việt, tính theo một học kỳ 6 tháng đóng khoảng năm trăm ba mươi mấy nghìn”.

Qua trao đổi với một số sinh viên nữ ở các trường Đại học khắp Bắc-Trung-Nam, Đài ACTD ghi nhận chính sách bảo hiểm y tế toàn dân không giúp thay đổi nhận thức của họ trong việc chăm sóc sức khỏe vì họ chưa bao giờ được tham dự bất kỳ các hội thảo nào về sức khỏe được tổ chức ở trường cũng như không mấy ai sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Bạn Mai chia sẻ thêm:

“Trước giờ mua Bảo hiểm Y tế trong trường mà cũng chưa sử dụng đến thẻ bảo hiểm vì vào bệnh viện khám này nọ xếp hàng cũng lâu lắm. Cảm, ho, sổ mũi thông thường thì đi bác sĩ tư ở ngoài hoặc mua thuốc về uống. Vậy thôi”.

Một phụ nữ thu hoạch su hào hôm 6/1/2016 tại ngoại thành Hà Nội. AFP photo
Một phụ nữ thu hoạch su hào hôm 6/1/2016 tại ngoại thành Hà Nội. AFP photo
Một phụ nữ thu hoạch su hào hôm 6/1/2016 tại ngoại thành Hà Nội. AFP photo

Dù đang ở lứa tuổi trưởng thành, kiến thức y tế quan trọng là bảo vệ sức khỏe trong các mối quan hệ tình cảm hay trong hôn nhân gia đình nhưng hầu hết thanh niên nữ giới cho rằng họ không cần thiết phải tìm hiểu mà chuyện đến đâu thì hay đến đó. Một số nữ sinh viên đại học, khi trả lời câu hỏi này đều cho biết đôi khi có nghĩ đến muốn tìm hiểu nhưng không biết bắt đầu từ đâu và đi đến nơi nào để được tiếp cận những thững thông tin như vậy.

Theo các chuyên gia y tế ở VN, chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc hỗ trợ rất nhiều trong việc khám, chữa bệnh đối với công nhân viên chức hay nhân viên công ty hoặc giới công nhân. Chính sách này được đánh giá đóng vai trò tích cực cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt dành cho nữ giới ở lứa tuổi trung niên. Tuy nhiên trong thực tiễn, những phụ nữ làm việc ở các công ty cho biết dù được đi khám định kỳ một năm 2 lần với mục đích chủ động phát hiện bệnh và điều trị kịp thời nhưng đối với họ chỉ là hình thức và mang tính chiếu lệ mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên vệ sinh của 1 trường mầm non tư nhân ở Sài Gòn nói với RFA lương tháng của bà được tăng lên 3,5 triệu đồng theo mức quy định tối thiểu để được mua bảo hiểm y tế. Trả lời câu hỏi có cảm thấy phấn khởi khi được tăng lương cũng như lợi ích chăm sóc sức khỏe được quan tâm hơn hay không, bà Tuyết cho biết:

“Tôi không biết phấn khởi hay không nhưng như hôm tôi đi khám theo định kỳ thì họ lùa vô, leo lên rồi đo, rồi cân. Xong thì leo xuống rồi nhìn làn da, rồi đi ra kêu hả họng. Họ nhìn vô lưỡi và hỏi ‘chị có bị đau răng, đau họng không?’. Vậy là xong. Đâu có khám gì nhiều đâu”.

Bà Tuyết cũng như các nữ nhân viên có đời sống kinh tế trung bình hoặc thấp trong xã hội hầu như cho rằng họ không mấy quan tâm đến ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe dù có thẻ bảo hiểm y tế trong tay. Họ cho biết phải vất vả mưu sinh lo cho gia đình nên khi lỡ ngã bệnh thì buộc phải khám chữa bệnh chứ không nghĩ đến việc tìm hiểu kiến thức phòng tránh bệnh tật và nâng cao sự tự giác bảo vệ giữ gìn sức khỏe.

Nói đến bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh, giới chức y tế các tỉnh, thành cố gắng thực hiện kế hoạch hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS trong nhiều năm. Cuối năm 2015, phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS được phát động rầm rộ với chủ đề “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” . Với tinh thần hưởng ứng chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015 cùng với chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, cộng đồng dân cư được kêu gọi cùng tham gia. Mặc dù vậy, thành phần chính là những phụ nữ hoạt động trong lãnh vực mại dâm lại không tiếp cận được các chương trình hoạt động này. Tiếp xúc với chúng tôi qua điện thoại, những cô gái làm việc ở các tiệm karaoke hay những người được gọi là “bướm đêm” cho biết họ cảm thấy tủi thân khi làm những công việc này và áy ngại đến cơ quan y tế để nhận được sự hướng dẫn về kiến thức cũng như hỗ trợ trong việc phòng, chống HIV/AIDS.

Một trong những chương trình chăm sóc y tế được đặc biệt chú trọng là “Chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em” trong vùng thiên tai và khu vực dân tộc thiểu số. Chúng tôi liên lạc với một số phụ nữ ở các vùng này và được biết đời sống sức khỏe của họ vẫn theo tập quán “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nhiều người trong số họ nói rằng khi đau thì cố chịu đựng vì không có tiền cũng như không có điều kiện đến trạm xá và nhiều lúc những viên thuốc tây dược là cái gì đó thật xa xỉ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.